Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 36 từ ngày 02/9 đến 08/9/2019: Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh đập, doạ giết trong khi chờ phiên toà phúc thẩm

Người Bảo vệ Nhân quyền  | ngày 08/9/2019

 

Nhà cầm quyền tỉnh Bến Tre đang tra tấn tinh thần và thể xác của nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, sử dụng tù hình sự để đánh đập anh và liên tục đe doạ giết anh trong thời gian anh bị giam giữ ở Trại tạm giam công an tỉnh để chờ phiên toà phúc thẩm.

Việc tra tấn này nhằm mục đích ngăn cản anh kháng cáo bản án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên toà ngày 24/6. Anh cho biết những người tù khác cũng bị đàn áp sau khi nói chuyện với anh, với kết qủa là một người không chịu được sức ép phải tự sát còn một người khác bị đánh sưng hết mặt và rất khó để tiếp nhận thức ăn. Công an tỉnh cũng chưa cho phép Ánh được tiếp xúc với luật sư để chuẩn bị bản bào chữa cho dù có lời đề nghị từ anh và gian đình trong nhiều tháng qua.

Trong khi đó, công an thành phố Hồ Chí Minh đang cố gắng thuyết phục kèm đe doạ đối với nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng để cô không sử dụng luật sư trong phiên toà sắp tới. Cô là một trong 7 thành viên của nhóm Hiến Pháp bị bắt đầu tháng 9 năm ngoái với cáo buộc nguỵ tạo “gây rối an ninh” theo Điều 109 của Bộ luật hình sự chỉ vì tham dự biểu tình ở Sài Gòn vào ngày 10/6/2018. Cũng như các thành viên khác như Ngô Văn Dũng, Hồ Văn Cương, Trần Thanh Phương, Ngô Thế Hoá, Trần Thị Ngọc Hạnh và Hoàng Thị Thu Vang, Hồng bị biệt giam và chỉ mới được gặp gia đình gần đây. Họ bị đối mặt với mức án tù dài hạn từ 7 đến 15 năm tù nếu bị kết án.

Ngày 06/9, Ân xá Quốc tế ra lời kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế viết thư ngỏ đến Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trả tự do cho cô Hồng và cung cấp điều trị y tế cho cô trong thời gian còn bị giam giữ.

Hai nhà hoạt động trẻ tuổi Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi đã từ chối kháng cáo, cho rằng Việt Nam không có toà án công minh tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế về một phiên toà công bằng. Hai anh đã bị chuyển đi Trại giam Bố Lá và sẽ bị chuyển đi nơi khác để thụ án tù 10 năm và 8 năm tương ứng sau phiên toà ngày 24/6 của Toà án Nhân dân thành phố HCM. Hai người khác trong cùng vụ án, công dân Hoa Kỳ Michael Minh Phương Nguyễn và ông Huỳnh Đức Thịnh, bố của Bình, đã kháng lại bản án 12 năm và 1 năm.

Chị Phạm Thị Ngọc Hạnh và anh Trần Nguyễn Duy Quang đã được trả tự do ngày 08/9 sau 15 tháng tù giam chỉ vì tham gia biểu tình ôn hoà ở Biên Hoà ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Hai người là những người cuối cùng rời nhà tù trong số 15 người bị bắt và kết án từ 8 đến 18 tháng tù giam về tội danh nguỵ tạo “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự.

Theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam hiện đang giam giữ 238 tù nhân lương tâm.

Và một số tin đáng chú ý khác

===== 02/9 =====

Chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ kiện Trung Cộng ở Biển Đông?

Dường như chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ kiện Trung Cộng về những vi phạm lãnh thổ lãnh hải ở Biển Đông, kể cả những hành vi gây hấn ở khu vực Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 tới nay.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo VTC News ngày 31/8, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) nói rằng giờ chưa là thời điểm để kiện Bắc Kinh vì Trung Cộng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Vì Trung Cộng luôn là một trong 5 thành viên thường trực của tổ chức trên nên điều đó có nghĩa là Hà Nội sẽ không bao giờ kiện Bắc Kinh nếu quan điểm của tướng Cương là quan điểm chính thống của ban lãnh đạo Việt Nam.

Ông Cương đánh giá rằng những hành động gây hấn của Trung Cộng ở Bãi Tư Chính là hành vi leo thang ở cấp độ cao hơn những vi phạm chủ quyền của Việt Nam trong những năm trước đây, như vụ giàn khoan HD981 năm 2014.

Ông ta cũng cho rằng phản ứng của Việt Nam là đúng mực, bao gồm việc đưa tàu chiến ra ngăn chặn hành động vi phạm của tàu khảo sát Hải Dương 8 và Bộ Ngoại giao đưa công hàm phản đối. Tuy nhiên, theo nhiều nhà hoạt động và phân tích chính trị thì Hà Nội cần có những động thái mạnh mẽ hơn, ít nhất là phải như triệu tập đại sứ Trung Cộng hoặc triệu hồi đại sứ từ Bắc Kinh.

Quốc tế cũng cho rằng Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông vì cho tới giờ, chỉ có Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh là viên chức cao cấp nhất của chế độ có phát biểu phản đối hành vi xâm phạm của Trung Cộng.

Việt Nam vẫn giam giữ hàng chục nhà hoạt động chống Trung Cộng và sách nhiễu những người còn ở ngoài. Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương khác thường xuyên tổ chức hàng loạt cuộc diễn tập chống biểu tình ở quy mô lớn với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát, binh lính và dân phòng để đối phó nếu dân chúng xuống đường.

===== 04/9 =====

Đoàn Thị Hồng bị an ninh ép từ chối luật sư

Anninh thành phố Hồ Chí Minh dường như đang ép kèm dụ dỗ nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng từ chối luật sư trong phiên toà xét xử cô tới đây.

Cô là thành viên nhóm Hiến Pháp, bị mật vụ bắt cóc ngày 04/9/2018 và đưa về biệt giam ở Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu với cáo buộc “phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 7 đến 15 năm nếu bị kết tội.

Cô được gặp gia đình lần đầu tiên vào tháng 8, và gặp lại con gái dưới 3 tuổi vào ngày 04/9. Hiện cô bị một số căn bệnh nhưng không được chữa trị trong nhà giam.

Cô là một trong 7 thành viên của Hiến Pháp bị bắt trong đầu tháng 9 năm ngoái. Những người khác là Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, Hồ Văn Cương, Đỗ Thế Hoá, Trần Thị Ngọc Hạnh và Hoàng Thị Thu Vang. Năm trong số họ bị cáo buộc “phá rối an ninh” trong khi cáo buộc chống lại 2 ông Phương và Hoá chưa được công bố.

Các thành viên của nhóm này tham gia tích cực vụ biểu tình ngày 10/6/2018 tại Sài Gòn.

==== 06/9 =====

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh bị đe doạ trong tù, chưa được gặp luật sư

Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh, người bị kết án 6 năm tù giam trong tháng 6 về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” đang bị đe doạ trong trại tạm giam của Công an tỉnh Bến Tre, gia đình anh cho hay.

Theo vợ anh, Ánh bị nhiều tù hình sự chửi bới và doạ giết, và thậm chí đánh đập anh. Anh báo việc này cho giám thị trại giam nhưng chúng không giải quyết triệt để. Anh tin rằng những tên tù hình sự này được chỉ đạo bởi giám thị trại tạm giam.

Giám thị trại tạm giam còn tìm cách cô lập anh và đàn áp những người tù thường phạm sau khi tiếp xúc hoặc tỏ ra thân thiết với anh. Một người bị ép quá đã tự sát còn người khác bị đánh sưng cả mặt và ăn uống rất khó khăn.

Trong buổi gặp ngày 06/9, Ánh còn cho vợ biết anh vẫn chưa được gặp luật sư để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm. Anh tuyên bố sẽ từ chối phiên phúc thẩm nếu không được gặp luật sư.

Dù bị đàn áp, Ánh nói anh kiên định và sẵn sàng cho kết cục xấu nhất.

===== 05/9 =====

Hai thanh niên bị giam giữ 20 giờ chỉ vì không có căn cước công dân

Nhà cầm quyền phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Thạnh, Sài Gòn đã giam giữ hai thanh niên gần 20 giờ trong đồn công an chỉ vì họ bị mất thẻ căn cước công dân và không thể xuất trình khi bị kiểm tra hành chính.

Báo VTC News đưa tin Nguyễn Hữu Quyền và anh Đặng Quang Vinh đangtham gia liên hoan ở trong khuôn viên gia đình anh Trình Quang Sáuở phường trên chiều ngày 05/9 thì bị một nhóm khoảng 30 cảnh sát đến đòi kiểm tra hành chính. Do hai anh không có căn cước công dân mà chỉ có giấy báo mất nên bị đưa lên đồn cho dù họ đã đưa giấy phép lái xe của họ để công an kiểm tra.

Hai anh bị giữ trong đồn công an phường đến tận 11 giờ sáng ngày hôm sau mặc dù họ không làm điều gì vi phạm pháp luật. Công an phường cho biết có cuộc kiểm tra hành chính ở địa điểm nêu trên và mời những người không có thẻ căn cước về phường làm việc theo quy định.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam, người đi đường có thể bị phạt 200.000 đồng nếu không xuất trình được thẻ căn cước công dân khi công an kiểm tra.

Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở Tiền Giang và chị Ngô Thị Kiều ở Đồng Nai bị công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức đưa vào Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu theo diện người vô gia cư sau khi họ không xuất trình được thẻ căn cước công dân khi đang uống nước ở một quán cafe. Họ chỉ được gia đình giải cứu ra ngoài sau một tuần thực hiện nhiều thủ tục hành chính.

Chế độ cộng sản Việt Nam áp dụng chính sách hộ khẩu và kiểm tra thẻ căn cước công dân để siết chặt an ninh trong khi lại quản lý một cách lỏng lẻo hàng nghìn người đến từ Trung Cộng. Người Trung Hoa phạm pháp ở Việt Nam thường bị trục xuất mà không bị xét xử.

===== 06/9 =====

Hà Nội đề nghị thuê chuyên gia ngoại quốc giám định ô nhiễm bởi vụ cháy Nhà máy Rạng Đông

Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đề nghị Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam mời chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giám định mức độ ô nhiễm gây bởi vụ cháy Nhà máy bóng đèn-phích nước Rạng Đông vào tuần trước.

Công văn của Chủ tịch thành phố được gửi hoả tốc vào ngày 06/9 với đề xuất nêu trên nhằm xác định mức độ ô nhiễm cũng như biệnpháp khắc phục hậu quả sau vụ cháyngày 28/8.

Động thái trên được tiến hành hai ngày sau khi Thứ trưởng tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân công bố kết quả quan trắc các mẫu lấy xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy tại Rạng Đông rằng có thể xác định, đã có khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường trongvụ cháy.Đã có hơn 50 người gần nhà máy bị phát hiện nhiễm thuỷ ngân trong máu.

ÔngNhân cho biết tại một số thời điểm quan trắc không khí trong khuôn viên nhàmáy sau vụ cháy có lượng thủy ngân trong không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.Thông tin này trái với sự khẳng định của nhà máy, rằng Rạng Đông không sử dụng thủy ngân làm bóng đèn từ năm 2016.

Ngay sau vụ hoả hoạn, uỷ ban phường Hạ Đình đã ban hành văn bản khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km tính từ tâm của đám cháy trong vòng 21 ngày. Tuy nhiên, một ngày sau đó, phường thu hồi văn bản. Ngày 31/8, uỷ ban quận Thanh Xuân phê bình phường Hạ Đình vì đã ban hành văn bản khuyến nghị nàyvì cho rằng sự việc không nghiêm trọng như vậy.

Dư luận cho rằng có một âm mưu thôn tính mảnh đất của nhà máy Rạng Đông đằng sau vụ cháy. Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có tham vọng xây dựng dự án bất động sản trên nền nhà máy này.

===== 07/9 =====

Ân xá Quốc tế kêu gọi viết thư yêu cầu Việt Nam trả tự do cho Đoàn Thị Hồng

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã kêu gọi người Việt và cộng đồng quốc tế gửi thư ngỏ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thúc giục chế độ cộng sản toàn trị ở Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Đoàn Thị Hồng, nữ thành viên của nhóm Hiến Pháp, người đang bị giam giữ ở trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu (Sài Gòn).

Theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London thì cô Hồng bị bắt chỉ vì thực thi một cách ôn hoà quyền dân sự và chính trị. Là người có con nhỏ dưới 2 tuổi, cô bị bắt giữ ngày 04/9/2018 và bị cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật hình sự, với mức án từ 7 đến 15 năm tù nếu bị kết tội.

Theo Ân xá Quốc tế, nhà cầm quyền Việt Nam phải chữa trị y tế và đối xử nhân đạo với cô Hồng và những người bị giam giữ khác theo Tiêu chuẩn quốc tế về giam giữ (quy tắc Mandela) trong khi chưa trả tự do cho họ.

Cô Hồng là một trong 7 thành viên của nhóm Hiến Pháp vẫn bị giam giữ kể từ khi bị bắt đầu tháng 9 năm 2018 mà không được đem ra xét xử. Ngoài cô Hồng, lực lượng mật vụ cộng sản ở Sài Gòn đã bắt cóc 4 ông Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, Hồ Văn Cương, và Đỗ Thế Hoá, cùng 2 cô Trần Thị Ngọc Hạnh và Hoàng Thị Thu Vang rồi biệt giam họ. Gia đình họ chỉ được thông báo sau khi tìm kiếm người thân ở nhiều đồn công an trong nhiều tuần.

Công an chưa công bố cáo buộc chống lại hai ông Đỗ Thế Hoá và ông Trần Thanh Phương, 5 người còn lại đều bị cáo buộc “gây rối an ninh.” Họ mới chỉ được gặp gia đình gần đây. Tuy việc điều tra gần kết thúc nhưng họ vẫn chưa được gặp luật sư mà gia đình đã thuê cho họ. Có dấu hiệu cho thấy phía công an đe doạ và dụ dỗ họ để họ từ chối luật sư.

Nhóm Hiến Pháp có khoảng 20 thành viên, hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân quyền bằng cách phổ biến bản Hiến pháp 2013. Họ là những người tích cực trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 khi hàng chục nghìn người xuống đường phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng.

===== 08/9 =====

Hai tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi không kháng án

Hai tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình và Trần Long Phi không kháng án bản án đưa ra bởi Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong phiên toà ngày 24/6/2018 vì cho rằng Việt Nam không có toà án công minh tuân theo tiêu chuẩn quốc tế về một phiên toà công bẳng.

Hai bạn trẻ đã bị kết án 10 năm và 8 năm tù giam tương ứng vì tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự trong một phiên toà kéo dài vài giờ và không có sự tham dự của gia đình cùng bạn bè và người quan tâm khác. Cũng trong phiên toà này, công dân Hoa Kỳ Michael Minh Phương Nguyễn bị án 12 năm và bố của Bình, cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh bị án 1 năm vì cáo buộc “không tố giác tội phạm.”

Gia đình cho biết Bình và Phi đã bị chuyển đi Trại giam Bố Lá từ 23/7 và sẽ bị chuyển đi nơi khác trong thời gian tới. Hai ông Minh Phương và Thịnh đã kháng cáo bản án của mình.

Ông Minh Phương bị bắt ngày 07/7/2018 cùng với hai người bạn trẻ Bình và Phi tại thành phố HCM khi họ vừa trở về từ chuyến du lịch ở miền Trung, còn ông Thịnh bị bắt sau đó 1 ngày.

Cả 4 người bị bắt và kết án chỉ vì những hoạt động ôn hoà nhằm cổ suý đa nguyên đa đảng và nhân quyền cũng như phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Bình và Phi tham gia tích cực vào cuộc biểu tình ở Sài Gòn trong 2 ngày 10-11/6/2018.

——————–

Hai tù nhân lương tâm ở Đồng Nai mãn hạn tù

Hai tù nhân lương tâm ở Đồng Nai là Phạm Ngọc Hạnh và Trần Nguyễn Duy Quang là những người cuối cùng được trả tự do trong nhóm 15 người tham gia biểu tình ngày 10/6/2018 và bị kết tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự.

Chị Hạnh, bị án 16 tháng tù giam, và anh Quang, bị 18 tháng tù giam, đã được ân xá trước thời hạn và được trở về nhà vào ngày 08/9.

Ngày 10/6/2018, hàng chục nghìn người đã xuống đường ở nhiều nơi như Sài Gòn, Đồng Nai, Nha Tranh, Đà Nẵng, Bình Thuận… để phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Lực lượng an ninh cộng sản đã bắt giữ hàng trăm người, trong đó có 20 người ở Đồng Nai với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.” Trong phiên toà ngày 30/7/2018, 15 trong số đó đã bị kết án tù giam từ 8 đến 18 tháng tù, và 5 người còn lại bị án treo.

===================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây