Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 12 từ ngày 16/3 đến 22/3/2020: Nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành

 

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 22/3/2020

 

Mặc cho đại dịch Covid-19 hoành hành khắp Việt Nam, lực lượng an ninh vẫn sách nhiễu nhiều nhà hoạt động nhân quyền vì những hoạt động ôn hoà của họ.

Công an tỉnh Hoà Bình gần đây liên tục cử hàng đoàn cảnh sát và an ninh đến tư gia của cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu để hạch sách về đăng ký tạm trú. Theo hai con trai bà, anh Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư thì việc hạch sách này nhằm trả thù việc họ hỗ trợ truyền thông cho người dân Đồng Tâm trước và sau biến cố ngày 09/1.

Trong khi đó, ở Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Nguyễn Tường Thuỵ cho biết trong nhiều ngày gần đây, công an liên tục đến nhà yêu cầu ông lên đồn công an để tra khảo về các hoạt động của ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội đã bị bắt cuối tháng 11 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Với lý do sức khoẻ yếu trong mùa đại dịch Covid-19 và ông không có thông tin gì để khai báo nên ông từ chối yêu cầu của công an. Phía công an đe doạ sẽ cưỡng bức ông vào tuần tới.

Sau khi truy đuổi họ trong tám năm qua, ngày 19/3, công an Việt Nam đã bắt 3 nhà hoạt động về tự do tôn giáo thuộc nhóm đạo Hà Mòn, vốn được thành lập năm 1999 ở khu vực Tây Nguyên. 3 ông đang bị biệt giam và có khả năng bị cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” với án tù dài hạn, như hàng trăm người thuộc sắc tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên phải chịu chỉ vì cổ suý tự do tôn giáo.

Ngày 16/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho blogger Trương Duy Nhất, người mới bị kết án 10 năm tù giam vì cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.” Washington cũng kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận vốn được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Công an Việt Nam ngày càng lộng quyền, đàn áp tiếng nói tự do trên mạng xã hội về nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt về đại dịch Covid-19. Theo truyền thông nhà nước cộng sản, hơn 600 Facebooker bị triệu tập và tra khảo về các bài viết của họ về bệnh dịch Coronavirus, và hơn 150 người bị phạt tiền tới 15 triệu đồng vì những bài viết bị coi là “không đúng sự thực.” Đây là cách làm tiền trắng trợn của Công an Việt Nam đồng thời đe doạ những người khác trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Và nhiều tin khác

===== 16/3 =====

Washington kêu gọi Hà Nội phóng thích blogger Trương Duy Nhất

Ngày 16/3, Chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho blogger Trương Duy Nhất, người thường xuyên viết bài cho Đài Á Châu Tự do (RFA) vừa bị kết án 10 năm tù giam về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 của Bộ luật Hình sự trong phiên toà ngày 09/3.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Washington rất thất vọng về án tù dành cho ông Nhất, và kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam “trả tự do ngay lập tức cho ông Nhất và tất cả các tù nhân lương tâm và cho phép tất cả các cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ một cách tự do và tụ tập một cách ôn hòa mà không bị đe dọa trả thù.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói trong thông cáo báo chí rằng Việt Nam cần tôn trọng quyền tự do ngôn luận của dân chúng vì quyền này có ghi trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết việc mất tích của ông Nhất ở Bangkok và sự xuất hiện của ông trong trại giam công an Việt Nam là khó hiểu.

Đây là một tuyên bố thẳng thắn của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền cho dù Washington đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để đối phó với sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương.

Trường hợp ông Nhất bị bắt cóc ở Bangkok rồi đưa về Hà Nội cũng được nhắc đến trong báo cáo nhân quyền năm 2019 về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó Washington nói hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tồi tệ, với nhiều quyền cơ bản về nhân quyền, dân sự và chính trị bị vi phạm một cách trầm trọng.

——————–

Nhà hoạt động Cao Vĩnh Thịnh được Mashable tôn vinh là 5 phụ nữ thay đổi tương lai tốt đẹp hơn

Nhà hoạt động môi trường Việt Nam Cao Vĩnh Thịnh được Mashable tôn vinh là một trong 5 phụ nữ Đông Nam Á “tạo cảm hứng mạnh mẽ nhất để chúng ta thay đổi tương lai của thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.”

Sự tôn vinh này được đưa ra nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay. Nhà hoạt động Cao Vĩnh Thịnh, “hoa hậu cây xanh” và là gương mặt nổi bật của nhóm Cây Xanh (Green Trees), một tổ chức xã hội dân sự độc lập được thành lập bởi một số nhà hoạt động tại Hà Nội năm 2015 để phản đối kế hoạch của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm chặt 6.700 cây cổ thụ ở trung tâm thủ đô.

Mashable SE Asia viết rằng cô là một phóng viên kinh tế, tận mắt chứng kiến nhiều tập đoàn lớn gây tổn hại cho môi trường. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt báo chí của chế độ cộng sản, nhiều bài báo của cô không được đăng. Từ đó, cô tham gia thành lập nhóm Cây Xanh với mục tiêu ghi lại những vụ xâm phạm môi trường, đồng thời cũng báo động về nguy cơ biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Vì những hoạt động mạnh mẽ của mình, nhiều thành viên của nhóm thường xuyên bị công an bắt bớ hoặc sách nhiễu. Bản thân Thịnh bị cấm xuất cảnh và bị bắt cóc rồi tra khảo nhiều lần trong đồn công an.

Cho dù vậy, Thịnh không lùi bước mà vẫn tiếp tục công việc bảo vệ môi trường của cô.

——————–

Hàng chục người bị bắt ở Quảng Ngãi vì phản đối nhà máy rác

Vào tuần trước, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Quảng Ngãi đưa hàng trăm cảnh sát cơ động đến thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ nhằm giải tán người dân đang án ngữ ở bãi rác ngăn cản không cho xe rác vào đổ và bắt giữ khoảng 20 người.

Theo RFA, cảnh sát được trang bị khiên chắn, dùi cui, và chó nghiệp vụ để đối phó với hàng trăm người dân. Đã có xô xát giữa hai bên và cảnh sát bắt giữ người phản đối. Sau nhiều giờ bị giam giữ, một số người đã được trả tự do trong cùng ngày. Không rõ số người mà công an còn bắt giữ là bao nhiêu và họ có thể bị khởi tố với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” hoặc “chống người thi hành công vụ.”

Sự việc bắt đầu vào năm 2018 khi nhà máy tiêu huỷ rác thải MD hoạt động xả khói, xả thải trực tiếp ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và vị trí của nhà máy chỉ cách khu dân cư 500 mét. Người dân đã thiết lập rào chắn ngăn chặn các xe rác tiếp tục đem rác thải đến đổ ở đây từ đó cho đến nay.

Vào tháng 9 năm 2019, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã cam kết không đưa rác từ địa phương khác về tái chế ở nhà máy này, và chỉ tái chế số rác hiện có ở khu vực này.

Tuy nhiên, người dân địa phương không đồng ý và yêu cầu nhà máy phải di dời ngay lập tức. Họ cũng không tin tưởng vào việc nhà máy sẽ tái chế số rác tồn đọng mà không gây ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng như thời gian trước đó.

===== 17/3 =====

Công an cộng sản liên tục sách nhiều người hoạt động giữa mùa dịch Covid-19

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn liên tục sách nhiễu và đe doạ nhiều người hoạt động mặc cho dịch Covid-19 đang lây lan ở nhiều địa phương với tốc độ cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch khó kiểm soát.

Trong mấy ngày gần đây, gia đình của vợ chồng cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu-Trịnh Bá Tư cùng hai con cũng là người hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư liên tục bị công an tỉnh Hoà Bình và thành phố Hà Nội đến quấy nhiễu.

Trong các ngày 14-17/3, công an xã Ngọc Lương và công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đến nhà đòi làm việc với gia đình về vấn đề hộ khẩu. Chúng đi từng đoàn, ít nhất là 10 tên, có nhiều tên bịt mặt bằng khẩu trang và không nêu danh tính. Có tên còn chửi bới rồi bỏ đi khi gia đình yêu cầu xưng danh.

Trước đó, sỹ quan thuộc cơ quan điều tra an ninh của bộ công an đã đe doạ bắt giữ Trịnh Bá Phương vì anh liên tục lên tiếng bênh vực cho người dân Đồng Tâm và đưa tin tức về việc bị công an đàn áp sau khi đã giết chết cụ Lê Đình Kình và bắt giữ hơn 20 người với cáo buộc giết người.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Nguyễn Tường Thuỵ cho biết ông nhận được nhiều giấy mời/triệu tập của công an Việt Nam để lên đồn làm việc về tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội- người bị bắt vào cuối tháng 11 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Ông Thuỵ từ chối tuân thủ yêu cầu của công an, vì ông không biết gì về hoạt động của ông Dũng, và cũng không muốn rời khỏi nhà trong tình hình dịch lây lan ở thủ đô Hà Nội. Ông Thuỵ cho biết công an đưa mật vụ đến canh sát ngay cửa của căn hộ chung cư nơi gia đình ông sinh sống.

Trước đó, đêm 13/3 và sáng sớm ngày 14/3, công an canh cửa nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn nhằm không cho họ tụ tập để tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma, những người đã bị quân Trung Cộng giết hại khi chúng xâm chiếm hòn đảo ở Trường Sa này năm 1988.

===== 18/3 =====

Hai người Hmong bị chung thân, 9 người khác bị 84 năm tù về cáo buộc “lật đổ chế độ”

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa kết án một nhóm người thuộc sắc tộc thiểu số Hmong về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ,” với nhiều bản án hà khắc.

Theo báo chí nhà nước cộng sản, sau 3 ngày xét xử, ngày 18/3 toà án cộng sản tỉnh Điện Biên đã tuyên án chung thân 2 ông Sùng A Sính và Lầu A Lềnh; 20 năm tù giam cho ông Hoàng Văn Páo; và 8 năm cho các ông Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sình, Giàng A Dia, Giàng A Sinh, Hờ A Hù, Cháng A Súa, và Hoàng Văn Chơ.

Ngoài ra, Thào A Khu, Phàng A Minh, Phàng A Lanh bị kết án mỗi người 2 năm tù về tội danh “Che giấu tội phạm.

Theo cáo trạng, từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 3 năm 2019, Sùng A Sính cùng Lầu A Lềnh và một bị cáo thống nhất xây dựng tổ chức với mục tiêu thành lập nhà nước Hmông, lôi kéo thêm 5 người cùng tham gia tổ chức lập nhà nước Hmông tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) độc lập với nhà nước cộng sản.

Hmong là một sắc tộc thiểu số sống vùng núi phía tây bắc và cao nguyên Trung Phần. Trong Chiến tranh Việt Nam, họ ủng hộ Việt Nam Cộng hoà và quân đội Hoa Kỳ, do vậy, sau khi chiếm được nam Việt Nam, chế độ cộng sản Hà Nội đã trả thù người Hmong và áp dụng nhiều hình thức đàn áp, trong đó có việc cướp đất đai của họ.

Chính vì sự đàn áp này mà nhiều lần người Hmong đã đứng lên phản kháng, trong đó có sự kiện Mường Nhé vào tháng Tư năm 2011, khi hàng nghìn người Hmong tụ tập đòi đất và quyền tự trị. Chế độ cộng sản Việt Nam đã sử dụng quân đội và công an với vũ khí tối tân để đàn áp. Nhiều người đã bị bắn chết và hàng trăm người bị bắt giam.

===== 19/3 =====

3 người theo đạo Hà Mòn bị bắt sau 8 năm phải lẩn trốn trong rừng sâu

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa bắt giữ 3 nhà lãnh đạo của nhóm tôn giáo độc lập Hà Mòn sau 8 năm họ phải sống trong rừng sâu để trốn tránh sự truy đuổi của công an tỉnh Gia Lai.

Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin các ông Kưnh (sinh năm 1992), Lũp (sinh năm 1972), Jưr (sinh năm 1964), công dân của xã H’ra bị bắt vào ngày 19/3 tại khu vực núi Jơ Mông, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Theo đó, từ tháng 7/2012 đến nay, 3 ông vẫn hoạt động cổ suý tự do tôn giáo cho dù bị truy sát gắt gao bởi công an địa phương vì nhà cầm quyền cộng sản coi Hà Mòn là tà đạo.

Cả 3 người có thể bị kết án “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” hoặc “chia rẽ đoàn kết dân tộc” với mức án tù giam nhiều năm, như hàng chục người hoạt động tự do tôn giáo người dân tộc thiểu số từng bị trong nhiều năm qua.

Hà Mòn là một nhóm tôn giáo mới có nguồn gốc từ đạo Cơ đốc giáo được thành lập ở Kon Tum từ năm 1999. Tuy nhiên, chế độ cộng sản Việt Nam không công nhận tôn giáo này và ra sức đàn áp từ đó tới nay.

Năm 2011, trong báo cáo mang tên “Người Thượng Cơ đốc giáo ở Việt Nam: Hồ sơ nghiên cứu một trường hợp đàn áp tôn giáo,” tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã tố cáo Việt Nam đàn áp nhóm đạo Hà Mòn cùng nhiều nhóm đạo Tin lành của người Thượng ở cao nguyên Trung phần. Theo báo cáo này, hàng trăm người bị buộc bỏ đạo, số khác bị cầm tù với những bản án hà khắc đưa ra sau những phiên toà không tuân thủ các quy định về phiên toà công bằng của quốc tế.

===== 21/3 =====

Đưa tin ăn cật dê khỏi Covid-19, một phụ nữ bị phạt 15 triệu đồng

Nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Ninh Bình đã truy hỏi và áp dụng hình phạt tiền 15 triệu đồng đối với một phụ nữ chỉ vì người này nói trên trang Facebook cá nhân của mình rằng ăn cật dê có thể chữa khỏi bệnh Coviv-19.

Công an tỉnh Ninh Bình khẳng định việc đăng tải như thế là đưa thông tin sai sự thật, mang quan điểm nhận thức cá nhân nhằm câu view câu like và gây hoang mang dư luận.

Nạn nhân là chị Phạm Thị Hồng Chinh, người trú tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh. Cô bị an ninh của tỉnh tra khảo và ép phải nhận rằng hành vi của cô là vi phạm các quy định của pháp luật, đồng thời xóa bài viết và cam kết không đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19.

Công an cộng sản Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp trấn áp người sử dụng mạng xã hội sau khi Luật an ninh mạng có hiệu lực. Hàng trăm Facebooker bị triệu tập lên đồn công an và bị phạt với mức phạt từ 7 triệu đến 15 triệu đồng vì những bài viết hoặc chia sẻ bài của người khác cho dù nội dung cũng không có gì là nghiêm trọng, đơn cử như trường hợp trên.

Một vụ tương tự xảy ra ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Ngày 20/3, công an quận Hoàn Kiếm đã phạt một phụ nữ 12,5 triệu đồng vì cô đăng tin sử dụng tỏi có thể chữa được bệnh Covid-19.

Tuần trước, Bộ công an cộng sản công bố thông tin đã “làm việc” với hơn 600 Facebooker về nội dung của các bài viết của họ trên mạng xã hội và phạt tiền hơn 100 người vì đăng tin “không đúng sự thực.”

Trong khi đó, nhiều báo của nhà nước cộng sản liên tục đăng tin sai nhưng hầu như không bị phạt.

==================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây