Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 2 từ ngày 06/01 đến 12/01/2020: Cụ Lê Đình Kình bị giết chết trong cuộc tấn công của lực lượng công an trong đêm 09/01

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 12/01/2020

Chiều tối ngày 08/1, Bộ Công an và Sở Công an thành phố Hà Nội đã đưa hàng ngàn cảnh sát, trong đó có cảnh sát cơ động, về bao vây xã Đông Tâm, huyện Mỹ Đức và tấn công làng Hoành vào sáng sớm ngày 09/01, giết chết cụ Lê Đình Kình. Phía tấn công đã đánh đập và bắt giữ toàn bộ gia đình cụ và hàng chục người dân của làng Hoành,  những người đã dũng cảm chống lại kế hoạch của chính quyền để chiếm lấy cánh đồng nông nghiệp Sênh rộng 59 ha của họ.

Cụ bà cho biết cụ chứng kiến việc đặc nhiệm bắn cụ ông bằng 4 phát đạn: hai vào đầu, một vào tim và viên còn lại vào chân khi cụ ông còn đang nằm trên giường vào khoảng 4 giờ sáng ngày thứ Năm. Hiện chưa rõ về cái chết của con trai và cháu của cụ.

Theo Bộ Công an, ba sĩ quan cảnh sát cũng bị giết bởi bom xăng và các vũ khí làm bằng tay khác. Tuy nhiên, không rõ về cái chết của họ vì bộ này không cung cấp thêm thông tin chi tiết trong khi các phóng viên của báo lề đảng không được phép đến hiện trường mà chỉ sử dụng thông tin do bộ cung cấp.

Bộ Công an đang cố gắng nói với cộng đồng trong nước và quốc tế rằng tất cả những cái chết là kết quả của việc người dân Đồng Tâm chống lại việc thực thi pháp luật trong một cuộc thu hồi đất. Tuy nhiên, vùng đất tranh chấp – mảnh đất nông nghiệp có tên cánh đồng Sênh – cách làng Hoành khoảng ba km và cuộc tấn công của cảnh sát vào sáng sớm được thực hiện tại nhà cụ Kình, với mục đích bức hại cụ và gia đình.

Hai năm trước, vào giữa tháng 4 năm 2017, dân làng Đồng Tâm giữ con tin hơn 40 cảnh sát và cán bộ huyện Mỹ Đức trong một tuần và trả tự do cho họ vào ngày 22 tháng 4 sau khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung hứa sẽ giải quyết tranh chấp đất đai. Các con tin đã được đối xử tốt nên ít có khả năng người dân Đồng Tam đã là người chủ động nổ súng chống lại lực lượng cảnh sát vũ trang như thông tin trong thông cáo báo chí của Bộ Công an vào ngày 9 tháng 1. 

Chế độ Việt Nam đang đối xử với nông dân Đông Tâm như lực lượng thù địch và sẽ trừng phạt hà khắc đối với những người bị bắt.

Trong khi đó, Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đã kêu gọi Việt Nam điều tra trách nhiệm của những kẻ sử dụng bạo lực ở Đồng Tâm và cho phép các nhà báo, nhà ngoại giao, quan chức của Liên Hợp quốc và các nhà quan sát độc lập khác được vào Đồng Tâm.

“Nhà chức trách Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về những sự kiện đã xảy ra, tìm ra người chịu trách nhiệm về bạo lực, và liệu cảnh sát có sử dụng vũ lực quá mức hay không,” ông nói trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 10/1. 

Cùng với vụ tấn công bạo lực ở Đồng Tâm, chính quyền ở các địa phương khác tiếp tục đàn áp chống lại những người bất đồng chính kiến ​​địa phương, sử dụng các cáo buộc gây tranh cãi trong phần An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự để bịt miệng các blogger.

Ông Đinh Quang Phú từ tỉnh Dak Nông đã trở thành Facebooker đầu tiên bị bắt trong năm nay với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 vì các bài đăng và chia sẻ trên tài khoản Facebook của ông. Ông sẽ bị giam giữ ít nhất ba tháng để điều tra, và sẽ phải đối mặt với án tù từ bảy đến 12 năm nếu bị kết án.

Hai ngày sau, vào ngày 11/1, cảnh sát ở huyện Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, đã bắt giữ ông Chung Hoàng Chương, cáo buộc ông đã lạm dụng quyền tự do dân chủ, vì đã viết trên tài khoản Facebook Chương May Mắn. Ông bị tạm giữ trong nhà tạm giam của công an huyện, và có thể bị giữ lại để điều tra về lời buộc tội.

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người đang thụ án tù 9 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” đã được phóng thích nhưng bị buộc phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Cô và gia đình đã rời Việt Nam đêm 10/1 và sang Hoa Kỳ. 

Phiên toà phúc thẩm của luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ về cáo buộc “trốn thuế” dự kiến vào ngày 09/1 đã bị hoãn và được chuyển sang ngày 16/1.

 Và nhiều tin quan trọng khác

===== 06/01 =====

Chế độ cộng sản Việt Nam sẽ tăng cường đàn áp chính trị

Chế độ cộng sản Việt Nam sẽ tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến trong thời gian tới để bảo vệ chế độ và chuẩn bị cho đại hội lần thứ 13 của đảng cầm quyền.

Tham dự cuộc họp tổng kết năm 2019 và khai triển nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công an cộng sản, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng “Tội phạm phá hoại an ninh quốc gia nguy hiểm hơn tất cả!” và yêu cầu bộ này thực thi các biện pháp để “làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.”

Trong năm 2019, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ và xét xử hàng chục nhà hoạt động ôn hòa với nhiều cáo buộc nguỵ tạo thuộc phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự, có người bị bắt chỉ vì bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội Facebook.

Bộ Công an thì đánh giá rằng “Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá, hoạt động công khai, manh động, quyết liệt hơn.”

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, chế độ cộng sản Việt Nam bắt giữ 40 nhà hoạt động trong năm 2019, 30 trong số họ bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia. Cũng trong năm này, nhà cầm quyền Việt Nam kết án 40 nhà hoạt động với tổng mức án là 207,5 năm tù giam và 47 năm quản chế, và chỉ có 10 người không bị kết tội theo tội danh thuộc phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.

Tuần tới, nhà cầm quyền sẽ đưa 8 nhà hoạt động của nhóm Hiến Pháp ra xét xử về cáo buộc nguỵ tạo “phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự chỉ vì họ có kế hoạch biểu tình ôn hoà vào đầu tháng 9 năm 2018 trong khi Hiến pháp 2013 của Việt Nam nói rằng quyền biểu tình thuộc quyền hiến định.

===== 09/10 =====

3 công an bị chết, một nông dân Đồng Tâm đã bị giết, một em bé bị trúng đạn

Truyền thông nhà cầm quyền cộng sản trưa ngày 9 tháng 1 năm 2020 loan tin,Bộ Công an  đã ra thông báo về vụ Đồng Tâm. Theo đó, đã có một nông dân ở Đồng Tâm bị nhà cầm quyền giết chết, một người bị thương nặng. Phía Công an còn loan tin rằng, có 3 công an đi cướp đất cho nhà cầm quyền đã bị chết.

Tuy nhiên, thông tin này khiến dư luận nghi ngờ và cho rằng đây chỉ là thông tin giả, do nhà cầm quyền dựng lên để che mắt dư luận và đánh, giết dân dễ dàng hơn. Nhiều người nói, chỉ đến khi nào họ thấy xác của 3 viên công an thì mới tin đó là sự thật. Bởi vì, những kẻ tay sai cướp đất cho nhà cầm quyền đều được trang bị vũ khí hiện đại, mặc áo giáp chống đạn dược, có đầy đủ vũ khí trong tay. Còn người nông dân Đồng Tâm chỉ tay không tấc sắc. Như vậy, so về tương quan lực lượng thì quá chênh lệch. Mặt khác, thông tin từ người dân cho biết, chỉ cần bất kỳ một người nào đi ra đường cũng đều bị lực lượng cướp đất xịt hơi cay vào mặt, họ không có cơ hội để tiếp cận lực lượng công an. Còn phía công an cho rằng, người dân đã sử dụng dao phóng, bom đạn, bom xăng để tấn công lại đội quân cướp đất. Ngoài 4 người tử vong trên, người dân Đồng Tâm cho  biết rằng, do đội quân cướp đất liên tục bắn đạn vào nhà dân, nhất là gia đình cụ Lê Đình Kình nên một bé gái khoảng 3 tuổi là cháu nội cụ Kình đã trúng đạn, bị thương nặng.

Số lượng người dân bị thương vẫn chưa được thống kê vì hiện trường đang rất hỗn loạn, mọi sóng điện thoại và internet của người dân đều bị nhà cầm quyền phá, nhằm ngăn chặn sự liên lạc ra bên ngoài. Đồng Tâm giờ như một trận địa nội bất xuất, ngoại bất nhập.

——————–

Dak Nông bắt giam Facebooker Đinh Văn Phú với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Vào thứ Năm ngày 9/1, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Đắk Nông công bố các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Đinh Văn Phú về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dẫn nguồn tin từ công an địa phương, trang Tin Tây Nguyên viết rằng từ  tháng 4 năm 2018 đến tháng 6 năm 2019, Đinh Văn Phú sử dụng các trang facebook của mình như “Jimy Nguyễn,” “Vinh Nguyễn Jimy,” và “Nguyễn Vinh”… để đăng tải nhiều bài viết và phát trực tiếp (livestreams) hoặc chia sẻ nhiều bài viết, tham gia nhiều buổi phát trực tiếp do nhiều đối tượng khác tổ chức để tuyên truyền nhiều nội dung “nói xấu Đảng, Nhà nước; kêu gọi biểu tình, kích động bạo loạn, gây rối.”

Phía công an còn cho biết ông Phú cùng Facebooker Dương Thị Lanh và một số người ở Dak Nông đã tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 để phản đối hai dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế và bị phạt hành chính 750.000 đồng vì “tụ tập đông người, gây mất trật tự công cộng.” Cô Lanh bị bắt vào đầu năm 2019 và bị kết án 8 năm tù giam vì cáo buộc theo Điều 117.

Ông Phú, 47 tuổi, sẽ bị biệt giam trong thời gian điều tra, và đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm nếu bị kết tội.

Ông là Facebooker bị bắt đầu tiên trong năm nay vì những bài viết trên mạng xã hội. Năm 2019, có ít nhất 21 Facebookers bị bắt vì hoạt động trực tuyến, 14 trong số họ bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Cũng trong năm ngoái, 12 người bị kết án về tội danh trên với mức án tù từ 5 đến 11 năm.

——————–

Phiên toà phúc thẩm xử vợ chồng luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải bị hoãn

Sáng ngày 09/1, toà án cộng sản tỉnh Khánh Hoà đã hoãn phiên toà phúc thẩm xử luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ ông Ngô Tuyết Phương về cáo buộc “trốn thuế” vì cả hai bị can đều vắng mặt.

Bà Phương có đơn xin vắng mặt vì lý do chữa bệnh còn ông Hải vào phòng xử án muộn nhưng vẫn bị cho là vắng mặt không lý do. Toà quyết định mở lại phiên xử vào ngày 16/01.

Năm 2015, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và em trai Ngô Văn Lắm đã bán ngôi nhà cùng lô đất ở số 78/40 Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang cho vợ chồng ông Hải với giá hơn 16 tỉ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng có công chứng cho vợ chồng ông Hải chỉ với giá 1,8 tỉ đồng. Nhà cầm quyền Khánh Hoà cho rằng bên bán đã trốn thuế thu nhập cá nhân 280 triệu đồng còn vợ chồng ông Hải đã phạm tội khi giúp bên bán trốn thuế.

Trong phiên toà sơ thẩm vào giữa tháng 11 năm 2019, tòa án cộng sản thành phố Nha Trang kết tội ông Hải-bà Phương và tuyên phạt mỗi người 1 năm cải tạo không giam giữ cùng số tiền phạt 20 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng ông Hải đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng bị truy tố và kết án oan.

Đây là một vụ án chính trị với mục tiêu không cho ông Hải tham gia một số vụ án nhạy cảm, trong đó có việc bào chữa cho cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị bắt cóc ở Thái Lan đầu năm 2019 và bị đưa về giam giữ ở Hà Nội để điều tra về cáo buộc kinh tế.

Ông Hải từng bào chữa cho nhiều nhà bất đồng chính kiến, và là người tham gia hoà giải xung đột giữa nhà cầm quyền Hà Nội và dân xã Đồng Tâm vài năm trước đây.

===== 10/01 =====

HRW kêu gọi Hà Nội điều tra công khai về vụ nổ súng ở Đồng Tâm

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch- HRW) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mở một cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ giữa người dân và công an tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào đêm ngày 09/01 khiến ít nhất 4 người chết.

Trong thông cáo công bố ngày 10/01, HRW nói Việt Nam cần phải điều tra nghiêm túc sự việc để tìm ra gốc rễ của vấn đề cũng như ai là người chịu trách nhiệm cho vụ bạo lực đêm 09/01 trong đó cảnh sát dường như đã sử dụng các biện pháp cứng rắn quá mức cần thiết.

Theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW, những kẻ sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm.

HRW cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam cần cho phép nhà báo, nhà ngoại giao và cơ quan thuộc Liên Hợp quốc để tìm hiểu tình hình ở Đồng Tâm cũng như giám sát việc điều tra về bạo lực tại đây.

Như tin đã đưa, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa khoảng 1.000 quân đến đánh úp dân làng Đồng Tâm vào lúc 4 giờ sáng ngày 09/01. Công an thông báo đã kiểm soát được tình hình ở đây cho dù có 3 cảnh sát bị chết.

Trên mạng xã hội Facebook có nhiều thông tin về số người chết khác nhau. Một số nguồn tin cho biết có ít nhất 11 người bị chết, bao gồm 5 sỹ quan công an và 6 người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên, nhiều nhà bất đồng chính kiến không tin và cho rằng đây là tin giả của Công an Việt Nam nhằm bào chữa cho việc tấn công vào Đồng Tâm.

——————–

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga được phóng thích nhưng buộc phải lưu vong ở Hoa Kỳ

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã phóng thích tù nhân lương tâm Trần Thị Nga sau 3 năm tù nhưng buộc chị phải lưu vong ở Hoa Kỳ.

Cô Nga, người bị bắt đầu năm 2017 và sau đó bị kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” đã được đưa từ Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) ra sân bay Nội Bài vào đêm 10/1 và sang Hoa Kỳ.

Cùng đi với cô là hai con trai nhỏ và người phối ngẫu Phan Văn Phong.

Trần Thị Nga sinh ngày 28/4/1977 tại tỉnh Hà Nam và là người hoạt động nhân quyền, bảo vệ công nhân xuất khẩu lao động, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường – đặc biệt là tranh đấu chống những hoạt động của công ty gang thép Formosa đã gây nên thảm trạng cá chết tại ven biển các tỉnh miền trung.  Vì những hoạt động tranh đấu ôn hoà của cô, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam cô vào ngày 21/01/2017. Trong thời gian bị cầm tù, cô đã bị đối xử hà khắc.

Theo chương trình đã chuẩn bị từ mùa thu 2019 thì cô và gia đình sẽ đến thành phố Atlanta thuộc tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.

==== 11/01 =====

Facebooker Chung Hoàng Chương bị bắt sau khi đưa tin về vụ tấn công Đồng Tâm

Vào sáng ngày 11/01, nhà cầm quyền huyện Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, đã bắt giữ ông Chung Hoàng Chương, 43 tuổi, về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Theo thông báo gửi về gia đình, hiện ông Chương bị tạm giữ tại nhà tạm giam của công an huyện Ninh Kiều. Không rõ ông có bị khởi tố không. Ông có thể bị biệt giam trong thời gian 3 tháng nếu bị khởi tố, và đối mặt với án tù từ 2 đến 7 năm nếu bị kết tội.

Gia đình ông cho biết ông bị bắt giữ tại cửa hàng sửa chữa điện thoại ở phường Hưng Lợi. Công an có về nhà ông khám xét và tịch thu 01 laptop của vợ ông và một đầu thu camera an ninh.

Ông bị cho là đã “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết trên Facebook có nội dung “xấu” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước và làm mất uy tín của lãnh đạo chế độ.

Bài viết gần đây nhất của ông là tin về cuộc tấn công của lực lượng công an vào làng Hoành ở xã Đồng Tâm đêm 09/01, với việc thủ lĩnh tinh thần của địa phương ông Lê Đình Kình và một con trai bị giết chết bởi lực lượng đặc nhiệm.

Ông là Facebooker thứ 2 bị bắt vì hoạt động trên mạng xã hội kể từ đầu năm đến nay. Trước đó, vào ngày 09/01, nhà cầm quyền tỉnh Dak Nong đã bắt giữ ông Đinh Văn Phú với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Hiện có 13 người đã bị bắt hoặc bị kết án về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì tố cáo viên chức cộng sản tham nhũng hoặc chỉ trích chế độ trên mạng xã hội. 10 trong số họ đã bị kết án tù từ 6 tháng đến 7 năm về tội danh này, trong đó có 4 người ở thành phố Cần Thơ.

——————–

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trừng trị người dân Đồng Tâm

Thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải trừng trị nghiêm khắc các đối tượng chống đối lại đảng cầm quyền, nhà nước và lực lượng công an trong vụ đụng độ giữa công an và dân Đồng Tâm hôm 09/1.

Phát biểu trong buổi kiểm tra công tác của lực lượng cảnh vệ vào thứ Bảy ngày 11/1, ông Phúc yêu cầu lực lượng công an áp dụng các biện pháp mạnh đối với “các phần tử chống lại Đảng, Nhà nước và lực lượng công an.”

Ông Phúc nhận định việc xảy ra ở Đồng Tâm là một thủ đoạn của kẻ xấu chống lại đường lối của Đảng và Nhà nước và nhà cầm quyền sẽ trừng trị thích đáng. Người đứng đầu chính phủ cộng sản cũng không quên biểu dương “sự hy sinh” của ba sỹ quan công an trong xung đột ở xã Đồng Tâm, coi họ là tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia.

Như tin đã đưa, Bộ công an cộng sản cùng Sở công an thành phố Hà Nội đã điều động hàng nghìn cảnh sát cùng nhiều vũ khí hiện đại bao vây xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) từ chiều tối ngày 08/01. Khoảng 4 giờ sáng ngày hôm sau, lực lượng đặc nhiệm đã vào làng Hoành và tấn công tư gia của cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của dân trong xã. Sau khi đánh và giết cụ bằng một phát đạn vào tim, cảnh sát đã bắt giữ và đánh đập tất cả mọi người trong gia đình cụ.

Theo Bộ Công an, có khoảng 30 người dân ở Đồng Tâm đã bị bắt, và nhiều người trong số họ sẽ bị khởi tố về cáo buộc chống người thi hành công vụ và giết người vì có 3 sỹ quan cảnh sát bị tử nạn trong vụ tấn công. Không rõ 3 người này bị chết trong hoàn cảnh nào, nhưng họ đã được chủ tịch nước truy tặng huân chương chiến công, được bộ trưởng công an thăng quân hàm, và được Bộ lao động-thương binh-xã hội đề xuất cấp bằng liệt sỹ.

===== 12/01 =====

Nhân sỹ, trí thức Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản chấm dứt sử dụng bạo lực ở Đồng Tâm

Ngày 10/1, nhiều nhân sỹ, trí thức và người dân đã ký Tuyên bố Đồng Tâm yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt việc sử dụng vũ lực trong vụ xung đột ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), và công khai minh bạch thông tin vụ 5 người bị chết trong đêm 09/01.

Tuyên bố Đồng Tâm được khởi xướng bởi Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng viết “Nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang (quân đội, công an, các lực lượng khác) dùng bạo lực dưới mọi hình thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với dân Đồng Tâm và với tất cả các địa phương ở Việt Nam.”

Tuyên bố cho rằng “vụ Đồng Tâm phải được giải quyết công khai minh bạch, thông qua trình tự pháp luật dân sự, hành chính và phải có các tổ chức xã hội dân sự độc lập, người dân và báo chí trong nước, quốc tế tự do tìm hiểu, chứng kiến mọi ngóc ngách của vấn đề và trong quá trình giải quyết. Không hình sự hóa trong giải quyết dân sự về đất đai.”

Theo tuyên bố, chế độ cộng sản phải công nhận quyền tư hữu đất đai để giải quyết tận gốc tranh chấp đất đai. “Vấn đề đất đai gây bao đau thương oan khuất từ 1954 đến nay trên khắp Việt Nam phải được thay đổi từ gốc rễ ở Hiến pháp và Luật đất đai, phải trả lại quyền tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.”

Tuyên bố được sự ủng hộ của hàng chục tổ chức xã hội dân sự độc lập và hàng ngàn người ở Việt Nam và nước ngoài.

Như tin đã đưa, chế độ cộng sản Việt Nam và nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã điều động hàng nghìn quân cùng vũ khí tối tân tấn công Đồng Tâm trong đêm 09/1, giết chết ông Lê Đình Kình và con trai và làm bị thương nhiều người khác. Bộ công an cộng sản nói có 3 sỹ quan công an bị chết vì bom mìn tự chế trong khi xâm nhập vào tư gia của ông. Tuy nhiên, công an không công bố thông tin cụ thể về 3 người này.

==============

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây