Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 40 từ 30/9 đến 06/10/2019: Việt Nam đang giam giữ ít nhất 234 Tù nhân lương tâm

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 06/10/2019

 

Chế độ cộng sản Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 234 tù nhân lương tâm, theo số liệu của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền tại thời điểm ngày 30/9/2019. Con số này bao gồm 206 người đã bị kết án và 28 người đang bị giam giữ trước xử án, đa số với với các tội danh trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” “tuyên truyền chống nhà nước,” “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” hay “phá rối an ninh.” Con số trên không bao gồm ông Michael Minh Phương Nguyễn, người Mỹ gốc Việt, và Châu Văn Khảm, người Australia gốc Việt. Hai ông bị kết án hoặc cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 1999.

Ngoại trừ nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ, 233 tù nhân lương tâm còn lại đang bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt và bị đày đoạ tinh thần và thể xác trong các nhà tù và trại tạm giam khắp cả nước. Hàng chục tù nhân lương tâm đã tuyệt thực trong năm 2019 để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo.

Tù nhân lương tâm Đoàn Đình Nam, người đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam Xuyên Mộc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã qua đời ngày 05/10 sau nhiều tháng bị bệnh suy thận. Gia đình ông muốn được đưa xác ông về mai táng ở quê nhà Phú Yên nhưng nhà cầm quyền cộng sản không đồng ý, bắt gia đình phải thiêu xác ông ngay rồi mới được đưa tro cốt về.

Ông Nam, 68 tuổi, bị bắt năm 2012 cùng với 21 người đồng đạo của Ân Đàn Đại Đạo, một nhánh của Phật giáo, với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999, trong một vụ án nguỵ tạo mà nhà cầm quyền cộng sản muốn xoá bỏ nhánh đạo này và cướp tài sản của họ, đặc biệt là khu du lịch Bia Đá ở tỉnh Phú Yên. Năm sau, 21 người trong số họ bị kết án từ 10 đến 17 năm tù giam, riêng ông Phan Văn Thu, người đứng đầu Ân Đàn Đại Đạo, bị kết án tù chung thân. Hiện ông Thu đang bị tiểu đường ở giai đoạn cuối ở Trại giam An Phước, tình Bình Dương.

Trường hợp của hai ông Nam và Thu cùng nhiều trường hợp khác đặt ra câu hỏi về đối xử của nhà cầm quyền Hà Nội với tù nhân lương tâm trong các trại giam và trại tạm giam toàn quốc: Họ đã và đang bị hành hạ về tinh thần và thể xác, trong điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, bị nhiều bệnh nguy hiểm và không được chữa trị kịp thời.

Trong khi phản đối Trung Cộng xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông, nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội luôn áp dụng mọi biện pháp để ngăn cản người dân biểu tình chống sự bành trướng của Bắc Kinh. Trong ngày 01/10, khi Trung Cộng kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70 thì lực lượng an ninh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác đã đưa mật vụ và dân phòng tới canh cửa nhà riêng của giới bất đồng chính kiến nhằm đề phòng họ tụ tập biểu tình phản đối Trung Cộng.

Năm ngày sau, vào ngày 06/10, sỹ quan an ninh của Bộ Công an đã câu lưu 3 nhà báo tự do Lê Dũng Vova, Anton Tuấn và Cát Linh khi họ đang đưa tin về cuộc hội thảo về Bãi Tứ Chính và Biển Đông, được tổ chức bởi Viện Nghiên Cứu Kinh tế và Chính sách ở khách sạn Công đoàn ở Hà Nội. Công an đưa họ về trụ sở Cơ quan điều tra ở phố Nguyễn Gia Thiều để tra hỏi, buộc họ phải xoá mọi dữ liệu đã thu thập trong buổi hội thảo. Công an đã thu giữ 8 điện thoại thông minh, 2 máy quay cùng nhiều thiết bị hỗ trợ khác, và trả tự do cho họ vào buổi tối.

Ngày 02/10, Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam mở cuộc điều tra về vụ tấn công nhà báo chống tham nhũng Kiều Đình Liệu, người bị 3 kẻ côn đồ đánh đập gây nhiều thương tích ngay sau khi ông báo cho Kiểm lâm Gia Lai về vụ chở gỗ lậu ở huyện Đơn Dương. Hậu quả của vụ tấn công rất nặng nề: ông bị bất tỉnh, chấn thương sọ não và chảy máu não. RSF cho rằng những kẻ tấn công và những kẻ đứng đằng sau- là những kẻ phá rừng và buôn lậu gỗ quý, phải bị điều tra và trừng trị.

và nhiều tin quan trọng khác

===== 30/9 =====

An ninh Sài Gòn không cho luật sư Đặng Đình Mạnh gặp Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Đức

Theo đài Châu Á Tự Do (RFA), văn phòng đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Cộng hoà Liên bang Đức xác nhận việc luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh đã không thể đến gặp Quốc vụ khanh  Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Đức, ông Christian Lange ở Sài Gòn ngày 30/9 vừa qua.

Theo RFA, vào đầu tháng 10, luật sư Mạnh đã khẳng định thông tin ông bị an ninh mặc thường phục không cho ông rời nhà sáng 30/9 để đi gặp phái đoàn của Bộ Tư pháp Đức nhân chuyến làm việc của đoàn tại Sài Gòn. Phái đoàn có mời 5 luật sư ở Sài Gòn để tìm hiểu về hệ thống luật pháp của Việt Nam. Bốn người kia, trong đó có luật sư cựu tù nhân lương tâm Lê Công Định không bị ngăn cản.

Luật sư Mạnh là một trong số ít người thường tham gia bào chữa cho nhiều nhà hoạt động và dân bị mất đất ở Việt Nam. Ông cho rằng có một thế lực nào đó không muốn ông gặp người Đức.

Sau khi rời Sài Gòn, đoàn Bộ Tư pháp Đức có buổi hội đàm với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc tại Hà Nội sáng ngày 1/10 và hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác 3 năm (2019 – 2020) trong khuôn khổ chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền. Chương trình tập trung vào trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trong các lĩnh vực như pháp luật hình sự,  tố tụng hình sự, phát luật dân sự và tố tụng dân sự, kinh tế và lao động, tố tụng hành chính, tài phán hành chính, thực thi một số điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc là thành viên.

Đọc thêm: Luật sư nhân quyền bị chặn khi đi gặp phái đoàn Quốc Vụ Khanh của Đức đến TPHCM

===== 01/10 =====

Việt Nam đang giam giữ 234 tù nhân lương tâm: Người Bảo vệ Nhân quyền

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 234 tù nhân lương tâm.

Con số trên bao gồm 206 nhà hoạt động nhân quyền đã bị kết án, thường là về những tội danh chính trị thuộc phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự và 28 người khác đang bị giam giữ trong thời gian điều tra hay chờ xét xử.

Họ là người bất đồng chính kiến, blogger, luật sư, người hoạt động công đoàn, người hoạt động về quyền đất đai, và người theo các giáo phái tôn giáo không đăg ký đã bị bắt giữ và giam cầm vì thực hành quyền con người như quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội và quyền về tự do tôn giáo và niềm tin. Danh sách này không bao gồm những cá nhân cổ suý bạo lực hoặc tham dự vào các hoạt động bạo lực.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ 23 người hoạt động. Cho đến cuối tháng 9, Việt Nam đã kết án 23 người với tổng số năm tù giam là 106,5 năm và 20 năm quản chế.

Đa số họ bị cáo buộc hoặc kết tội theo các điều khoản về an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự (BLHS):

– 47 người bị kết tội hoặc cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”

– 37 người bị kết tội hoặc bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

– 57 người thuộc nhiều sắc dân thiểu số bị kết án “phá hoại chính sách đoàn kết”

– 7 người bị cáo buộc hoặc kết tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

– 9 người bị kết tội hoặc cáo buộc “gây rối an ninh”

– 48 người bị kết tội “gây rối trật tự công cộng, 35 trong số họ bị kết án chỉ vì đã tham gia tuần hành ôn hoà giữa tháng 6 năm 2018.

– 15 người đang bị giam giữ mà không rõ cáo buộc hoặc tội danh.

Những người bị án nặng nề nhất là ông Phan Văn Thu với án chung thân, ông Lê Đình Lượng- 20 năm tù, nhiều thành viên Hội Anh em Dân chủ và hàng chục người Thượng và thành viên Ân đàn Đại đạo, với mức án trên 10 năm mỗi người.

Tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt và vô nhân đạo. Đã có hàng chục người tuyệt thực trong nhiều ngày để yêu cầu cải thiện chế độ giam giữ.

Thông tin chi tiết: Việt Nam đang giam giữ 234 tù nhân lương tâm: Người Bảo vệ Nhân quyền

——————–

Hàng trăm người bất đồng chính kiến bị giam lỏng trong ngày Trung Cộng kỷ niệm quốc khánh

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đưa công an và dân phòng đến nhà riêng của hàng trăm người bất đồng chính kiến để giam lỏng họ trong nhà trong ngày Trung Cộng kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh.

Nhiều người hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn cho biết công an thường phục cùng tổ dân phố đã canh gác gần nhà riêng hoặc đi theo họ trong mấy ngày cuối tháng 9, và thực hiện những hành động trấn áp mạnh mẽ hơn trong ngày 01/10 nhằm không cho họ tụ tập để phản đối Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tứ Chính và Biển Đông.

Giảng viên đại học Đào Thu ở phố Thuỵ Khê, Hà Nội cho biết sáng sớm ngày thứ Ba có ba công an trong trang phục dân sự đứng gần nhà cô và không cho cô đi đến trường.

Bà giáo già Trần Thị Thảo, cựu chiến binh Phan Khang và nhà văn Nguyên Bình, con gái cựu thiếu tướng quân đội cộng sản Nguyễn Trọng Vĩnh cùng nhiều người khác ở Hà Nội cho biết công an và dân phòng ngồi dày đặc gần nhà họ.

Tình hình tương tự đối với người hoạt động ở Sài Gòn và nhiều thành phố khác trong nhiều ngày gần đây. Mật vụ và dân phòng cùng nhiều xe đặc chủng được rải xung quanh toà đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội và lãnh sự quán ở Sài Gòn và Đà Nẵng.

Một số nhà hoạt động còn cho biết ở nhiều nơi thuộc Hà Nội, nhân dân buộc phải treo cờ đỏ sao vàng trong dịp này.

Một điều khó hiểu là một kênh thuộc Truyền hình Việt Nam sử dụng cờ Trung Cộng thay vì quốc kỳ của Việt Nam trong một bản tin thể thao để minh hoạ về một sự kiện thi đấu thể thao có đội tuyển Việt Nam tham gia.

Trong khi đó, Trung Cộng chỉ tạm thời đưa tàu nghiên cứu và tàu hải cảnh ra khỏi lãnh hải của Việt Nam sau 3 tháng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở khu vực Bãi Tứ Chính sau khi tuyên bố có chủ quyền lịch sử trên hơn 80% Biển Đông, kể cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

——————–

Giáo sư Carl Thayer: Nội bộ chế độ cộng sản Việt Nam chia rẽ về vấn đề Biển Đông

Theo giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Australia) thì ban lãnh đạo của chế độ cộng sản Việt Nam đang chia rẽ về vấn đề Biển Đông và đó là lý do mà Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh không dám chỉ tên Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tứ Chính trong bài phát biểu ở New York tuần trước.

Trong cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ngày 28/9, ông Minh kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết xung đột nhưng không đề cập đến việc Trung Cộng gây hấn ở Bãi Tứ Chính từ tháng 7.

Dẫn lời giáo sư Thayer, một học giả uyên thâm về Việt Nam, đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) viết rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã “rất thận trọng” trong việc ứng xử với vụ việc này và ba bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Công an không thống nhất về chính sách đối phó với Trung Cộng trên Biển Đông.

Giáo sư Thayer nói nguyên nhân của sự chia rẽ là do Việt Nam không có những lựa chọn tốt.

Trong khi đó, luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho rằng một trong những lý do Việt Nam không nêu đích danh Trung Cộng là vì “vẫn cảm thấy cô đơn nếu có một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa hai nước. Đảng cộng sản Việt Nam không tin bất cứ quốc gia nào có thể đứng ra giúp họ và càng không tin Hoa Kỳ sẽ sát cánh chiến đấu bên cạnh họ vì giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như thế giới vẫn chưa chia sẻ giá trị nền tảng chung.”

VOA nói theo dữ liệu hành trình mới nhất của chuyên gia hàng hải Ryan Martinson thì ngày 30/9, tàu Hải Dương ĐịaChất 8 của Trung Cộng đã quay trở lại vùng biển của Việt Nam lần thứ 4. Cho tới lúc này Việt Nam chưa có phản ứng gì về lần trở lại mới nhất của tàu Trung Quốc.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam nên kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế để có được sự ủng hộ chính thức của cộng đồng quốc tế và giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông về lâu dài.

===== 02/10 =====

Các nhà hoạt động trong nước lập giải “Cống Hiến” vì phong trào đấu tranh dân chủ

Một giải thưởng nhân quyền dành cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước vừa được bắt đầu với việc bầu chọn những nhà hoạt động cống hiến nhiều cho phong trào trong nước trong năm 2019.

Giải “Cống hiến” do một số người trong giới hoạt động dân chủ-nhân quyền ở TP.Hồ Chí Minh lập ra, với hai người đại diện ban tổ chức là ông Nguyễn Đại và bà Trần Thu Nguyệt.

Mục tiêu của giải thưởng là nhằm ghi nhận và động viên, khuyến khích những cá nhân đã có những cống hiến về tiền bạc, sức khỏe, thời gian cho phong trào dân chủ – nhân quyền Việt Nam. Hiện kim của giải mang tính tượng trưng là 10 triệu đồng.

Danh sách 10 ứng viên cuối cùng lần lượt là các blogger, nhà hoạt động, luật sư: Dương Thị Tân, Lê Bảo Nhi, Trần Bang, Trương Văn Dũng, Nguyễn Thị Bích Ngà, Phương Ngô, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Phương, Võ An Đôn và Lê Dũng Vova.

Đọc chi tiết tại đây: Các nhà hoạt động trong nước lập giải “Cống Hiến” vì phong trào đấu tranh dân chủ

——————–

RSF kêu gọi Việt Nam điều tra vụ đánh đập nhà báo Kiều Đình Liệu

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam điều tra và trừng phạt những kẻ chủ mưu và ba kẻ thực hiện vụ đánh đập dã man nhà báo Kiều Đình Liệu của báo điện tử Luật sư Việt Nam vào ngày 26/9 vừa qua ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

RSF nói rằng ông Liệu bị tấn công bởi ba kẻ chưa rõ danh tính nhưng những kẻ chủ mưu chính là những kẻ đốn rừng và buôn lậu gỗ quý để trả thù ông việc ông đã báo cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai về việc vận chuyển một khối lượng lớn gỗ quý trong địa bàn của tỉnh. Vụ tấn công để lại hậu quả nặng nề cho nạn nhân: ông Liệu bị xuất huyết não và dường như hộp sọ bị vỡ cùng nhiều vết sưng cùng bầm tím ở mặt và nhiều chỗ khác trên cơ thể.

Ông Liệu là một nhà báo chuyên về chống tham nhũng, và trong vài tuần gần đây ông đã đến Gia Lai để điều tra về việc khai thác rừng bất hợp pháp và buôn lậu gỗ quý trong tỉnh này.

Ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng của RSF ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng việc điều tra khai thác rừng bất hợp pháp và buôn lậu gỗ quý của ông Kiều Đình Liệu phục vụ lợi ích công cộng. Ông kêu gọi nhà chức trách Việt Nam phải hành động để trừng phạt những kẻ thực hiện và chủ mưu vụ tấn công này.

Ông cũng nhắc lại Việt Nam đã bị xếp dưới đáy của bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF trong nhiều năm, và đứng ở vị trí thứ 176 trong số 180 quốc gia năm 2019. Nhiều nhà báo chống tham nhũng đã bị tống giam hay bị đánh đập.

===== 05/10 =====

Tù nhân lương tâm Đoàn Đình Nam qua đời ở Trại giam Xuyên Mộc

Tù nhân lương tâm Đoàn Đình Nam, người đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam Xuyên Mộc, đã qua đời vào ngày 05/10 sau nhiều năm chống chọi với bệnh suy thận.

Gia đình ông muốn được đưa thi hài ông về quê Phú Yên để mai táng, song nhà cầm quyền Việt Nam từ chối và yêu cầu hoả táng ngay lập tức, hoặc chôn ông ở nghĩa trang của trại giam và sau 3 năm gia đình mới được cải táng.

Ông Nam, sinh năm 1951, là 1 trong 22 người của nhánh đạo Phật Ân Đàn Đại Đạo bị bắt năm 2012 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999. Đây thực chất là một vụ án nguỵ tạo mà nhà cầm quyền Việt Nam và tỉnh Phú Yên thực hiện nhằm xoá xổ nhánh đạo này và cướp tài sản của họ, trong đó có khu du lịch tâm linh sinh thái Bia Đá ở tỉnh Phú Yên.

Năm 2013, 21 người đã bị kết án từ 10 đến 17 năm tù giam và 5 năm quản chế, riêng người đứng đầu, ông Phan Văn Thu bị án chung thân.

Sau khi bị kết tội, 22 người bị đưa đi nhiều trại giam khác nhau và xa gia đình.

Đầu năm nay, do tình hình bệnh nguy cấp, gia đình ông Nam đề nghị Bộ Công an cho tạm hoãn thi hành án tù để đón ông về chữa trị, nhưng đã bị từ chối.

Hiện ông Phan Văn Thu cũng đang bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối vì không được chữa chạy kịp thời. Ông đang bị giam giữ ở Trại giam An Phước ở tỉnh Bình Dương.

=====  06/10 =====

Ba nhà báo tự do bị câu lưu, tịch thu thiết bị khi tham dự hội thảo về Biển Đông

Trưa ngày 06/10, ba nhà báo tự do, thành viên của CHTV là Lê Dũng Vova, Anton Tuấn và Cát Linh đã bị lực lượng an ninh thuộc Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an câu lưu khi họ đang tham gia một cuộc hội thảo về Bãi Tứ Chính và Biển Đông, được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tại Khách sạn Công đoàn ở Hà Nội.

Cả ba người đã bị tống lên xe 7 chỗ và bị đưa về trụ sở của Cơ quan an ninh điều tra ở phố Nguyễn Gia Thiều. Tại đây, họ bị tra khảo về hoạt động báo chí, và bị bắt xoá mọi tư liệu thu thập được từ hội thảo.

Sau khi thu giữ 8 điện thoại thông minh, 2 máy quay phim và nhiều thiết bị hỗ trợ cùng một số giấy tờ cá nhân, công an đã đẩy họ ra khỏi đồn vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.

Tuy phản đối việc Trung Cộng xâm phạm lãnh hải ở Bãi Tứ Chính và Biển Đông, nhà cầm quyền Việt Nam tìm mọi cách đàn áp giới bất đồng chính kiến và bloggers khi họ biểu tình hay thực hiện các hoạt động khác phản đối Bắc Kinh.

=========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây