Các ý kiến sau việc công bố nguyên nhân cá chết

Chiều 30/6/2016 tại Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng. Courtesy of NLD online

Chiều 30/6/2016 tại Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng.
Courtesy of NLD online

“Có nhiều tổ chức quốc tế cũng như các chính phủ khác người ta đề nghị để cùng tham gia điều tra nguyên nhân thảm họa cá chết, như Chính phủ Đài loan hay Liên Hiệp Quốc nhưng Chính phủ VN lại từ chối, cộng với việc đàn áp người dân, bắt bớ người biểu tình bảo vệ môi trường môi trường này khác. Tất cả những điều đó đã nói lên bản chất của sự việc. Cho nên việc nhà nước có tuyên bố nguyên nhân hay biện pháp khắc phục, thì tôi vẫn cho rằng đó là các hành động chống đỡ áp lực của dư luận và của nhân dân mà thôi. Chứ tôi không hy vọng vào các điều công bố đó.”

RFA | 30-06-2016

Chiều ngày 30/6/2016, sau gần 90 ngày xảy ra thảm họa môi trường, thuộc khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, tại Hà nội Chính phủ VN đã tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra về nguyên nhân và thủ phạm.

Sau khi chính quyền Việt Nam công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại vùng biển 4 tỉnh bắc Trung Bộ, giới quan tâm, các nhà hoạt động xã hội, v.v… có nhận xét, đánh giá gì về công bố này?

Ủng hộ một hành động pháp lý

Theo thông cáo báo chí được công bố tại buổi họp báo, đã khẳng định “thủ phạm” gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung là từ nhà máy của Formosa. Trước đó Formosa đã xin lỗi gây ô nhiễm biển miền Trung và cam kết bồi thường, gồm 5 điểm: công khai xin lỗi; bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền tương đương 11.500 tỷ, tương đương 500 triệu USD.

Ngay sau khi kết thúc buổi họp báo, đánh giá về kết quả buổi họp báo của Chính phủ. Trả lời phỏng vấn của RFA, TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS đánh giá:

“Tôi nghĩ rằng cuộc họp báo này thể hiện sự đạo diễn trong suốt thời gian vừa qua. Đây là một quá trình phức tạp mà chính phủ không có một phản ứng nhanh nhạy. Có lẽ đây lời hứa cũng như cam kết ban đầu của Formosa, mà tôi nghĩ số 500 triệu USD nó sẽ đáp ứng được những gì cho những người trực tiếp bị thiệt hại, là bà con ngư dân và những người có liên quan? Theo tôi còn có rất nhiều vấn đề phải xem xét. Tôi tin các cơ quan nhà nước VN sẽ phải tiến hành các thủ tục pháp lý dể chống lại Formosa và đánh giá cụ thể các thiệt hại mà Formosa phải bồi thường. Theo tôi 500 triệu USD này chỉ là một phần nhỏ ban đầu mà thôi. Tôi ủng hộ một hành động pháp lý để đánh giá tất cả các thiệt hại để đòi Formosa phải bồi thường cho người dân.”

Từ Hà nội, Nhà báo JB. Nguyễn Hữu Vinh thấy rằng, ông không tin tưởng vào những điều Chính phủ vừa công bố. Theo ông, ngay từ đầu chính quyền VN đã tỏ ra không thực tâm trong việc tìm kiếm nguyên nhân, mà còn cố tình bưng bít hoặc đưa ra các thông tin không trung thực khiến người dân lo lắng. Ông nói với chúng tôi:

“Có nhiều tổ chức quốc tế cũng như các chính phủ khác người ta đề nghị để cùng tham gia điều tra nguyên nhân thảm họa cá chết, như Chính phủ Đài loan hay Liên Hiệp Quốc nhưng Chính phủ VN lại từ chối, cộng với việc đàn áp người dân, bắt bớ người biểu tình bảo vệ môi trường môi trường này khác. Tất cả những điều đó đã nói lên bản chất của sự việc. Cho nên việc nhà nước có tuyên bố nguyên nhân hay biện pháp khắc phục, thì tôi vẫn cho rằng đó là các hành động chống đỡ áp lực của dư luận và của nhân dân mà thôi. Chứ tôi không hy vọng vào các điều công bố đó.”

Bản đồ các tỉnh có xuất hiện cá chết hàng loạt tính đến ngày 29/4/2016.

Bản đồ các tỉnh có xuất hiện cá chết hàng loạt tính đến ngày 29/4/2016.

Khi được hỏi về hành động của nhà nước VN cần phải làm gì trong lúc này?

Theo TS. Nguyễn Quang A chính quyền VN phải học tập cách xử lý kiên quyết của Chính phủ Mỹ, trong sự cố trên vịnh Mexico của Tập đoàn Dầu khí BP của Anh trước đây. Theo ông phía VN cần có hành động pháp lý chống lại Formosa, với án phạt nghiêm khắc, buộc thủ phạm phải có các chương trình tái thiết, bồi thường, đền bù do việc phá hủy sinh thái, môi trường sống cũng như hoạt động kinh doanh, du lịch. Việc làm đó sẽ có tác dụng tích cực trong việc chấn chỉnh môi trường đầu tư nước ngoài ở VN. Ông khẳng định:

“Tôi nghĩ rằng với những quy định của pháp luật VN thì chính quyền có thể là (xử lý) mạnh mà không phải ngần ngại về ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Vì nếu chúng ta làm hết sức nghiêm minh thì lúc đó sẽ lấy lại được lòng tin của người dân, cũng là một cảnh cáo đối với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, đến VN làm ăn thì phải nghiêm túc và phải coi trọng lợi ích của đất nước VN; con người VN, chứ đây không phải là một bãi rác thải. Tôi nghĩ nếu là được như thế thì là một điều rất tốt.”

Bao che thủ phạm?

Nhà báo JB. Nguyễn Hữu Vinh tin rằng thủ phạm sẽ được bao che từ phía nhà nước, ông thấy rằng sau khi chính quyền công bố nguyên nhân cá chết thì còn quá nhiều việc phải làm, không đơn giản là mỗi hộ ngư dân được hỗ trợ, đền bù bao nhiêu, mà quan trọng hơn là phải trả lời câu hỏi: người dân bao giờ có thể quay lại sống bằng nghề biển, và bao giờ môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung mới trở lại như cũ? Ông bày tỏ:

“Riêng về hành động lấp liếm và bao che của nhà nước rồi đến ngày cuối của tháng 6 mới công bố, đã nói lên tính cách của nhà cầm quyền, là họ có coi trọng cuộc sống, tính mạng và quyền lợi của người dân hay không? Sự phẫn nộ của người dân lúc này là khủng khiếp và ghê gớm, do vậy buộc họ phải công bố Formosa là thủ phạm. Song họ sẽ nương nhẹ hoặc sẽ tìm một cái cớ mào đó để làm giảm nhẹ lòng dân đang bức xúc, vì thảm họa môi trường này nó quá lớn.”

Nói về vai trò của người dân và các tổ chức XHDS trong việc tạo các áp lực cần thiết để yêu cầu nhà nước phải khẩn trương giải quyết triệt để nhằm buộc Formosa phải khắc phục thảm họa môi trường lần này. TS. Nguyễn Quang A nhận định:

“Các tổ chức XHDS sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng ở đây, đặc biệt là Giáo phận Vinh – với tư cách là một tổ chức có ảnh hưởng và là một XHDS có tổ chức nhất ở VN, họ sẽ có một vai trò rất quan trọng. Tôi hết sức khuyên chính quyền VN nên lắng nghe và tham khảo họ, để rồi hành động để cho người dân vẫn được bày tỏ các bức xúc của mình. Bời vì người dân gây sức ép đối với chính quyền để buộc chính quyền phải thay đổi và cái đó là tốt đối với chính quyền. Còn chính quyền cho rằng sức ép đó để lật đổ chính quyền rồi thì đưa công an đến đàn áp, thì đó chỉ là hành động tự sát mà thôi.”

Từ Bắc Giang, nhà hoạt động xã hội Từ Anh Tú cho rằng, không có gì có thể bù đắp lại những thiệt hại về lâu dài mà đất nước, người dân VN đang phải gánh chịu trong thảm họa môi trường này. Ông khẳng định:

“Thì chúng ta phải đấu tranh tiếp thôi, kể cả việc chính quyền có công bố ngay thủ phạm, nguyên nhân cá chết thì chúng ta vẫn phải yêu cầu họ minh bạch việc giải quyết hậu quả ra sao. Khi chúng ta đã nêu ra yêu cầu đó, buộc họ phải thực hiện thì sẽ dễ giám sát hơn. Nếu như họ không đáp ứng yêu cầu thì chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh thôi. Lúc đó chúng ta vừa đấu trang trên mạng (Xã hội) và vừa tổ chức biểu tình.”

Những người chúng tôi được tiếp xúc, sau việc nhà nước VN công bố nguyên nhân của thảm họa môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, đều có một suy nghĩ chung rằng, họ vẫn bị ám ảnh và băn khoăn trước phát biểu “gây sốc” của ông Chu Xuân Phàm – trưởng văn phòng Formosa tại Hà nội: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được!”. Điều đó đã khiến họ hoài nghi về các nỗ lực của Chính phủ VN trong việc giải quyết hậu quả môi tường biển bị ô nhiễm.

Anh Vũ