Dân tôi có tội tình gì?

ngu dan

“Gia đình tôi không được nhận với lý do gia đình tôi có đôi tàu đánh bắt xa bờ, chính quyền nói ‘đánh bắt xa bờ thì không ảnh hưởng’. Nên họ bảo, đối tượng này để đó, họ không cho gia đình tôi nhận gạo, đó là việc thứ nhất.

Thứ hai là khi có sự hỗ trợ của công ty bia Huda Huế, gia đình tôi cũng không có trong danh sách hỗ trợ.”

DTD | 31-05-2016

Gần hai tháng kể từ ngày thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam xảy ra cho đến nay, người dân ở vùng ô nhiễm phải sống bằng gạo, tiền hỗ trợ từ phía chính quyền cũng như các nhóm thiện nguyện.

Từ ngày thảm họa ô nhiễm môi trường ập lên trên đầu những ngư dân ven biển miền Trung, họ không thể đi biển để đánh bắt hải sản, họ cũng không thể làm việc ở các ruộng muối. Không thể làm việc vì chính quyền Việt Nam chưa công bố nguyên nhân cá chết, hải sản nhiễm độc ra sao… Dẫn đến việc người dân không ai dám mua tôm, cá, muối ở vùng ô nhiễm về ăn.

Ông Hạnh – một ngư dân ở Vũng Áng, Hà Tĩnh kể về cuộc sống của ngư dân kể từ ngày biển bị ô nhiễm:

Bây giờ cũng không biết sống bằng nghề gì, thuyền ghe thì kéo lên phơi nắng vậy thôi. Còn trông chờ phía chính quyền nhà nước rồi các ban ngành, tổ chức của Chính phủ làm thế nào để giải quyết chuyện này, chứ chúng tôi cũng không biết trông chờ vào cái gì cả.”

Sự hỗ trợ còn mang nặng tính hình thức từ phía chính quyền?

Do cuộc sống bấp bênh và khó khăn vì không thể làm việc, nên những ngư dân ở đây trông chờ và sống bằng sự hỗ trợ ít ỏi của chính quyền. Ông Ninh, một ngư dân sống ở Quảng Trị kể về sự trợ giúp của chính quyền:

“Tôi có nhận được hai lần hỗ trợ từ phía chính quyền, một lần bằng gạo được 6,8kg, còn về tiền thì mỗi một xuồng, ghe được 500.000 vnđ.”

Ông Ninh nói thêm, ông và những ngư dân ở đây có nghe thông tin về việc nhà nước sẽ hỗ trợ mỗi ghe, thuyền nằm bờ với số tiền là 5 triệu vnđ và một số gạo nhưng ngư dân ở đây chưa nhận được.

Cùng chung tình trạng, ông Hạnh một ngư dân Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh xác nhận với chúng tôi:

“Mỗi đầu ghe, đầu thuyền chúng tôi chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào cả. Chỉ có hỗ trợ cho một khẩu là được 22 kg gạo. Họ nói 22kg gạo đó là sống 1 tháng rưỡi.”

Nhưng không phải tất cả ngư dân đều được nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền, ông Hoa – một ngư dân khác ở Vũng Áng kể về trường hợp của gia đình ông:

“Gia đình tôi không được nhận với lý do gia đình tôi có đôi tàu đánh bắt xa bờ, chính quyền nói ‘đánh bắt xa bờ thì không ảnh hưởng’. Nên họ bảo, đối tượng này để đó, họ không cho gia đình tôi nhận gạo, đó là việc thứ nhất.

Thứ hai là khi có sự hỗ trợ của công ty bia Huda Huế, gia đình tôi cũng không có trong danh sách hỗ trợ.”

Ông Hoa còn ngao ngán nói rằng, do chính quyền không chịu công bố nguyên nhân cá chết, và đưa ra bằng chứng việc đánh bắt xa bờ khoảng 20 – 30 hải lý là an toàn, hải sản không bị nhiễm độc. Cho nên, dù có đi đánh bắt xa bờ thì người dân cũng không dám ăn cá do chúng tôi đánh bắt. Ấy vậy mà chính quyền lại loại bỏ danh sách gia đình tôi và một số ngư dân khác tại nơi tôi ở.

Ngư dân xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch) cùng lực lượng Biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ.

Ngư dân xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch) cùng lực lượng Biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ.

Ngoài sự hỗ trợ ít ỏi, có chọn lọc, mang nặng tính hình thức, trong công tác hỗ trợ, cứu trợ còn có tình trạng tham nhũng, ăn bớt số gạo của người dân. Sự việc này đã đăng tải trên báo Thanh Niên và Tuổi trẻ ngày 18/5/2016.

Ông Hạnh chia sẻ quan điểm cá nhân về việc ăn chặn, ăn bớt gạo cứu trợ của một số nhân viên công quyền:

“Cái đó phía dân thường chúng tôi cũng không nắm chắc được, nhưng trên báo chí thì cũng thấy rõ, chuyện tham ô tham nhũng bớt xén đó xảy ra rất thường xuyên chứ không phải chuyện lạ. Dân khổ chỉ kêu thấu trời, dốt nát không biết kêu ai. Ở trên thì họ tranh giành chức vị, phục vụ cho họ chứ có phục vụ cho dân đâu.”

Chúng tôi liên lạc với anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động năng nổ tại Việt Nam – anh đang làm việc cho tổ chức Voice Việt Nam. Anh Tuấn đã có mặt ở Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh rất sớm để hỗ trợ và giúp đỡ những ngư dân ở đây.

Anh Nguyễn Anh Tuấn xác nhận về sự hỗ trợ từ phía chính quyền đối với người dân:

“Ngoài số gạo được hỗ trợ thì mỗi hộ dân có ghe nằm bờ sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng theo chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi cho tới tận hôm nay thì các ghe nằm bờ vẫn chưa được hỗ trợ. Chúng tôi cũng tiếp tục khuyến khích bà con nên gọi điện đến đường dây nóng để đòi hỏi số tiền hỗ trợ đó trong lúc khó khăn.”

Gặp khó khăn khi đi cứu trợ

Anh Nguyễn Anh Tuấn kể tiếp, tình hình an ninh ở Vũng Áng rất căng thẳng, lực lượng an ninh được bố trí rộng khắp các ngõ ngách. Khi họ phát hiện những người lạ, những người từ địa phương khác đến thì họ luôn tỏ ý nghi ngờ và họ truy hỏi xem đến với mục đích gì.

Anh Nguyễn Anh Tuấn kể tiếp:

“Tôi cũng biết một số đoàn cứu trợ khác khi đến Vũng Áng để gặp gỡ người dân, sau đó cũng gặp một số rắc rối với chính quyền địa phương, và sau đó bị mời về đồn, rồi bị truy hỏi như: Tiền cứu trợ từ đâu, và mục đích cứu trợ là gì…”

Ông Hoa – một ngư dân ở Vũng Áng cho biết, chính quyền địa phương luôn tìm cách gây khó khăn cho các tổ chức hỗ trợ, cứu trợ ngư dân. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các nhà thờ Công giáo, nên những khó khăn đó giảm đi rất nhiều. Cho nên ngư dân nơi ông sống nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ phía nhà thờ, từ các nhà hảo tâm.

Ông Hoa nói thêm về sự khác biệt trong cách cứu trợ, hỗ trợ từ phía chính quyền, doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện độc lập:

“Khác biệt rất rõ rệt, khác biệt là ở chỗ khi các tổ chức thiện nguyện độc lập về phân phát, hỗ trợ cho dân, người ta đến từng người dân, từng em bé, từng bà già… họ không quan cách, không sổ sách giấy tờ rùm beng, lôi thôi như bên phía chính quyền.

Bên phía chính quyền họ làm cách hình thức, họ đưa quân đội về để bốc vác gạo, rồi quay phim, chụp ảnh, đưa lên truyền hình để thể hiện cách quan tâm thấu đáo đến đời sống người dân, nhưng ngược lại việc làm của họ không đúng với ‘cái tâm’ như của các tổ chức thiện nguyện.”

Nhà hoạt động trẻ Nguyễn Anh Tuấn nhắn nhủ đến chính quyền Việt Nam rằng, muốn khôi phục niềm tin của người dân thì không thể khôi phục bằng một chỉ thị, chỉ đạo, nghị quyết, lời kêu gọi hiệu triệu hay việc ăn cá, tắm biển làm gương của bất kỳ một lãnh đạo nào. Bởi vì đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe nên người dân sẽ không bao giờ tin vào mấy cái chỉ thị, chỉ đạo đó của chính quyền. Tất cả chỉ thị, chỉ đạo đều là vô dụng, do đó muốn khôi phục niềm tin thì chỉ có cách ‘minh bạch thông tin’.

Cuối cùng nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn than thở rằng, việc ‘minh bạch thông tin’ lại là điểm rất là yếu trong việc xử lý khủng hoảng của các cấp chính quyền. Cho nên tôi nghĩ chuyện này còn kéo khá dài, do đó rất cần sự hỗ trợ từ các cá nhân, hội đoàn độc lập nhằm giúp đỡ người dân trong vùng ô nhiễm cách hiệu quả nhất.

Tho Luong