Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 10 từ ngày 15/3 đến 21/3/2021: Phú Yên xử sơ thẩm nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu vào ngày 22/3, Phiên phúc thẩm của ông Trần Đức Thạch ​​vào ngày 24/3

 

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 21/3/2021

 

Nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức phiên xử sơ thẩm đối với nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu vào ngày 22/3 trong khi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành phiên phúc thẩm đối với nhà hoạt động dân chủ và quyền con người Trần Đức Thạch hai ngày sau đó.

Cô Diệu, 33 tuổi, bị bắt vào ngày 21/8/2020 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 7 đến 12 năm nếu bị kết án. Sau khi rời tờ báo chính thống của tỉnh Phú Yên, cô đã viết blog về các vấn đề nghiêm trọng của đất nước, bao gồm vi phạm nhân quyền, tham nhũng có hệ thống, ô nhiễm lan rộng do các nhà máy gây ra, v.v. Công an Phú Yên cho biết cô đã đăng nhiều bài báo trên tài khoản Facebook của mình với nội dung phỉ báng các nhà lãnh đạo cộng sản và xuyên tạc chính sách của đảng và chính phủ.

Trong khi đó, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội dự kiến ​​tiến hành phiên xét xử phúc thẩm ông Thạch vào ngày 24/3. Nhà hoạt động 69 tuổi đã bị bắt vào ngày 23/4 năm ngoái với tội danh lật đổ do có liên quan đến Hội Anh emDân chủ (BFD) và các bài viết của ông với nội dung tố cáo tình trạng lạm dụng nhân quyền và lên tiếng về các vấn đề của đất nước. Trong phiên xử sơ thẩm ngày 15/12/2020, ông bị Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 12 năm tù. Có rất ít hy vọng ông Thạch được trả tự do hoặc giảm án vì trong đại hội toàn quốc của đảng cộng sản cầm quyền trong tháng 1 vừa qua, nhiều quan chức cấp cao bảo thủ của chế độ đã được bầu lại vào ban lãnh đạo của đảng trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Công an Hà Nội đã chuyển nhà bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động quyền đất đai Trịnh Bá Phương khỏi Trại tạm giam số 1 (Nam Từ Liêm), nơi ông Phương đã bị biệt giam kể từ khi bị bắt vào ngày 24/6/2020. Khi vợ anh ta đến cơ sở giam giữ này vào ngày 19/3 để cung cấp thức ăn bổ sung cho chồng mình thì đươc nhân viên của cơ sở nói rằng chồng đã bị chuyển đi một nơi khác. Công an thành phố từ chối thông báo cho gia đình Phương nơi anh bị giam giữ và những người thân của anh rất lo ngại cho anh vì tình trạng tra tấn vẫn diễn ra tràn lan trong các trại tù và cơ sở giam giữ tạm thời trên toàn quốc ngay cả sau khi chế độ này ký Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc vào năm 2014. Đáng chú ý là mẹ anh, bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư cũng bị công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ với cùng cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” cùng ngày. Cuộc điều tra được cho là đã hoàn tất và người mẹ và con trai Tư sẽ sớm bị đưa ra tòa.

Ban giám thị Trại giam Xuân Lộc tiếp tục biệt giam nhà hoạt động về quyền lao động Nguyễn Văn Đức Độ trong xà lim kể từ tháng 5 năm 2020 bất chấp sự phản đối của ông. Chúng thậm chí còn sử dụng chó săn để đe dọa ông. Một năm trước, ông Độ yêu cầu quản giáo cho phép ông và các tù nhân lương tâm khác được ra ngoài tắm nắng thường xuyên hơn, tuy nhiên, chúng từ chối và kỷ luật ông bằng cách đưa ông vào biệt giam trong một phòng giam chật chội và không cho aông gặp gia đình cũng như nhận thêm thực phẩm và đồ dùng từ người thân. Ông cho biết thức ăn do nhà tù cung cấp không an toàn. Sức khỏe của ông đã trở nên tồi tệ rất nhiều do điều kiện sống khắc nghiệt trong nhà tù.

===== 15/3 =====

Cộng sản Phú Yên sẽ xử nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” ngày 22/3

Nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức phiên toà ngày 22/03 để xét xử nhà báo tự do Trần Thị Tuyết Diệu về cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Phiên toà sẽ do toà án cộng sản tỉnh thực hiện tại trụ sở của cơ quan này ở thành phố Tuy Hoà. Nhà hoạt động Trần Thị Tuyết Diệu đối mặt với án tù từ 5 năm đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.

Tốt nghiệp khoa báo chí và truyền thông của Đại học Khoa học xã hội nhân văn Sài Gòn, cô từng là phóng viên báo Phú Yên từ năm 2011 đến 2017. Cô bỏ việc và trở thành phóng viên tự do, đưa tin về tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền và quan hệ Trung-Việt. Đến tháng 8 năm 2020, cô bị bắt và bị biệt giam cho tới tháng 11 mới được gặp luật sư.

Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin từ công an Phú Yên nói rằng “từ cuối năm 2017 đến tháng 5 năm 2020, cô sử dụng nhiều tài khoản trên Facebook và kênh YouTube để đăng tải hàng trăm bài viết, hình ảnh, clip có nội dung cổ súy cho những đối tượng chống phá chế độ, phỉ báng và kích động lật đổ chế độ, và đòi đa nguyên đa đảng.”

Cộng sản Việt Nam hiện đang giam giữ 90 người hoạt động với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015, một trong những điều khoản mà mà cầm quyền cộng sản sử dụng để đàn áp giới bất đồng chính kiến. Liên Hiệp quốc và cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Hà Nội xoá bỏ cáo buộc này và tuân thủ cam kết quốc tế về nhân quyền mà cộng sản Việt Nam đã ký kết.

Thông tin bổ sung: Nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu sẽ ra tòa vào ngày 22-3 với cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”

===== 18/3 =====

TNLT Nguyễn Văn Đức Độ bị biệt giam, quản giáo thả chó săn cắn

RFA: Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ hôm 16 tháng 3 năm 2021 vừa qua kể với gia đình về việc anh bị quản giáo trại giam Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thả chó cho cắn khi anh hét lên: “Tù nhân Lương Tâm cũng cần được sống!” từ nơi biệt giam.

Ông Nguyễn Đức Hải, em trai của ông Độ hôm 18-3 kể lại sự việc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

“Nói chuyện một lát thì anh nói rằng hôm qua là ngày ngày 15 (tháng 3-2021) là anh bị tức ngực, rồi tức ở sau lưng không thở được, thành ra anh mới đập cửa lên kêu cứu.

Anh nói rằng bây giờ nhà tù rộng lắm, la lên thì người ta mới nghe, anh mới đập cửa kêu cứu và la lên là: “Tù nhân Lương Tâm cũng cần được sống!”

Một lát sau họ thả chó săn vào, anh nói là họ thả chó săn vào thì nó vồ tới đòi cắn anh nhưng mà anh nhảy ngược lại vào phía trong.Thì nó không cắn được được, nó cứ đứng trước cửa sủa um lên vậy đó.”

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện cho số điện thoại của trại giam Xuân Lộc để hỏi về vụ việc nhưng không có người bắt máy.

Theo ông Hải, anh trai của ông bị cùm chân và biệt giam kể từ tháng 5 năm ngoái khi đập cửa buồng giam để yêu cầu được cho ra ngoài sân tập thể dục.

Ông Độ cho hay, ông bị giam trong căn phòng diện tích khoảng 8 mét vuông và do diện tích quá nhỏ không tập thể dục được khiến tay và chân của ông bị đau đớn khi vận động, khó thở và tức ngực.

Ông Độ là thành viên của tổ chức Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết. Ông bị tuyên án 11 năm tù giam vào năm 2018 cùng với hai người khác. Ông cũng cho hay, cán bộ quản giáo hay khuyên ông nhận tội để đổi lấy việc được giảm án. Ông Hải nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Anh Độ cho anh biết là thỉnh thoảng họ (công an quản giáo) vẫn đem cái biên bản nhận tội vào, họ nói là ký vào nhận tội theo ý của họ.

Anh mới nói là “Tôi không có tội, tôi bị kết án oan sai, tôi chỉ là người yêu nước!”

Anh ghi trong biên bản như vậy khi họ nói nếu như anh nhận tội thì mỗi năm năm họ sẽ giảm cho anh 2 tháng tù và để anh ra ngoài được tự do.

Anh nói là “Tôi không có tội thì lấy gì mà nhận tội, tôi là bị kết án oan sai!”

===== 19/3 =====

Công an Hà Nội đột ngột chuyển nơi giam giữ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, gia đình mất tung tích

Công an cộng sản thành phố Hà Nội đột ngột đưa nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đi khỏi Trại tạm giam số 1 và hiện gia đình không biết ông bị giam ở đâu.

Từ khi bị bắt ngày 24/6 năm ngoái với cáo buộc nguỵ tạo “tuyên truyền chống chế độ,” ông bị biệt giam tại Trại tạm giam số 1 (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, gia đình ông đến cơ sở này vào ngày 19/3 để tiếp tế cho ông thì được thông báo là ông đã bị chuyển đi trước đây 2-3 tuần nhưng không nói cơ sở giam giữ mới. Gia đình liên lạc với điều tra viên của vụ án nhưng không được phản hồi. Hiện gia đình rất lo cho tính mạng của ông vì tình trạng tra tấn phổ biến trong các trại giam Việt Nam.

Ông Phương là con trai của hai cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Khiêm. Bên cạnh việc đấu tranh về quyền đất đai, hai ông bà và hai con trai Phương và Trịnh Bá Tư còn hỗ trợ những người dân oan khác và báo cáo vi phạm nhân quyền cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt vụ thảm sát Đồng Tâm trong sáng sớm ngày 09/1 năm ngoái.

Ngày 24/6/2020, công an cộng sản Hà Sơn Bình cũng bắt giữ bà Thêu và con trai tên Tư với cùng cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ.” Phía công an đã kết thúc điều tra và hồ sơ vụ án của hai mẹ con đã được chuyển đến toà án tỉnh để chờ xét xử.

Trong khi đó, công an Hà Nội đã gia hạn điều tra đối với ông Phương thêm 4 tháng.

Hàng chục nghi phạm và tù nhân bị chết trong trại giam và trại tạm giam ở nhiều tỉnh thành mỗi năm cho dù cộng sản Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Công ước chống tra tấn năm 2014.

Thông tin bổ sung: Trại tạm giam đột ngột chuyển trại đối với ông Trịnh Bá Phương, gia đình mất tung tích

——————–

Nhà thơ Trần Đức Thạch ra toà phúc thẩm ngày 24/3

Luật sư Hà Huy Sơn thông báo toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành phiên phúc thẩm đối với nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Ngọc Thạch vào ngày 24/3 tại trụ sở toà án cộng sản tỉnh Nghệ An ở thành phố Vinh, hơn bốn tháng sau khi ông bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh nguỵ tạo “hoạt động lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự.

Ông Thạch, 69 tuổi, bị bắt giữ vào ngày 23/4 năm ngoái vì hoạt động và viết bài cổ suý dân chủ và nhân quyền. Trong phiên sơ thẩm ngày 15/12 cùng năm, ông bị toà án cộng sản tỉnh Nghệ An kết tội trong một phiên toà không tuân theo chuẩn mực quốc tế về xét xử công bằng. Trước đó, vào năm 2009, ông từng bị toà án cộng sản thành phố Hà Nội kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Ông là tác giả của hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30.4.1975. Ông cũng là một thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam một cách ôn hòa và đã có khoảng 10 thành viên bị kết án trong 5 năm qua. Với những đóng góp của mình, ông được trao giải thưởng văn học mang tên Nguyễn Chí Thiện 2020.

Ông Thạch rất ít có cơ hội được trả tự do hay được giảm án trong phiên phúc thẩm tới khi nhiều nhân vật bảo thủ của chế độ được tái bầu trong đại hội đảng vừa qua và tiếp tục giữ các chức vụ chủ chốt của chế độ trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

==========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây