Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 4 từ ngày 18/01 đến 24/01/2021: Nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thuỷ bị kết án 7 năm tù giam

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 24/01/2021

Hai tuần sau khi kết án ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự với tổng cộng 37 năm tù và chín năm quản chế, ngày 20/1, chế độ cộng sản Việt Nam bỏ tù nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Đinh Thị Thu Thủy với cùng tội danh.

Trong phiên toà sơ thẩm kéo dài khoảng 4 giờ đồng hồ, Tòa án Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã kết luận rằng nhà hoạt động 39 tuổi này đã viết và phổ biến hàng chục bài báo có nội dung chống chế độ. Bỏ qua lời bào chữa của hai luật sư Nguyễn Văn Miếng và Trịnh Vĩnh Phúc cũng như lời tuyên bố của cô rằng cô chỉ góp ý phản biện chứ không có ý định chống nhà nước, hội đồng xét xử vẫn tuyên phạt cô 7 năm tù giam.

Trong khi đó, vào ngày 18/1, hai ngày trước thời hạn nộp đơn kháng cáo và hai tuần sau khi bị kết án, Chủ tịch HNBĐLVN Phạm Chí Dũng tuyên bố rằng ông sẽ không kháng cáo bản án của mình mặc dù ông coi đây là bản án bất công và nặng nề. Ông cho rằng việc kháng cáo là vô ích vì thực tế là không có hệ thống tư pháp độc lập ở Việt Nam nên trong hầu hết các vụ án chính trị, các bản án đã được xác định trước khi xét xử và được giữ nguyên trong các phiên xử phúc thẩm. Tuy vậy, ông vẫn khuyến cáo các đồng sự của mình là Phó Chủ tịch Nguyễn Tường Thụy và thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn kháng cáo bản án của họ. Ông Tuấn được cho là đã nộp đơn kháng cáo và không có thông tin gì về việc kháng cáo của ông Thuỵ.

Trong tuyên bố làm tại Trại tạm giam Chí Hòa, Tiến sĩ Dũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Liên minh Châu Âu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Liên bang Đức, các ngoại giao quốc tế và tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã lên tiếng cho ông và hai đồng sự trong vụ án.

Vào ngày 21/01, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết bày tỏ quan ngại về những hạn chế của Việt Nam đối với quyền tự do ngôn luận thể hiện qua việc ngày càng có nhiều trường hợp đe dọa, bắt giữ, giam giữ và kết án nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bày tỏ ý kiến ​​của họ. Nghị quyết nói việc kết án ba thành viên của HNBĐLVN cho thấy tình hình dân quyền và chính trị xấu đi một cách nghiêm trọng ở Việt Nam. Khối 27 quốc gia đã kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tôn trọng các quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trong cuộc thảo luận trước khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết, nhiều thành viên của Nghị viện Châu Âu bày tỏ lo ngại rằng Hà Nội đã không giữ lời hứa tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản trước khi ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, đồng thời kêu gọi EU hoặc đình chỉ hiệp định hoặc xây dựng lại hàng rào thuế quan đối với Việt Nam mà hiệp định đã hủy bỏ.

Nhiều nhà hoạt động và thân nhân của nhiều tù nhân lương tâm ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đã phàn nàn rằng họ đang bị quản thúc tại gia trong thời gian Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc từ ngày 25/01 đến ngày 02/02, dịp đảng sẽ bầu ra cơ quan lãnh đạo cho đảng và đất nước trong năm năm tới.

===== 18/01 =====

Reuters nói cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến trước Đại hội Đảng

Hãng tin Reuter viết rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đẩy mạnh trấn áp giới bất đồng chính kiến nhiều tháng trước đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản, một sự kiện diễn ra 5 năm một lần để chọn ban lãnh đạo của chế độ trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Dựa vào số liệu của nhiều tổ chức nhân quyền và của mình, Reuters viết rằng trong nhiều năm gần đây, cộng sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp bằng việc bắt giữ nhiều người hơn và kết án họ với những bản án nặng nề hơn bên cạch việc tăng cường quấy rối người hoạt động khác.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với Reuters rằng từ 09/12 năm ngoái tới nay ông đã bị công an thành phố Hà Nội triệu tập nhiều lần. Ông cũng nói thêm một số nhà hoạt động cũng bị rơi vào tình trạng như ông.

Cộng sản Việt Nam có tiến hành một số cải cách về kinh tế, nhưng lại thắt chặt kiểm soát chính trị và xã hội dân sự. Đảng cộng sản cầm quyền không chấp nhận chỉ trích và kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước.

Vừa qua, cộng sản Việt Nam đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ sau khi kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập với mức án từ 11 đến 15 năm tù vì cho rằng họ phạm tội tuyên truyền chống chế độ.

Dựa trên truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam, Reuters cho rằng đã có 280 người đã bị bắt vì các hoạt động “chống nhà nước” trong 5 năm kể từ đại hội đảng năm 2016, trong số này  260 người bị kết án và nhiều người bị kết án hơn 10 năm tù. Trong 5 năm trước Đại hội 2016, có 68 vụ bắt giữ và 58 vụ kết án.

Năm ngoái, Ân xá Quốc tế cho biết họ đã ghi nhận 170 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, khoảng 70 người bị giam giữ vì hoạt động trực tuyến.

===== 20/01 =====

Nhà hoạt động môi trường Đinh Thị Thu Thuỷ bị kết án 7 năm tù giam

Sáng ngày 20/01, toà án cộng sản tỉnh Hậu Giang đã kết án 7 năm tù giam đối với nhà hoạt động môi trường Đinh Thị Thu Thuỷ về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Bà Thuỷ, một kỹ sư thuỷ sản 39 tuổi, bị kết tội viết và chia sẻ nhiều bài viết trên Facebook với nội dung chống chế độ trong phiên toà kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Bà Thuỷ cho rằng mình chỉ phản biện nhiều chính sách của nhà cầm quyền cộng sản chứ không có ý định tuyên truyền chống chế độ.

Bà bị bắt vào ngày 18/4 năm ngoái sau thời gian dài bị sách nhiễu bởi nhà cầm quyền địa phương. Là một kỹ sư thuỷ sản, bà thường đưa các tin tức về nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường ở địa phương và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Bà cũng tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/06/2018 để phản đối 2 dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Khi đó, bà bị bắt, bị đánh đập nhiều ngày trước khi được trả tự do.

Việc bắt giữ và kết án bà với bản án nặng nề là một phần của chiến dịch đàn áp giới bất đồng chính kiến của nhà cầm quyền cộng sản trong nhiều năm gần đây, đặc biệt trong thời gian gần đến đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng cộng sản cầm quyền sẽ khai mạc vào ngày 25/1 tới.

Trong bài viết gần đây trên tạp chí The Diplomat, luật sư Judith Bergman nói tù nhân lương tâm ở Việt Nam như cá nằm trên thớt, bị hành hạ về tinh thần và thể xác trong các trại giam và tạm giam khắp cả nước. Theo luật sư Bergman, việc tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến của cộng sản Việt Nam liên quan đến việc coi nhẹ vấn đề nhân quyền của Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong 5 năm gần đây. Phía EU coi trọng quan hệ thương mại với Việt Nam còn Hoa Kỳ ưu tiên quốc phòng với Việt Nam trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng với Trung Cộng trên bình diện quốc tế và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nên tảng lờ các vi phạm nhân quyền của Hà Nội.

===== 21/01 =====

Quốc hội Châu Âu lên án cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền

Ngày 21/01, Nghị viện Châu Âu thông qua ba nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Hong Kong. Trong phần nói về Việt Nam, Nghị viện Châu Âu kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hủy bỏ tất cả những cáo buộc chống lại ba nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cùng tất cả những người khác đang bị giam cầm và kết án chỉ vì thực hành quyền tự do ngôn luận, và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.

Nghị quyết nói các thành viên Nghị viện Châu Âu bàng hoàng và lên án việc đàn áp ngày càng tăng những người bất đồng chính kiến và những vi phạm nhân quyền ngày càng khốc liệt tại Việt Nam.

Các thành viên Nghị viện Châu Âu tái khẳng định tôn trọng nhân quyền cấu thành một nền tảng chính yếu cho những quan hệ song phương giữa cộng sản Việt Nam và EU và là một yếu tố quan trọng của Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam.

Nghị viện Châu Âu kêu gọi tất cả các bên liên quan sử dụng các thỏa thuận EU-Việt Nam hiện hữu để cải thiện tình tình hình quyền tại Việt Nam. Cơ quan này yêu cầu Ủy ban Châu Âu và Cơ quan lo về các Hành động Bên ngoài Châu Âu thực hiện một cuộc đánh giá về thỏa thuận thương mại tự do hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến nhân quyền tại Việt Nam.

——————–

Ân xá Quốc tế kêu gọi ban lãnh đạo mới của Cộng sản Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền

Tổ chức Ân Xá Quốc tế kêu gọi ban lãnh đạo sắp tới của chế độ cộng sản Việt Nam ngưng việc đàn áp chống lại người hoạt động nhân quyền và các cá nhân thực thi các quyền tự do biểu đạt, tự lập hội và biểu tình một cách ôn hòa.

Trong thông cáo báo chí phát ra ngày 21/01, Giám đốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế, Yamiri Mishra nói rằng sự đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến ôn hòa lên đến đỉnh điểm trong nhiệm kỳ hiện nay, và ban lãnh đạo của nhiệm kỳ kế tiếp có cơ hội quí giá để cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Ân xá Quốc tế nói trong 5 năm vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã sử dụng nhiều điều luật mơ hồ, đặc biệt là “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để bắt giữ và kết án hàng trăm người hoạt động, với nhiều án tù nặng nề. Những vụ án tiêu biểu là việc kết án 3 thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với tổng mức án là 37 năm tù giam và 9 năm quản chế, và vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền và blogger Phạm Đoan Trang.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại London nói nhiều điều khoản trong phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự, trong đó có Điều 117, đi ngược lại với cam kết quốc tế về nhân quyền của cộng sản Việt Nam.

Trong tháng 12 vừa qua, Ân xá Quốc tế nói cộng sản Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 170 tù nhân lương tâm- những người bị bắt giữ và kết án chỉ vì thực hành các quyền cơ bản của con người. Số tù nhân lương tâm ở Việt Nam tăng nhanh chóng từ 84 người trước đại hội 12 của đảng cộng sản cầm quyền năm 2016.

——————–

Thêm một người ủng hộ tổ chức lưu vong của Đào Minh Quân bị bắt giữ

Ngày 21/01, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Nghệ An đã bắt giữ ông Trần Hữu Đức, 57 tuổi trú tại huyện Nam Đàn, để điều tra về cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chế độ” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự.

Theo truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam, ông Đức bị cho là tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” của ông Đào Minh Quân, một người Mỹ gốc Việt. Cộng sản Việt Nam coi tổ chức này là tổ chức khủng bố có hoạt động chống chế độ nhằm xoá bỏ vai trò độc tài của đảng cộng sản Việt Nam.

Công an Nghệ An còn nói ông Đức thu thập thông tin nhiều công dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An để chuyển cho tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” với mục đích trưng cầu dân ý bầu ông Đào Minh Quân làm tổng thống đệ tam cộng hòa.

Trong nhiều năm gần đây, hàng chục công dân Việt Nam bị bắt và kết án với nhiều bản ản nặng nề với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” vì có liên quan đến tổ chức của ông Quân, một tập hợp của một nhóm người cao tuổi ở Hoa Kỳ chạy trốn khỏi Việt Nam khi chiến tranh kết thúc năm 1975.

Một số người đã bị kết tội thực hiện một số vụ đánh bom ở một vài địa điểm công cộng ở Sài Gòn và một số địa phương lân cận mà chỉ gây thương tích nhẹ cho một vài người. Tổ chức của ông Quân không nhận trách nhiệm về các vụ nổ này.

Cũng như Ân xá Quốc tế, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền không xếp những người sử dụng bạo lực hoặc ủng hộ/cổ suý bạo lực là tù nhân lương tâm.

===== 24/01 =====

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng không kháng cáo

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Tiến sỹ Phạm Chí Dũng tuyên bố sẽ không kháng cáo về bản án 15 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” đưa ra bởi toà án cộng sản Sài Gòn trong phiên xử ngày 05/01 vừa qua.

Trong bản tuyên bố làm tại Trại giam Chí Hoà ngày 18/01 có sự chứng kiến của hai luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh, ông Dũng nói ông không kháng cáo không phải ông chấp nhận bản án bất công và hà khắc. Ông cho rằng việc kháng cáo sẽ không thay đổi hiện trạng bản án đã tuyên vì trong hầu hết các vụ án chính trị, bản án đã được định trước và không thay đổi trong phiên phúc thẩm.

Tuy vậy, ông vẫn khuyên hai đồng sự là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Nguyễn Tường Thuỵ và thành viên trẻ Lê Hữu Minh Tuấn nên kháng cáo. Theo Việt Nam Thời báo, ông Tuấn đã kháng cáo. Chưa có thông tin liệu ông Thuỵ có kháng cáo hay không. Cả hai ông đều bị án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Ông Dũng gửi lời cảm ơn đến Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Liên minh Châu Âu, chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Đức, các cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã lên tiếng cho ông và hai đồng sự.

Như tin đã đưa, sau phiên toà bất công ngày 05/01, cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ chế độ cộng sản Việt Nam. Gần đây nhất là ngày 21/01, Nghị viện Châu Âu thông qua nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Nghị viện Châu Âu kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hủy bỏ tất cả những cáo buộc chống lại ba ông Dũng, Thuỵ và Tuấn, và trả tự do cho họ cũng như tất cả những người khác đang bị giam cầm và kết án chỉ vì thực hành các quyềncơ bản, trong đó có tự do ngôn luận và lập hội.

==========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây