Tại sao các nhà hoạt động nhân quyền ôn hoà vẫn bị giam cầm ở Việt Nam?

Bản dịch của MD
Giữa cơn đại dịch toàn cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải lập tức thả ông Nguyễn Bắc Truyển và những tù nhân lương tâm như ông một cách vô điều kiện.
Đúng ngày này ba năm về trước ông Nguyễn Bắc Truyển đã biến mất trên một con đường nhộn nhịp tại thành phố Hồ Chí Minh khi đang chờ vợ gần nơi làm việc của mình. Vào chiều hôm đó, Bộ Công An công bố rằng ông đã bị bắt cùng với ba người bảo vệ nhân quyền khác. Họ cáo buộc ông “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Là một thành viên của cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo, đồng thời là một tiếng nói tiêu biểu ủng hộ cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, trường hợp của ông Truyển là một ví dụ về tình hình nhân quyền ảm đạm trong nước. Các nhóm và cá nhân thuộc tôn giáo thiểu số trở thành những mục tiêu nặng nề nhất.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì phản ứng thành công với đại dịch cúm Corona với chỉ vài trăm ca nhiễm được ghi nhận và không có tử vong. Tuy nhiên, phương thức sử dụng để chống lại sự lây lan của virus lại được sử dụng bởi chính phủ để sách nhiễu những người bất đồng chính kiến đưọc xem là hoạt động có nguy hại đến nhà cầm quyền.
Một lý do chính cho sự thành công của Việt Nam trong việc chống dịch là sử dụng các an ninh khu vực theo dõi chặt chẽ cộng đồng. Họ đã cảnh báo và áp dụng những hạn chế khắt khe khi phát hiện một nguy cơ lây nhiễm. Qui trình ngăn ngừa này đã được giao cho bộ Công An, một cơ quan nhà nước với quyền lực mờ ám đã bắt giam ông Truyển.
Ông Truyển đã bị biệt giam suốt sáu tháng trước khi vợ ông được phép thăm gặp. Ông được tiếp xúc với luật sư chỉ vỏn vẹn hai tuần trước khi ra toà. Phiên toà kéo dài chưa đến một ngày và ông Truyển bị kết án 11 năm tù giam cộng 3 năm quản chế với tội “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Đây không phải là lần đầu tiên ông Truyển bị chính quyền Việt Nam nhắm tới. Năm 2006 ông bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ông ra tù tháng 5 năm 2010.
Vợ ông là bà Bùi Thị Kim Phượng cũng bị chính quyền sách nhiễu. Vào tháng 3 năm 2019 bà đã bị ngăn cấm khi làm thủ tục xuất ngoại đi Đức và Hoa Kỳ để vận động cho chồng.
Một trong những lý do giam giữ ông Truyển là vì ông vận động cho quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam. Nhà cầm quyền của quốc gia này vẫn tiếp tục hạn chế các quyền cơ bản của con người.
Theo Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF), một phần ba trong số hơn 120 tù nhân lương tâm tại Việt Nam bị bắt vì các mối liên quan đến tôn giáo hoặc vận động cho tự do tôn giáo và niềm tin. Ủy Hội này đã đề nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” do trực tiếp nhúng tay hoặc dung túng các vi phạm có hệ thống và nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin.
Những nhóm bị ngược đãi bao gồm Phật Giáo Hòa Hảo, trong đó có cá nhân ông Truyển, Phật Giáo Nam Tông Khmer Krom của người Khơ-Me ở Miền Tây, tín đồ Tin Lành người H’mong và các sắc dân người Thượng khác, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Pháp Luân Công, Cao Đài, Ân Đàn Đại Đạo, Đạo Dương Văn Mình và một số tôn giáo khác. Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã thống kê những trường hợp của các tù nhân lương tâm bị từ chối kinh sách, thăm gặp, thực phẩm đầy đủ và chăm sóc y tế.
Ngoài việc bắt bớ tùy tiện và giam cầm, sự sách nhiễu tôn giáo tại Việt Nam còn bao gồm các hình thức phá rối những buổi tế lễ, ngăn cấm các cuộc tụ họp tôn giáo, ép buộc cá nhân bỏ đạo, và một số trường hợp tấn công bằng bạo lực. Hiện cũng có các báo cáo việc chính quyền phá hủy tài sản và tịch thu đất của giáo hội núp dưới vỏ bọc phát triển kinh tế.
Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam vấp phải một trở ngại khác vào tháng Giêng năm 2018, khi chính phủ ban hành Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo. Bộ Luật này trao cho chính phủ quyền hạn quá lớn để hạn chế quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Bộ luật cũng đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và thường xuyên báo cáo hoạt động của họ. Điều này dấy lên mối quan tâm rằng nhà cầm quyền sẽ sử dụng luật mới để đàn áp tôn giáo khốc liệt hơn.
Ông Truyển và hàng chục tù nhân lương tâm khác sống mòn trong nhà tù do điều kiện giam giữ tồi tệ cộng với các cáo buộc ngược đãi, cưỡng bức lao động, và thậm chí chết trong tù.
Điều đáng buồn là tại các nước Đông Nam Á tình trạng bạc đãi tù nhân không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Tình trạng chung là ai cũng có thể bị bắt giam vì lý do chính trị hoặc theo một tín ngưỡng nhà cầm quyền mặc định là xâm hại lợi ích quốc gia.
Hệ thống nhà tù trong toàn khu vực hoạt động vượt xa sức chứa, với Indonesia giam giữ gần gấp đôi số lượng tù nhân mạng lưới trại giam có thể xử lý. Con số tại Philippines là gần gấp năm lần, và không có thống kê chính xác tại Việt Nam.
Từ lâu đã có nhiều lời kêu gọi chính phủ các quốc gia Đông Nam Á giảm thiểu số tù nhân. Điều này trở nên bức thiết hơn trong những tháng gần đây với sự lây lan của vi rút corona. Các viên chức y tế công cộng đã khuyên mọi người giữ khoảng cách với nguời khác ít nhất là một mét để ngăn chặn virus lây lan. Nhưng họ duy trì giãn cách thế nào khi bị dồn vào một phòng giam đông nghịt người?
Với các nhà tù tại Đông Nam Á đầy ắp như sắp bung ra và nguy cơ lây lan cao, tại sao những nhà hoạt đông nhân quyền ôn hòa vẫn bị giam giữ? Tất cả các tù nhân lương tâm trong toàn khu vực, bao gồm những người đấu tranh cho tự do tôn giáo, phải được trả tự do một cách vô điều kiện ngay lập tức.
Trong cơn đại dịch toàn cầu và nhân kỷ niệm ba năm ngày ông bi bắt, chính quyền Việt Nam phải phóng thích ông Truyển ngay lập tức và vô điều kiện. Tất cả những cá nhân bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền con người của mình một cách ôn hòa phải được thả ra. Nhà cầm quyền cũng cần phải cho phép các nhóm tôn giáo độc lập tại Việt Nam được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng của họ mà không sợ bị đàn áp, sách nhiễu, và cầm tù.
Tác giả Kasit Piromya là cựu thành viên của Quốc hội và bộ trưởng ngoại giao Thái Lan. Ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của hôi Các Nghị Sỹ Đông Nam Á vì Nhân Quyền.