Facebook báo cáo minh bạch: Mạng xã hội Mỹ kiểm duyệt theo yêu cầu của Việt Nam

Với số lượng người dùng lớn thứ 7 trên thế giới, liệu Facebook có chống lại được áp lực từ chính quyền Hà Nội phải kiểm duyệt nội dung mà họ cho là chống chính phủ? Photo: Twitter
VOA, ngày 30/11/2020

Việt Nam lại một lần nữa đe doạ đóng cửa Facebook vì các quan chức Hà Nội cho rằng mạng xã hội khổng lồ của Mỹ đã không làm đầy đủ những gì mà họ được yêu cầu phải kiểm duyệt những nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản. Với số lượng người dùng lớn thứ 7 trên thế giới, liệu Facebook có chống lại được áp lực từ chính quyền Hà Nội?

Báo cáo minh bạch bán niên của Facebook mới được công bố cho thấy mạng xã hội có trụ sở ở California, Mỹ, đã hạn chế 834 đăng tải theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.

Con số này thể hiện một bước nhảy vọt so với 121 đăng tải mà Facebook đã gỡ xuống theo yêu cầu của Hà Nội trong cùng khoảng thời gian sáu tháng vào năm ngoái, theo báo cáo được công bố hôm 19/11. Mạng xã hội này kiểm duyệt 77 đăng tải theo yêu cầu tương tự từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2019.

Trong năm nay, chính quyền Việt Nam đã xử phạt và kết án tù nhiều người dùng mạng xã hội với tội danh “chống phá nhà nước” qua các đăng tải của họ giữa lúc chính phủ tăng cường trấn áp các tiếng nói bất đồng khi Đại hội Đảng 13 sắp diễn ra vào đầu năm sau.

Một trong những Facebooker bị kết án nhiều năm tù trong năm nay là Nguyễn Quốc Đức Vượng. Nhà hoạt động 29 tuổi này nhận bản án 8 năm tù giam vì đăng tải hàng trăm video và bài viết mà chính quyền cho là “có nội dung xuyên tạc sai sự thật, phỉ báng chế độ và lãnh tụ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kích động chống Nhà nước, mong muốn thay đổi chế độ chính trị.” Chính phủ Mỹ, trong một lần hiếm hoi, đã lên tiếng quan ngại về việc Facebooker này bị kết án nhiều năm tù “chỉ vì đưa ra những quan điểm ủng hộ dân chủ” và kêu gọi Việt Nam cho phép tự do ngôn luận.

Hồi tháng 6, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nhận định rằng chính phủ Việt Nam đang tăng cường trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến trước kỳ họp của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.

Theo Dự án 88, một nhóm nhân quyền độc lập chuyên thống kê dữ liệu về các tù nhân chính trị ở Việt Nam, đã có một sự gia tăng những cuộc bắt giữ và kết án đối với những người dùng Facebook vì các đăng tải được cho là “chống phá nhà nước” của họ trong năm qua.

Facebook, với phiên bản tiếng Việt bắt đầu ra mắt vào năm 2008, đã trở thành một diễn đàn được nhiều người dùng nhất ở Việt Nam – hơn 66 triệu người – khi là nơi những người chỉ trích chính phủ và các nhà hoạt động nhân quyền có thể bày tỏ quan điểm của mình cũng như là nơi để nhiều người tìm kiếm các nguồn tin trái chiều mà truyền thông do nhà nước quản lý ở Việt Nam không đăng tải.

Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, mạng xã hội này đã phải nhiều lần kiểm duyệt những đăng tải của người dùng mạng ở Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền Hà Nội nếu không muốn bị ‘đóng cửa’ tại thị trường có lượng người dùng lớn thứ 7 trên thế giới.

Thị trường ‘béo bở’

Theo tiết lộ của hai nguồn tin độc quyền của Reuters tháng 4, các máy chủ của Facebook bị cắt mạng, bóp băng thông hồi đầu năm nay cho tới khi mạng xã hội lớn nhất của Mỹ đồng ý tăng cường kiểm duyệt các thông tin “chống phá” nhà nước Việt Nam.

Trong cáo cáo minh bạch bán niên, Facebook – do Mark Zuckerberg sáng lập và điều hành – cho biết các máy chủ của họ bị mất mạng trên toàn bộ Việt Nam trong 7 tuần từ tháng 2 đến tháng 4, làm trang mạng xã hội này bị tê liệt trong khoảng thời gian đó.

Vào tháng 8 vừa qua, Việt Nam lại một lần nữa yêu cầu Facebook siết chặt kiểm duyệt hơn nữa để hạn chế các bài đăng có tính phê hình. Reuters hôm 20/11 dẫn nguồn tin của một quan chức cấp cao của Facebook cho biết Việt Nam lại đe doạ đóng cửa Facebook nếu tập đoàn truyền thông xã hội này không nhượng bộ áp lực của Hà Nội đòi siết chặt hơn nữa việc kiểm duyệt các nội dung chính trị trong nước.

Một điều tra của Los Angeles Times công bố cuối tháng trước cho thấy hàng chục nhà hoạt động và những người ủng hộ nhân quyền cũng như các cựu quan chức của Facebook nói với tờ báo này rằng công ty mạng xã hội của Mỹ đã chặn các đăng tải của hàng trăm người dùng mà không đưa ra giải thích hay lý do nào.

Trong tổng số 843 đăng tải mà Facebook buộc phải kiểm duyệt trong 6 tháng đầu năm nay, phần lớn trong số đó – 653 – là các bài đơn lẻ trong khi 167 trang Facebook và hội nhóm cùng 14 tài khoản bị mạng xã hội này hạn chế.

Những người chỉ trích cho rằng, thay vì sử dụng đòn bẩy của mình là diễn đàn truyền thông xã hội lớn nhất ở Việt Nam để dùng nó như một lợi thế chống lại sự kiểm duyệt, thì Facebook lại trở thành một “đồng phạm” với chính phủ Hà Nội trong việc tăng cường đàn áp những tiếng nói bất đồng, theo LA Times.

“Tôi nghĩ rằng đối với Zuckerberg, phép tính với Việt Nam rất rõ ràng: Đó là duy trì dịch vụ ở một quốc gia có dân số khổng lồ và trong đó Facebook thống trị thị trường Internet của người dùng, nếu không đối thủ cạnh tranh có thể chen chân vào,” Dipayan Ghosh, một cựu cố vấn chính sách công tại Facebook và là đồng giám đốc Dự án Nền tảng Kỹ thuật số và Dân chủ tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, nhận định với LA Times.

Facebook đã buộc phải trấn áp bất đồng chính kiến để có thể duy trì tiếp cận thị trường Việt Nam ‘béo bở,’ nơi được cho là đã mang về cho công ty mạng xã hội này 1 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói tại một buổi chất vấn ở quốc hội rằng Facebook đã tăng tỷ lệ chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, với việc thực hiện 70% trong số 100 yêu cầu của chính quyền Hà Nội.

Thượng nghị sỹ Mỹ Marsha Blackburn hôm 17/11 cáo buộc người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facbook, Zuckerberg, ưu tiên “lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài. Trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ ở Washington, người sáng lập Facebook thừa nhận đã “tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia khác nhau mà chúng tôi hoạt động” khi được khi TNS Blackburn đặt câu hỏi liệu công ty này có “theo lệnh của chính phủ Việt Nam” đóng cửa và cấm tài khoản của một nhà bất đồng chính kiến chỉ vì người này chỉ trích chính sách đất đai của chính phủ hay không.