Những “cánh tay nối dài của đảng” vô tích sự đến thế nào?

Dân nghèo mạt vì đóng thuế để chi cho các tổ chức chính trị - xã hội vô bổ. (Hình: Trí Thức Trẻ)

Dân nghèo mạt vì đóng thuế để chi cho các tổ chức chính trị – xã hội vô bổ. (Hình: Trí Thức Trẻ)

Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam nói thẳng rằng đã đến lúc các tổ chức chính trị – xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ. Giáo sư Nguyễn Đình Cống – một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam – còn nói thẳng rằng cần giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

SBTN | 21-06-2016

Không phải “chỉ có” 14,000 tỷ đồng được ngân sách vung cho các tổ chức chính trị – xã hội như một số nơi đưa tin, mà một đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) còn cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1.7% GDP của cả nước, tức là tương đương hơn 71,000 tỷ đồng.

Những tổ chức thường bị dư luận xem là “cánh tay nối dài của đảng” bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Hiện tượng dư luận xã hội và truyền thông đáng chú ý là nếu trước đây kinh phí dành cho các tồ chức chính trị – xã hội trên thường không được lôi ra và bình phẩm, thì nay một số tờ báo nhà nước bắt đầu bình luận mang màu sắc giễu cợt, châm biếm và chỉ trích.

Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam nói thẳng rằng đã đến lúc các tổ chức chính trị – xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ. Giáo sư Nguyễn Đình Cống – một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam – còn nói thẳng rằng cần giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong thực tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã “phát huy” vai trò hiệp thương của cơ quan này đúng như tán thán từ “Dân chủ đến thế là cùng!” của Tổng bí thư Trọng. Bằng chứng gần gũi và sống động nhất là trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 5/2016, tuyệt đại đa số các ứng cử viên độc lập đã bị loại thẳng thừng, chủ yếu qua những màn đấu tố thô thiển và thô bạo không khác mấy thời cải cách ruộng đất cách đây đến bảy chục năm.

Cũng trong cuộc bầu cử quốc hội trên, thậm chí tỷ lệ người ngoài đảng đã rớt xuống chỉ còn khoảng 4%, so với 10% theo “yêu cầu”. Trong khi kinh phí dành cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng gấp đôi so với những năm trước, số người tự ứng cử lọt vào Quốc hội lại giảm đi phân nửa so với những kỳ bầu cử quốc hội trước. Nhưng ngay cả những người “trúng cử” cũng bị dư luận coi là “gà” của các cơ quan chính quyền và hội đoàn nhà nước.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng trở nên vô tích sự không kém. Từ khi có luật Lao động, tổ chức này đã chưa hề chủ động tổ chức một cuộc đình công hoặc lãn công nào cho công nhân, bất chấp vô số khó khăn và bất công trùm phủ lên đầu lớp công nhân vừa nghèo vừa đói và hàng ngàn cuộc đình công tự phát của công nhân nổ ra hàng năm.

Không những không hỗ trợ công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ công an ngăn chặn đình công và đương nhiên trở thành một khâu trung gian hưởng ít nhất 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp. Số tiền không nhỏ này, cộng với khoản ngân sách mập mạp hàng năm, đã biến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành một gã trọc phú ngồi mát ăn bát vàng.

Chỉ đến gần đây khi chính thể Việt Nam thèm muốn Hiệp định TPP và bắt buộc phải dần chấp nhận định chế Công đoàn độc lập trong TPP, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới hơi có chút thay đổi. Tuy nhiên cho đến giờ, tổ chức này vẫn hầu như chưa từ bỏ ý muốn tự nguyện là “cánh tay nối dài của đảng”.

Hầu như tương tự, một tổ chức chính trị – xã hội khác như Hội Nông dân Việt Nam, đã không hề lên tiếng trước cảnh nạn hàng triệu nông dân bị mất đất, bị cướp đất và chịu rủi ro về những bất công đất đai. Còn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ chuyên chú tổ chức công tác “vận động” những người mang tinh thần phản kháng Trung cộng không đi biểu tình. Thậm chí, một số cán bộ đoàn còn trở thành những nhân viên công an không sắc phục khi theo dõi, tiếp tay bắt bớ người dân yêu nước…

Toàn bộ tiền từ ngân sách chi cho các tổ chức chính trị – xã hội vô bổ trên đều được bổ đầu thuế dân!

Lê Dung / SBTN