(1) Giới thiệu về Người bảo vệ nhân quyền

factsheet29Người bảo vệ nhân quyền” là một thuật ngữ dùng để mô tả những người, cá nhân hoặc với người khác, hành động để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Người bảo vệ nhân quyền được xác định trước hết qua những gì họ làm và thông qua mô tả của hành động (phần A dưới đây) và của một số hoàn cảnh mà họ làm việc (phần B dưới đây). Đó là cách giải thích tốt nhất về thuật ngữ này. Các ví dụ được đưa ra về những hoạt động của người bảo vệ nhân quyền không phải là một danh sách đầy đủ. 

A. Người bảo vệ nhân quyền phải làm gì?

1. Tất cả quyền con người cho mọi người

Người bảo vệ nhân quyền là người có thể bảo vệ bất kỳ quyền con người (hay những quyền con người nào) vì quyền lợi của các cá nhân hoặc nhóm. Người bảo vệ nhân quyền tìm kiếm việc thúc đẩy và bảo vệ quyền dân sự và chính trị cũng như thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Người bảo vệ nhân quyền xử trí bất kỳ mối quan ngại nào về nhân quyền, có thể gồm các dạng như hành xử độc đoán, tra tấn, tùy tiện bắt bớ và giam giữ, cắt sinh dục nữ, phân biệt đối xử, các vấn đề việc làm, cưỡng bách ly gia ly hương, tiếp cận chăm sóc sức khỏe và chất thải độc hại, và tác động của nó đối với môi trường. Người bảo vệ nhân quyền hoạt động hỗ trợ đa dạng các quyền con người như quyền sống, quyền có thực phẩm và nước, quyền có thể hưởng được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe, quyền có nhà ở thích hợp, quyền có tên và quốc tịch, quyền giáo dục, quyền tự do đi lại và không kỳ thị. Đôi khi họ vận động cho quyền của các thành phần xã hội, ví dụ như quyền của phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người bản địa, quyền của người tị nạn và người vô gia cư, và quyền lợi của quốc gia, của dân tộc thiểu số hoặc nhóm xu hướng tình dục khác biệt.

2. Quyền con người ở khắp mọi nơi

Người bảo vệ nhân quyền hoạt động ở mọi nơi trên thế giới: ở các quốc gia bị chia cắt bởi nội chiến cũng như các quốc gia ổn định; ở các quốc gia phi dân chủ cũng như quốc gia có nền dân chủ mạnh; ở các quốc gia đang phát triển kinh tế cũng như quốc gia được phân loại là đã phát triển. Họ tìm kiếm sự thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh của một loạt các thách thức, bao gồm cả HIV / AIDS, phát triển, di cư, các chính sách điều chỉnh cơ cấu và biến chuyển chính trị.

3. Hành động cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế

Đa số những người bảo vệ nhân quyền làm việc ở cấp địa phương hoặc quốc gia, ủng hộ tôn trọng quyền con người trong các cộng đồng và các quốc gia của họ. Trong hoàn cảnh như vậy, các đối tác chính của họ là chính quyền địa phương, nơi phải chịu trách nhiệm đảm bảo sự tôn trọng các quyền con người trong phạm vi tỉnh hoặc quốc gia nói chung. Tuy nhiên, một số người bảo vệ nhân quyền hoạt động ở cấp khu vực hoặc quốc tế. Họ có thể, ví dụ, theo dõi tình trạng nhân quyền khu vực hoặc trên toàn thế giới và gửi thông tin đến các bộ máy nhân quyền khu vực hoặc quốc tế, bao gồm Báo cáo viên đặc biệt của Ủy hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các cơ quan trực thuộc LHQ. Càng ngày công việc của những người bảo vệ nhân quyền được pha trộn, với trọng tâm là vấn đề nhân quyền địa phương và quốc gia, nhưng người bảo vệ nhân quyền liên lạc với các cơ chế khu vực và quốc tế để có thể hỗ trợ việc cải thiện nhân quyền tại quốc gia của họ.

4. Thu thập và phổ biến thông tin về các vi phạm

Người bảo vệ nhân quyền điều tra, thu thập thông tin liên quan và báo cáo vi phạm nhân quyền. Họ có thể, ví dụ, sử dụng các chiến lược vận động hành lang cho các báo cáo của họ, để thu hút sự chú ý của công chúng và của các quan chức chủ chốt về chính trị và tư pháp, để đảm bảo rằng công việc điều tra của họ được đưa ra xem xét và vi phạm nhân quyền được xử lý. Thông thường nhất, công việc này được tiến hành thông qua các tổ chức nhân quyền, định kỳ công bố báo cáo phát hiện của họ. Tuy nhiên, thông tin cũng có thể được thu thập và báo cáo bởi một cá nhân tập trung vào một trường hợp vi phạm nhân quyền cụ thể.

5. Hỗ trợ nạn nhân bị vi phạm nhân quyền

Một tỉ lệ rất lớn các hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền có thể được mô tả như hành động hỗ trợ nạn nhân của nạn vi phạm nhân quyền. Tìm hiểu và báo cáo về hành vi vi phạm có thể giúp chấm dứt hành vi vi phạm liên tục, ngăn chặn sự lặp lại và hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp đưa ra tòa án. Một số người bảo vệ nhân quyền cung cấp tư vấn pháp lý chuyên nghiệp và đại diện nạn nhân trong quy trình pháp lý. Người khác thì cung cấp tư vấn và hỗ trợ phục hồi chức năng cho các nạn nhân.

6. Hành động để đảm bảo trách nhiệm giải trình và chấm dưt miễn trừ trách nhiệm

Nhiều người bảo vệ nhân quyền vận động nhằm bảo đảm trách nhiệm tôn trọng các tiêu chuẩn hợp pháp về quyền con người. Nói rộng ra, việc này có thể liên quan đến việc vận động hành lang chính quyền và ủng hộ các nỗ lực lớn hơn của Nhà nước để thi hành nghĩa vụ nhân quyền quốc tế mà họ đã phê chuẩn qua các công ước quốc tế.

Trong những trường hợp cụ thể, tập trung vào trách nhiệm có thể đưa những người bảo vệ nhân quyền ra làm chứng về vi phạm nhân quyền đã xảy ra, hoặc trong một diễn đàn công cộng (ví dụ, một tờ báo) hoặc trước một tòa án. Bằng cách này, người bảo vệ nhân quyền góp phần đảm bảo công bình cho các nạn nhân trong các trường hợp cụ thể của vi phạm nhân quyền và phá vỡ mô hình không bị trừng phạt, do đó ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong tương lai. Một số lượng đáng kể người bảo vệ nhân quyền, thường thông qua các tổ chức nhân quyền chuyên cho mục đích này, tập trung vào việc chấm dứt miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm. Các nhóm người bảo vệ nhân quyền tưng tự cũng có thể hoạt động nhằm tăng cường năng lực của Nhà nước trong việc truy tố thủ phạm của hành vi vi phạm, ví dụ bằng cách cung cấp đào tạo nhân quyền cho các công tố viên, thẩm phán và cảnh sát.

7. Hỗ trợ quản trị tốt hơn và chính sách của chính phủ

Một số người bảo vệ nhân quyền tập trung vào khuyến khích Chính phủ, nói chung, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhân quyền của họ, ví dụ bằng cách cung cấp hồ sơ thông tin của Chính phủ về việc thực hiện các tiêu chuẩn nhân quyền và giám sát tiến độ thực hiện. Một số người bảo vệ nhân quyền tập trung vào lãnh vực quản trị hiệu quả, biện hộ tiến trình dân chủ hóa và chấm dứt tham nhũng và lạm dụng quyền lực, và đào tạo cho người dân về cách bầu cử và lý do tại sao sự tham gia của họ trong các cuộc bầu cử là quan trọng.

8. Góp phần vào việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người

Người bảo vệ nhân quyền có đóng góp lớn, đặc biệt là thông qua các tổ chức của họ, để thi hành thiết thực các công ước quốc tế về quyền con người. Nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức liên chính phủ giúp đỡ xây dựng nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các dự án tạo thu nhập bền vững cho cộng đồng người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội. Họ cung cấp đào tạo kỹ năng cần thiết và cung cấp thiết bị như máy vi tính để cộng đồng cải thiện tiếp cận thông tin.

Nhóm này đáng được đặc biệt chú ý vì họ không phải luôn luôn được xem như những người bảo vệ nhân quyền và bản thân họ không hề dùng thuật ngữ “quyền con người” trong quá trình công tác, mà chủ yếu liên quan đến các thuật ngữ như “sức khỏe”, “nhà ở” hoặc “phát triển”. Thật ra, rất nhiều hoạt động trong số này hỗ trợ nhân quyền lại được mô tả một cách chung chung như hoạt động phát triển. Nhiều tổ chức phi chính phủ và các cơ quan Liên Hiệp Quốc nằm trong các loại này. Công việc của họ, cũng giống như những người bảo vệ nhân quyền khác, đặt trọng tâm tôn trọng và bảo vệ và đạt được các tiêu chuẩn nhân quyền, và họ cần và xứng đáng được bảo vệ vì các hoạt động đó căn cứ theo Tuyên ngôn Người bảo vệ nhân quyền.

9. Giáo dục và đào tạo nhân quyền

Một hoạt động lớn hơn nữa được thực hiện bởi những người bảo vệ nhân quyền là việc cung cấp giáo dục nhân quyền. Trong một số trường hợp, hoạt động giáo dục mang hình thức đào tạo cách thức áp dụng các tiêu chuẩn nhân quyền trong môi trường hoạt động chuyên nghiệp, ví dụ như thẩm phán, luật sư, nhân viên cảnh sát, binh lính, người giám sát nhân quyền. Trong các trường hợp khác, giáo dục có thể rộng hơn và liên quan đến giảng dạy về quyền con người trong các trường học và các trường đại học hoặc phổ biến thông tin về các tiêu chuẩn nhân quyền cho công chúng hoặc những nhóm dễ bị tổn thương.

Tóm lại, thu thập và phổ biến thông tin, biện hộ và vận động dư luận thường là những công cụ phổ biến nhất được sử dụng bởi những người bảo vệ nhân quyền trong công việc của họ. Như đã mô tả trong phần này, tuy nhiên, họ cũng cung cấp thông tin để hổ trợ hoặc huấn luyện người khác. Họ tham gia tích cực trong việc cung cấp các phương tiện vật chất cần thiết để hiện thực hóa quyền con người – xây dựng nơi lánh nạn, cung cấp thực phẩm, tăng cường phát triển, vv… Họ làm việc trong môi trường chuyển đổi dân chủ để tăng sự tham gia của người dân trong quy trình ban hành quyết định, cái đang định dạng cuộc sống của họ; và để tăng cường sự quản trị hiệu quả. Họ cũng đóng góp vào việc cải thiện các điều kiện xã hội, chính trị và kinh tế, giảm căng thẳng xã hội và chính trị, xây dựng hòa bình, trong nước và quốc tế, và nuôi dưỡng nhận thức về quyền con người ở các quốc gia và quốc tế .

B. Ai có thể là Người bảo vệ nhân quyền?

Không có định nghĩa cụ thể nào ai là, hoặc có thể là một người bảo vệ nhân quyền. Tuyên ngôn về Người bảo vệ nhân quyền đề cập đến “các cá nhân, các nhóm và các hiệp hội … góp phần … loại bỏ hiệu quả tất cả các hành vi vi phạm nhân quyền và tự do cơ bản của các dân tộc và các cá nhân” (đoạn thứ tư của lời mở đầu).

Theo sự phân loại rộng này, người bảo vệ nhân quyền có thể là bất kỳ người nào hoặc một nhóm người làm công việc thúc đẩy quyền con người, từ các tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại thành phố lớn nhất thế giới cho đến các cá nhân làm việc trong các cộng đồng địa phương của họ. Người bảo vệ nhân quyền có thể có bất cứ giới tính nào, ở các độ tuổi khác nhau, từ bất kỳ phần nào của thế giới và từ tất cả các loại chuyên môn nghề nghiệp hay nền tảng khác. Trong đó, điều quan trọng cần lưu ý rằng những người bảo vệ nhân quyền không chỉ được tìm thấy trong các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức liên chính phủ, nhưng cũng có thể, trong một số trường hợp, là các quan chức chính phủ, công chức hoặc các thành viên của khu vực tư nhân.

1. Bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động chuyên môn được trả lương hoặc tự nguyện

Những người bảo vệ nhân quyền rõ ràng nhất là những người có công việc hàng ngày đặc biệt liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, ví dụ như người giám sát nhân quyền làm việc với các tổ chức nhân quyền quốc gia, thanh tra nhân quyền hoặc luật sư nhân quyền.

Tuy nhiên, cái quan trọng nhất trong việc gọi một người là Người bảo vệ nhân quyền không phải là chức vụ hoặc tên của tổ chức mà anh chị ấy làm việc, mà là có đặc điểm về nhân quyền trong công việc đảm trách. Không cần thiết để một người được biết đến như một “người hoạt động nhân quyền” hoặc làm việc cho một tổ chức bao gồm chữ “nhân quyền” trong tên của nó để được xem là Người bảo vệ nhân quyền. Nhiều người trong số các nhân viên của Liên Hợp Quốc đóng vai trò là người bảo vệ nhân quyền ngay cả khi công việc hằng ngày của họ được mô tả trong các thuật ngữ khác nhau, ví dụ như là “phát triển”. Tương tự như vậy, các nhân viên trong nước và quốc tế của các tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân đạo, thường có thể được mô tả như là những người bảo vệ nhân quyền. Những người giáo dục cộng đồng về HIV / AIDS, các nhà hoạt động vì quyền lợi của người dân bản địa, các nhà hoạt động môi trường và các tình nguyện viên làm công việc phát triển cũng đóng một vai trò quan trọng như là những người bảo vệ nhân quyền.

Nhiều người làm việc theo năng lực chuyên môn là những người bảo vệ nhân quyền và được trả lương cho công việc đó. Tuy nhiên, có rất nhiều người khác cũng làm việc theo chuyên môn và cũng là những người bảo vệ nhân quyền, nhưng lại là các tình nguyện viên và không nhận thù lao. Thông thường, các tổ chức nhân quyền có kinh phí rất hạn chế và các công việc được cung cấp bởi các tình nguyện viên là vô giá.

Nhiều hoạt động chuyên nghiệp không hề liên quan gì đến quyền con người, nhưng đôi khi có thể có mối liên hệ với các quyền con người. Ví dụ, luật sư chuyên ngành luật thương mại có thể không thường xuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân quyền và có thể không tự động được xem như những người bảo vệ nhân quyền. Họ vẫn có thể hoạt động như người bảo vệ nhân quyền trong một số trường hợp khi bào chữa trong các vụ mà họ có đóng góp để thúc đẩy hay bảo vệ nhân quyền. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo của các công đoàn ngành nghề đảm trách một số công việc, rất nhiều trong số đó không có liên quan đến quyền con người, nhưng khi họ đang làm việc cụ thể để thúc đẩy và bảo vệ các quyền của người lao động, họ có thể được mô tả như những người bảo vệ nhân quyền. Trong cùng một cách, các nhà báo có một nhiệm vụ lớn là thu thập thông tin và phổ biến nó cho công chúng thông qua các phương tiện truyền thông in ấn, phát thanh, truyền hình. Trong vai trò chung, nhà báo không phải là những người bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, nhiều nhà báo hoạt động như người bảo vệ nhân quyền, ví dụ như khi báo cáo về vi phạm nhân quyền và làm chứng cho hành vi mà họ đã thấy. Giáo viên hướng dẫn học sinh của mình các nguyên tắc cơ bản của quyền con người cũng đóng một vai trò tương tự. Các bác sĩ và chuyên gia y tế khác, những người điều trị và phục hồi cho nạn nhân của vi phạm nhân quyền cũng có thể được xem như là những người bảo vệ nhân quyền; và bác sĩ có nghĩa vụ đặc biệt của đức hạnh qua lời thề Hippocratic.

Những người góp phần bảo đảm công lý – như thẩm phán, cảnh sát, luật sư và các yếu nhân khác, thường có một vai trò đặc biệt và có thể chịu áp lực đáng kể để đưa ra quyết định thuận lợi vì Nhà nước hoặc vì những mối lợi quyền lực khác, chẳng hạn như các thủ lĩnh của tổ chức tội phạm. Trong trường hợp các yếu nhân trong quá trình phán xử thể hiện một nỗ lực đặc biệt để đảm bảo công bằng và công lý một cách không thiên vị, và do đó đảm bảo các quyền con người liên quan đến nạn nhân, họ có thể được cho là đóng vai trò như người bảo vệ nhân quyền.

Một “nỗ lực đặc biệt” tương tự có thể được áp dụng cho các ngành nghề khác hoặc các hình thức công việc không có liên quan rõ ràng về quyền con người. Các cá nhân làm các công việc này đôi khi có thể chọn thực hiện công việc của họ theo cách mà nó cụ thể cung cấp hỗ trợ về quyền con người. Ví dụ, một số kiến ​​trúc sư lựa chọn thiết kế các dự án xây dựng có sự xem xét các quyền liên quan của con người, chẳng hạn như quyền có đầy đủ (tạm thời) nhà ở cho những người đang làm việc trong dự án, hoặc các quyền của trẻ em đã được tư vấn trong thiết kế, nếu tòa nhà là đặc biệt thích hợp cho họ.

2. Bảo vệ nhân quyền trong môi trường không chuyên nghiệp

Nhiều người hành động như những người bảo vệ nhân quyền mà không hề có bất kỳ chuyên môn hoặc công việc làm ăn. Ví dụ, một sinh viên tổ chức cho những sinh viên khác chiến dịch chấm dứt tra tấn trong các nhà tù có thể được mô tả như là một người bảo vệ nhân quyền. Một cư dân của một vùng nông thôn phối hợp một cuộc biểu tình cho các thành viên của cộng đồng, chống lại suy thoái môi trường trên đất nông nghiệp của họ do chất thải nhà máy, cũng có thể được mô tả như là một người bảo vệ nhân quyền. Một chính trị gia có lập trường chống lại nạn tham nhũng trong Chính phủ cũng là một người bảo vệ nhân quyền, do hành động của người ấy thúc đẩy và bảo vệ quản trị tốt và một số quyền đang bị đe dọa bởi tham nhũng như vậy. Nhân chứng trong các vụ xử của tòa án nhằm truy tố các thủ phạm của những vi phạm nhân quyền, và các nhân chứng đã cung cấp thông tin cho nhân quyền quốc tế cơ quan, tòa án trong nước để giúp họ giải quyết các hành vi vi phạm, cũng được coi là những người bảo vệ nhân quyền, xét theo hành động lúc đó.

Tất cả mọi người trên toàn thế giới phấn đấu cho việc thực hiện các quyền con người theo hoàn cảnh và theo cách riêng của mình. Tên của một số người bảo vệ nhân quyền được quốc tế biết đến, trong khi phần lớn thì không ai biết. Cho dù một cá nhân có công việc như một quan chức chính quyền địa phương, một cảnh sát duy trì luật pháp hay một nghệ sĩ, nếu sử dụng vị trí của mình để làm nổi bật những bất công, thì tất cả có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của nhân quyền. Điều quan trọng là phải nhìn vào những người như vậy hoạt động như thế nào để hỗ trợ nhân quyền và, trong một số trường hợp, xem xem liệu một “nỗ lực đặc biệt” có được thực hiện hay không.

Rõ ràng, không thể phân loại tính đa dạng bao quát của các bối cảnh trong đó những người bảo vệ nhân quyền hoạt động. Tuy nhiên, phổ biến với hầu hết những người bảo vệ nhân quyền là một cam kết giúp đỡ những người khác, một cam kết theo đuổi các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, một niềm tin vào sự bình đẳng và không phân biệt đối xử, một quyết tâm và trong nhiều trường hợp, là lòng can đảm vô bờ.

C. Liệu có một tiêu chuẩn tối thiểu nào đòi hỏi ở những người bảo vệ nhân quyền?

Không có “tiêu chuẩn chuyên môn” cần thiết để trở thành người bảo vệ nhân quyền, và Tuyên ngôn về Người bảo vệ nhân quyền đã chỉ rõ, như đã giải thích ở trên, rằng tất cả chúng ta có thể là người bảo vệ nhân quyền nếu chúng ta lựa chọn như thế. Tuy vậy, “tiêu chuẩn” cần có ở người bảo vệ nhân quyền là một vấn đề phức tạp, và Tuyên ngôn rõ ràng cho ta thấy rằng người bảo vệ nhân quyền có trách nhiệm cũng như quyền lợi. Tờ Fact Sheet này lưu ý đến ba vấn đề chính sau đây:

1. Chấp nhận tính phổ quát của nhân quyền

Người bảo vệ nhân quyền phải chấp nhận tính phổ quát của các quyền con người đã được xác định trong Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền. Một người không thể phủ nhận một số quyền của con người và lại tuyên bố mình là một người bảo vệ nhân quyền, bởi vì người đó lại là một người bênh vực cho những người khác. Ví dụ, người ta không chấp nhận đòi hỏi quyền con người của cánh đàn ông, trong khi phủ nhận phụ nữ có quyền bình đẳng.

2. Ai đúng và ai sai có tạo sự khác biệt không?

Vấn đề quan trọng thứ hai liên quan đến tính hiệu lực của các tranh biện được trình bày. Không quá trọng yếu cho người bảo vệ nhân quyền phải đúng trong lập luận của mình để thành người bảo vệ nhân quyền chính hiệu. Sự kiểm chứng quan trọng là có hay không người đó đã bảo vệ quyền con người. Ví dụ, một nhóm người bảo vệ nhân quyền có thể ủng hộ cho quyền của một cộng đồng nông thôn sở hữu đất đai mà họ đã sống và canh tác trong nhiều thế hệ. Họ có thể tiến hành các cuộc biểu tình chống lại lợi ích kinh tế tư nhân đang cung cấp bồi thường để sở hữu tất cả đất đai trong khu vực. Họ có thể đúng hoặc có thể không đúng về những ai có quyền sở hữu đất đai. Tuy nhiên, dù có đúng hoặc không đúng về mặt hợp pháp thì cũng không có liên quan đến việc xác định họ là những người bảo vệ nhân quyền hay không. Vấn đề quan trọng là có hay không mối quan tâm của họ nằm trong phạm vi của quyền con người.

Đây là một vấn đề rất quan trọng bởi vì, ở nhiều nước, người bảo vệ nhân quyền thường bị nhà nước, hoặc thậm chí cả công chúng, hiểu là sai trái bởi vì họ được coi là hỗ trợ một bên của cuộc tranh biện. Sau đó họ bị cho là không phải là người bảo vệ nhân quyền “thực sự”. Tương tự như vậy, người bảo vệ nhân quyền hành động bảo vệ các quyền của tù nhân chính trị hoặc những người của các nhóm vũ trang đối lập, thường được mô tả bởi các cơ quan nhà nước là ủng hộ viên của đảng hay nhóm đó, đơn giản chỉ vì họ bảo vệ các quyền của những người có liên quan.

Điều này là không đúng. Người bảo vệ nhân quyền phải được xác định và được chấp nhận theo những quyền mà họ đang bảo vệ và theo quyền riêng của họ để làm như vậy.

3. Hành động ôn hòa

Cuối cùng, các hành động được thực hiện bởi những người bảo vệ nhân quyền phải ôn hòa để phù hợp với Tuyên ngôn về Người bảo vệ nhân quyền.

Bản dịch của Defend the Defenders

*Xem bản tiếng Anh

(Source: Fact Sheet No.29, Ch. 1, the Office of the UN HCHR)

[subscribe2]