Thế nào là kiểm duyệt báo chí?

Cách hiểu về “kiểm duyệt báo chí” kiểu “tự kiểm duyệt” từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ra sao?

 

Trúc Giang, Việt Nam Thời báo, ngày 14/9/2019

 

“Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt sai sự thật, kích động hằn thù dân tộc” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 12-9, Thông Tấn Xã Việt Nam đã nêu câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Ủy ban bảo vệ ký giả, vừa qua đã có báo cáo nói rằng Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí truyền thông nhiều nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên”.

Theo bà Hằng, tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan.

Bà Lê Thị Thu Hằng không sai. Vấn đề ở đây thuộc về cách hiểu ‘thế nào là kiểm duyệt báo chí’?

Tự ý đục bỏ

Báo chí ở miền Nam trước năm 1975, đúng là có chế độ kiểm duyệt gắt gao trước khi in ấn, phát hành. Khi đọc báo, thi thoảng lại thấy dòng “Tự ý đục bỏ” trên cột tin, bài nào đó do bị kiểm duyệt. Điều này không thấy có từ sau tháng 4-1975.

Từ ‘đục bỏ’ ở hồi đó xuất phát từ nghề ấn loát còn dùng loại chữ đúc trên những thỏi chì, thỏi vuông vắn nhỏ xíu, dài cỡ 2cm, ví dụ hai chữ “con voi” là do ba thỏi chì có 3 chữ c, o, n và ba thỏi chì có ba chữ v, o, i ghép lại với nhau mà thành.

Khi bài bị kiểm duyệt, nếu nhà in dùng 6 con chữ chính, thì người ta lộn ngược các con chữ lại, khi in ra chỉ thấy mấy ô vuông mực đen. Nhưng nhà báo không có tiền đâu mà in chữ nguyên thủy, dễ mòn, dễ hư phải bỏ đi, nên sau khi sắp chữ, dùng chì nấu lỏng, đổ lên các “khuôn chữ” của trang báo, thành ra một trang báo bằng chì.

Thợ in gắn các trang báo bằng chì để in báo, in xong lại gỡ xuống, nấu lỏng ra, lấy chì đúc chữ cho báo ngày hôm sau. Như thế các con chữ nguyên thủy vẫn còn nguyên, vẫn sắc nét như mới (vì nó có bị chạy qua máy in đâu; và như thế báo Việt Nam mới không sắc nét, mà lỗ chỗ, mực không đều, vì nét chữ là nét chì đúc lại). Khi báo bị kiểm duyệt, người thợ in lấy đục, búa, đục mảng chì có những câu bị kiểm duyệt đi, thành ra việc đó có tên là ‘đục bỏ’.

Rồi kỹ thuật typo in báo hàng ngày bắt đầu bị đào thải vào khoảng 1971. Hai nhà in lớn, Nguyễn Bá Tòng và Tân Minh ở đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn đã khiến báo chí ở miền Nam bước vào giai đoạn offset, mà tiên phong là báo Sóng Thần.

Dù in theo kiểu nào thì trước khi in, trước khi phát hành đều phải qua kiểm duyệt. Nhà chức trách đọc xem những tin tức có bị ảnh hưởng gì tới cuộc chiến lúc ấy hay không. Họ chú trọng nhiều đến tin chiến sự nhiều hơn, chứ còn những vần đề cá nhân thì họ cho qua.

Chẳng hạn như hồi đó báo Sóng Thần đi một loạt bài tố ông tướng Nguyễn Văn Toàn khi ấy ông coi vùng cao nguyên, quân khu II. Có một dạo ông ấy dính vào chuyện vớ vẩn gì đó với một cô bé vị thành niên, rồi phóng viên của báo Sóng Thần khui ra được chuyện đó, và tố ông tội dụ dỗ gái vị thành niên.

Sau đó tướng Toàn kiện tờ báo với lý do là mạ lỵ cá nhân thôi chứ không liên hệ gì tới vấn đề kiểm duyệt hết.

Báo chí tự do: chấp nhận cả ‘bợ đít/ bưng bô’ lẫn ‘đối lập/ diễn biến hòa bình’

Báo chí nịnh nọt chính phủ, người Sài Gòn hồi đó gọi là ‘bợ đít’, tương tự từ ‘bưng bô’ hiện nay. Lưu ý là vấn đề kiểm duyệt báo chí ở miền Nam trước 1975 hoàn toàn không thể so sánh theo cách hiểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Chính thể Việt Nam Cộng Hòa cho phép tư nhân làm báo. Nếu như những tờ báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền Sài Gòn như Quật Cường, Tiền Tuyến, Dân Chủ… hầu như chỉ phát hành được trong bộ máy chính quyền, trong quân đội, chứ bán chẳng mấy ai tìm mua, thì báo chí đối lập công khai hoặc kín đáo lại chiếm được diễn đàn thông tin.

Có tờ đối lập công khai, chống đối chính quyền Sài Gòn quyết liệt, nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến, thất học, tham nhũng, bất tài như tờ nhật báo Tin Sáng của chủ nhiệm kiêm chủ bút – ông Ngô Công Đức (1936 – 2007).

Trên trang báo Tin Sáng, ông Ngô Công Đức mở tiết mục “tin vịt” – nghe qua rồi bỏ, chuyên đề này quy tụ nhiều cây bút đối lập với chính quyền Sài Gòn thời đó như: Nguyễn Ngọc Lan, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Cứ, Cung Văn… Trong tiết mục đó, các ông châm biếm, nhạo báng chế độ Nguyễn Văn Thiệu, coi chính quyền không ra gì. Tất cả những bài của các ông đều ký tên là “Tư trời biển”.

Ông Ngô Công Đức là Dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn, nhiệm kỳ 1967 – 1971.

Có tờ đối lập nhưng ôn hòa hơn, như tờ Điện Tín do cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung (1940 – 2005) làm chủ bút. Trên tờ báo này, ông chỉ trích chế độ Nguyễn Văn Thiệu không hợp lòng dân, đàn áp học sinh, sinh viên, bắt bớ tù đày những người yêu nước… Không có bất kỳ ai ở tờ Điện Tín bị chính quyền bắt bớ.

Ngoài những tờ báo đối lập công khai, đối lập ôn hòa, chân chính, còn có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc ‘thành phần thứ ba’, ‘đường lối thứ ba’ – kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung.

Báo chí ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhiều và đa dạng, có ba tổ chức quy tụ đông đảo các ký giả là Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Những nghiệp đoàn này đều không chịu bất kỳ sự chi phối nào từ chính quyền.

Năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã cho áp dụng Sắc luật 007, với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa. Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Sau tháng tư năm 1975, khá bất ngờ là vào tháng 8 năm 1975, nhật báo Tin Sáng cùng nhóm các ký giả quen thuộc trong ê kíp Ngô Công Đức được xuất bản trở lại, cùng với nguyệt san Đứng Đậy – tức Đối Diện của các linh mục Stêphanô Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan.

Theo nhiều lời kể, thì quyết định này là của ông Trần Bạch Đằng, Trưởng ban Tuyên huấn miền lúc đó. Đến năm 1981, ông Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ cho rằng để các báo tư nhân dù từng có công với cách mạng tồn tại sau ngày thống nhất là sai lầm, hữu khuynh nên dẹp bỏ. Kết quả là tạp chí Đứng Dậy phải đình bản, báo Tin Sáng chung số phận.

Phải biết ‘tự kiểm duyệt’

Báo chí ở Việt Nam vào giai đoạn được gọi là ‘thời kỳ đổi mới’, có thể hình dung qua trích dẫn từ nội dung của Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trích Điều 1: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”.

Như vậy, một khi tái xác lập “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước” trong môi trường không có sự cạnh tranh của báo chí tư nhân, thì rõ ràng việc không cần đến ‘kiểm duyệt’ kiểu ‘tự ý đục bỏ’ trên báo in là điều dễ hiểu.

Hàng tuần, cơ quan Tuyên giáo Đảng luôn có cuộc họp gọi là ‘giao ban báo chí’ để định hướng tuyên truyền các vấn đề thời sự chính trị – kinh tế – xã hội. Không cần đến nhát kéo kiểm duyệt, báo chí luôn hiểu những vùng cấm đưa tin, bài như không tường thuật các vụ xuống đường biểu tình của người dân, không làm tin, bài về những sai phạm đất đai, cưỡng chế oan sai như vụ vườn rau Lộc Hưng, hay vụ Thủ Thiêm chỉ đưa tin theo định hướng của chính quyền từng thời kỳ khác nhau.

Thậm chí cả vụ cưỡng chế nhà cửa đất đai của người dân ở Long Tân, Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vào sáng ngày 13/9/2019 đang dậy sóng phẫn uất, gồm cả chuyện đánh dân chúng, vẫn không được bất kỳ báo chí nào kịp thời đưa tin. Xem clip vụ việc được người dân tự quay: https://drive.google.com/file/d/1IUaV9EGl-_u2M85Kx23oQtJ9V1qyfmVJ/view

Không chỉ vậy, ban biên tập ở các tờ báo đều phải hiểu về bổn phận ‘tự kiểm duyệt’ ngay khi làm tin, bài. Đơn cử, khi xảy ra vụ sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công cán ở tỉnh Kiên Giang, lúc chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy, bằng ‘nhạy cảm chính trị’, các tờ báo đều cử phóng viên tìm hiểu, song tin tức thì không lên các mặt báo. Những phóng viên cũng hiểu cần ‘tự kiềm chế’ của việc ‘tự kiểm duyệt’ trong chuyện săn tin.

Lúc đó, các trang mạng xã hội đủ mọi đồn đoán, song hầu hết chỉ trúng một nửa sự thật: bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng đúng là điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng đó là cơ sở hợp tác với Nhật Bản, nằm bên kia đường đối diện phần giữa cổng cấp cứu và cổng số 1 của bệnh viện Chợ Rẫy lâu nay. Cơ sở Chợ Rẫy liên doanh với Nhật Bản này được nối liền với bệnh viện Chợ Rẫy bằng cây cầu trên không dành cho khách bộ hành.

Ngay cả câu hỏi mà Thông Tấn Xã Việt Nam ‘mồi’ để bà Lê Thị Thu Hằng phát ngôn về chuyện quyền tự do báo chí, thực ra cũng là một định hướng tuyên truyền theo kịch bản. Tin tức đầy đủ về vấn đề đó, là Việt Nam nằm trong số 10 nước trấn áp truyền thông nhất thế giới, theo một báo cáo đặc biệt do Tổ chức Bảo vệ các Ký giả (CPJ) công bố hôm 10/9/2019.

Theo CPJ, các nước có tên trên danh sách được cho là đã hạn chế nghiêm ngặt các phương tiện truyền thông độc lập và hăm dọa các nhà báo, bịt miệng họ bằng hình phạt bỏ tù, dùng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi hoặc sách nhiễu họ dưới nhiều hình thức.

Theo CPJ, thì Việt Nam và Trung Quốc cùng với Ả Rập Xê-út và Iran, là 4 nước bị nêu đích danh là “đặc biệt tinh vi trong việc thực hành hai hình thức kiểm duyệt, là bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo và gia đình họ”, ngoài việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giám sát và kiểm duyệt mạng lưới thông tin internet cũng như truyền thông xã hội.

CPJ nhắc nhở rằng theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mọi con người đều có quyền tìm và tiếp nhận thông tin, và quyền tự do biểu đạt. CPJ nói rằng 10 nước bị nêu tên đã không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khi nghiêm cấm, hoặc giới hạn khắt khe truyền thông độc lập, và bịt miệng các nhà báo. Tại những nước này, nạn tự kiểm duyệt rất phổ biến.

Nếu như ngày 21 tháng sáu được vinh danh là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, thì tự do báo chí ở Việt Nam cũng cần được hiểu theo đúng nghĩa của cụm từ “Tự do báo chí cách mạng ở Việt Nam”, chứ không có nghĩa đây là quyền tự do được làm báo như ở Sài Gòn trước tháng tư năm 1975.

Đó cũng là cách hiểu về “kiểm duyệt báo chí” kiểu “tự kiểm duyệt” từ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.