Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, từ ngày 01/02 đến 21/02/2021: Nhà báo Phan Bùi Bảo Thy bị bắt vì tố cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham nhũng trên Facebook

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 21/02/2021

 

Trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Việt Nam không có nhiều sự kiện về nhân quyền. Tuy nhiên, sự đàn áp tự do báo chí của chế độ cộng sản vẫn tiếp tục với việc bắt giữ ông Phan Bùi Bảo Thy, trưởng văn phòng đại diện của báo Giáo dục& Thời đại tại thành phố Đà Nẵng, và cộng sự Lê Anh Dũng, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ ”theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì nhiều bài đăng của họ trên Facebook. Vào ngày 10/0 2, cơ quan an ninh công an tỉnh Quảng Trị đã thông báo về việc bắt giữ hai người sau khi thẩm vấn họ liên tục trong vài ngày trước khi chính thức tạm giam. Công an cho biết đã tiến hành khám xét nhà riêng của nhà báo Thy và tịch thu một số vật phẩm và dữ liệu.

Phản ứng trước các vụ bắt giữ, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York đã đưa ra các tuyên bố riêng kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà báo Thy và cộng sự của anh Dũng và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

Một tuần sau khi bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” và bị kết án 7 năm tù, vào cuối tháng 1, sức khỏe của nữ hoạt động Đinh Thị Thu Thủy rất xấu và cô được đưa đến bệnh viện để điều trị khẩn cấp. Sau khi được điều trị trong một cơ sở y tế dân sự ở tỉnh Hậu Giang, cô khỏi bệnh và được đưa trở lại trại tạm giam thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh. Cô ấy có khả năng bị chuyển đến một trại tù nơi cô ấy sẽ chấp hành án tù bảy năm của mình trong thời gian tới.

Blogger Lê Anh Hùng, người bị bắt vào giữa năm 2018 với cáo buộc “lợi dụng tự do dân chủ” vì đăng bài và tố cáo một số quan chức cấp cao, đã bị biệt giam tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 Hà Nội trong nhiều tháng để điều trị bắt buộc. Ông không được gặp kể từ khi bị đưa vào bệnh viện này từ tháng 4 năm 2019.

Vào ngày 3/2, tù nhân lương tâm nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, đã kết thúc cuộc tuyệt thực kéo dài bắt đầu từ ngày 24/11 năm ngoái với mục tiêu yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xem xét lại trường hợp của ông. Theo gia đình, sức khỏe của ông đã hồi phục tốt sau khi ngừng nhịn ăn.

Tình hình nhân quyền của Việt Nam có thể sẽ không được cải thiện trong những năm tới sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 vào đầu tháng Hai với nhiều lãnh đạo cấp cao bảo thủ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và cựu tướng công an Phạm Minh Chính tái đắc cử vào Bộ Chính trị và sẽ đảm nhiệm ba chức vụ cao nhất của chế độ trong khi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm dường như vẫn giữ nguyên vị trí của mình.

===== 01/02 =====

FIDH và VCHR nói Cộng sản Việt Nam củng cố chế độ toàn trị

Ngày 01/02, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) ra thông cáo chung cho rằng đại hội toàn quốc lần thứ 13 vừa qua của đảng cộng sản Việt Nam đã củng cố chế độ toàn trị và Việt Nam bước vào 5 năm tiếp theo với đàn áp giới bất đồng chính kiến và vi phạm nhân quyền không được cải thiện.

Tổng thư ký FIDH Adilur Rahman Khan nói trong thông cáo rằng trong khi khen ngợi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về phản ứng đối phó dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế hoàn toàn thất bại trong việc lên án Hà Nội về tình trạng đàn áp khốc liệt đối với giới đối lập ôn hòa trong những năm gần đây. Sự im tiếng của cộng đồng quốc tế đối với biện pháp đàn áp các tiếng nói đối lập ôn hòa đã khích lệ đảng cầm quyền tiếp tục bầu chọn cho những nhân vật bảo thủ vào vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.

Báo cáo cũng dẫn số liệu có ít nhất 33 người bị bắt giam và 23 người bị kết án tù với mức án có thể lên đến 12 năm trong năm 2020 theo cáo buộc nguỵ tạo chỉ vì họ thực thi quyền cơ bản một cách ôn hoà. Hiện cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 200 tù nhân lương tâm trong điều kiện sống hà khắc ở nhiều nhà tù và trại tạm giam khắp cả nước.

Hai tổ chức kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện, xoá bỏ các điều khoản trong Bộ luật Hình sự trái với cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền, và chấm dứt sách nhiễu và đàn áp người hoạt động.

———————

CPJ nói Cộng sản Việt Nam hỗ trợ nhóm tin tặc OceanLotus tấn công nhà báo tự do

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói nhóm tin tặc OceanLotus, dường như có sự hỗ trợ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, thực hiện nhiều phương thức nhắm vào một số nhà báo tự do thường chỉ trích chế độ độc tài toàn trị này ở Đông Nam Á.

CPJ dẫn lời ông Steven Adair, chủ tịch và đồng sáng lập Công ty Volexity, một đơn vị chuyên về an ninh mạng có trụ sở ở Hoa Kỳ và từng nghiên cứu OceanLotus, nói rằng phương thức tấn công phổ biến được cho biết là spear phising, tức là cách “nhử” qua một người quen của mục tiêu để lấy thông tin cá nhân của mục tiêu đó.

OceanLotus là tên khác của APT32 . Nhóm này được cho biết bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Các hoạt động tấn công của nhóm thường có liên quan đến các mối quan tâm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Hồi năm ngoái, nhóm này bị các hãng an ninh mạng quốc tế cáo buộc đã tấn công vào các trang của một số hang sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới như BMW, Hyundai, Toyota Australia, Toyota Nhật Bản, thậm chí cả Toyota Vietnam để đánh cắp thông tin công nghiệp.

Nhóm bảo mật của Facebook hôm 10/12/2020 cho biết nhóm hacker APT32 do chế độ cộng sản Việt Nam hậu thuẫn đã lan truyền mã độc nhắm vào người hoạt động Việt Nam, chính phủ nước ngoài, cơ quan báo chí, cùng nhiều tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp.

Trong số những người bị tấn công là blogger Bùi Thanh Hiếu, tức Blogger Người Buôn Gió hiện đang sống ở Berlin và một ký giả gốc Việt ở Đức là bà Marina Mai. Ông Hiếu bị tin tặc tấn công và liên tiếp bị đóng tài khoản Facebook đến mức ông phải nhờ cảnh sát Đức bảo vệ trước những đe dọa liên quan đến chuyện viết lách của ông. Cuối cùng, ông phải quyết định đóng blog Người Buôn Gió.

===== 03/02 =====

TNLT Trần Huỳnh Duy Thức dừng tuyệt thực, Đinh Thị Thu Thuỷ nhập viện sau khi bị kết tội

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thi hành án tù 16 năm về tội danh nguỵ tạo “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” ở Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An), vừa dừng tuyệt thực hôm 3/2 sau hơn 70 ngày tranh đấu để yêu cầu nhàcầm quyền cộng sản Việt Nam phản hồi đơn khiếu nại của ông.

Ông gọi điện cho gia đình và nói rằng ông dừng tuyệt thực vì ông đã “đạt được mục đích của mình.” Gần cuối quá trình tuyệt thực, ông có ăn một ít sữa mỗi ngày nên sức khoẻ của ông hiện giờ tạm ổn.

Từ khi bị chuyển đến trại giam ở tỉnh Nghệ An vào năm 2016, ông Thức đã tuyệt thực một vài lần để kêu gọi cộng sản Việt Nam tôn trọng pháp luật và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về thể chế chính trị.

Trong khi đó, nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Đinh Thị Thu Thuỷ, người bị cộng sản Việt Nam kết án 7 năm tù giam về một tội danh nguỵ tạo khác “tuyên truyền chống nhà nước” trong phiên toà ngày 20/01 vừa qua, đã phải nhập viện vì sức khoẻ suy kiệt.

Gia đình cho biết vào cuối tháng 1 cô bị ngất xỉu trong phòng giam do bị bệnh và chế độ giam cầm hà khắc. Sau đó cô được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện dân sự của tỉnh Hậu Giang để điều trị các bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim, thiếu canxi và mất ngủ trầm trọng.

Cô Thuỷ là thạc sỹ ngành nuôi trồng thủy sản, thường xuyên viết bài về tình trạng ô nhiễm môi trường ở tỉnh Hậu Giang. Cô từng tham gia biểu tình ở Sài Gòn ngày 10/6/2018 để phản đối 2 dự luật An ninh mạng và Đặc khu Kinh tế. Khi đó, cô bị bắt, đánh đập và giam giữ trong nhiều ngày trước khi được trả về địa phương. Kể từ đó, cô thường xuyên bị công an cộng sản sách nhiễu cho đến khi bị bắt vào tháng Tư năm ngoái.

===== 08/02 =====

Phú Yên bắt thành viên tổ chức lưu vong Đào Minh Quân với cáo buộc “lật đổ chế độ”

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin nhà cầm quyền tỉnh Phú Yên đã bắt giữ ông Ngô Công Trứ, người được cho là thành viên của tổ chức lưu vong của ông Đào Minh Quân, với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự.

Ông Trứ, 33 tuổi, sẽ bị biệt giam để điều tra trong thời gian ít nhất 4 tháng, và đối mặt với án tù có thể là chung thân, thậm chí tử hình, nếu bị kết tội.

Công an cộng sản Phú Yên nói rằng trong tháng 2 năm ngoái, ông Trứ ghi danh tham gia “Trưng cầu dân ý” theo lời kêu gọi của“Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do công dân Hoa Kỳ gốc Việt Đào Minh Quân làm thủ tướng. Nửa năm sau, ông Trứ được kết nạp vào tổ chức này và được giao nhiệm vụ lôi kéo người khác tham gia. Ông còn bị cho là thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhiều bài viết, hình ảnh, video kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động nhằm ủng hộ tổ chức này về nước lật đổ chế độ cộng sản.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam coi chính phủ lưu vong của ông Đào Minh Quân là tổ chức khủng bố, và gia tăng đàn áp trong nhiều năm gần đây. Hàng chục người được cho là thuộc tổ chức này đã bị bắt và kết án với nhiều bản án nặng nề hơn 10 năm. Tháng trước, an ninh cộng sản tỉnh Nghệ An đã bắt giữ ông Trần Hữu Đức với cùng cáo buộc “lật đổ.”

===== 10/02 =====

Quảng Trị bắt giữ nhà báo Phan Bùi Bảo Thy với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 người trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, các nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Hai người bị khởi tố gồm nhà báo Phan Bùi Bảo Thy (50 tuổi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, là Trưởng văn phòng đại diện miền Trung – Tây Nguyên của báo Giáo dục & Thời đại) và ông Lê Anh Dũng (56 tuổi, trú tại Quận 2, Sài Gòn).

Phía công an nói hai ông đã đăng tải nhiều bài viết trên Facebook có nội dung tố cáo nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham nhũng, trong đó có ông Nguyễn Văn Hùng, người từng là bí thư tỉnh uỷ và hiện là thứ trưởng văn hóa-thông tin-du lịch, và ông Võ Văn Hùng, người hiện là chủ tịch tỉnh.

Hai ông sẽ bị tạm giam ít nhất 2 tháng để điều tra và đối diện với án tù từ 3 năm đến 7 năm.

===== 11/02 =====

HRW xếp cộng sản Việt Nam vào nhóm quốc gia lợi dụng đại dịch Covid-19 để vi phạm nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nằm trong số ít nhất 83 chế độ trên thế giới đã dùng đại dịch Covid-19 để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa của người dân.

Theo phúc trình của HRW công bố ngày 11/02, cộng sản Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, quyền tụ tập ôn hoà, quyền tự do báo chí, ban hành những điều luật mơ hồ để hình sự hóa những phát ngôn mà các chính quyền cho là đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

HRW nói các chính phủ nên chống lại đại dịch bằng cách “khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, chứ không phải bịt miệng họ” và “Đánh đập, giam giữ, truy tố và kiểm duyệt những người chỉ trích ôn hòa vi phạm nhiều quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn đại dịch.”

Phúc trình cho biết cộng sản Việt Nam đã triệu tập 650 người dùng Facebook từ tháng 1 đến tháng 3 để thẩm vấn họ về việc đưa thông tin về đại dịch, buộc tất cả họ phải xóa bài đăng của mình và phạt hơn 160 người trong số họ. HRW nói luật Việt Nam không chỉ nhắm vào thông tin không chính xác, mà còn cả những thông tin bị cho là bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự của quan chức.

Theo HRW, nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền trong thời gian diễn ra đại dịch bao gồm nhà báo, blogger, người đăng bài trực tuyến, người bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền, học giả, nhân viên y tế, sinh viên, luật sư, và nghệ sĩ.

===== 12/02 =====

ACAT kêu gọi Tổng thống Pháp can thiệp cho tù nhân lương tâm Việt Nam

Tổ chức Công giáo Hành động Chống Tra tấn (ACAT), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Paris, đã gửi một bức thư lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi ông can thiệp cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Trong bức thư đề ngày 12/02, ACAT đề nghị Tổng thống Macron nêu vấn đề các nhà hoạt động bị cầm tù vì hoạt động nhân quyền ở Việt Nam với nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội. Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do (RFA), đại diện của ACAT, cô Jade Dussart cho biết tổ chức đã thu thập được hơn 10.600 chữ ký trước khi gửi thư ngỏ đến phủ tổng thống.

ACAT cho biết một năm sau khi Quốc hội Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ và hàng chục người hoạt động nhân quyền bị bắt giữ và cầm tù. ACAT cho rằng chính phủ Pháp cần có hành động và chủ động hơn trong việc bảo đảm nhân quyền tại Việt Nam.

Trong nhiều năm gần đây, ACAT đưa nhiều tin tức về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tới người dân Pháp và cộng đồng quốc tế cũng như kêu gọi sự trợ giúp trong việc đòi trả tự do cho một số tù nhân lương tâm hoặc giúp cho họ được tiếp cận với ý tế.

Theo Ân xá Quốc tế, Việt Nam hiện giam giữ khoảng 170 tù nhân lương tâm, còn tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) thì có ít nhất 258 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong điều kiện sống vô cùng hà khắc trong nhiều trại giam và trại tạm giam khắp cả nước.

===== 16/11 =====

RSF kêu gọi trả tự do cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy

Vào ngày 16/02, tổ chức Ký giả Không Biên Giới (RSF) lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, người mới bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” khi nhà báo này nêu lên tình trạng tham nhũng của ban lãnh đạo cộng sản tỉnh Quảng Trị trên tài khoản Facebook cá nhân.

Trong thông cáo báo chí, RSF cho rằng nhà báo Phan Bùi Bảo Thy chỉ đưa tin vì lợi ích chung của cộng đồng và do vậy ông hoàn toàn vô tội. RSF cho rằng việc bắt giữ và cáo buộc nhà báo Phan Bùi Bảo Thy vi phạm Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam được viết ra bởi chính chế độ cộng sản.

Như tin đã đưa, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy là trưởng đại diện của báo nhà nước Giáo dục & Thời đại. Ông bị bắt ngày 10/02 và đối mặt với mức án 7 năm tù giam nếu bị kết tội. Công an cộng sản tỉnh Quảng Trị cáo buộc ông đưa lên Facebook nhiều bài viết về tham nhũng liên quan đến nhiều viên chức cao cấp của tỉnh, bao gồm ông Nguyễn Văn Hùng, người từng là bí thư tỉnh uỷ và hiện là thứ trưởng văn hóa-thông tin-du lịch, và ông Võ Văn Hùng, người hiện là chủ tịch tỉnh.

Cùng với đàn áp giới bất đồng chính kiến, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng tìm mọi cách bịt miệng giới báo chí. Đầu tháng 1 vừa qua, cộng sản đã kết án 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam với tổng mức án tù là 37 năm tù giam và 9 năm quản chế vì viết bài chỉ trích chế độ.

Theo tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), cộng sản Việt Nam là một trong những chế độ giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới, còn RSF xếp hạng cộng sản Việt Nam ở vị trí 175 trong tổng số 180 quốc gia theo Chỉ số Tự Do Báo chí năm 2020.

——————–

CRS nói quan hệ Việt Mỹ còn hạn chế do yếu tố Trung Cộng và khác biệt về nhân quyền

Một báo cáo trước Quốc hội Hoa Kỳ đánh giá quan hệ song phương với chế độ cộng sản Việt Nam đã phát triển trong thời gian qua nhưng vẫn còn hạn chế do Hà Nội còn nghi ngại Bắc Kinh, ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam sợ Hoa Kỳ sẽ can thiệp để chấm dứt sự độc quyền lãnh đạo của đảng, và vấn đề đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

Báo cáo về quan hệ Việt-Mỹ của Cơ quan Nghiên cứu thuộc Quốc hội Hoa Kỳ (CRS) công bố ngày 16/02 nhận định quan hệ hai nước kể từ khi xác lập quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế và quốc phòng.

Hoa Kỳ đã cung cấp cho cộng sản Việt Nam phi cơ không người lái, radar bờ biển, 24 tầu tuần duyên mới, và hai tàu tuần duyên lớn lớp Hamilton đã qua sử dụng. Đây là chính sách của Hoa Kỳ giúp cộng sản Việt Nam tang cường khả năng đối phó với Trung Cộng.

Báo cáo cũng xác nhận tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam đã gia tăng trong thời gian vừa qua nhắm vào giới bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền. Báo cáo đánh giá rằng mặc dù hai quốc gia vẫn tổ chức đối thoại về nhân quyền hàng năm nhưng chính quyền của Tổng thống Trump không đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai nước.

Theo báo cáo, viện trợ mà Hoa Kỳ dành cho cộng sản Việt Nam cũng tăng trong các năm. Trong năm tài khóa 2021, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn viện trợ cho Việt Nam  là 170 triệu Mỹ kim so với 165 triệu năm ngoái, chưa kể khoản tiền hơn 380 triệu mà Quốc hội Hoa Kỳ đồng ý chi cho việc khắc phục hậu quả của chất độc da cam trong Chiến tranh Việt Nam.

===== 17/02 =====

Dân biểu Australia Chris Hayes lại thúc giục Ngoại trưởng Payne can thiệp cho ông Châu Văn Khảm

Dân biểu Chris Hayes của Quốc hội Liên bang Úc lại thúc giục Chính phủ Úc can thiệp để buộc Hà Nội trả tự do cho ông Châu Văn Khảm, một nhà hoạt động quốc tịch Úc đang phải thi hành án tù 12 năm trong trại giam của công an Việt Nam.

Trong thư gửi Ngoại trưởng Marise Payne ngày 17/02, dân biểu Hayes nói rằng ông lo ngại về tình trạng sức khoẻ và tính mạng của ông Khảm sau khi đọc được thư gửi ông Payne của cựu tù nhân lương tâm người Mỹ gốc Việt Michael Minh Phương Nguyễn, người cùng bị giam với ông Khảm trong nhà tù cộng sản Việt Nam nhưng đã được phóng thích tháng 10 năm ngoái nhờ có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông nói cộng sản Việt Nam có thể trả tự do cho ông Khảm nếu Bộ Ngoại giao Úc tích cực can thiệp.

Vào đầu tháng 12 năm ngoái, ông Michael Minh Phương Nguyễn cũng viết thư cho Ngoại trưởng Payne để kêu gọi Úc can thiệp cho tự do của ông Khảm. Ông nói hai ông cùng bị giam trong cùng một sơ sở giam giữ trong điều kiện sống vô cùng hà khắc và tính mạng của ông Châu Văn Khảm đang bị đe doạ nghiêm trọng vì thức ăn và nước uống kém phẩm chất, lao động khổ sai bắt buộc, và thiếu chăm sóc y tế. Ông cũng nói ông Khảm khó có thể vượt qua sự đày ải trong nhà tù cộng sản ở tuổi 71.

Ông Khảm từng là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa. Ông vượt biển đến Úc tị nạn vào năm 1982. Ông bị bắt vào tháng 1 năm 2019 khi nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam bằng giấy tờ giả và gặp gỡ một số thành viên Hội Anh em Dân chủ.

Cả hai ông đều bị kết án về tội danh nguỵ tạo “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” bởi vì các hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

===== 18/02 =====

CPJ hối thúc Việt Nam trả tự do cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy

Vào ngày 18/02, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, người hiện đang bị giam giữ do có nhiều bài viết trên Facebook phê phán một số viên chức cao cấp ở tỉnh Quảng Trị.

Thông cáo báo chí của CPJ phát đi từ Bangkok còn kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngưng bỏ tù các nhà báo chỉ vì hoạt động nghề nghiệp của họ. Thông cáo nói rõ “Việt Nam phải ngưng đối xử với các nhà báo như là tội phạm, và cần cho phép báo giới loan những chủ đề vì lợi ích chung mà không phải lo sợ bị bỏ tù.”

Hai tuần trước, công an cộng sản  tỉnh Quảng Trị bắt ông Thy, trưởng đại diện văn phòng báo Giáo dục & Thời đại, và cộng sự Lê Anh Dũng với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Họ bị cáo buộc lập ra một số tài khoản Facebook rồi đưa lên những bình luận, hình ảnh và video tố cáo lãnh đạo địa phương tham nhũng trong xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản. Cả hai phải đối diện với mức án đến 7 năm tù nếu bị kết tội.

Thống kê mới nhất của CPJ cho thấy tính đến đầu tháng 12 năm ngoái, cộng sản Việt Nam giam giữ 15 nhà báo và Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng nhà báo nhất bị giam cầm nhiều nhất ở Châu Á.

Đầu tuần qua, tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) cũng ra thông cáo kêu gọi cộng sản Việt Nam phóng thích hai ông Thy và Dũng cùng nhiều nhà báo khác đang bị giam cầm chỉ vì viết bài chỉ trích chế độ và chống tham nhũng.

===== 19/02 =====

Chính uỷ quân đội làm trùm tuyên giáo của đảng

Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị của quân đội cộng sản vừa được bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam bổ nhiệm vào chức vụ trưởng ban tuyên giáo trung ương, thay ông Võ Văn Thưởng sang làm thường trực ban bí thư.

Một số nhà quan sát chính trị bình luận rằng việc bổ nhiệm này có thể nhằm mục đích chấn chỉnh việc đánh nhau giữa các phe phái trong đảng và siết chặt các bài viết liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng, bên cạnh việc đàn áp tự do báo chí như trong nhiều năm qua.

Ông Nghĩa từng xác nhận thông tin quân đội có Lực lượng 47 với hơn 10.000 người là “hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.” Ông này còn nói quân đội có chức năng đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng.

Lực lượng 47 cùng với dư luận viên không chỉ tấn công nhắm vào giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội mà còn tấn công fanpage của Toà Đại sứ Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Trong nhiều nhiệm kỳ trước, đảng cộng sản Việt Nam đưa nhiều tướng công an sang nắm giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy đảng và nhà nước. Lần này là một tướng quân đội được điều động sang làm trùm bộ máy tuyên truyền của đảng.

========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây