Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 8 từ ngày 17/2 đến 23/2/2020: Đại Sứ quán Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ vụ Đồng Tâm

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 23/02/2020

 

Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam theo dõi rất sát tất cả những diễn tiến của vụ nhà cầm quyền cộng sản tấn công vào xã Đồng Tâm ngày 9/1 và đang thu thập thông tin từ các nguồn để có thể hiểu hơn những biến cố tại Đồng Tâm.

Theo phúc đáp của đại diện Đại Sứ quán cho RFA, Đại Sứ quán đặc biệt quan tâm về việc tổn thất nhân mạng từ cả hai phía qua đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân làng Hoành; và điều quan trọng là tất cả các bên cần tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương cách công khai, ôn hòa và minh bạch.

Vào sáng ngày 20/2, một nhóm khoảng 20 sỹ quan an ninh đã ập vào nhà cụ Lê Đình Kình đòi khám nhà. Do thái độ hùng hổ của họ, bà quả phụ Dư Thị Thành đã bị ngất, tuy nhiên công an không cho con cháu đưa bà đi cấp cứu. Do có nhiều người dân trong làng Hoành đến quan sát nên nhóm công an bỏ đi. Tuần trước, công an đến đòi thu giữ cửa sắt và cửa kính của gia đình vì có nhiều vết đạn dấu vết của vụ tấn công sáng sớm ngày 09/1 nhưng gia đình không đồng ý.

Cho tới nay, có hai báo cáo độc lập về cuộc tấn công bạo lực vào thôn Hoành được công bố rộng rãi. Một báo cáo của nhóm Hành động Đồng Tâm của một nhóm hoạt động xã hội dân sự do Phạm Đoan Trang, Nguyễn Trường Sơn và William Nguyễn, và báo cáo thứ 2 của giáo sư, tiến sỹ toán học Hoàng Xuân Phú, dựa trên thông tin cung cấp từ gia đình cụ Lê Đình Kình và các hình ảnh, video của cuộc tấn công.

Ngày 17/2, hai ngày trước Đối thoại nhân quyền thường niên giữa EU và Việt Nam, một số tổ chức nhân quyền như HRW và FIDH đã ra thông cáo kêu gọi EU gây sức ép buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền vốn đã xuống rất thấp trong năm qua.

Nhà cầm quyền Việt Nam dự định mở phiên toà sơ thẩm vào ngày 10/3 để xét xử 8 thành viên của nhóm Hiến Pháp với cáo buộc “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự. Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện phiên toà. 8 nhà hoạt động bị bắt cóc từ đầu tháng 9 năm 2018 sau khi họ có ý định tổ chức và kêu gọi biểu tình để phản đối chế độ trong dịp Quốc khánh trong năm đó.

Sau phiên phúc thẩm kéo dài gần 1 tuần, Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với vợ chồng luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và Ngô Tuyết Phương trong vụ án “trốn thuế” liên quan đến giao dịch bất động sản năm 2016. Theo đó, ông Hải và bà Phương bị án cải tạo không giam giữ 1 năm và phạt hành chính 20 triệu đồng về tội danh “trốn thuế” mà 23 luật sư và ông Hải chứng minh rằng họ vô tội. Vụ án có động cơ chính trị nhằm tước quyền hành nghề luật sư của ông Hải, không cho ông bào chữa trong một số vụ án nhạy cảm, trong đó có vụ án của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan tháng 1 năm 2019 trong khi đang làm hồ sơ xin tỵ nạn chính trị ở thủ đô Bangkok.

Hoà thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (PGVNTN) viên tịch vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22/2/2020 tại chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn. Ngài hưởng thọ 92 tuổi. Ngài là người đứng đầu Giáo hội PGVNTN, một tổ chức tôn giáo không được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thừa nhận vì luôn khẳng định sự độc lập trong tinh thần tín ngưỡng và từ chối mọi sự thỏa hiệp với nhà nước vô thần.  Chính vì đấu tranh đòi tự do tôn giáo, ngài đã bị giam giữ tổng cộng 8 năm tù giam và 5 năm quản chế, và sau đó là hàng chục năm bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện (Sài Gòn). Do đấu tranh không mệt mỏi của ngài cho dân chủ và quyền con người, ngài được nhiều tổ chức quốc tế đề cử nhiều lần cho giải Nobel Hoà bình.

Trong ngày 17/2, để ngăn cản giới bất đồng chính kiến tổ chức tưởng niệm binh sỹ và dân thường bị giết hại bởi Trung Cộng khi Bắc Kinh xua 600.000 quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đưa quân canh gác tư gia của hàng trăm người hoạt động ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác trong cả nước. 

===== 17/02 =====

Cộng sản Việt Nam ngăn cản hoạt động tưởng niệm nạn nhân trong cuộc xâm lược của Trung Cộng năm 1979

Nhà cầm quyền ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn đưa mật vụ đến canh nhà riêng của người hoạt động từ chiều tối ngày 16/2 nhằm ngăn cản họ tụ tập để tưởng niệm 41 năm ngày Trung Cộng xâm lược Việt Nam (17/02/1979).

Nhiều nhà hoạt động cho biết công an địa phương đã cử nhóm 2-3 lính đến ngồi gần nhà riêng của mỗi người từ tối đến suốt đêm tới cho dù thời tiết lạnh.

Rút kinh nghiệm bị chặn từ nhiều năm trước, hai chị Đặng Phương Bích và Hoàng Hà ở Hà Nội cùng một số nhà hoạt động khác tổ chức đến nghĩa trang liệt sỹ Từ Liêm (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để đặt hoa và thắp hương vào ngày 16/2 để đề phòng bị câu lưu bởi công an thành phố, như năm 2019.

Không chỉ canh gác nhà riêng của họ, công an còn gọi điện hoặc tự tiện xông vào tư gia để kiểm tra chắc chắn rằng họ còn đang ở nhà.

Ở những điểm công cộng như tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội hay tượng đài Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, an ninh và mật vụ dày đặc. Nhà cầm quyền Hà Nội còn đưa một số “quần chúng” ra nhảy nhót chân tượng đài hay nhà cầm quyền Sài Gòn còn cẩu lư hương đi nơi khác.

Nhiều năm trước, trong những ngày lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa, Trường Sa hoặc ngày tưởng niệm nạn nhân bị quân xâm lược Trung Cộng giết hại năm 1979, Hà Nội còn cho lực lượng dư luận viên ra cướp hoa, bangron và gây rối với người đi tưởng niệm còn Sài Gòn thì cho lực lượng “thanh niên xung phong” ra để đánh đập họ.

——————–

Đại Sứ quán Hoa Kỳ yêu cầu Hà Nội minh bạch vụ tấn công Đồng Tâm

Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam theo dõi rất sát tất cả những diễn tiến của vụ nhà cầm quyền cộng sản tấn công vào xã Đồng Tâm ngày 9/1 và đang thu thập thông tin từ các nguồn để có thể hiểu hơn những biến cố tại Đồng Tâm.

Theo phúc đáp của đại diện Đại Sứ quán cho RFA, Đại Sứ quán đặc biệt quan tâm về việc tổn thất nhân mạng từ cả hai phía qua đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân làng Hoành; và điều quan trọng là tất cả các bên cần tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương cách công khai, ôn hòa và minh bạch.

Tuần trước, ba nhân viên ngoại giao của Đại Sứ quán đã gặp nhà hoạt động Trịnh Bá Phương để lấy thêm thông tin về vụ tấn công vào làng Hoành làm cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình thiệt mạng và phía công an nói có 3 sỹ quan bị chết.

Theo tin mới nhất, tuần qua, công an đến nhà của cụ Kình, gặp cụ bà Dư Thị Thành và đòi mang các cánh cửa sổ có nhiều vết đạn để đi “xét nghiệm” nhưng bà từ chối. Có lẽ phía công an muốn tiêu huỷ bằng chứng cho dù hình ảnh ngôi nhà bị bắn với hàng trăm vết đạn đã được đưa lên mạng xã hội bởi nhiều người.  Phía công an cũng đòi triệu tập cụ Thành lên sở công an nhưng cụ đã từ chối.

Hiện nay, 27 người dân Đồng Tâm vẫn đang bị giam giữ, 20 trong số họ bị cáo buộc giết người trong khi số còn lại bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Trong số này có 2 con trai và hai cháu trai của cụ Kình.

——————–

HRW kêu gọi EU gây sức ép lên Việt Nam trước Đối thoại Nhân quyền thường niên

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép để chế độ cộng sản Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam giữ.

Lời kêu gọi được đưa ra trước Đối thoại Nhân quyền thường niên giữ EU và Việt Nam diễn ra ở Hà Nội vào ngày 19/02, một tuần sau khi Nghị viện Châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa EU và Việt Nam.

Trong thông cáo báo chí, HRW nói rằng EU đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng để buộc Hà Nội cải thiện nhân quyền khi phê chuẩn EVFTA mà không kèm theo chế tài cho các cam kết về cải cách nhân quyền, và trong đối thoại nhân quyền này, EU cần cảnh báo chế độ cộng sản Việt Nam rằng thất bại trong việc thực hiện các cam kết này có thể dẫn đến đình chỉ các lợi ích trong thỏa thuận.

Theo HRW, nhân quyền phải là một phần hữu cơ của các quan hệ song phương giữa EU và Việt Nam.

Tháng trước, HRW gửi tới EU một tờ trình để chuẩn bị cho cuộc đối thoại, trong đó kêu gọi EU tập trung vào năm lĩnh vực cần ưu tiên sau: 1) những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị; 2) tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và đi lại; 3) tình trạng đàn áp quyền tự do thông tin; 4) tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo; và 5) nạn công an bạo hành.

HRW cũng nói Việt Nam cần xóa bỏ các điều luật 109, 116, 117, 118 và 331của Bộ luật Hình sự vốn được sử dụng để đàn áp quyền tự do ngôn luận và lập hội, cũng như Điều 74 và 173 của luật này để các nghi can được tiếp cận trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt.

——————–

Hai tổ chức nhân quyền kêu gọi EU gây sức ép buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên là Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) rathông cáo chung kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) gây sức ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Trong thư gửi EU, hai tổ chức nhân quyền thúc giục EU phải yêu cầu chế độ toàn trị ở Việt Nam chấm dứt việc đàn áp xã hội dân sự, sửa đổi Bộ luật hình sự, và trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm. Thư chung của hai tổ chức nêu quan ngại về việc Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến, vẫn sử dụng nhiều điều luật mơ hồ trong phần “an ninh quốc gia của Bộ luật hình sự để bắt giữ và kết tội người hoạt động, quyền của người lao động không được tôn trọng, nhà cầm quyền ở nhiều địa phương tăng cường cướp đất của dân, và giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm trong điều kiện nhà tù hà khắc.

Theo FIDH và VCHR, kể từ lần Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam được tổ chức vào ngày 4/3/ 2019, giới chức Việt Nam đã tiếp tục đàn áp người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền của người lao động, quyền môi trường và đất đai, bloggers, nhà báo, người phản biện và những người theo đạo. Trong thời gian từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền  và kết án 42 người với nhiều án tù nặng nề.

Hai tổ chức cũng bày tỏ quan ngại về việc Quốc hội Châu Âu vừa thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA) bất chấp tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ.

===== 20/02 =====

Công an đòi khám nhà cụ Lê Đình Kình, cụ bà bị ngất xỉu

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục sách nhiễu gia đình cụ Lê Đình Kình 5 tuần sau khi đưa hàng nghìn cảnh sát cơ động tấn công vào tư gia và sát hại ông cụ 84 tuổi bằng 4 viên đạn.

Theo nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương, vào 10 giờ sáng ngày 20/2, khoảng 20 sỹ quan công an đi trên 3 chiếc xe đã ập vào đòi khám nhà cụ Dư Thị Thành, là vợ của cụ Kình.

Trước sự hung hăng của công an, cụ Thành đã bị tăng huyết áp và ngất xỉu. Các con cháu của cụ hô hoán và gọi cấp cứu nhưng bị công an ngăn cấm. Sau 15 phút thấy cụ không ổn chúng mới cho y tế đến khám chứ không cho cụ đi viện.

Khoảng 1h sau chúng ép con cháu cụ ký giấy không hợp tác, gia đình không ký và người dân kéo đến cổng không ai được vào nhưng thấy đông người chúng đã kéo quân về.

Cách đây 1 tuần, một nhóm công an đến nhà và đòi đem đi cửa sắt và cửa sổ bằng kinh có nhiều vết đạn của cuộc tấn công của cảnh sát trong sáng sớm ngày 09/1. Chúng nói muốn đem cửa đi xét nghiệm nhưng cụ Thành không đồng ý.

Với việc khám nhà và đòi thu giữ cửa xếp và cửa sổ, công an muốn tiêu huỷ những chứng cứ về vụ tấn công bạo lực trong đầu tháng trước cho dù rất nhiều người đã đến hiện trường và ghi lại những chứng cứ còn sót lại, dấu vết của hàng trăm viên đạn mà cảnh sát đã bắn vào nhà cụ Kình-Thành.

Cần nhắc lại là sau khi bắn chết cụ Kình, công an đã bắt giữ cụ Thành và hai con trai, một con gái nuôi và hai cháu trai. Cụ Thành bị tra tấn nhưng rồi được trả tự do trong ngày 09/1 còn 5 người còn lại trong gia đình vẫn đang bị công an Hà Nội giam giữ để điều tra về cáo buộc giết 3 sỹ quan công an trong vụ tấn công đẫm máu tháng trước, cho dù cái chết của 3 có nhiều uẩn khúc.

===== 21/02 =====

Toà án tỉnh Khánh Hoà bác kháng cáo của vợ chồng luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải

Ngày 21/2, Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã bác kháng cáo của luật sư nhân quyền Trần Vũ Hải và vợ là Ngô Tuyết Phương, giữ nguyên bản án đưa ra bởi Toà án Nhân dân thành phố Nha Trang trong vụ án “trốn thuế” trong giao dịch bất động sản năm 2016.

Ông Hải cho biết trong phiên toà phúc thẩm kéo dài nhiều ngày, chủ toạ phiên toà yêu cầu đại diện viện kiểm sát nhân dân và đại diện cơ quan giám định thuế không trả lời chất vấn của luật sư còn luật sư Nguyễn Văn Miếng nói toà không thẩm xét các ý kiến phân tích, mổ xẻ của các luật sư, và nhiều tình tiết của phiên toà không được thư ký ghi vào biên bản.

Phần bào chữa của các luật sư chỉ rõ không có sự vi phạm pháp luật vì người bán mảnh đất cho vợ chồng ông Hải không phải đóng thuế còn vợ chồng ông không liên quan đến việc nộp thuế của người bán mảnh đất cho vợ chồng ông. Tuy nhiên, ông Hải và vợ Hải phải thực hiện mức án 1 năm cải tạo không giam giữ và nộp phạt hành chính mỗi người 20 triệu đồng.

Cũng như trong phiên sơ thẩm, phiên toà này rất giống một phiên toà chính trị xét xử người bất đồng chính kiến khi lực lượng an ninh được bố trí dày đặc để phong toả khu vực và kiểm soát chặt chẽ an ninh. Các luật sư không được phép mang laptop, điện thoại di động và USB vào phòng xử án.

Nhiều người nhận định nhà cầm quyền Việt Nam muốn tước thẻ hành nghề luật sư của ông Hải, người từng bảo vệ nhiều người bất đồng chính kiến và tham gia nhiều vụ án dân sự nhạy cảm liên quan đến cướp đất đai của người dân ở nhiều địa phương. Ông Hải sẽ không được tham gia bào chữa cho cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người bị bắt cóc ở Bangkok đầu năm nay và đang bị giam giữ để điều tra về cáo buộc kinh tế.

===== 22/02 =====

Hoà thượng Thích Quảng Độ viên tịch ở tuổi 92

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (PGVNTN) viên tịch vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22/2/2020 tại chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Sài Gòn. Ngài hưởng thọ 92 tuổi.

Hoà thượng Thích Quảng Độ là người đứng đầu Giáo hội PGVNTN, một tổ chức tôn giáo không được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thừa nhận vì luôn khẳng định sự độc lập trong tinh thần tín ngưỡng và từ chối mọi sự thỏa hiệp với nhà nước vô thần.

Chính vì đấu tranh đòi tự do tôn giáo, ngài đã bị giam giữ tổng cộng 8 năm tù giam và 5 năm quản chế, và sau đó là hàng chục năm bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền Viện (Sài Gòn).

Năm 2018, ngài trở về quê ở Thái Bình một thời gian ngắn rồi quay trở lại Sài Gòn, an trú tại chùa Từ Hiếu, cho đến khi viên tịch.

Với người dân miền Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ là biểu tượng của một nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo, và con người.

Ngài nhiều lần được nhiều tổ chức quốc tế đề cử giải Nobel Hòa Bình vì đã dành cả cuộc đời tranh đấu bất bạo động cho công lý, hoà bình, nhân quyền, dân chủ. Năm 2006, ngài được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto vinh danh các nhà hoạt động nhân quyền. Cũng năm đó, ngài được nhận giải Can Đảm vì Dân Chủ do Phong Trào Dân Chủ Thế Giới trao tặng. Trước đó, năm 2003, Ngài được trao giải thưởng nhân quyền quốc tế Homo Homini cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và linh mục Nguyễn Văn Lý.

===== 23/02 =====

Việt Nam sẽ xử 8 thành viên của nhóm Hiến Pháp vào ngày 10/3

Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm xét xử 8 thành viên của nhóm Hiến Pháp vào ngày 10/3 về tội danh “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật hình sự 2015.

Hai thành viên Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Hoàng Thị Thu Vang bị cáo buộc theo khoản 1 với mức án cao nhất lên đến 15 năm tù trong khi 6 người còn lại Đỗ Thế Hóa, Hồ Đình Cương, Lê Quý Lộc, Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, và Đoàn Thị Hồng bị cáo buộc theo khoản 2 với mức án từ 3 đến 7 năm tù giam nếu bị kết tội.

Cả 8 người từng tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn ngày 10/6/2018. Họ kêu gọi biểu tình vào đầu tháng 9 cùng năm để phản đối nhiều chính sách của chế độ nhưng bị bắt trước khi cuộc biểu tình xảy ra. Ban đầu, nhiều người trong số họ bị bắt cóc và biệt giam trong nhiều tháng trước khi được gia đình tìm ra vì công an thành phố HCM không thông báo cho gia đình của họ.

Ban đầu, nhà cầm quyền cộng sản Việt  định đưa 8 nhà hoạt động ra xét xử vào giữa tháng 1 năm nay nhưng hoãn lại. Cho tới nay, họ đã bị giam giữ gần 18 tháng.

Trong phiên xử sơ thẩm, 6 luật sư Lê Khả Thành, Hà Huy Sơn, Đặng Đình Mạnh, Đặng Thị Kim Xuân, Ngô Ngọc Trai và Nguyễn Văn Miếng tham gia bào chữa cho nhóm Hiến pháp.

Nhóm Hiến Pháp chủ trương phát tán Hiến Pháp 2013 của chế độ cộng sản, qua đó giúp người dân hiểu được các quyền công dân của mình. Năm 2018, hai thành viên của nhóm là ông Huỳnh Trương Ca và Lê Minh Thể đã bị bắt và kết tội lần lượt theo hai tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án tù tương ứng là 5.5 năm và 2 năm.

=======================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây