Hà Nội nên có trách nhiệm đối với người tỵ nạn chính trị

Trong bối cảnh Triều Tiên và Trung Quốc gia tăng đàn áp nhân quyền trong nước, thì tìm kiếm các giá trị hỗ trợ người tỵ nạn chính trị vì đấu tranh tự do sẽ cho phép nhà nước Hà Nội có một vị thế nhân quyền gần gũi hơn với Washington trong tương lai. Và điều này trở nên có giá trị hơn so với giữ lấy mối quan hệ ngoại giao thiếu lợi ích với Triều Tiên, hay một Trung Quốc hay “bắt nạt” ở Biển Đông.

 

Hoàng Thức Ngô, Việt Nam Thời báo, ngày 04/01/2019

 

Một dự luật mang tên Đạo luật Chính Sách Nhân Quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur Human Rights Policy Act), đã được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện Mỹ thông qua trong năm 2019.

Khi thành luật, văn bản pháp lý này sẽ cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nơi tồn tại các trại cải huấn tư tưởng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Hà Nội thì có liên quan gì trong vấn đề này?

Ngày 2/1/2020, tại New York, Việt Nam bắt đầu các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), mở đầu nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021.

Vị trí này cho phép một vị thế trách nhiệm chính trị lớn hơn của Hà Nội. Và Nhân quyền cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cần phải đặt ra.

Vùng biên giới phía Bắc Việt Nam từng xảy ra cái chết của 7 người Duy Ngô Nhĩ, và 2 bộ đội biên phòng Việt Nam vào tháng 4/2014. Nguyên nhân được báo chí Việt Nam thông tin là do “16 người Duy Ngô Nhĩ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh), và khi Việt Nam “vội vã trao trả người tỵ nạn” về phía Trung Quốc đã khiến người Duy Ngô Nhĩ cướp súng và dẫn đến thương vong cả hai phía.

Áp lực chính trị từ Trung Quốc đối với hồi hương người Duy Ngô Nhĩ không chỉ đối với Việt Nam, mà cả Campuchia, Thái Lan. Thế nhưng, nhìn góc độ nhân quyền thì những hành động “vội vã cho hồi hương” đi ngược lại các giá trị nhân đạo mà Hiến pháp nhà nước Việt Nam cam kết.

Điều 82, Hiến pháp 1992 sửa đổi – bổ sung quy định, “Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình, hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét việc cho cư trú”.

Tại Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận quan điểm bảo hộ cư trú (tỵ nạn) tại Điều 49.

Như vậy, với cơ sở pháp lý và vai trò tại Liên Hiệp Quốc, cũng như bối cảnh quốc tế hiện thời. Hà Nội cần tránh các sai lầm đã từng diễn ra vào năm 2014 tại cửa khẩu Quảng Ninh, cần phải tiếp nhận và đảm bảo an toàn chính trị cho các công dân tỵ nạn từ các quốc gia như Triều Tiên hay Trung Quốc.

Trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế này càng khẩn thiết hơn, khi mới đây theo Nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 3/1/2020 đưa tin, các nhà ngoại giao Mỹ đã giúp 13 người Bắc Triều Tiên trốn thoát ở Việt Nam được đến nơi an toàn.

13 cá nhân bị giam giữ tại Việt Nam đã an toàn khi có sự can thiệp bảo trợ từ Washington. Chấm dứt nguy cơ hồi hương về chế độ nô lệ (chế độ gulags) của những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên.

Theo WSJ, các nhà ngoại giao Mỹ ở Washington đã buộc các quan chức Việt Nam không giao nộp người tỵ nạn Bắc Triều Tiên cho các quan chức Trung Quốc hoặc Chính quyền Kim Jong-Un.

Cũng theo bài báo này, Việt Nam đóng vai trò là điểm dừng chân cho nhiều người Bắc Triều Tiên tìm kiếm tự do. Họ vượt qua biên giới Trung Quốc, sau đó đi qua Việt Nam hoặc một quốc gia khác trước khi hiện diện ở Hàn Quốc.

Trong bối cảnh Triều Tiên và Trung Quốc gia tăng đàn áp nhân quyền trong nước, thì tìm kiếm các giá trị hỗ trợ người tỵ nạn chính trị vì đấu tranh tự do sẽ cho phép nhà nước Hà Nội có một vị thế nhân quyền gần gũi hơn với Washington trong tương lai. Và điều này trở nên có giá trị hơn so với giữ lấy mối quan hệ ngoại giao thiếu lợi ích với Triều Tiên, hay một Trung Quốc hay “bắt nạt” ở Biển Đông.