Đằng sau phản ứng của Việt Nam trong đối phó với COVID-19 là sự mất lòng tin sâu sắc vào Trung Cộng

Theo nhiều nhà phân tích, mặc dù có hợp tác y tế công cộng, Đảng Cộng sản Việt Nam không mấy tin tưởng vào lời nói của các đối tác Trung Cộng.

 

The Diplomat, ggày 14/5/2020

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

 

Vào ngày 1/2, Việt Nam đã đưa ra một quyết định quyết liệt vào thời điểm đó: dừng tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao vì lo ngại về sự lây nhiễm của căn bệnh sau này được đặt tên là COVID-19. Ba ngày trước đó, quyết định đã được đưa ra để ngừng cấp thị thực du lịch cho công dân từ 3 nơi trên. Chỉ một ngày sau khi chính quyền Trump tuyên bố thắt chặt các hạn chế đối với việc đi lại từ Trung Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tạm dừng hoàn toàn các chuyến bay đến Trung Quốc. Quốc gia này bắt đầu đóng cửa biên giới dài 1.300 km với đối tác thương mại lớn nhất trong cùng ngày.

Mặc dù số trường hợp lây nhiễm ở Việt Nam khi đó mới dưới 10 người, Việt Nam không dừng lại ở đó. Theo kế hoạch sau nghỉ tết Nguyên đán, học sinh sẽ trở lại trường học vào ngày 3/2 – tuần học mới đầu tiên kể từ khi virus được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/1. Nhưng các trường học trên toàn quốc đã bị đóng cửa, mặc dù chỉ có tám trường hợp được chẩn đoán nhiễm bệnh ở một đất nước 95 triệu dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi cuộc chiến chống COVID-19 là cuộc Tổng tấn công Mùa xuân năm 2020, một tên gọi liên quan đến chiến dịch quân sự cuối cùng trong Chiến tranh Việt Nam.

Đến giữa tháng 4, sự lây nhiễm trong cộng đồng rõ ràng đã dừng lại. Tính đến ngày 14/5, Việt Nam đã ghi nhận 29 ngày liên tiếp mà không có trường hợp lây nhiễm mới. Nước này đã báo cáo tổng cộng 288 trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không có trường hợp tử vong nào.

Trong khi thành công của Việt Nam được cho là do vô số yếu tố – hành động kịp thời, những bài học cay đắng rút ra từ SARS và lịch sử vận ​​động quần chúng gần đây – những biện pháp quen thuộc với Đảng Cộng sản Việt Nam- một tổ chức chính trị cầm quyền hiểu biết nhưng không tin tưởng vào người anh em của nó ở phía bắc.

“Tôi không nghĩ rằng Trung Cộng có thể thuyết phục được ai ở Việt Nam, kể cả đảng viên cộng sản,” theo ông Nguyễn Quang A, một nhà kinh doanh đã nghỉ hưu và cũng là một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Hà Nội. Từng là một đảng viên trung thành và một chủ ngân hàng khá nổi – ông đã đồng sáng lập nên ngân hàng tư nhân lớn nhất của Việt Nam vào năm 1993. Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói rằng tất cả đều chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không yên tâm trước những báo cáo lạc quan từ Trung Cộng về nguy cơ đại dịch virus.

Với việc cả hai bên vận hành các cấu trúc nội bộ tương tự ở hai quốc gia tương ứng, thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi và sự kiện giữa các bên, ông Nguyễn Quang A cho biết các quan chức Việt Nam hiểu rõ suy nghĩ đằng sau các thông báo và các quyết định chính sách ở Bắc Kinh.

“Những người cộng sản Việt Nam biết họ rất rõ; họ đã có rất nhiều bài học từ những người được gọi là bạn từ  Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói.

Người hàng xóm cùng tư tưởng, đối thủ địa chính trị

Là quốc gia cộng sản độc đảng duy nhất có nền kinh tế lớn, định hướng thị trường, Việt Nam là nước láng giềng có tư tưởng gần nhất của Trung Quốc. Nhưng sau khi thống nhất Việt Nam vào năm 1975, Hà Nội đã tìm thấy chính mình trong khối Xô Viết vào thời điểm Trung Quốc và Hoa Kỳ hợp tác chống lại Kremlin trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh. Sau khi đẩy lùi một cuộc xâm lược của Trung Cộng ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979, Việt Nam đã dành những năm 1980 chiến đấu với Khmer Khmer đỏ được Bắc Kinh hậu thuẫn ở ​​Campuchia xen kẽ những cuộc giao tranh không thường xuyên với Trung Cộng trên cả đất liền và trên biển.

Quan hệ chỉ được bình thường hóa vào năm 1991. Việt Nam ngày nay coi Trung Quốc là mối đe dọa sinh tồn lớn nhất của mình khi hai nước tranh chấp biển đảo ở Biển Đông. Sự đồng thuận phổ biến ở Việt Nam là Trung Cộng đã là kẻ thù của Việt Nam trong nhiều thiên niên kỷ.

Nguyễn Tiến Lập, một đối tác cao cấp của luật NHQuang & Associates và là cựu đảng viên, nói rằng “Tôi nghĩ rằng cả chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn hiểu rõ về Trung Cộng.”

“Các nhà lãnh đạo Đảng Việt Nam hiểu rõ rằng họ nên độc lập khỏi Trung Cộng,” ông nói thêm.

Balazs Szalontai, một chuyên gia về các quốc gia cộng sản hiện đang làm việc tại khoa nghiên cứu Bắc Hàn của Đại học Hàn Quốc, cho biết đóng cửa biên giới sớm và đình chỉ chuyến bay gần như chắc chắn gây khó chịu cho Trung Quốc.

“Đánh giá từ các khiếu nại công khai sau đó của Trung Cộng, chính quyền Bắc Kinh đã phẫn nộ về những hạn chế đi lại mà Việt Nam áp đặt với công dân Hoa Lục vào cuối tháng 1, và Bắc Kinh có lẽ đã thúc giục Hà Nội bãi bỏ các hạn chế này càng sớm càng tốt,” ông Szalontai nói, trích dẫn một bài báo ngày 11/4 của tờ báo Thời báo Hoàn cầu cáo buộc Việt Nam đã ra lệnh phong tỏa tập trung chống lại Trung Cộng trong những ngày đầu xảy ra đại dịch phù hợp với các động thái của Hoa Kỳ.

Theo công ty an ninh mạng có trụ sở tại Hoa Kỳ FireEye, tình báo Việt Nam thậm chí có thể đã phát động các cuộc tấn công mạng chống lại Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch để tìm kiếm thông tin về coronavirus. APT32, nhóm hacker mà công ty an ninh mạng đã xác định là nhóm hoạt động cho nhà nước Việt Nam, đã tiến hành một cuộc tấn công vào Bộ Quản lý Khẩn cấp của Trung Cộng vào ngày 6/1. Nó cũng tấn công chính quyền tỉnh Vũ Hán.

Trong khi Hà Nội phủ nhận các cuộc tấn công mạng và các nguồn tin ở Việt Nam không muốn thảo luận về tính hợp lý của hoạt động tình báo Việt Nam chuyên sâu, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales và chuyên gia về các vấn đề quốc phòng của Việt Nam, cho biết các cuộc tấn công được cho là tốt trong khả năng của Bộ Tư lệnh Tácchiến Không gian mạng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

“Không thể tin được rằng Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng đã không phát triển được một số khả năng tấn công có thể cho phép nó hack máy tính của chính phủ Trung Cộng,” ông Thayer nói, bổ sung rằng Việt Nam cũng có những cách thức hoạt động gián điệp truyền thống ở Trung Quốc.

“Không rõ tại sao Việt Nam không thể có được những thông tin từ mạng lưới tình báo và tin tức từ mạng Internet tiếng Trung,” ông Thayer nói.

Tiến về phía trước

Việt Nam đã không theo bước chân của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hoặc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi chỉ trích việc xử lý đại dịch Coronavirus của Trung Cộng. Thay vào đó, nhà cầm quyền ở Hà Nội tập trung vào các thế mạnh của Việt Nam, dựa trên các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt và huy động toàn quốc để dập tắt mối đe dọa.

“Nói chung, người Việt Nam đáp ứng tốt với các lời kêu gọi hợp tác quốc gia nếu họ được thuyết phục rằng có một cuộc khủng hoảng quốc gia,” theo ông David Koh, cựu nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, hiện đang điều hành công ty tư vấn riêng.

Ông nói thêm rằng chính phủ Việt Nam đã ưu tiên bám vào những điểm tích cực.

“Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có thể không tin vào số liệu của Trung Quốc, mặc dù Việt Nam không công khai nói gì về điều đó,” ông Koh nói.

Thayer chỉ ra rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đã hợp tác trong đại dịch khi đối mặt với một kẻ thù chung. Ngoài nhiều cuộc họp xuyên biên giới giữa các quan chức y tế công cộng, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã giúp đỡ nhau về vật chất.

“Những người lính biên phòng của Việt Nam đã tặng những chiếc mặt nạ cho các đối tác Trung Cộng. Bắc Kinh đã đề nghị hỗ trợ Hà Nội bằng cách gửi các chuyên gia y tế,” ông Thayer nói.

Nhưng ngay cả khi Việt Nam thực hiện chính sách cách ly toàn quốc vào tháng Tư, trọng tâm của mối quan hệ song phương đã chuyển trở lại thành đối thủ địa chính trị ở Biển Đông.

Vào ngày 3/4, Việt Nam cáo buộc hải cảnh Trung Cộng cố tình đánh chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Trung Cộng vặn lại rằng tàu Việt Nam đã đâm vào tàu hải cảnh. Cuối tháng đó, Trung Quốc nêu tên khoảng 80 thực thể ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả các đảo đá ngầm và đảo nổi, và thành lập hai quận mới để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Báo chí ở cả hai nước đã cáo buộc phía bên kia sử dụng sự xao lãng của thế giới trong thời gian dịch COVID-19 đưa ra những yêu sách hàng hải ở Biển Đông.

“Tính toán giữa Việt Nam và Trung Quốc rất phức tạp,” theo ông Lê Đăng Doanh, người từng là cố vấn kinh tế cho năm đời thủ tướng Việt Nam.

“Một mặt, hai bên tận hưởng một cuộc trao đổi kinh tế rất sôi động, và mặt khác, trong đại dịch, Trung Cộng tăng cường tuần tra biển và sự hiện diện ở Biển Đông,” ông nói thêm.

Thayer cho biết thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc trong bối cảnh cả đại dịch và bùng nổ Biển Đông là điển hình của tiết lý “vừa hợp tác vừa đấu tranh” đối với các cường quốc thế giới.

Việt Nam “hợp tác” với Trung Quốc để đối phó với coronavirus vì ảnh hưởng của đại dịch này đối với nền kinh tế và xã hội của Việt Nam và vì Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và COVID-19 đòi hỏi phải có phản ứng trong khu vực, ông nói thêm rằng sự hợp tác đó không có tác dụng về địa chính trị ở Biển Đông.

“Việt Nam đấu tranh chống lại Trung Quốc về vấn đề này,” Thay nói.