Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 4-5 từ ngày 20/01 đến 02/02/2020: Hai tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng và Phan Kim Khánh bị biệt giam

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 02/02/2020

 

Theo gia đình của hai tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng và Phan Kim Khánh, Ban giám thị Trại giam Ba Sao (Hà Nam) đã kỷ luật hai nhà hoạt động này bằng hình thức biệt giam. Lý do kỷ luật không rõ ràng, dường như Nguyễn Viết Dũng không lao động như trại giam yêu cầu vì anh nói mình vô tội, còn anh Khánh bị cho là không tuân thủ quy định vô nhân đạo của trại giam.

Cả hai nhà hoạt động trẻ này đã bị kết án 6 năm tù giam vì tội danh nguỵ tạo “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Vào ngày 20/1, một số sỹ quan thuộc Bộ Công an đã bắt cóc Nguyễn Thuý Hạnh, nhà hoạt động ở Hà Nội và là người sáng lập Quỹ 50K hỗ trợ cho tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp khó khăn. Những kẻ bắt cóc đưa bà về trụ sở của cơ quan cảnh sát điều tra ở phố Nguyễn Gia Thiều để tra khảo về việc bà đã sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận hỗ trợ từ 700 người cho gia đình cụ Lê Đình Kình- người bị giết một cách dã man trong cuộc tấn công của cảnh sát vào xã Đồng Tâm (Mỹ Đức- Hà Nội) trong sáng sớm ngày 09/01. Vụ bắt cóc và tra khảo trong nhiều giờ đồng hồ được thực hiện ít ngày sau khi Bộ Công an yêu cầu Vietcombank đóng băng tài khoản của bà, với hơn 500 triệu tiền hỗ trợ cho gia đình cụ Kình, nói rằng đây là tiền hỗ trợ khủng bố.

Chỉ vì muốn che giấu thông tin về bệnh dịch viêm phổi cấp Coronavirus vốn xuất phát từ Vũ Hán (Trung Cộng), nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện chiến dịch trấn áp người sử dụng Facebook, không cho họ viết về tình trạng lây nhiễm bệnh này ở địa phương của họ. Hàng chục Facebooker ở nhiều địa phương đã bị tra khảo bởi công an địa phương và bị buộc phải xoá các bài viết liên quan đến dịch bệnh kia. Đã có ít nhất 4 Facebooker bị phạt tổng cộng 50 triệu đồng.

Ngày 29/1, Ân xá Quốc tế đã công bố báo cáo thường niên năm 2019 về nhân quyền ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về Việt Nam, tổ chức này đánh giá 2019 là một năm có sự gia tăng đáng kể số tù nhân lương tâm trong khi chế độ cộng sản tiếp tục đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội và tụ họp ôn hoà với nhiều cuộc bắt giữ và án tù dài hạn, cũng như hạch sách, trù dập giới bất đồng chính kiến. Hàng chục Facebooker bị bắt và kết án chỉ vì những bài viết ôn hoà trên mạng xã hội sau khi luât An ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm…

Nhà cầm quyền cộng sản đã hoãn thi hành án trong 1 năm đối với tù nhân lương tâm Ngô Hào, cho phép ông được trở về gia đình để điều trị bệnh tật. Cùng với việc phóng thích tù nhân lương tâm Trần Thị Nga và cho phép cô sang định cư ở Hoa Kỳ, việc tạm hoãn thi hành án của ông Ngô Hào nhằm trao đổi với EU về Hiệp định Thương mại Tự do.

Trong khi đó, chỉ vài tuần sau khi đặt chân lên nước Mỹ, cựu tù nhân lương tâm Trần Thị Nga được tổ chức ACAT France trao giải thưởng nhân quyền Engel-du Tertre vì những đóng góp của cô chống lại tra tấn và đối xử vô nhân đạo. Lễ trao giải diễn ra ở Paris vào ngày 01/02.

Và một số tin đáng chú ý

===== 20/1 =====

An ninh điều tra Bộ Công an bắt cóc Nguyễn Thúy Hạnh

Chiều ngày 20/1, sau khi cùng chồng đến phòng giao dịch Tây Hồ thuộc chi nhánh Vietcombank Ba Đình để khiếu nại về việc ngân hàng này phong toả tài khoản của mình chỉ vì hơn 500 triệu tiền hỗ trợ gia đình cụ Lê Đình Kình, cô Nguyễn Thuý Hạnh đã bị một số sỹ quan của An ninh Điều tra (Bộ Công an) bắt cóc đưa về trụ sở của cơ quan này ở phố Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) để tra khảo trong nhiều giờ.

Nội dung tra khảo tập trung vào việc cô Hạnh sử dụng tài khoản cá nhân của mình ở Vietcombank để nhận tiền phúng điếu và hỗ trợ gia đình cụ Lê Đình Kình, người bị giết chết dã man trong cuộc tập kích của hàng ngàn cảnh sát cơ động vào làng Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vào sáng sớm ngày 09/1.

Trong quá trình làm việc, phía công an có đe doạ sẽ bắt nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, người Dương Nội thường xuyên đưa tin về việc người dân Đồng Tâm bị đàn áp chỉ vì kiên quyết đấu tranh giữ đất của họ.

Vụ bắt cóc xảy ra sau nhiều ngày vợ chồng cô Hạnh bị giam hãm trong nhà riêng ở Hà Nội, ngay sau sự kiện tấn công làng Đồng Tâm.

Bộ Công an công bố việc yêu cầu một số ngân hàng đóng băng tài khoản của một số nhà hoạt động, trong đó có cô Hạnh, vì có liên quan đến việc nhận hỗ trợ cho người dân Đồng Tâm, nói rằng tiền hỗ trợ này dành cho các hoạt động khủng bố.

——————–

Giới bất đồng chính kiến phát động thỉnh nguyện thư kêu gọi Vietcombank trả lại số tiền phúng điếu cụ Kình

Giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã phát động chiến dịch thu thập chữ ký cho thỉnh nguyện thư kêu gọi Vietcombank trả lại số tiền khoảng 528 triệu đồng (khoảng 22.500 Mỹ kim), là số tiền mà người Việt ở trong nước và ngoài nước ủng hộ gia đình cụ Lê Đình Kình ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Thỉnh nguyện thư có nói rằng việc tùy tiện khoá tài khoản của khách hàng khi không có bằng chứng hợp pháp đặt dấu hỏi về sự tin tưởng ở Vietcombank cũng như sự hợp lý và minh bạch của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thỉnh nguyện thư yêu cầu Vietcombank lập tức trao trả toàn bộ khoản tiền trong tài khoản cùng với lãi cho bà Nguyễn Thúy Hạnh.

Theo đó, Vietcombank, với văn phòng ở Hoa Kỳ, Úc, Singapore, và được niêm yết trên sàn chứng khoán số 1 Việt Nam, cần phải biết tuân thủ nguyên tắc làm việc của ngân hàng và với khách hàng.

Thỉnh nguyện thư cũng kêu gọi ngân hàng Mizuho của Nhật Bản nên xem lại việc đầu tư tại Vietcombank, và liệu làm việc với Vietcombank sẽ bôi xấu đi danh tiếng của Mizuho. Giới bất đồng kêu gọi Federal Reserve của Hoa Kỳ và giới thẩm quyền ngân hàng trên thế giới hãy điều tra trường hợp Vietcombank đóng khoá một trương mục ngân hàng với khoản tiền dành riêng cho việc tang lễ.

Trong ngày 17/01, Bộ Công an cộng sản cũng tuyên bố đã yêu cầu một số ngân hàng đóng băng tài khoản của một số người liên quan đến gia đình cụ Kình và dân xã Đồng Tâm, nói rằng việc đóng băng này sẽ ngăn cản tiền ủng hộ dân Đồng Tâm để mua vũ khí chống lại công an cộng sản. Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh là một trong số đó.

Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người sáng lập Quỹ 50K để trợ giúp người hoạt động, tuyên bố sẽ khởi kiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi ngân hàng này tuyên bố đã đóng băng tài khoản của chị.

Vào ngày 19/01, sau khi đi làm việc với Vietcombank, trên đường trở về nhà, vợ chồng bà Hạnh đã bị bắt cóc bởi an ninh, và bị đưa về cơ quan công an ở phố Nguyễn Gia Thiều để tra hỏi trong nhiều giờ.

===== 21/01 =====

12 nhà hoạt động ở Hà Nội nộp đơn yêu cầu điều tra vụ giết ông Lê Đình Kình

Vào ngày 20/1, một nhóm gồm 12 nhà hoạt động xã hội đã nộp chung một đơn tố cáo giết người mà nạn nhân là ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, người đứng đầu việc khiếu nại đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Trong đơn tố cáo có Tiến sỹ Nguyễn Quang A đứng đầu tổ chức Xã hội Dân sự, bà Nguyễn Thuý Hạnh, trưởng quỹ 50K, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình- con gái của cố thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh..

Trong đơn, nhóm người này đề nghị Viện kiểm sát và công an thành phố Hà Nội điều tra về cái chết của ông Kình: cụ thể là bị ai giết, bằng phương tiện nào, với mục đích gì. Trước đó, Bộ công an cộng sản nói rằng ông Kình là chủ mưu tấn công vào lực lượng công an đêm 09/01 làm 3 sỹ quan cảnh sát bị thương và ông cũng bị giết chết.

Tuy nhiên, ông Kình chưa từng bị khởi tố, trước khi chết vẫn là đảng viên cộng sản với 58 tuổi đảng, và nhà chức trách cần phải khởi tố vụ án giết ông.

Nhà cầm quyền Việt Nam rất khó hiểu khi khởi tố vụ án làm 3 sỹ quan cảnh sát bị chết trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm sáng sớm ngày 09/1, và bắt giữ 20 người với cáo buộc “giết người” trong khi lại im lặng trước việc ông Kình bị bắn chết bằng 4 viên đạn.

Một số nguồn tin không chính thức trên mạng xã hội cho rằng thượng tá Vũ Văn Khánh, trung đoàn phó trung đoàn cảnh sát cơ động là người hạ sát ông Kình bằng 4 viên đạn. Cũng theo mạng Facebook thì nguyên nhân gây ra cái chết của 3 sỹ quan cảnh sát là do điện cao thế giật khi trèo lên nóc nhà ông Kình trong đêm tối, còn nguồn khác thì nói họ bị rơi xuống giếng trời và bị chết bởi chính vũ khí mang theo trên mình.

===== 22/01 =====

Khảo sát Quốc tế 2019: Việt Nam vẫn là nhà nước chuyên chế

Theo phúc trình của The Economist Intelligent Unit (Anh Quốc) thì Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia chuyên chế trong năm 2019 cho dù Hà Nội có cải thiện chút ít về vị trí trong bảng đánh giá chỉ số dân chủ.

Theo bản phúc trình mang tên Chỉ số Dân chủ năm 2019 được công bố ngày 22/1, The Economist Intelligent Unit đã xếp Việt Nam ở vị trí 136 trong tổng số 167 quốc gia. So với năm 2018, vị trí của Việt Nam được cải thiện 3 bậc cho dù số điểm tuyệt đối vẫn chỉ ở mức 3.08 điểm trên tổng số 10 điểm.

Việt Nam bi điểm zero trong mục đánh giá về tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên, một trong 5 hạng mục được đưa ra để tính chỉ số dân chủ. Ở Châu Á, Việt Nam có chỉ số dân chủ cao hơn Trung Cộng, Bắc Hàn, Lào và Afghanistan.

Theo đánh giá của The Economist Intelligent Unit, chưa đầy 6% dân số thế giới được sống trong một nền dân chủ đầy đủ- tỷ lệ này giảm so với tỷ lệ gần 9% vào năm 2015. Có hơn 48% dân số thế giới được sống trong một nền dân chủ thuộc dạng nào đó. Hơn một phần ba dân số thế giới phải sống dưới chế độ toàn trị mà Trung Cộng chiếm một phần lớn. Hoa Kỳ bị hạ từ mức một nền dân chủ đầy đủ xuống còn là một nền dân chủ bị khiếm khuyết hồi năm 2016.

The Economist Intelligent Unit khởi sự thực hiện phúc trình chỉ số dân chủ vào năm 2006. Trong năm 2019, điểm trung bình toàn cầu về dân chủ giảm xuống 5,44 điểm trên thang điểm 10- so với 5,48 của năm ngoái. Đây được đánh giá là kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 2006.

===== 27/01 =====

Tù nhân lương tâm Ngô Hào được hoãn thi hành án để chữa bệnh

Tù nhân lương tâm Ngô Hào, người đang thi hành bản án 15 tù giam vì tội danh nguỵ tạo “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” được hoãn thi hành án 1 năm để chữa bệnh.

Ông được rời khỏi Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam) vào ngày 09/01/2020, hai tuần trước tết Nguyên đán để trở về nhà ở tỉnh Phú Yên. Ông hiện đã 72 tuổi với tình trạng sức khoẻ tồi tệ sau nhiều năm tháng ở nhà tù cộng sản. Theo con trai ông thì 2 mắt của ông gần như mù lòa trong khi huyết áp cao bất thường.

Gia đình có kế hoạch đưa ông đi khám và chữa bệnh trong thời gian sắp tới ở Sài Gòn.

Ông được hoãn thi hành án sau nhiều kêu cứu từ ông và gia đình cũng như sự vận động của nhiều tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế.

Ông Ngô Hào từng phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa và bị bắt giam vào năm 1977 vì bị cáo buộc “chủ mưu, cầm đầu Đảng Liên minh Việt Nam” tại Phú Yên, nhưng được trả tự do ngay trong năm vì sức khoẻ yếu.

Đầu năm 2013, ông lại bị bắt với cáo buộc theo Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999. Sau đó, ông bị Toà án cộng sản tỉnh Phú Yên kết án 15 năm tù giam.

Cũng như hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị đày đoạ ở nhiều nhà tù khắp Việt Nam, ông Hào bị mắc nhiều căn bệnh nan y mà không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Năm 2019, hai tù nhân lương tâm Đào Quang Thực và Đoàn Đình Nam chết trong trại giam vì bệnh hiểm nghèo trong khi hàng chục tù nhân lương tâm khác đã tuyệt thực để phản đối sự đối xử hà khắc của cai ngục.

—————–

Công an Khánh Hoà sách nhiễu nhiều Facebookers đưa tin về Coronavirus

Công an tỉnh Khánh Hoà đã sách nhiễu nhiều Facebooker đưa tin về bệnh dịch viêm phổi gây ra bởi Coronavirus, gọi họ lên đồn công an để tra khảo và ép họ thừa nhận đưa tin sai.

Theo trang tin zing.vn, sau khi bị công an thẩm vấn, những Facebooker này bị buộc phải xoá các bài về bệnh dịch đang hoàng hoành ở Trung Cộng và Khánh Hoà là một trong nhiều tỉnh thành ở Việt Nam có nguy cơ lây nhiễm cao vì có hàng chục nghìn người đến du lịch từ Trung Cộng.

Tuy Sở y tế tỉnh Khánh Hoà cho biết chưa phát hiện được trường hợp nào dương tính với Coronavirus nhưng không có nghĩa là dịch bệnh chưa xuất hiện ở tỉnh này với trình độ chuyên môn và thái độ làm việc cẩu thả của đội ngũ y tế cũng như trang thiết bị nghèo nàn của các phòng xét nghiệm địa phương.

Theo thông tin từ bệnh viện nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 25/1, đơn vị này chưa tiếp nhận thêm ca mới nghi nhiễm Coronavirus. Đến nay, đơn vị y tế này đã tiếp nhận 5 ca có dấu hiệu bị sốt và đã cách ly ngay sau đó, trong đó có 3 người Việt Nam và 2 trẻ là du khách Trung Quốc.

Sở y tế nói nhân viên y tế đã tiến hành cách ly và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, sau đó lấy mẫu gửi sang Viện Pasteur Nha Trang.

Việt Nam vẫn chưa áp dụng biện pháp hạn chế việc đi lại của người dân với Trung Cộng. Các cửa khẩu biên giới vẫn mở và các phi trường quốc tế vẫn tiếp nhận hàng chục chuyến bay đến từ Trung Cộng, thậm chí đến từ Vũ Hán. Dường như nhiều người Hoa Lục sang Việt Nam để trốn chạy tình trạng cách ly của hàng chục thành phố ở Trung Cộng.

=====

Bốn Facebookers bị phạt 50 triệu đồng vì “tung tin thất thiệt” về dịch Coronavirus

Nhà cầm quyền ở 4 tỉnh đã áp dụng mức phạt hành chính tổng cộng 50 triệu đồng đối với 4 Facebookers về cáo buộc đưa tin đồn không đúng về tình hình dịch bệnh Coronavirus trên các tài khoản cá nhân ở mạng xã hội.

Facebooker Hà Thị Lê Nhân ở Huế, Trần Văn Tùng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Trần Thị Thu Thuỷ ở Lạng Sơn, và Vũ Thị Thanh ở Hải Phòng đã bị công an địa phương gọi lên đồn công an để tra khảo về việc đưa tin có sự xuất hiện lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp gây ra bởi Coronavirus ở địa phương của mình.

Cả bốn đều bị ép phải nhận “đăng tin không đúng sự thật” về dịch viêm phổi và “gây ảnh hưởng đến dân chúng, làm họ hoang mang.

Sau khi buộc họ phải xoá các bài viết về Coronavirus, công an đã đề nghị phạt hành chính: Ông Tùng bị phạt 15 triệu, Nhân và Thuỷ mỗi người 12,5 triệu còn chị Thanh bị 10 triệu đồng.

Trước đó, truyền thông cộng sản đưa tin Khánh Hoà triệu tập rất nhiều Facebookers vì đã chia sẻ tin vê Corona không có lợi cho nhà cầm quyền.

=====

Cựu TNLT Trần Thị Nga được trao giải nhân quyền Engel-du Tertre

Cựu tù nhân lương tâm Trần Thị Nga được giải thưởng nhân quyền Engel-du Tertre của tổ chức Hành động của các Kitô hữu nhằm xóa bỏ tra tấn (ACAT-France) do các hoạt động đấu tranh chống lại tra tấn của cô.

Theo ACAT-France, giải thưởng này được đặt theo tên của hai phụ nữ Hélène Engel và Edith du Tertre, những người sáng lập tổ chức ACAT-France vào năm 1974.

Buổi lễ trao giải sẽ được tổ chức ở Paris vào thứ Bảy ngày 1 tháng 2 năm 2020.

Cô Nga là người hoạt động đầu tiên ở châu Á được giải thưởng này kể từ khi giải thưởng ra đời cách đây 6 năm. Những người được giải thưởng này trong các năm trước bao gồm một phụ nữ hoạt động nhân quyền người Mexico trong lãnh vực chống mất tích cưỡng bức, nữ tù nhân chính trị Naama Asfari ở Tây Sahara, một phụ nữ hoạt động nhân quyền ở Angola tên Luaty Beirao, một phóng viên ở quốc gia Erythrea.

Cô Nga là một người hoạt động công đoàn và nhân quyền, và tham gia nhiều cuộc biểu tình ở Hà Nội trong các năm 2011-2016 chống Trung Cộng xâm lược Biển Đông.

Vì các hoạt động xã hội và nhân quyền, cô và hai con nhỏ đã bị bắt giữ, đánh đập và sách nhiễu nhiều lần bởi lực lượng an ninh Việt Nam. Đầu năm 2017, cô bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999. Cũng trong năm này, cô bị kết án 9 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Trong thời gian bị giam giữ và cầm tù, cô luôn đấu tranh chống lại việc đàn áp và đối xử vô nhân đạo của cai ngục đối với người bị giam giữ.

Cuối năm 2019, cô được phóng thích nhưng buộc phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ cùng với gia đình của cô.

ACAT-France là một tổ chức liên hiệp các hội thánh Kitô đấu tranh chống tra tấn và tử hình trên toàn thế giới và bảo vệ quyền tị nạn.

===== 31/1 =====

AI và FLD: Việt Nam siết tự do ngôn luận và tấn công mạng tạo mối nguy cho nhân quyền

Hai tổ chức nhân quyền quốc tế là Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Front Line Defenders chỉ trích Việt Nam về đàn áp nhân quyền trong năm 2019.

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 29/1 phần về Việt Nam, Ân xá Quốc tế nêu bật vấn đề quyền tự do ngôn luận, tù nhân lương tâm, bị chết trong khi bị giam giữ hay việc lạm dụng tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

Còn trong báo cáo thường niên của FLD công bố vào giữa tháng 1, tổ chức này nhận định rằng, việc các nhà hoạt động nhân quyền bị tấn công trên mạng là những thách thức với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.

Báo cáo “Quyền con người khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Nhìn lại năm 2019” được tổ chức nhân quyền Ân xá quốc tế công bố hôm 30/1 tại Bangkok, Thái lan, nêu ra một loạt các vấn đề có liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam gồm việc gia tăng số lượng các lương tâm tù nhân; đàn áp quyền con người căn bản; ban hành luật an ninh mạng; các nhà hoạt động nhân quyền bị quấy rối, đe dọa…

Liên quan đến tự do ngôn luận, báo cáo cho hay, trong năm 2019, chính quyền đã bắt và truy tố ít nhất 23 người.

Hầu hết những người này chỉ thể hiện quan điểm của họ liên quan đến những vấn đề như tham nhũng, môi trường và nhân quyềnv và sử dụng Facebook như một nền tảng để thể hiện các quyền trên. Có người trong họ sau đó đã bị kết án tù lên đến 11 năm.

Theo Ân xá quốc tế, chính quyền cũng đàn áp Nhà xuất bản Tự do, nơi ấn hành những cuốn sách thể hiện những quan điểm không ‘vừa ý’ chính quyền.

Theo tổ chức này, an ninh Việt Nam đã tra hỏi ít nhất 100 người trên toàn quốc do nghi ngờ có liên quan đến Nhà xuất bản nói trên.

Về vấn đề tù nhân lương tâm, báo cáo của Ân xá quốc tế cho rằng, việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và sau đó, tiến hành các vụ bắt giữ đã dẫn đến gia tăng số lượng tù nhân lương tâm của Việt Nam.

Theo đó, đến tháng 5, tại Việt Nam có 118 tù nhân. Một vài tù nhân lương tâm đã được trả tự do sau thời gian thụ án, nhưng bù lại, số tù nhân lương tâm bị bắt cao hơn.

Báo cáo viết rằng, các thành viên gia đình và các nhóm nhân quyền cho thấy, trong năm 2019, tù nhân lương tâm tiếp tục chịu đựng nhiều hình thức đối xử tệ hại trong tù, kể cả biệt giam, không được tiếp cận với dịch vụ y tế, bị lạm dụng tinh thần và thể chất…

Nhiều giám thị trại giam còn khuyến khích các tù nhân bị giam giữ vì các tội hình sự khác hăm dọa, hành hung tù nhân lương tâm. Thậm chí, thành viên gia đình hai tù nhân lương tâm còn nói rằng, thân nhân của họ bị dọa giết.

Sau khi bị kết án, tù nhân lương tâm thường bị chuyển đến các cơ sở giam giữ xa địa phương nơi gia đình họ đang sống, khiến các thành viên gia đình khó khăn nếu muốn đến thăm họ.

Báo cáo cũng nói là trong năm 2019, có Ít nhất 11 người tại Việt Nam đã thiệt mạng trong khi đang bị giam giữ. Và chính quyền vẫn ngăn chặn các cuộc điều tra độc lập với những trường hợp tử vong như vậy.

Cũng liên quan đến tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2019, đầu tháng 1/2020, báo cáo của tổ chức nhân quyền “Front Line Defenders” (FLD) đưa việc Việt Nam đưa Luật An ninh Mạng vào hiệu lực trong năm 2019 như một mối nguy cho những người hoạt động về nhân quyền.

Theo FLD, Luật An ninh mạng được sử dụng nhằm buộc những nhà hoạt động nhân quyền phải im lặng.

Ở một số nước, mà theo báo cáo này là có Việt Nam, chính quyền còn tổ chức chiến dịch khiếu nại lên các công ty truyền thông xã hội để khóa tài khoản của các nhà hoạt động nhân quyền.

Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 của The Economist Intelligence Unit, công bố hôm 22/1, xếp Việt Nam thứ 136 trong tổng số 167 quốc gia được xếp hạng, với 3.08 điểm. Với điểm số này, thứ hạng của Việt Nam về dân chủ năm 2019 có cải thiện nhẹ so với thứ hạng 139 của năm 2018, nhưng điểm số không thay đổi.

Còn theo báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), trong năm 2019, Việt Nam đã không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ nhân quyền vốn yếu kém của mình.

Theo báo cáo, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.

==============

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây