Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 45 từ ngày 04/11 đến 10/11/2019: Facebooker Nguyễn Văn Nghiêm bị bắt giữ, toà phúc thẩm y án tù của 3 nhà hoạt động khác

 

 

 

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 10/11/2019

 

Tuần vừa qua là một trong những thời điểm đen tối đối với giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam khi nhà cầm quyền cộng sản bắt giữ ông Nguyễn Văn Nghiêm, Facebooker thứ 18 bị bắt giữ trong năm nay vì những hoạt động trực tuyến, và Toà án Nhân dân Cấp cao bác bỏ kháng cáo của 3 nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, công dân Hoa Kỳ gốc Việt Michael Minh Phương Nguyễn và cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh.

Trong ngày 05/11, lực lượng an ninh tỉnh Hoà Bình đã bắt giữ Facebooker Nguyễn Văn Nghiêm, 56 tuổi, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự (BLHS) vì những bài viết và live streams trên Facebook chỉ trích chế độ cộng sản và viên chức cao cấp vì đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Ông sẽ bị giam giữ ít nhất 120 ngày để điều tra, và đối mặt với mức án từ 7 đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Trong phiên toà phúc thẩm ngày 06/11, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo của ông Michael Minh Phương Nguyễn, người bị kết án 12 năm tù giam vì cáo buộc “lật đổ chính quyền” và ông Huỳnh Đức Thịnh, bị kết án 1 năm tù giam vì cáo buộc “không tố giác tội phạm” bởi Toà án Nhân dân thành phố HCM trong phiên sơ thẩm ngày 24/6.

Một ngày sau, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố HCM cũng y án đối với kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh, người bị Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre kết án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên sơ thẩm ngày 06/6.

Trong cả hai phiên phúc thẩm, thân nhân và bạn bè của các nhà hoạt động không được phép quan sát phiên toà trong phòng xử án. Chánh án lờ đi những lời bào chữa của luật sư và của chính bị cáo.

Một số phiên toà sơ thẩm xét xử người hoạt động đã bị hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Phiên sơ thẩm xét xử giảng viên cao đẳng Nguyễn Năng Tĩnh về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” được thay đổi lịch xử sang ngày 15/11. Nhà hoạt động nhân quyền và môi trường này bị bắt giữ vào ngày 29/5 và đối mặt với án tù nặng nề.

Trong khi đó, Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai hoãn phiên toà sơ thẩm dự kiến vào ngày 07/11 xét xử 4 công dân địa phương Võ Thường Trung, Đoàn Viết Hoan, Nguyễn Đình Khuê và Ngô Xuân Thành về cáo buộc “gây rối trật tự” theo Điều 118 của BLHS chỉ vì có ý định tham gia biểu tình vào tháng Tư năm nay. Chưa có lịch xử mới nhưng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, có thể phiên toà sẽ được tiến hành vào ngày 26/11.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng vẫn chưa được tiếp cận hồ sơ và gặp mặt thân chủ Nguyễn Đình Khuê trong khi luật sư Đặng Đình Mạnh vẫn chưa được cấp phép bào chữa cho Đoàn Viết Hoan. Hai người còn lại dường như sẽ không có luật sư riêng.

Tuần tới, ngoài phiên sơ thẩm xử ông Nguyễn Năng Tĩnh, nhà cầm quyền cộng sản còn tổ chức 2 phiên toà khác: phiên toà ngày 11/11 để xét xử ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền về cáo buộc “khủng bố” theo Điều 113 của BLHS, và phiên toà ngày 13/11 để xét xử luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ ông luật sư Ngô Tuyết Phương về cáo buộc “trốn thuế” trong một giao dịch bất động sản năm 2014.

Ngày 08/11, tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam bãi bỏ cáo buộc đối với 3 ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền, những người bị bắt giữ vì có liên hệ với đảng Việt Tân, một tổ chức đấu tranh ôn hoà đòi dân chủ và đa nguyên có trụ sở ở California. HRW nói việc có quan hệ với một tổ chức chính trị không phải là một tội và Việt Nam cần phải cải tổ chính trị và chấp nhận đa nguyên.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 4/11 =====

Facebooker thứ 18 bị bắt vì chỉ trích chế độ cộng sản trên mạng xã hội trong năm nay

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, sinh năm 1963, trở thành Facebooker thứ 18 bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ kể từ đầu năm nay vì chỉ trích chế độ cộng sản và nhiều viên chức cao cấp của chế độ.

Ngày 05/11, công an tỉnh Hoà Bình đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Nghiêm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì những bài viết và live streams của ông dưới nickname Tiến sĩ hớt tóc Vlogs, trong đó ông chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản thất bại trong việc giải quyết các vấn đề lớn của đất nước như tham nhũng mang tính hệ thống, ô nhiễm môi trường khắp nơi, vi phạm nhân quyền trầm trọng, và hèn nhát trong đối đầu với Trung Cộng ở Biển Đông…

Ông chỉ trích nhiều viên chức cao cấp của chế độ như chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bí thư Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân … Chương trình live streams của ông có hàng nghìn người theo dõi vì ông nói rất thẳng.

Công an tỉnh Hoà Bình cũng thực hiện lệnh khám nhà ông trong ngày và tịch thu nhiều tài sản như 2 bộ máy tính, 2 máy in, 2 máy quay video, và một số điện thoại thông minh. Ông sẽ bị giam giữ ít nhất 4 tháng để điều tra, và đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm theo luật cộng sản hiện hành nếu bị kết tội.

Từ đầu năm đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 28 người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội, người bảo vệ nhân quyền, và Facebooker, 18 trong số họ bị bắt vì hoạt động trực tuyến. Chế độ cũng kết án 27 người với tổng mức án 115 năm 6 tháng tù giam và 20 năm quản chế.

Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 237 tù nhân lương tâm. Nhiều người hoạt động sẽ ra toà trong tháng này và có nguy cơ bị kết án tù nặng nề.

——————– 

Học giả Hán Nôm kêu gọi tẩy chay bầu cử toàn quốc năm 2021

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, trưởng phòng Viện Hán Nôm (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã kêu gọi dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng các cấp vào năm 2021.

Trên Facebook cá nhân mang tên ông, tiến sỹ Diện kêu gọi 90 triệu đồng bào bào tẩy chay tuyệt đối cuộc bầu cử quốc hội và tất cả các cuộc bầu cử sắp tới nếu quốc hội cộng sản thông qua Điều 7 dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trong đó quy định những thông tin như thân thế sự nghiệp của lãnh đạo chế độ, quốc phòng an ninh, đất đai, địa chất, biển; công nghiệp, thương mại… là thông tin bí mật nhà nước.

Ông giải thích lý do kêu gọi là nếu cử tri không biết tiểu sử của ứng cử viên thì không nên đi bầu cho họ.

Sau khi lời kêu gọi của ông được đăng tải lên mạng xã hội Facebook, có hơn 3.200 người Like, 677 lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận hưởng ứng lời kêu gọi.

Từ năm 2011, ông Diện là một trong những người đi đầu của phong trào phản đối Trung Cộng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, và ông chịu không ít những chỉ trích của nhà cầm quyền và tấn công của những kẻ ủng hộ chế độ như dư luận viên và thương binh, cả ở nơi làm việc và nhà riêng.

Năm 2021, chế độ cộng sản sẽ cho tổ chức bầu cử quốc hội và hội đồng các cấp. Tuy nhiên, như từ năm 1945 đến nay, mọi cuộc bầu cử đã bị đảng cầm quyền lũng đoạn và sắp xếp nhân sự cho các cơ quan trên trước khi bầu cử xảy ra nên trong thực tế, việc bầu cử chỉ là hình thức và giúp cho đảng cầm quyền hợp pháp hoá việc bố trí của chúng. Trong quá khứ, nhiều người kêu gọi tẩy chay bầu cử giả hiệu đã bị cầm tù.

——————–

Đồng Nai hoã xử 4 công dân ở Đồng Nai về cáo buộc “gây rối an ninh”

Nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Đồng Nai đã hoãn phiên toà dự kiến vào ngày 07/11 để xét xử 4 công dân địa phương với tội danh “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự. Toà án Nhân dân tỉnh chưa đưa ra thời gian cụ thể cho phiên xử nhưng có thể là vào ngày 26/11, một trong hai luật sư tham gia bào chữa trong vụ án cho biết.

Các ông Võ Thường Trung, Đoàn Viết Hoan, Nguyễn Đình Khuê và Ngô Xuân Thành có nguy cơ bị kết án từ 7 đến 15 năm tù giam chỉ vì họ có ý định tham gia biểu tình trong dịp tháng Tư năm nay nếu Toà án cộng sản tỉnh Đồng Nai cho rằng họ có tội.

Cả 4 ông bị bắt trong tháng Tư vừa qua, và bị cho là nghe lời kêu gọi của người Mỹ gốc Việt Lisa Phạm để chuẩn bị biểu tình phản đối Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam.

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, ông được gia đình của Nguyễn Đình Khuê thuê để bào chữa cho ông này, nhưng cho đến ngày 05/11, ông vẫn chưa được gặp thân chủ để chuẩn bị bản bào chữa, và ông cũng chưa nhận được giấy mời của toà để tham dự phiên toà. Ông Miếng đề nghị hoãn phiên toà nhưng thư ký toà từ chối nhận đơn của ông.

Trong khi đó, luật sư Đặng Đình Mạnh được gia đình Đoàn Viết Hoan mời bào chữa nhưng toà không cấp giấy phép cho luật sư vì chưa có chữ ký của đương sự. Hai người còn lại chưa có luật sư.

Bộ công an cộng sản trì hoãn việc xây dựng dự luật Biểu tình, coi mọi hoạt động biểu tình là vi phạm pháp luật, người tham gia biểu tình thường bị cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” hoặc “phá rối an ninh.” Trong các cuộc biểu tình dịp 10/6/2018, nhà cầm quyền ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận.. đã bắt giữ hàng trăm người, đánh đập họ và kết án hơn 100 người về tội danh thứ nhất với mức án từ 8 tháng đến 54 tháng. Gần 3 tháng sau đó, hàng chục người bị bắt giữ khi chưa thực hiện biểu tình và nhiều trong số họ vẫn đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc thứ hai.

——————–

DTD và 16 tổ chức XHDS đề nghị Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) cùng 16 tổ chức xã hội dân sự, trong đó có 7 tổ chức xã hội dân sự quốc tế đã gửi một thư ngỏ chung cho Chủ tịch Quốc hội châu Âu và các cơ quan trực thuộc để đề nghị Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn Hiệp dịnh Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp dịnh Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam cho đến khi nhà cầm quyền Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền.

Trong thư ngỏ chung, các tổ chức xã hội dân sự nêu bật việc chế độ cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp người bảo vệ nhân quyền, nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập, nhiều tổ chức tôn giáo và những cá nhân bày tỏ quan điểm chỉ trích chế độ. Quyền tự do ngôn luận, quan điểm, hội họp và tụ tập vẫn bị hạn chế nghiêm trọng trong khi hệ thống tư pháp cũng như truyền thông, xã hội dân sự, và các tổ chức tôn giáo độc lập bị nhà nước kiểm soát chặt. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, môi trường, lao động, luật sư, nhân sĩ tôn giáo, blogger đã bị kết án hoặc bị bắt giam chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ trong khi nhiều người khác bị đánh đập bởi côn đồ được nhà nước bảo trợ.

Các tổ chức, dẫn đầu là Human Rights Watch, nói rằng với việc Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách hệ thống và trầm trọng như vậy thì EU nên thể hiện sức mạnh mềm của mình bằng cách không phê chuẩn hai hiệp định đã ký với Việt Nam.

Các tổ chức đề nghị EU nên kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền bằng cách trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, dừng việc đàn áp giới bất đồng chính kiến, chấp nhận báo chí tư nhân và bỏ kiểm duyệt, công nhận nghiệp đoàn lao động độc lập, bãi bỏ án tử hình…

Nghị viện châu Âu dự kiến họp toàn thể vào tháng 2 năm 2020 để xem xét việc bỏ phiếu có phê chuẩn hay không đối với EVFTA và IPA.

——————–

Hai lao động chui Việt Nam bị đánh tử vong ở Trung Quốc

Hai người dân ở tỉnh Thanh Hoá đã bị đánh đến tử vong trong khi đang lao động chui ở tỉnh Quảng Đông của Trung Cộng.

Theo báo Người Lao Động, hai nạn nhân tên là anh Hoàng Văn Trọng, 18 tuổi và ông Đinh Văn Nguyên, 47 tuổi, đều quê ở huyện Quảng Xương. Họ sang Trung Cộng từ đầu năm nay để lao động không phép.

Dẫn nguồn tin từ công an Việt Nam, hai nạn nhân bị đánh chết bởi một nhóm người từ thành phố Hải Phòng trong một vụ mâu thuẫn giữa hai nhóm người từ hai địa phương của Việt Nam. 3 nghi phạm người Việt đã bị cảnh sát Trung Cộng bắt để điều tra.

Trong khi hàng chục nghìn người từ Trung Cộng tràn sang Việt Nam để kiếm ăn, hàng nghìn trong số họ thực hiện các hoạt động vi phạm luật pháp Việt Nam như đánh bạc trực tuyến, lừa đảo, dịch vụ y tế không minh bạch thì có hàng chục nghìn người Việt Nam đi nước ngoài để lao động mà không có giấy phép. Phấn lớn trong số họ tìm cách sang châu Âu và Anh Quốc với thu nhập cao hơn, dù là bất hợp pháp, thì cũng có hàng nghìn người sang Trung Quốc để lao động chui.

Mâu thuẫn giữa người Việt ở Trung Cộng không phải là vấn đề lớn nhất của họ, mà là việc họ không được nhà cầm quyền Việt Nam bảo hộ trước nguy cơ bị bóc lột, bị đánh đập và thậm chí bị bắt cóc đòi tiền chuộc hoặc tệ hơn là có thể bị bắt cóc để lấy nội tạng phục vụ cho công nghiệp cấy ghép nội tạng vốn nở rộ ở Trung Cộng.

===== 05/11 =====

Freedom House nói Việt Nam không có tự do Internet

Tổ chức phi lợi nhuận Freedom House có trụ sở ở Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào nhóm những quốc gia không có tự do Internet trong năm 2019 trong báo cáo công bố ngày 05/11.

Trong báo cáo của mình về tự do Internet năm 2019 với tựa đề “Khủng hoảng mạng xã hội,” Freedom House nói Việt Nam nằm vào nhóm những nước như Trung Cộng, Brazil,  Bangladesh, Zimbabwe, Sudan và Kazakhstan với điểm số 24/100.

Với việc khảo sát 65 quốc gia về tự do Internet từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 5 năm 2019, Freedom House nhận thấy Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng nhiều chương trình giám sát mạng xã hội và bắt bớ những người dùng mạng xã hội liên quan đến bày tỏ chính chính kiến về các vấn đề chính trị, xã hội và tôn giáo. Tại Việt Nam, hàng chục người bị trừng phạt bằng nhà tù và nhiều hình thức đàn áp chỉ vì thực hiện quyền tự do bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội Facebook.

Freedom House có nhắc đến trường hợp nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Lê Đình Lượng bị kết án tù 20 năm, nhà hoạt động công đoàn và môi trường Hoàng Đức Bình bị kết án 14 năm tù, nhiều nhà báo độc lập và người hoạt động khác bị án tù nhiều năm vì hoạt động trực tuyến. Hơn 1.500 bài viết chỉ trích chế độ bị xoá trên Facebook trong khi hai tờ báo Tuổi Trẻ và Người Tiêu Dùng bị đình bản 3 tháng vì đưa tin không theo ý nhà cầm quyền. Trong tháng 10 năm 2018, nhà cầm quyền cộng sản đã thành lập đơn vị mới để theo dõi mạng xã hội và nội dung các trang web được trang bị phần mềm có khả năng phân tích, đánh giá và phân loại hàng triệu bài viết.

Chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp giới bất đồng chính kiến, bắt bớ và cầm tù nhiều người chỉ trích chế độ và ban lãnh đạo trong việc thất bại giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của quốc gia như tham nhũng mang tính hệ thống, ô nhiễm môi trường trầm trọng, vi phạm nhân quyền, bảo vệ chủ quyền của đất nước trước sự bành trướng của Trung Cộng, và nhiều vấn đề khác trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế…. Hiện có ít nhất 237 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong điều kiện hà khắc.

===== 06/11 =====

Toà án Cấp cao bác kháng cáo của ông Michael Minh Phương Nguyễn và Huỳnh Đức Thịnh

Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo của công dân Hoa Kỳ gốc Việt Michael Minh Phương Nguyễn, giữ nguyên bản án 12 năm tù giam về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” mà Toà án Nhân dân Hồ Chí Minh đã kết án ông trong phiên toà sơ thẩm ngày 24/6 năm nay.

Cũng trong phiên kháng cáo này, toà giữ nguyên bản án 1 năm tù giam đối với cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh, người từng bị kết án bởi phiên toà sơ thẩm cuối tháng 6 về tội danh “không tố giác tội phạm.”

Cùng trong một vụ là hai nhà hoạt động trẻ Huỳnh Đức Thanh Bình, con trai ông Thịnh, và Trần Long Phi. Họ bị toà án sơ thẩm kết án tương ứng 10 năm và 8 năm tù giam nhưng hai bạn trẻ này không kháng cáo.

Theo nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn, không một thân nhân nào của ông Michael và ông Thịnh được vào phòng xử án để theo dõi phiên toà vốn chỉ diễn ra trong 3 giờ đồng hồ. Một số viên chức của Toà Đại sứ và Toà Lãnh sự của Hoa Kỳ đã đến quan sát phiên kháng cáo, và có thông tin là họ đang vận động để nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất ông Michael sớm.

Trong tháng 11, nhà cầm quyền cộng sản đã và sẽ đưa nhiều người bất đồng chính kiến ra xét xử về những tội danh nguỵ tạo. Ngày 07/11, Toà án cấp cao tại Sài Gòn sẽ mở nghe kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc Ánh, người bị kết án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên toà sơ thẩm tháng 6. Những người bị đem ra toà tiếp theo là vợ chồng luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải với cáo buộc trốn thuế, 4 ông Võ Thường Trung, Đoàn Viết Hoan, Nguyễn Đình Khuê và Ngô Xuân Thành với cáo buộc “gây rối an ninh” và giảng viên cao đẳng Nguyễn Năng Tĩnh với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

===== 07/11 =====

Toà án Cấp cao bác kháng cáo của nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh

Ngày 07/11, trong phiên toà kéo dài vẻn vẹn vài giờ, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo của nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, tuyên y án sơ thẩm của Toà án Nhân dân tỉnh Bến Tre vào ngày 06/6/2019.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, kỹ sư thuỷ sản và là chủ đầm tôm ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, sẽ phải thi hành án tù 6 năm và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Trong phiên toà sáng ngày 07/11, gia đình và người thân của ông Ánh không được vào phòng xử án mà chỉ được quan sát phiên toà qua màn hình TV ở một phòng khác. Vợ ông, bà Châu cho biết trong phần tranh luận, thẩm phán không tôn trọng lời bào chữa của luật sư cũng như lời tự bào chữa của ông Ánh.

Ông Ánh bị bắt vào ngày 30/8/2018 vì bị cho là có nhiều bài viết và livestreams trên mạng xã hội Facebook trong đó ông chỉ trích chế độ cộng sản thất bại trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Ông cũng kêu gọi tôn trọng nhân quyền và cải cách chính trị theo hướng đa nguyên, và tham gia tuần hành về môi trường, phản đối việc Công ty Formosa xả thải ở ven biển miền Trung và gây ra thảm hoạ môi trường dọc bờ biển miền Trung năm 2016. Chế độ cộng sản cho rằng những hoạt động trực tuyến ôn hoà của ông có hại cho chế độ.

Hai ngày trước phiên phúc thẩm, Human Rights Watch ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện vì ông không có tội khi thực hiện quyền tự do ngôn luận vốn được ghi trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền và quyền dân sự mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Ánh được Ân xá Quốc tế và nhiều tổ chức quốc tế đưa vào danh sách tù nhân lương tâm.

Việc bắt giữ và kết tội ông Ánh là một phần của chiến dịch đàn áp nhân quyền mà nhà cầm quyền ở Hà Nội tiến hành từ cuối năm 2015 nhằm trấn áp các tiếng nói phản kháng. Từ đó tới nay, hàng trăm người đã bị bắt giữ, đánh đập tàn bạo, ghép vào những tội danh nguỵ tạo và kết án với những bản án nặng nề bằng những phiên toà không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về phiên toà công bằng.

——————–

HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho 3 người vận động chính trị

Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) đã ra thông cáo báo chí thúc giục nhà cầm quyền cộng sản bãi bỏ cáo buộc “khủng bố” đối với 3 ông Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền chỉ vì họ có liên hệ với Đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị của người Việt ở Hoa Kỳ.

Trong thông cáo công bố 4 ngày trước phiên toà dự kiến vào ngày 11/11, bà Elaine Pearson, giám đốc của HRW Australia đã nói rằng đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền cai trị đất nước suốt hơn 40 năm qua và không dung thứ đối lập chính trị. Nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ và bỏ tù bất cứ ai bị cho là một mối đe dọa cho sự cai trị độc quyền của đảng cộng sản, và ba người sắp bị đưa ra xét xử là những nạn nhân mới nhất.

Bà Pearson nói việc liên quan tới một đảng chính trị không được đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận không phải là phạm tội, và Việt Nam cần tiếp nhận một hệ thống chính trị đa nguyên để hạn chế độc quyền thay vì trừng phạt những người muốn tìm kiếm các lựa chọn khác.

Trong khi đó, đảng Việt Tân cho rằng kết luận của cáo trạng chống lại 3 ông mang tính tùy tiện, vi phạm công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia ký kết.

Trả lời phỏng vấn đài RFA, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bào chữa cho ông Khảm nói rằng ông Khảm không có hành vi gì bị coi là khủng bố ngoại trừ việc ông đã nhập cảnh vào Việt Nam bằng thẻ căn cước giả từ Campuchia.

Ông Khảm được cho là đã gặp hai ông Viễn và Quyền ở Sài Gòn đầu năm nay để thuyết phục họ tham gia Việt Tân. Cả 3 bị bắt giữa tháng 1 năm 2019.

===== 08/11 =====

Sức khoẻ của blogger Lê Anh Hùng bị suy giảm trầm trọng do bị tăng liều thuốc

Blogger Lê Anh Hùng, người đang bị cưỡng bức điều trị tâm thần ở bệnh viện Tâm thần trung ương I (Thường Tín, Hà Nội), đang có vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng sau khi bệnh viện tăng gấp đôi liều thuốc tâm thần.

Trong buổi gặp với mẹ anh ở bệnh viện trong ngày 08/11, anh nói bị choáng váng, đau đầu và không ngủ được trong thời gian gần đây khi anh bị buộc uống nhiều thuốc hơn.

Lê Anh Hùng sinh năm 1973 ở Hà Tĩnh, Anh tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân năm 1998, sau đó có làm cho một số công ty về xây dựng của nhà nước. Anh gửi hơn 100 lá đơn tố giác một số cán bộ cao cấp dính vào đường dây buôn bán ma tuý. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng của Việt Nam, từ thị xã Đông Hà, Quảng Trị, tới các cơ quan trung ương đều không thực hiện đúng trình tự các thủ tục tố giác tội phạm.

Anh còn bị bắt giam và truy tố nhiều lần. Ngày 05/7/2018, nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giam và khởi tố anh với tội danh “ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Sau nhiều tháng điều tra, công an Hà Nội đình chỉ vụ án nhưng bắt anh đưa vào bệnh viện tâm thần từ tháng Ba.

Đọc chi tiết tại đây: Hãy cứu giúp người tù bị cưỡng bức điều trị âm thần: Lê Anh Hùng

===================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây