Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 14 từ ngày 05/4 đến 11/4/2021: Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 11/4/2021

 

Ngay sau khi hình thành ban lãnh đạo mới trong 5 năm tiếp theo với nhiều quan chức bảo thủ cấp cao được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ, vào ngày 7/ 4, chế độ cộng sản Việt Nam đã bắt giữ nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh vì những nỗ lực tuyệt vời của bà trong việc hỗ trợ những người hoạt động gặp rủi ro trong nhiều năm. Bà Hạnh, 58 tuổi, sẽ bị giam giữ bất hợp pháp ít nhất bốn tháng để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Bà sẽ phải đối mặt với án tù dài hạn từ 7 đến 12 năm nếu bị kết tội. Bà được biết đến với Quỹ 50K do chính bà thành lập năm 2018 nhằm nhận quyên góp từ người Việt Nam trong và ngoài nước, đồng thời cung cấp các khoản tài trợ nhỏ cho các gia đình tù nhân lương tâm cũng như các nhà hoạt động bị chính quyền đàn áp nghiêm trọng.

Bà Hạnh bị bắt sau hàng loạt cuộc thẩm vấn tại đồn công an trong vài năm qua, đặc biệt là liên quan đến số tiền quyên góp cho gia đình của lãnh đạo xã Đồng Tâm cao tuổi Lê Đình Kình, người bị bắn chết trong phòng ngủ của ông trong cuộc truy quét đẫm máu của khoảng 3.000 cảnh sát chống bạo động vào làng Hoành vào ngày 9/01/2020. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã yêu cầu Vietcombank đóng băng tài khoản của bà với khoảng 523 triệu đồng (22.700 đô la) quyên góp cho những người dân oan Đồng Tâm và buộc bà phải đóng quỹ của mình vào cuối năm 2020.

Bà là nhà hoạt động thứ 6 bị bắt vì giúp dân oan Đồng Tâm. Năm ngoái, Việt Nam đã bắt giữ nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng và blogger chính trị nổi tiếng Phạm Đoan Trang, các nhà hoạt động quyền đất đai và vận động nhân quyền Nguyễn Thị Tâm, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tú. Tất cả họ đều bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” với mức án tù lên đến 20 năm.

Ngay sau khi bà Hạnh bị bắt, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) đã ra thông cáo báo chí khẳng định việc giam giữ bà là độc đoán và bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà ngay lập tức và vô điều kiện. Một ngày sau, Ân xá Quốc tế ra thông báo cho biết vụ bắt giữ bà là một nỗ lực trắng trợn và có động cơ chính trị nhằm bịt ​​miệng một trong những người ủng hộ nhân quyền được tôn trọng nhất trong nước.

Bốn người đoạt giải của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris là Tomasz Piatek đến từ Ba Lan, Swati Chaturvedi đến từ Ấn Độ, Inday Espina-Varona từ Philippines và Can Dündar từ Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch chung để hỗ trợ nhà báo Việt Nam bị tù Phạm Đoan Trang người đã bị cảnh sát giam giữ kể từ khi cô bị bắt vào ngày 7/10/2020.

Nhiều Facebooker cho biết nhà cầm quyền tỉnh Bình Thuận đã bắt giữ ba nhà hoạt động địa phương tên là Nguyễn Văn Sơn Trung, Trần Đức Tín và Lương Quang Bảo trong khi hai người khác tên là Nguyễn Tuyết Na và Võ Văn Tùng bị mất tích. Các nhà hoạt động này được cho là thành viên của một nhóm Facebook nhằm ủng hộ việc ứng cử độc lập của nhà hoạt động người Khmer Nguyễn Quốc Huy (hay còn gọi là Đồng Chương Tử) trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 23/5 sắp tới. Ông Huy đã bị giam tại đồn cảnh sát trong năm ngày, từ ngày 6/4 đến ngày 10/4. Cảnh sát cam kết sẽ triệu tập ông thêm trong tương lai. Các nhà chức trách tỉnh Bình Thuận vẫn chưa công khai các vụ bắt giữ và cáo buộc đối với các nhà hoạt động nói trên.

Và nhiều tin quan trọng khác

===== 05/4 =====

Gia đình tù nhân lương tâm Châu Văn Khảm cầu cứu Thủ tướng Úc

Gia đình của công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, người hiện bị giam giữ ở Việt Nam, đang cầu cứu chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison can thiệp để đưa ông về nhà.

Thân nhân của ông Khảm, người bị cộng sản Việt Nam kết án 12 năm tù giam về tội danh “khủng bố nhằm chống chế độ,” ngày càng lo ngại về sức khoẻ suy giảm của ông. Ông vốn là thợ làm bánh 71 tuổi ở Sydney đã nghỉ hưu và có bệnh lý nền, và bị trong điều kiện hà khắc trong nhà tù ở Việt Nam.

Hồi tháng 1 năm nay, cựu tù nhân lương tâm công dân Hoa Kỳ Michael Phương Minh Nguyễn đã gửi thư cho Ngoại trưởng úc Marise Payne nói rằng khi ông còn bị cộng sản Việt Nam giam giữ, ông đã chứng kiến ông Khảm bị buộc phải lao động khổ sai và không được chăm sóc y tế cho dù bệnh nặng. Ông Nguyễn cho rằng cộng sản Việt Nam có thể sẽ trả tự do cho ông Khảm nếu chính phủ Úc can thiệp mạnh hơn, như trong trường hợp của ông được sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ.

Vợ của ông Khảm và hai con trai đã nhiều lần kêu gọi lên Thủ tướng Morrison và Ngoại trưởng Payne can thiệp để ông được tự do kể từ khi ông bị bắt đầu năm 2019. Họ lo sợ ông sẽ chết nếu chính phủ Úc không can thiệp.

Ông Khảm, người từng là sỹ quan hải quân của Việt Nam Cộng hoà và tới Úc tị nạn năm 1982, bị toà án cộng sản kết án 12 năm tù giam.

Luật sư của ông Khảm nói rằng ông Khảm bị kết án với bản án nặng nề chỉ vì ông là thành viên của tổ chức Việt Tân. Vị luật sư này đã đưa trường hợp bắt giữ độc đoán của ông Khảm lên Liên Hiệp Quốc.

===== 07/4 =====

Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh vào sáng 07/4 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án tù từ 7 đến 12 năm tù nếu bị kết tội.

Bản tin  của sở công an cộng sản thành phố Hà Nội nói rằng cơ quan an ninh điều tra của sở đã tiến hành bắt giữ bà Hạnh và khám nhà. Vì chồng đi vắng nên khi bà bị bắt, không có người thân nào ở bên cạnh bà để chứng kiến quá trình bắt giữ và khám nhà. Sau đó, công an niêm phong nhà và đưa bà đi.

Từ năm 2011, bà Hạnh tham gia phong trào chống Trung Cộng xâm lược Biển Đông, từng nhiều lần cùng anh chị em ở Hà Nội biểu tình phản đối Bắc Kinh nhiều nơi, kể cả gần Toà đại sứ Hoa Lục ở Hà Nội.

Năm 2018, bà thành lập Quỹ 50K và tiếp nhận hỗ trợ từ người Việt trong nước và nước ngoài để trợ giúp tù nhân lương tâm và người hoạt động bị đàn áp. Quỹ nhận được 523 triệu đồng tiền phúng điếu cho gia đình cụ Lê Đình Kình sau khi cụ bị công an cộng sản bắn chết trong cuộc tấn công của 3,000 cảnh sát cơ động vào làng Hoành, xã Đồng Tâm ngày 09/1/2020. Tuy nhiên, theo lệnh của cộng sản Hà Nội, Vietcombank đã đóng băng tài khoản của bà Hạnh và hiện vẫn giữ số tiền này.

Trong nhiều năm qua, bà Hạnh liên tục bị sách nhiễu như bị triệu tập lên đồn công an để tra khảo về hoạt động thiện nguyện, bị quản thúc tại gia trong nhiều dịp, và bị truyền thông nhà nước bôi xấu.  Vụ bắt giữ bà là một phần trong chiến dịch đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản đối với giới hoạt động vốn bắt đầu từ cuối năm 2015 và ngày càng khốc liệt. Từ đầu năm tới nay, cộng sản Việt Nam đã bắt giữ 7 nhà hoạt động và kết án 10 người với mức án từ 4 năm đến 15 năm tù giam.

——————–

Nhiều ký giả nổi tiếng thế giới kêu gọi Cộng sản Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Nhiều ký giả nổi tiếng trên thế giới, những người từng được tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) vinh danh, đã cùng lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phóng thích nhà hoạt động nhân quyền và blogger chính trị Phạm Đoan Trang, người cũng được RSF trao tặng giải thưởng năm 2019 và đã bị bắt đầu tháng 10 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ.”

Nhà báo Ba Lan Tomasz Piatek sử dụng chương trình trực tuyến của mình có tên “Coming to the truth” yêu cầu Hà Nội ngưng ngay biện pháp sách nhiễu công dân và cho người dân quyền nói lên sự thật còn nhà báo Ấn Độ Swati Chaturvedi phát biểu rằng RSF đại diện cho công cuộc đấu tranh của những nhà báo đang bị cầm tù nên hãy lên tiếng và giúp đỡ cho người đồng nghiệp đang bị giam ở Việt Nam.

Nhà báo kiêm nhà sản xuất phim tài liệu Thổ Nhĩ Kỳ Can Dündar nói rằng thông điệp mạnh mẽ từ trường hợp Phạm Đoan Trang là niềm hy vọng giải thưởng khích lệ các nhà báo khác tại Việt Nam kiên định hơn trong công cuộc theo đuổi sự thật, công lý, và nhân quyền.

Nhà báo Philippines Espina-Varona cho rằng Việt Nam cáo buộc Phạm Đoan Trang một cách độc vì trách nhiệm của mỗi nhà báo là phê phán và khi cần thiết phản đối những chính sách và hành động phương hại đến sự an nguy và quyền của con người.

Ông Daniel Bastard, trưởng Văn phòng RSF ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sự đoàn kết quốc tế với Phạm Đoan Trang cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thấy rằng cả thế giới đang theo dõi họ, và Hà Nội không nên bỏ tù một nhà báo chỉ vì người này viết bài trích chế độ.

===== 08/4 =====

Ân xá Quốc tế lên án Cộng sản Việt Nam trong vụ bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh

Ngày 08/4, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ra thông cáo kêu gọi  nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh, người vừa bị công an bắt giữ vớicáo buộc “tuyên truyền chống chế độ” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Phó giám đốc khu vực Ming Yu Hah của Ân xá Quốc tế nói rằng việc bắt giữ bà Hạnh là một nỗ lực trắng trợn với động cơ chính trị nhằm bị miệng một trong những nhà hoạt động cổ xúy cho nhân quyền được kính trọng nhất tại Việt Nam.

Ân xá Quốc tế cũng nói bà Hạnh là một nhà hoạt động truyền cảm hứng do hoạt động không ngừng nghỉ để giúp đỡ những tù nhân lương tâm bị kết án bất công tại Việt Nam. Dù bị sách nhiễu, bà Hạnh vẫn kiên định với công cuộc này.

Gia nhập phong trào dân chủ và nhân quyền từ năm 2011 bằng việc tham gia nhiều cuộc tuần hành chống Trung Cộng bành trướng ở Biển Đông, bà Hạnh đã sáng lập và điều hành Quỹ 50K từ năm 2018 để trợ giúp tù nhân lương tâm và người hoạt động bị đàn áp. Sau khi xảy ra vụ tấn công của 3.000 cảnh sát cơ động vào Đồng Tâm, quỹ của bà đã thu nhập được hơn 500 triệu đồng tiền ủng hộ cho người dân oan nơi đây. Tuy nhiên, cộng sản Việt Nam đã đóng băng tài khoản của bà, và gây sức ép buộc bà phải đóng quỹ cuối năm ngoái.

Ngay sau khi bà bị bắt, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) cũng ra thông cáo báo chí yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản nghiêm túc thực thi cam kết quốc tế về nhân quyền và trả tự do cho bà Hạnh.

===== 09/4 =====

Cộng sản Việt Nam bắt nhà báo độc lập Nguyễn Văn Sơn Trung

Cộng đồng mạng xã hội Facebook đưa tin nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại bắt thêm một số nhà hoạt động xã hội, trong đó có ông Nguyễn Văn Sơn Trung sinh năm 1982, quê Phan Thiết, Bình Thuận. Nhiều Facebooker đưa tin an ninh tỉnh Bình Thuận vây bắt ông vào cuối buổi chiều thứ Sáu ngày 09/04.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông Trung bị cáo buộc gì. Vợ ông không ở cùng chồng nên không chứng kiến việc bắt giữ ông

Ông Trung là cựu tù nhân chính trị, bị giam cầm 2 năm trong những năm đầu thế kỷ này. Ông cũng được cho là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông thường xuyên chia sẻ thông tin tham nhũng của quan chức Việt Nam.

Trong giai đoạn từ tháng 7 năm 2017 đến tháng Năm năm 2020, ông Trung tham gia quản trị trang Facebook Lều Của Đầy Tớ, một trang đưa thông tin về bất động sản của quan chức cộng sản Việt Nam có được nhờ vào tham nhũng.

Từ năm 2016, sau sự kiện Formosa xảy ra, ông Trung thường xuyên bị an ninh tỉnh Bình Thuận bắt bớ, câu lưu, đánh đập, đàn áp rất nhiều, trong đó có vụ câu lưu nhiều ngày liền năm 2016.

Trong một diễn biến khác, một nhà thơ gốc Khmer có tên là Nguyễn Quốc Huy và bút danh là Đồng Chuông Tử mất tích sau khi bị công an triệu tập lên đồn công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận làm việc ngày 06/4. Trước đó, ông Huy tuyên bố sẽ tranh cử vào quốc hội cộng sản Việt Nam như một ứng cử viên tự do. Không rõ ông đã nộp hồ sơ xin ứng cử hay chưa.

Hai nhà hoạt động xã hội Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng ở Hà Nội đã bị bắt giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi công bố kế hoạch tranh cử vào quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 23/5 tới.

===== 10/4 =====

Nhà thơ Đồng Chuông Tử được về nhà, nhiều người khác vẫn mất tích khi cộng sản Bình Thuận tăng cường trấn áp

Công an cộng sản tỉnh Bình Thuận đã cho nhà thơ Nguyễn Quốc Huy (bút danh Đồng Chuông Tử) về nhà sau nhiều ngày tra khảo và dường như vẫn đang tạm giữ nhiều người hoạt động tại địa phương.

Trên trang Facebook Đồng Chuông Tử, ông Huy, một nhà thơ và là người hoạt động xã hội dân tộc Chăm cho biết công an Bình Thuận yêu cầu ông lên đồn công an trong tuần tới để tra khảo.

Công an Bình Thuận dường như đã bắt giữ 3 người là Nguyễn Văn Sơn Trung, Trần Đức Tín và Lương Quang Bảotrong khi hai người khác là Nguyễn Tuyết Na và Võ Văn Tùng bị mất tích. Tất cả những người này đều nằm trong nhóm chát với nhà thơ Chuông Đồng Tử để bàn về việc ra ứng cử đại biểu quốc hội của nhà hoạt động người Chăm.

Gần đây, ông Huy tuyên bố ứng cử đại biểu quốc hội để tranh đấu quyền lợi cho người Chăm, dù ông có viết trên Facebook rằng ông không hy vọng được trúng cử trong cơ chế đảng cử đảng chỉ định ở Việt Nam như hiện nay. Không rõ ông đã nộp hồ sơ tự ứng cử hay chưa. Ông Huy làm thơ, viết báo và thời gian qua có kêu gọi hỗ trợ người dân nghèo, học sinh ở thị trấn Ma Lâm và xây dựng thư viện thiện nguyện cho người dân đến đọc sách.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang gia tăng sách nhiễu và đàn áp người hoạt động xã hội và Facebooker muốn ứng cử vào quốc hội cộng sản như ứng viên tự do trong cuộc bầu cử vào ngày 23/5 tới đây. Trong tháng Ba, có ít nhất hai người bị bắt vì lý do trên là ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, và họ đều bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

=========================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản Anh ngữ tại đây