Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 31, từ ngày 30/7 đến 05/8/2018: Phiên toà sơ thẩm xét xử Người Phát ngôn Hội Anh em Dân chủ được ấn định vào ngày 17/8.

DTD logo

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 05/8/2018

 

Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm đối với Nguyễn Trung Trực, phát ngôn nhân của Hội Anh em Dân chủ với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999, vào ngày 17/8, sau hơn một năm biệt giam ông.

Ông Trực, 44 tuổi, bị bắt giam ngày 04/8/2017. Ông phải đối mặt với mức án nặng nề, nếu bị kết tội. Trong tháng 4-5, bảy thành viên chủ chốt của Hội Anh em Dân chủ đã bị kết án với mức án từ 7 đến 15 năm tù giam.

Ngày 30/7, một toà án ở tỉnh Đồng Nai đã kết án 20 người từng tham gia biểu tình ôn hoà vào ngày 10/6 với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự 2015. Toà đã tuyên án với mức án từ 8 đến 18 tháng tù đối với 15 bị cáo, và án tù treo 1 năm cho 5 người còn lại trong một phiên toà chỉ có 1 luật sư bào chữa cho 2 trong số 20 bị cáo.

Một ngày sau đó, Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã y án 15 tháng tù giam đối với Nguyễn Thị Huyền, một học viên của Pháp Luân công, với cáo buộc “lấy cắp tài sản.” Trước đó, vào tháng Tư, một toà án cấp thấp hơn đã kết án cô cùng 3 học viên khác với cáo buộc “lấy cắp tài sản,” mà thực ra là họ đã lấy lại tài sản của mình vốn bị công an Thái Nguyên thu giữ mà không có biên bản.

Chính quyền tỉnh Bắc Ninh sẽ xét xử ông Đỗ Công Đương, một người hoạt động chống tham nhũng, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của BLHS 2015. Ông Đương bị bắt vào tháng 1 năm 2018 trong khi đang quay phim một vụ thu hồi đất đai và bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng cùng “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của BLHS 2015. Ông sẽ bị xét xử với cáo buộc thứ 2 trong một phiên toà khác.

Ngày 02/8, bốn sỹ quan cảnh sát tỉnh Kiên Giang đã đến nhà Hứa Hoàng Anh, một nông dân 35 tuổi ở xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, để truy hỏi ông về việc ông tham gia nhiều cuộc biểu tình, bao gồm cuộc biểu tình ngày 10/6 ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong một tình huống không rõ ràng, Anh bị gục xuống với nhiều vết thương ở cổ và bụng, và chết trên đường đi cấp cứu. Công an Kiên Giang nói rằng Anh tự sát trong khi có nhiều nghi vấn anh bị giết. Công an đã phong toả khu vực, ép gia đình chôn cất anh, và không cho những người hoạt động khác đến viếng.

Theo gia đình của họ thì nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và Trần Thị Nga bị giam giữ chung với tù hình sự và họ đều bị đàn áp bởi những người tù chung phòng. Hoàng Đức Bình, người đang thụ án tù 14 năm tại trại giam An Điềm vì những hoạt động công đoàn và môi trường, bị giam chung phòng với 6 tử tù và thường xuyên bị chúng đánh đập còn Trần Thị Nga, người đang thụ án tù 9 năm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” thì bị sách nhiễu bởi một nữ phạm nhân hung hãn.

===== 30/7 =====

20 người biểu tình ôn hoà ở Đồng Nai bị kết án với cáo buộc gây rối trật tự công cộng

Ngày 30/7, Toà án Nhân dân thành phố Biên Hoà đã kết án 20 người bị bắt vì cáo buộc gây rối trật tự công cộng khi tham gia biểu tình ôn hoà vào ngày 10/6.

Toà đã kết án 15 người với mức án từ 8 đến 18 tháng tù, và 5 người với án tù treo 1 năm.

11 trong số những người bị kết án là phụ nữ. Một số người còn bị tịch thu xe máy.

===== 31/7 =====

Y án cho thành viên Pháp Luân công tại Thái Nguyên

Ngày 31/7, Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên tuyên bố y án sơ thẩm 15 tháng tù đối với cô Nguyễn Thị Huyền- một học viên Pháp Luân công, người bị Toà án Nhân dân thành phố Thái Nguyên kết án trong một vụ án xử bốn học viên Pháp Luân công vớimức án tổng cộng 105 tháng tù giam vào tháng Tư.

Bốn người này là bà Trần Thị Ngọc, 56 tuổi, bà Trần Thị Tiến, 57 tuổi, ông Trần Kim Chung, 57 tuổi, và cô Nguyễn Thị Huyền 23 tuổi, bị cơ quan tố tụng Việt Nam cho là phạm tội trộm cắp tài sản.

Bốn người này bị bắt đêm29/7/2018 vì tự ý đến đồn công an lấy đồ của mình mà trước đó công an đã tịch thu của họ khi họ luyện tập mà không lập biên bản thu giữ.

Thông tin chi tiết:

Y án cho thành viên Pháp Luân Công tại Thái Nguyên

Vụ án ‘cướp’ tài sản của chính mình ở Thái Nguyên: Bản án nào dành cho những người dân vô tội?

———————

Nhà hoạt động chống tham nhũng Đỗ Công Đương sẽ bị xử về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”

Toà án Nhân dân huyện Từ Sơn sẽ xét xử nhà hoạt động chống tham nhũng Đỗ Công Đương về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 của BLHS 2015 trong thời gian sắp tới, theo luật sư của ông Hà Huy Sơn.

Ông Đương bị bắt vào cuối tháng 1 năm nay khi ông đang quay phim trong một vụ cưỡng chế đất đai ở xã bên.

Ông còn bị điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của BLHS 2015 trong một phiên toà khác vì ông đã nhiều lần tố cáo cán bộ địa phương tham nhũng, đặc biệt trong cưỡng chế đất đai.

Trước đó, ông Đương là một dân oan bị thu hồi đất đai với giá thấp hơn giá thị trường.

===== 01/8 =====

Quảng Bình sẽ xử Nguyễn Trung Trực, phát ngôn nhân của HAEDC vào ngày 17/8

Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm đối với Nguyễn Trung Trực, phát ngôn viên của Hội Anh em Dân chủ, vào ngày 17/8 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của BLHS 1999.

Ông Trực bị bắt ngày 04/8/2017 và bị biệt giam từ đó tới nay. Gia đình chỉ được gửi đồ tiếp tế, và ông cũng chưa được gặp luật sư để chuẩn bị biện hộ.

Nếu bị kết tội, ông Trực có thể phải đối mặt với mức án dài.

Ông là thành viên chủ chốt thứ 8 của HAEDC bị bắt với cáo buộc theo Điều 79. Bảy người kia đã bị kết án với mức án từ 7 đến 15 năm tù giam trong tháng 4 và 5 năm nay.

===== 02/8 =====

Người tham gia biểu tình Hứa Hoàng Anh bị chết trong khi làm việc với công an

Ngày 02/8, bốn sỹ quan công an của tỉnh Kiên Giang đã đến nhà riêng của Hứa Hoàng Anh, một nông dân của xã Minh Hoà, huyện Châu Thành để tra hỏi anh về việc anh tham gia nhiều cuộc biểu tình, lần gần nhất là ngày 10/6 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi tra hỏi, không rõ vì sao Hứa Hoàng Anh lại đổ gục với nhiều vết thương ở cổ và bụng. Anh đã chết trên đường đi cấp cứu.

Công an Kiên Giang nói anh tự sát nhưng có nhiều nhà hoạt động nghi ngờ anh bị giết.

Công an đã phong toả khu vực, bắt gia đình chôn cất anh trong ngày 03/8, và không cho người hoạt động từ nơi khác đến viếng.

Hứa Hoàng Anh đã tham gia nhiều cuộc biểu tình từ năm 2014. Anh nhiều lần bị công an địa phương triệu tập nhưng từ chối đến làm việc với công an địa phương.

Cái chết của Hứa Hoàng Anh đầy nghi vấn.

Tháng 5/2017, một tín đồ Hoà Hảo tên là Nguyễn Hữu Tấn chết với nhiều vết cắt trên cổ trong khi bị công an tra khảo. Công an nói rằng anh tự cắt cổ bằng dao rọc giấy có trong cặp của một sỹ quan công an người đang tra khảo anh.

Hàng trăm người đã chết trong đồn công an và trại giam trong những năm gần đây.

====================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây.