Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 39 từ ngày 21/9 đến 27/9/2020: Gia hạn điều tra đối với hai ông Nguyễn Tường Thuỵ và Phạm Thành

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 27/9/2020

 

Lực lượng an ninh của Việt Nam đã gia hạn điều tra đối với hai nhà bất đồng chính kiến Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) Nguyễn Tường Thuỵ và blogger Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành) thêm ba tháng. Cả hai bị bắt vào ngày 21-23/5 vừa qua với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Vào ngày 21/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội thông báo cho gia đình ông Thành về việc gia hạn. Tuy nhiên, gia đình và luật sư của ông Thụy chưa được thông báo về việc gia hạn của Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Hai blogger này đã bị biệt giam kể từ khi họ bị bắt giữ vào cuối tháng Năm.

Trong khi ông Thành bị tạm giam vì các bài viết chính trị của mình, ông Thuỵ bị bắt cùng vụ với Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, người bị bắt vào tháng 11 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Sau khi bắt giữ thành viên trẻ của IJAVN Lê Hữu Minh Tuấn vào ngày 12/6, công an Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Ngãi đã triệu tập nhiều thành viên khác đến để thẩm vấn về hoạt động của tổ chức này và các thành viên chủ chốt của Hội.

Nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương được cho là đã giữ quyền im lặng trong các cuộc thẩm vấn kể từ khi bị bắt vào cuối tháng 6 năm nay. Anh Phương, cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư bị bắt giam vào ngày 24/6 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Giống như những người hoạt động bị bắt trong các vụ án chính trị, cả ba mẹ con bị biệt giam từ khi bị bắt tới nay. Anh Tư được cho là đã tuyệt thực trong hơn 20 ngày kể từ ngày 25 tháng 8, tuy nhiên, gia đình không có thông tin cập nhật về anh.

Công an thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình cũng cũng liên tục sách nhiễu gia đình của họ. Cựu tù nhân lương tâm Trịnh Bá Khiêm, chồng của bà Thêu và cô Đỗ Thị Thu, vợ của anh Phương, đã bị triệu tập đến đồn công an nhiều lần để thẩm vấn về những người thân yêu của họ.

Ban giám thị Trại giam Xuân Lộc tiếp tục giam giữ hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ và Huỳnh Đức Thanh Bình trong một khu biệt lập dành cho các tù nhân bị kỷ luật từ tháng Năm sau khi họ yêu cầu được đưa ra ngoài vào cuối tuần. Gia đình của họ chỉ được thăm nuôi hai tháng một lần so với một lần thăm và một lần cung cấp thực phẩm hàng tháng cho những người không bị nhà tù kỷ luật. Những người bị giam giữ trong khu vực kỷ luật không được phép gặp các tù nhân chính trị và hình sự.

Vào ngày 25 tháng 9, một nhóm 64 thành viên của Nghị viện Châu Âu đã gửi một lá thư chung để thúc giục Liên minh Châu Âu sử dụng đòn bẩy kinh tế của họ để yêu cầu chế độ cộng sản Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình. Theo các nhà lập pháp châu Âu, tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn với việc bắt giữ hàng loạt các nhà phê bình chính phủ và đàn áp những người khiếu kiện đất đai trước và sau khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư được thông qua và có hiệu lực vào đầu tháng 8.

Một nhóm 52 nhà hoạt động nhân quyền Israel đã đệ trình một bản kiến ​​nghị chung lên Tòa án quận ở Tel Aviv yêu cầu ngừng xuất khẩu vũ khí và thiết bị giám sát của Israel sang Việt Nam do Hà Nội sử dụng chúng để đàn áp trong nước, theo luật sư Eitay Mack- người đại diện hợp pháp của họ. Trong bài viết chung của được đăng trên nhật báo HAARETZ của Israel vào ngày 24/9, luật sư Mack và Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Vũ Quốc Ngữ nói rằng các quốc gia không nên xuất khẩu vũ khí và thiết bị giám sát cho Việt Nam vì Hà Nội có thể sử dụng những vũ khí đó để đàn áp người dân của mình hơn là để bảo vệ quốc gia khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Người dân Việt Nam cần được bảo vệ khỏi sự tàn ác của chế độ cộng sản, thay vì bị sử dụng như mục tiêu của vũ khí và công nghệ giám sát mà các nước như Israel bán cho chế độ này, họ nói.

Và một số tin đáng chú ý khác.

===== 21/9 =====

Cộng sản Việt Nam xếp tài liệu về người hoạt động tự do tôn giáo vào dạng tuyệt mật

Theo Nghị quyết số 960 của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xếp loại tài liệu về người hoạt động tự do tôn giáo và niềm tin vào dạng tối mật.

Những người tranh đấu cho tự do tôn giáo và niềm tin bị nhà cầm quyền cộng sản gọi là đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm kích động người dân chống phá chế độ, làm bất ổn tình hình chính trị, kinh tế, và xã hội của đất nước. Nghị quyết trên quy định “văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm lật đổ chính quyền, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia” là bí mật nhà nước độ tuyệt mật.

Theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước thì thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ tuyệt mật là 30 năm.

Trả lời phỏng vấn đài Á châu Tự do (RFA), Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội của Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cho rằng Quyết định 960 nhằm răn đe giới đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ông dự đoán nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đàn áp và bỏ tù những người vận động hay đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ông nói cộng sản muốn kiểm soát các tôn giáo và bỏ tù những tu sỹ không chịu tuân theo sự chỉ đạo của chúng.

Theo thống kê không đầy đủ của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền thì Việt Nam hiện đang giam giữ gần 60 tù nhân tôn giáo. Họ thường bị kết án với bản án nhiều năm tù giam với tội danh nguỵ tạo “phá hoại chính sách đoàn kết” trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế – USCIRF và nhiều tổ chức quốc tế thường xuyên chỉ trích nhà cầm quyền Hà Nội về vi phạm tự do tôn giáo.

===== 24/9 =====

Gia hạn tạm giam đối với ông Nguyễn Tường Thuỵ và Phạm Thành

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia hạn điều tra đối với hai ông Nguyễn Tường Thuỵ- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và blogger Phạm Chí Thành (Phạm Thành) sau khi thời hạn điều tra bốn tháng đã kết thúc.

Hai ông sẽ tiếp tục bị biệt giam thêm ít nhất ba tháng để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông Thuỵ bị bắt giữ vào ngày 21/6 còn ông Thành bị bắt sau đó 2 ngày.

Ngày 21/9, công an thành phố Hà Nội thông báo việc gia hạn này cho gia đình ông Thành, còn gia đình ông Thuỵ và luật sư của ông chưa nhận được thông báo gì của Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi vợ ông Thành đã được gặp ông tại Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội thì ông Thuỵ vẫn còn bị biệt giam từ lúc bị bắt.

Ông Thành bị bắt về các bài viết chính trị của mình còn ông Thuỵ bị bắt trong vụ án của tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, người bị bắt vào đầu tháng 11 năm 2019. Trong thời gian gần đây, sau khi bắt giữ thêm thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn vào ngày 12/6, công an nhiều tỉnh thành tiếp tục triệu tập nhiều thành viên của Hội để tra khảo về các hoạt động của tổ chức này cùng các thành viên chủ chốt.

———————–

52 nhà hoạt động nhân quyền Do Thái kêu gọi Israel dừng xuất cảng vũ khí cho Cộng sản Việt Nam

Theo luật sư nhân quyền Eitay Mack, 52 nhà hoạt động nhân quyền Israel đã đệ đơn kiện lên Tòa án quận ở Tel Avivyêu cầu các hãng sản xuất vũ khí của Israel ngừng xuất cảng vũ khí và thiết bị giám sát sang Việt Nam vì chế độ cộng sản ở Hà Nội có thể sử dụng chúng để đàn áp người dân thay vì để bảo vệ đất nước.

Trong một bài viết trên nhật báo HAARETZ, luật sư Mack, người đại diện pháp lý cho 52 nhà hoạt động nhân quyền Israel nói rằng “Người dân Việt Nam cần được bảo vệ khỏi sự tàn ác của chế độ bóp nghẹt của đảng cộng sản, thay vì trở thành mục tiêu của những vũ khí và công nghệ giám sát mà các nước như Israel bán cho chế độ này.”

Luật sư Mack cho biết Israel đẩy nhanh việc bán vũ khí cho Việt Nam bất chấp những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Hà Nội. Việt Nam hiện là một trong những khách hàng lớn nhất trên thế giới mua vũ khí và thiết bị giám sát của Israel khi Hà Nội quyết định đầu tư hàng tỷ đô la để thay thế các vũ khí cũ kỹ của Liên Xô và Trung Quốc, vốnđược lực lượng vũ trang của Việt Nam mua lại trong Chiến tranh Lạnh.

Thay vì sử dụng để đối phó với ngoại bang, chế độ cộng sản Việt Nam muốn sử dụng những vũ khí và hệ thống giám sát đó để trấn áp dân chúng nhằm duy trì sự uy hiếp quân sự của lực lượng an ninh và ngăn cản quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Việt Nam.

Bên cạnh việc mua nhiều loại súng của Israel cho bộ binh, Hà Nội còn mua phi cơ không người lái và nhiều hệ thống giám sát của một số công ty Israel.

———————

Dân biểu Hoa Kỳ nhận bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa

Tù nhân lương tâm trẻ Nguyễn Văn Hóa, người tham gia đưa tin về thảm họa ô nhiễm do nhà máy thép Formoasa Hà Tĩnh gây nên, chính thức được dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal nhận bảo trợ.

Thông cáo của Văn phòng Dân biểu Alan Lowenthal phát đi vào ngày 24/9 cho biết ông đã chính thức nhận bảo trợ tranh đấu cho nhà hoạt động trẻ tuổi và là tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, qua chương trình Defending Freedoms Project của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ.

Dân biểu Alan Lowenthal nêu rõ trong thông cáo rằng ông hãnh diện nhận bảo trợ tranh đấu cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa. Theo ông thì Nguyễn Văn Hóa là một con người có niềm tin vững mạnh, và anh đã bị ngược đãi, bị giam giữ và bị cầm tù một cách sai trái vì hoạt động của anh đưa ra những vấn đề quan trọng đối với người dân Việt Nam, nhưng lại là những chuyện mà chính phủ Việt Nam không thích nghe.

Nguyễn Văn Hóa sinh năm 1995 là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA).  Anh đã bị bắt vào đầu năm 2017 và cùng năm đó, anh bị tòa án tỉnh Hà Tĩnh tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Trong phiên tòa xử anh Nguyễn Văn Hóa vào tháng 11 năm 2017, chính quyền Việt Nam đã ép buộc Nguyễn Văn Hóa từ bỏ quyền đại diện của luật sư bào chữa và bị xét xử bí mật mà không có mặt gia đình hoặc nhân chứng độc lập.

Trước đây, Dân Biểu Alan Lowenthal đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa.  Ông từng viết thư đến Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi Hoa Kỳ có hành động đối với trường hợp này và ông cũng đã gửi thư đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc để kêu gọi trả tự do cho anh.

Nỗ lực tranh đấu của Dân Biểu Lowenthal cũng đã góp phần dẫn đến việc trả tự do cho ba tù nhân lương tâm được ông nhận bảo trợ tranh đấu trước đây, đó là nhà hoạt động trẻ Nguyễn Tiến Trung, mục sư Nguyễn Công Chính, và luật sư Nguyễn Văn Đài.

——————–

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương giữ quyền im lặng kể từ bị bắt

Người bảo vệ nhân quyền Trịnh Bá Phương đã chọn quyền giữ im lặng suốt 3 tháng bị công an bắt giam và thẩm vấn về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Tin trên do bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Phương, tiết lộ sau khi bà bị triệu tập lên đồn công an Hà Nội để thẩm vấn vào sáng thứ Năm ngày 24/9. Bà Thu cho biết là công an hỏi bà có biết nhà báo Đoan Trang hay không, cũng như truy vấn về trang Facebook của chồng bà. Đám công an xác định với bà Thu là ông Phương vẫn khỏe mạnh nhưng giữ quyền im lặng trong các buổi thẩm vấn.

Ông Phương bị bắt cùng ngày với mẹ ông là cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, em trai Trịnh Bá Tư và nhà hoạt động nhân quyền cùng xã Dương Nội Nguyễn Thị Tâm. Cả bốn người đều bị cáo buộc mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Thêu và con trai Tư bị giam giữ ở Trại tạm giam công an tỉnh Hoà Bình. Có thông tin nói anh Tư đã tuyệt thực từ ngày 25/8. Tuy nhiên, do luật sư và gia đình không được gặp anh nên không rõ tình trạng của anh ra sao.

===== 25/9 =====

64 nghị sỹ Quốc hội Châu Âu gửi kiến nghị thư yêu cầu EU gây sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về nhân quyền

Ngày 25/09, 64 thành viên của Quốc hội Châu Âu đã ký một bức thỉnh nguyện thư chung gửi lên Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis  và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) kiêm Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell Fontelles để đề nghị EU có những biện pháp gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Theo bức thư, mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam đã được quốc hội hai bên thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8 năm nay, nhưng tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam vẫn gia tăng trong năm 2020.

Nhóm dân biểu đề cập đến hai trường hợp nổi bật nhất là việc nhà cầm quyền Việt Nam cho bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng vì những khuyến nghị của ông lên EU lên quan đến nhân quyền Việt Nam, và vụ xử 29 người dân oan Đồng Tâm mới đây liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và nhà cầm quyền Hà Nội.

Các nghị sỹ đề nghị EU cần gia tăng đối thoại với Việt Nam về vấn đề nhân quyền, thiết lập cơ chế giám sát độc lập về nhân quyền đối với Việt Nam. Họ cũng đưa ra một báo cáo gửi Quốc hội EU về vấn đề nhân quyền Việt Nam và nhắc nhở Việt Nam về điều khoản nhân quyền trong EVFTA và IPA mà theo đó EU có thể ngưng thực hiện hai hiệp định này nếu chế độ Việt Nam tiếp tục không có những cải thiện trong tình hình nhân quyền.

===== 26/9 =====

Nhiều tù nhân lương tâm đang bị đối xử hà khắc tại Trại giam Xuân Lộc

Nhiều tù nhân lương tâm, trong đó có Nguyễn Văn Đức Độ và Huỳnh Đức Thanh Bình, đang bị đối xử một cách nghiệt ngã trong Trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Như đã đưa tin, vào đầu tháng Năm, hai anh Độ và Bình cùng một số tù nhân khác biểu tình để yêu cầu Trại giam Xuân Lộc cho họ được đi lao động và ra ngoài phòng giam vào cuối tuần. Yêu cầu của họ bị ban giám thị trại giam phản đối. Không những thế, ban giám thị còn đưa công an đến đánh đập họ và bắt đi 5 người bị cho là cầm đầu việc phản đối để đưa vào khu giam kỷ luật.

Theo gia đình các tù nhân này thì họ bị biệt giam cùng cùm chân trong một tuần trước khi bị đưa vào giam trong khu kỷ luật. Tại khu kỷ luật, họ không được tiếp xúc với tù nhân khác, và gia đình họ chỉ được thăm họ 2 tháng 1 lần trong khi những người tù nhân lương tâm không bị kỷ luật được gặp người nhà thường xuyên hơn, 1 tháng 1 lần và còn được nhận thêm quà 1 lần/tháng.

Phía trại giam có nói với bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của anh Bình rằng việc kỷ luật chỉ được chấm dứt khi Bình nhận tội. Bà Huệ nói rằng Bình sẽ không bao giờ nhận tội vì anh luôn khẳng định mình vô tội, và anh có nguy cơ phải nằm lâu dài trong khu kỷ luật, nơi có hai người tù trong một phòng.

Anh Độ cho gia đình biết quản giáo còn trộn chất thải vào cơm của anh ngoài việc đánh đập anh một cách tàn khốc. Nhiều tù nhân khác nói họ không được chăm sóc y tế cho dù bị bệnh nặng. Giám thị còn giam tù nhân lương tâm cùng phòng với tù nghiện ma tuý.

=====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây