Thông tư số 126 Bộ Công an: có thật sự là bước tiến dân chủ?

Thông tư số 126 Bộ Công an: có thật sự là bước tiến dân chủ?
 Bên ngoài Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.
RFA, ngày 18/02/2021

Báo mạng Dân Trí vào ngày 17/2 có bài viết giải thích về ‘Những việc công an phường không được làm khi nhận tố giác, tin báo tội phạm’ dựa theo những nội dung trong Thông tư 126 của Bộ Công an ban hành vào ngày 1/12/2020.

Theo đó, Thông tư 126 được nói ban hành với mục đích quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an Nhân dân.

Trao đổi với RFA tối 18/2, Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội nhận định:

“Theo tôi thì Thông tư 126 này không có gì mới, những điều này đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 rồi, thông tư này chỉ là hướng dẫn, nhắc nhở thêm cho lực lượng công an cấp phường, xã thôi.”

Một người dân không muốn nêu tên vì lý do an ninh nói với RFA rằng việc ban hành luật để điều tra được dân chủ chỉ là lý thuyết suông vì nếu có luật rồi mà tình trạng dân chủ vẫn không tiến triển thì liệu một thông tư có tác dụng gì.

Vẫn theo bà, trong thực tế xã hội, việc cán bộ điều tra có thật sự dân chủ hay không còn tùy thuộc vào yếu tố hên xui, gặp đúng người tốt thì mọi chuyện tiến hành tốt đẹp, không thì coi như ngày xui tháng hạn.

Mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra là phát huy quyền làm chủ của người dân và huy động tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho những người tham gia tố tụng trong việc giải quyết nguồn tin… – Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Từ Sài Gòn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, cho hay dù đã có quy định trước, nhưng Thông tư 126 cũng góp phần quy định cụ thể luật định trách nhiệm bảo đảm dân chủ trong hoạt động điều tra. Ông nói:

“Tôi thấy thông tư của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an Nhân dân thì Thông tư 126 thực hiện theo luật tố tụng hình sự cũng như luật tổ chức của cơ quan điều tra, luật của công an nhân dân và Quốc hội ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan.”

Luật sư Nguyễn Văn Hậu giải thích nguyên nhân:

“Mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra là phát huy quyền làm chủ của người dân và huy động tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho những người tham gia tố tụng trong việc giải quyết nguồn tin của tội phạm, góp phần xây dựng cơ quan điều tra cũng như ngành công an trong sạch, vững mạnh và hoạt động có hiệu quả để phòng chống những tiêu cực, sách nhiễu, xâm phạm đến quyền con người cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.”

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, một trong những việc được cụ thể hóa trong Thông tư 126 như việc cán bộ trực ban hình sự phải thực hiện theo điều lệnh của công an, tức khi tiếp xúc với người dân phải lịch sự, đúng mực, lắng nghe và tận tâm giải quyết nhu cầu chính đáng mà không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thái độ cửa quyền, ban ơn hoặc sách nhiễu các tổ chức cá nhân.

Bên cạnh đó, ông nêu ra một số điểm nhấn như sau:

“Tại Điều 6 Thông tư 126 này bổ sung một điểm mới chi tiết hơn, cụ thể (những gì) cơ quan điều tra và cán bộ điều tra không được làm. Ví dụ , tự ý tiếp nhận nguồn tin về tội phạm cũng như đơn thư khiếu nại trái quy định hoặc không được người đứng đầu Cơ quan điều tra phân công, tự ý tiến hành các hoạt động điều tra không theo kế hoạch;

Ảnh minh họa: Một công an Việt Nam in dấu tay Linh mục Nguyễn Văn Lý lên giấy tờ tại trại giam hôm 1/2/2005.
Ảnh minh họa: Một công an Việt Nam in dấu tay Linh mục Nguyễn Văn Lý lên giấy tờ tại trại giam hôm 1/2/2005. Reuters

Thêm bớt tài liệu, hoặc ăn uống, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích của người bị buộc tội, những người bị bắt giam, thân nhân của họ;

Lợi dụng danh nghĩa công tác để gặp gỡ, hoặc nhờ, sách nhiễu, cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người bị buộc tội, đương sự;

Bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào hoặc tiết lộ bí mật những tài liệu vụ án mà không được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền;

Cho người đang bị tạm giữ, tạm giam một thông tin liên lạc, trao đổi với người khác. Gây phiền hà cho người tham gia tố tụng.”

Tình trạng công an dùng nhục hình, tra tấn đối với người bị tạm giam trong đồn công an là vấn nạn hiện hữu ở Việt Nam nhưng không được chính phủ thừa nhận và truyền thông Nhà nước ít đưa tin hoặc đăng tin theo hướng ‘tự tử trong trại giam’.

Bà Ngô Thị Tuyết Hải, chị ruột ông Ngô Thanh Kiều, một người dân ở thành phố Tuy Hòa đã bị 5 công an dùng nhục hình tra tấn đến chết hồi tháng 5/2012 trong lần trả lời phỏng vấn trước đây của RFA cũng từng khẳng định:

“Nếu hỏi tới công an điều tra thì nói một câu là Công an điều tra Việt Nam điều tra theo nguyên tắc tra tấn, bức cung, nhục hình là chủ yếu. Tôi nói như vậy đó!”

Người dân phải ý thức được quyền của mình hoặc nhờ các cơ quan, những người hiểu biết về pháp luật như trợ giúp pháp lý hoặc các luật sư, luật gia tư vấn giúp những quyền lợi của mình đối với những hành vi xâm phạm quyền công dân. – Luật sư Hà Huy Sơn

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, vẫn còn một nội dung khác nhận được nhiều sự quan tâm của người dân trong Thông tư 126 vừa được ban hành là:

“Khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, thì cán bộ làm nhiệm vụ phải thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan người đó làm việc biết.

Nếu việc thông báo cản trở việc truy bắt thì được tạm thời ngừng việc thông báo nhưng sau khi cản trở không còn thì phải thông báo ngay.”

Tuy nhiên, thực tế từ nhiều vụ điều tra khi bắt bớ những nhà hoạt động dân sự, nhà hoạt động môi trường, những người bất đồng chính kiến… bên cạnh việc bị tra tấn, đánh đập, bản thân họ sau khi bị bắt giữ cũng không biết mình đang bị tạm giam ở đâu, người nhà không hề hay biết.

Do đó, theo Luật sư Hà Huy Sơn, để bảo vệ bản thân một cách tốt nhất, người dân cần:

“Người dân phải ý thức được quyền của mình hoặc nhờ các cơ quan, những người hiểu biết về pháp luật như trợ giúp pháp lý hoặc các luật sư, luật gia tư vấn giúp những quyền lợi của mình đối với những hành vi xâm phạm quyền công dân. Theo tôi đấy là biện pháp quan trọng nhất.”

Đồng quan điểm vừa nêu, người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên cho rằng người dân Việt nếu không may có dính vào vụ án nào đang điều tra thì việc đầu tiên cần khẳng định là mình không có ý muốn tự tử, sau đó, nên cần tìm đến luật sư hỗ trợ. Bà này nhắc lại câu nói nổi tiếng của luật sư Ngô Bá Thành ‘Việt Nam có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng.’