Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 39 từ ngày 19/9 đến ngày 25/9/2016: Việt Nam bác bỏ kháng án của Anh Ba Sàm, bỏ tù nhà hoạt động nhân quyền Cấn Thị Thêu

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 25/9/2016

dtd

Ngày 22/9, Tòa án Cấp cao ở Hà Nội đã bác bỏ kháng cáo của Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang tin tức độc lập Anh Ba Sàm, và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy, giữ nguyên mức án mà Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên hôm 23/3.

Trước đó sáu tháng, hai blogger đã bị cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại quyền và lợi ích của Nhà nước theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự, và ông Vinh bị kết án năm năm còn cô Thúy bị ba năm.

Ngày 20/9, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa kết án Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động về quyền đất đai, với mức án 20 tháng tù giam cho cáo buộc gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự. Ngay sau phiên tòa, Ân xá Quốc tế lên án việc nhà cầm quyền Việt Nam đã tiếp tục không tôn trọng, bảo vệ, phát huy và thực hiện đầy đủ các quyền tự do  biểu đạt và hội họp ôn hòa, trái với các nghĩa vụ của mình như là một thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

“Khi Đảng Cộng sản Việt Nam cần sự ủng hộ của nông dân, họ hô hào “Người cày có ruộng. Còn giờ đây, chính quyền bỏ tù những người có quan điểm đó”, ông Brad Adams từ Human Rights Watch nói.

Trong cả hai vụ xử, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng trăm cảnh sát và an ninh bảo vệ khu vực quanh tòa, ngăn không cho nhiều nhà hoạt động đến quan sát phiên tòa. Lực lượng an ninh đã bắt giữ và đánh đập nhiều người, trong đó có Trịnh Bá Tư, con trai của cô Thêu, blogger Nam Phương và Phùng Thế Dũng, và Lã Việt Dũng, thành viên của No-U.

Làn sóng khủng bố chống lại người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền vẫn tiếp tục, với những nạn nhân bao gồm cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyền và vợ, và Trần Thúy Nga.

Ngày 24/9, an ninh cửa khẩu sân bay Nội Bài đã ngăn cản nhà hoạt động xã hội Phan Thị Cẩm Hường, không cho cô cùng con trai đi du lịch ở Singapore, với lý do an ninh quốc gia quy định trong Nghị định 136 của Chính phủ.

Và nhiều tin quan trọng khác.

 

===== 19/9 =====

Vợ chồng cựu TNLT Nguyễn Bắc Truyển bị công an giả dạng côn đồ hành hung

Vào khoảng 19 giờ tối 19 tháng 9 năm 2016, vợ chồng cựu TNLT Nguyễn Bắc Truyển khi đang trên đường từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng về nhà trọ đã bị một nhóm công an giả dạng côn đồ chặn đường và hành hung.

Sự việc xảy ra ở đoạn đường Bà Hạt, Quận 10, Sài Gòn khiến cho hai vợ chồng ông bị nhiều vết thương trên người.

Ông Nguyễn Bắc Truyển tường thuật lại sự việc: “Vợ chồng tôi đi từ Dòng Chúa Cứu  về đến nhà Giáo sư Phạm Minh Hoàng, nơi vợ chồng chúng tôi thuê nhà trọ. Gần về đến nhà, cách nhà khoảng 500m, một người mặc thường phục chạy xe trên tay dùng bộ đàm chặn đầu xe tôi lại, thì có hai tên cầm nón bảo hiểm lao vào đánh tôi, tôi chạy vào một tiệm bán điện thoại để tránh. Sau đó, tôi về gần đến nhà thì có 4-5 tên tiếp tục lao vào đánh tôi và vợ tôi, nó dùng đầu gối đánh tôi và dùng cả nón bảo hiểm nữa. Tụi nó đánh rất dã man. Hiện nay, người tôi bị trầy xước nhiều.”

Ông Truyển cho biết vụ tấn công xảy ra hai lần, một lần cách nhà 500 m và lần thứ hai khi vợ chồng ông cách nhà khoảng 100 m. Một số người dân can thiệp giúp hai vợ chồng ông Truyển cũng bị những côn an này tấn công.

Ông Truyển kể lại có 6 người đánh trực tiếp ông và vợ, trong khi có một người cầm bộ đàm. Không một người nào đội nón bảo hiểm dù họ đi xe máy.

Được biết, hai vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển hiện nay đang ở trọ tại nhà giáo sư Phạm Minh Hòang, cựu giáo sư tại đại học Bách Khoa Sài Gòn và cũng là một người hoạt động dân chủ – nhân quyền.

“Tôi khẳng định vụ tấn công này có liên quan đến các hoạt động nhân quyền của tôi.” – ông Truyển nói.

Nguyễn Bắc Truyền từng bị nhà cầm quyền CSVN bắt năm 2006. Sau đó ông bị mang ra xử 4 năm tù vào năm 2007 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Tháng 5/2010 ông được ra tù và chịu lệnh quản chế thêm một thời gian. Ông từng có nhiều bài viết kêu gọi đa nguyên đa đảng, mở rộng dân chủ trước khi bị bắt.

===== 20/9 =====

Nhà hoạt động về quyền đất đai Cấn Thị Thêu bị kết án 20 tháng tù giam

Ngày 20/9, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa đã kết án cô Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động về quyền đất đai, với án tù 20 tháng tù giam vì cáo buộc gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự.

Đây là bản án thứ 2 của cô trong vòng vài năm gần đây. Năm 2014, cô và chồng cô là Trịnh Bá Khiêm bị án tù 15 và 14 tháng tù giam vì đã quay phim chụp hình lực lượng cưỡng chế đất của quận Hà Đông. Cô được trả tự do vào tháng 8 năm ngoái, còn chồng cô được tự do một tháng trước đó.

Bản án thứ 2 này nhằm dập tắt ý chí đấu tranh chống lại việc thu hồi đất sản xuất của người dân Dương Nội, nơi gia đình cô sinh sống, cho dự án khu đô thị mới mà không bồi thường thỏa đáng cho người bị thu hồi đất.

Ngày diễn ra phiên tòa, chính quyền Hà Nội đã huy động khoảng hàng trăm công an và dân phòng để bao vây khu vực xử án, không cho người thân và những người hoạt động khác được vào phòng xử án. Cảnh sát đã bắt giữ khoảng 50 người, trong đó có hai người con của cô Thêu là Trịnh Bá Tư và Trịnh Bá Phương. Cảnh sát đã đánh đập dã man một số người, trong đó có Trịnh Bá Tư, blogger Nam Phương và blogger Phùng Thế Dũng, và cô giáo Trần Thị Thảo.

Luật sư Lê Văn Luân, người tham gia bào chữa cho cô Thêu nói rằng bản án dựa trên những căn cứ không xác đáng, không chứng minh được việc cô Thêu gây rối trật tự công cộng như cáo buộc.

Hàng trăm người đã tụ tập gần tòa án để đòi trả tự do cho cô Thêu, người đã tích cực tham gia các phong trào nhân quyền và môi trường kể từ sau khi được trả tự do năm ngoái.

——————–

Việt Nam: Nhân quyền không được cải thiện với một nhà hoạt động về quyền đất đai bị án tù 20 tháng

Thêm một trường hợp về hình sự hóa quyền biểu tình ôn hòa, Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động nổi tiếng về quyền đất đai, đã bị kết án bởi một tòa án ở Hà Nộ hôm 20/9 với mức án 20 tháng tù giam theo cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự. Ân xá Quốc tế lên án việc nhà cầm quyền Việt Nam đã tiếp tục không tôn trọng, bảo vệ, phát huy và thực hiện đầy đủ các quyền tự do  biểu đạt và hội họp ôn hòa, trái với các nghĩa vụ của mình như là một thành viên của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Hàng chục người đến Toà án Nhân dân quận Đống Đa để ủng hộ Cấn Thị Thêu cũng đã bị bắt giữ, bao gồm cả con trai bà Trịnh Bá Phương, và bị đưa tới một đồn cảnh sát ở quận Hà Đông; những người khác đã đi đến đồn cảnh sát đó để kêu gọi trả tự do cho họ cũng đã bị bắt. Họ chỉ được trả tự do sau nhiều giờ giam giữ, và một số đã bị đánh đập bởi lực lượng công an.

Cấn Thị Thêu đã bị bắt tại nhà vào ngày 10/6/2016 vì những cáo buộc đăng hình ảnh trên trang Facebook của mình kích động biểu tình chống lại việc thu hồi đất ở Dương Nội, quận Hà Đông, và “kích động” tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội trong tháng 5/2016. Cô là một nhà vận động kỳ cựu cho quyền lợi của người nông dân có đất đã bị tịch thu bởi các nhà chức trách mà không bồi thường thỏa đáng. Trang trại của gia đình cô đã bị tịch thu trong năm 2007. Sau vụ bắt giữ cô ấy, Cấn Thị Thêu đã tuyệt thực trong 13 ngày để phản đối.

Đây là lần thứ hai trong hai năm cô Thêu bị giam giữ. Tháng 4/2014, cô bị bắt và bị án tù 15 tháng vì cáo buộc chống người thi hành công vụ theo Điều 257 của Bộ luật Hình sự năm 1999, chỉ vì tham gia các cuộc biểu tình ở Dương Nội.

Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam thay đổi và chấm dứt đe dọa, quấy rối những người bảo vệ nhân quyền và nhà hoạt động. Nhà chức trách phải ngay lập tức chấm dứt việc lạm dụng hệ thống tư pháp và pháp lý hình sự để ngăn chặn sự hưởng thụ hiệu quả các quyền tự do biểu đạt và hội họp ôn hòa trong nước.

Thông tin bổ sung

Ân xá quốc tế đã ghi nhận ít nhất 82 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, hoặc là bị kết án một cách không công bằng và bị án tù nặng, hoặc bị giam giữ lâu trước khi xét xử vì thực hành quyền con người. Những người này bao gồm

blogger, nhà hoạt động công đoàn và quyền sử dụng đất, các nhà hoạt động chính trị, người dân tộc thiểu số và tôn giáo, và những người ủng hộ cho nhân quyền và công bằng xã hội.

Tù nhân lương tâm tại Việt Nam đang có nguy cơ bị mất tích, bị biệt giam trong thời gian dài, bị gây đau đớn về thể chất, bị từ chối chăm sóc y tế khi bị bệnh, bị di chuyển đến nơi xa gia đình. Tất cả những mối nguy hiểm trên được Ân xá Quốc tế nói trong báo cáo với tiêu đề Nhà tù trong Nhà tù: Tra tấn và đối xử nghiệt ngã đối với tù nhân lương tâm ở Việt Nam https://www.amnesty.org/en/documents/asa41/4187/2016/en /.

(Nguồn: VIET NAM: FAILING TO UPHOLD HUMAN RIGHTS AS LAND RIGHTS ACTIVIST IS SENTENCED TO 20 MONTHS IN PRISON)

——————–

Việt Nam: Hãy trả tự do cho 2 bloggers đang bị giam cầm

 

Tòa Phúc thẩm sắp xét xử vụ những người phê phán ôn hòa bị kết tội

Human Rights Watch, ngày 20/9/2016: Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ bản án mang động cơ chính trị đã tuyên với hai blogger, và phóng thích họ khỏi trại giam. Ngày 22 tháng Chín năm 2016 Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xử phiên phúc thẩm đối với blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, những người đã điều hành trang web phê phán chính quyền Việt Nam.

Công an bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy vào tháng Năm năm 2014 và cáo buộc họ với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam. Tháng Ba năm 2016, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội kết án Nguyễn Hữu Vinh năm năm tù và Nguyễn Thị Minh Thúy ba năm tù. Vợ của Nguyễn Hữu Vinh, bà Lê Thị Minh Hà, nói rằng gia đình chưa được gặp ông trong hơn 11 tháng qua dù đã nhiều lần gửi đơn đề nghị.

Những người ủng hộ kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bên ngoài phiên tòa sơ thẩm, tháng Ba năm 2016

“Chính quyền Việt Nam cứ khăng khăng cho rằng cung cấp tin tức độc lập cho công chúng Việt Nam là một hành vi phạm tội,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Giờ đây tòa phúc thẩm đang có một cơ hội quan trọng để khẳng định quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.”

Nguyễn Hữu Vinh, 60 tuổi, nguyên là sĩ quan công an và Đảng viên Đảng Cộng sản, xuất thân từ một gia đình cộng sản có tiếng. Vào tháng Chín năm 2007, ông thành lập blog Ba Sàm. Sử dụng khẩu hiệu “Phá vòng nô lệ,” mục tiêu được tuyên bố của Ba Sàm là đưa tin tức từ nhiều góc nhìn đến với độc giả. Ba Sàm dẫn các đường kết nối với các “tin nóng” – đôi lúc kèm theo các bình luận ngắn của người điều hành blog – về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và thời sự quốc tế từ rất nhiều nguồn, trong đó có cả báo chí nhà nước và các blog cá nhân. Blog cũng đăng những bài xã luận phê bình và bản dịch sang tiếng Việt của các bài báo nước ngoài liên quan đến tình hình xã hội và chính trị Việt Nam. Trong sáu năm hoạt động, tính đến thời điểm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt, Ba Sàm đã thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước Việt Nam.

Trong phiên xử hồi tháng Ba, công an đã quản chế nhiều người khiến họ không đến được tòa án để bày tỏ tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, hàng chục blogger và nhà hoạt động nhân quyền vẫn tìm được cách tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho họ ngay trên vỉa hè đối diện tòa án. Công an đã câu lưu một số người, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Quang A.

Năm 2016, chính quyền gia tăng đàn áp các cây viết trên Internet, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. Trong chín tháng đầu năm 2016, các tòa án ở Việt Nam đã xét xử và tuyên án tù đối với ít nhất là 18 blogger và nhà hoạt động vì đã vi phạm một số điều trong bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa tự do ngôn luận và tôn giáo.

“Việt Nam có cả ngàn tờ báo, trang web, đài phát thanh và truyền hình của nhà nước để đăng tải các tin tức được chính quyền cho phép, thế mà vẫn đi truy tố những blogger và nhà báo dũng cảm không chịu đưa tin theo đúng đường lối,” ông Adams nói. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần biết rằng bỏ tù những nhà báo và blogger này không thể khiến họ ngừng đưa tin về thực trạng đất nước tới những người dân Việt Nam. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần công khai gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp những công dân đang thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa.”

===== 21/9 =====

Đi đưa tin cưỡng chế đất đai, phóng viên bị đánh bầm dập

SBTN: Trong một vụ cưỡng chế được cho là sai quy trình, một phóng viên của VTC News nhận được tin nhắn của người dân nên đến để đưa tin. Tại đây, anh đã bị ông phó chủ tịch xã ra lệnh cho công an, dân quân khống chế, giật máy ảnh đánh đập đến phải nhập viện.

Phóng viên bị đánh đập là anh Đỗ Thanh Hải cho biết, sự việc xảy ra vào sáng ngày 21/9/2016. Người dân xã Cư Kpô (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) báo tin cho anh việc chính quyền xã đang tiến hành cưỡng chế đất đai để làm nhà văn hóa là không đúng quy trình.

Anh Hải cùng một số đồng nghiệp khác đến hiện trường, gặp ông Nguyễn Văn Mùi, phó Chủ tịch xã Cư Kpô, người trực tiếp chỉ đạo buổi cưỡng chế để xin đưa tin. Thay vì đồng ý, ông Mùi đã dùng loa cầm tay ra lệnh cho Lê Tuấn Anh, trưởng công an xã và dân phòng tại đó xúm lại khống chế, đánh đập, giật máy ảnh, laptop và đưa anh ra ngoài.

Hành vi bạo lực này đã bị các đồng nghiệp đi cùng ghi hình lại và tung lên mạng ngay sau đó.

Bản thân anh Hải sau khi bị hành hung đã phải nhập viện để điều trị. Rất may vết thương không nặng nên anh được xuất viện sau đó.

Đến chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Huệ- Chủ tịch xã Cư Kpô đã mời anh Đỗ Thanh Hải lên trụ sở để xin lỗi về hành động bạo lực, hành hung phóng viên của lực lượng công an dưới quyền lãnh đạo của ông. Ônng Huệ nói rằng, việc công an dùng vũ lực để khống chế, đánh đập anh Hải là “hành động mời không đẹp”!

Tuy muốn ngỏ lời xin lỗi anh Hải nhưng ông Huệ lại từ chối đền bù những đồ vật bị hư hại, như máy chụp hình, laptop và những linh kiện khác. Theo ông Huệ, do anh Hải đến nơi cưỡng chế mà không xin phép xã, nên đồ đạc bị hư thì ráng chịu.

Cùng chung quan điểm với ông Huệ còn có trưởng công an huyện Krông Búk, ông Đỗ Văn Xuyền. Ông Xuyền nói hành vi “mời” như vậy là không đẹp! Ông Xuyền hứa sẽ chấn chỉnh ngay các công an viên đã hành hung phóng viên, nhưng hoàn toàn không nhắc đến việc phải xử lý theo đúng luật pháp.

===== 22/9 =====

Tòa án Cấp cao từ chối kháng án, y án Anh Ba Sàm và trợ lý

Tòa án Nhân dân Cấp cao, trong phiên phúc thẩm ở Hà Nội ngày 22/9, đã giữ nguyên mức án mà Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án Nguyễn Hữu Vinh và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy.

Ông Vinh từng là chủ trang Anh Ba Sàm, một trang tin tức tổng hợp đã thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước trong sáu năm cho tới khi ông bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2014.

Tháng 3/2016, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù giam, cộng sự của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, bị phạt 3 năm tù vì cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại Điều 258, khoản 2-Bộ luật Hình sự.

Trong quá trình xét xử, chủ tọa phiên tòa đã đuổi luật sư Trần Vũ Hải, một trong những luật sư bào chữa cho hai bị cáo.

Hàng trăm người đã đến khu vực tòa án để biểu lộ sự ủng hộ đối với hai blogger, nhưng họ đã bị chặn lại bởi lực lượng công an và dân phòng. Chính quyền thành phố đã huy động khoảng gần 1.000 nhân viên an ninh và dân quân để bảo vệ phiên tòa.

Nhiều người đã bị câu lưu trong đồn công an và chỉ được trả tự do sau khi phiên tòa kết thúc. Lã Việt Dũng, một thành viên của No-U bị đánh đập rất dã man bởi bốn nhân viên mặc thường phục trong buổi sáng thứ Năm khi anh đi đến gần khu vực xử án.

Trước đó, từ New York, Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi Việt Nam hủy bỏ cáo buộc với blogger Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh).

“Chính phủ Việt Nam nên trả tự do và hủy bỏ tất cả các cáo buộc chống lại hai blogger nổi tiếng,” HRW viết trong thông cáo.

——————–

Nhiều nhà hoạt động bị đánh đập trong tuần

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã bị đánh đập một cách tàn nhẫn bởi lực lượng an ninh mặc sắc phục và nhân viên an ninh mặc thường phục trong tuần.

Ngày 19/9, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Truyển và vợ là Kim Phượng bị tấn công bởi một nhóm sáu người khi hai vợ chồng đi từ nhà thờ Kỳ Đồng về nơi ở trọ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong ngày 20/9, nhiều người đã bị bắt giữ bởi lực lượng công an Hà Nội khi họ đi đến dự phiên tòa xét xử cô Cấn Thị Thêu, nhà hoạt động vì quyền đất đai, ở Tòa án Nhân dân quận Đống Đa. Trong quá trình bắt giữ và trong đồn công an Số 6 Hà Đông, công an đã đánh đập Trịnh Bá Tư, là con trai thứ 2 của Cấn Thị Thêu, blogger Nam Phương và blogger Phùng Thế Dũng và dân oan Trần Thị Xuân.

Công an phường Bách Khoa cũng bắt giữ và đánh đập cô giáo Trần Thị Thảo khi cô định lên xe bus đi tham dự phiên tòa.

Ngày 22/9, Lã Việt Dũng, thành viên của phong trào No-U (nói không với đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông) đã bị tấn công bởi bốn nhân viên an ninh mặc thường phục khi anh này đi đến gần Tòa án Nhân dân Cấp cao ở quận Nam Từ Liêm, nơi diễn ra phiên phúc thẩm hai blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy. Nhân viên an ninh đã đạp đổ xe của Dũng và xúm vào đánh đập anh này, gây chảy máu và nhiều thương tích khác. Anh Dũng sau đó được đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện gần đó.

Cũng trong cùng ngày, công an thành phố Phủ Lý đã bao vây không cho Trần Thúy Nga, một người hoạt động về quyền đất đai và công nhân, đưa con nhỏ bốn tuổi đi Hà Nội. Công an địa phương đã lôi cô từ xe bus xuống và đánh đập rồi sau đó bắt con của cô. Những kẻ tấn công áp giải cô về nhà và khoảng 1h sau thì trả lại bé Tài cho cô.

Ngày hôm sau, khi cô định lên Hà Nội, công an Phủ Lý đã bắt cô đưa về giam giữ ở một đồn công an trong nhiều giờ đồng hồ.

===== 23/9 =====

Hai phóng viên lề đảng bị lực lượng công an đánh đập, phá máy quay trong khi tác nghiệp

Defend the Defenders: Hai phóng viên báo lề đảng đã bị lực lượng công an đánh đập và đập máy quay trong khi tác nghiệp ở hai vụ việc khác nhau chỉ trong ba ngày, báo chí nhà nước đưa tin.

Ở vụ việc thứ nhất, Đỗ Thanh Hải phóng viên VTC News thường trú tại Tây Nguyên bị lực lượng công an xã Cư Kpô (huyện Krông Púk) bao vây, giật máy ảnh, ba lô khi đang tác nghiệp vào ngày 21/9.

Hải và một số phóng viên báo khác đến khu vực chính quyền xã Cư Kpô cưỡng chế để lấy mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa thôn Nam Tân. Tại đây, anh đã trực tiếp liên hệ với ông Nguyễn Viết Mùi – Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pô, người chủ trì buổi cưỡng chế, để xin phép tác nghiệp. Tuy nhiên, khi phóng viên chuẩn bị xuất trình giấy tờ thì ông Mùi bất ngờ dùng loa gọi cho ông Lê Tuấn Anh là trưởng công an xã đến đuổi anh Hải ra ngoài.

“Vừa nghe lệnh của Phó Chủ tịch xã, ngay lập tức rất đông công an xã, dân quân vây kín tôi rồi xô đẩy giật lấy máy ảnh, ba lô tôi mang trên người làm rách ba lô và hư hỏng cả máy ảnh; hành động của họ vô cùng thô bạo nên tôi rất bất bình”, anh Hải bức xúc nói.

Sau khi phóng viên Hải phản ánh sự việc lên công an huyện, vào chiều cùng ngày ông Nguyễn Văn Huệ – Chủ tịch UBND xã Cư Pô đã mời anh đến để chính thức xin lỗi trước hành động thái quá của công an xã cùng dân quân và hứa sẽ xử lý vụ việc. Tuy nhiên, ông này từ chối giải quyết việc anh bị đánh và máy ảnh bị hư hỏng, lấy lý do anh tác nghiệp mà không xin phép ủy ban.

Hai ngày sau, công an huyện Đông Anh, Hà Nội, đã tấn công Trần Quang Thế, phóng viên báo Tuổi Trẻ khi anh đang tác nghiệp tại hiện trường một vụ lái xe taxi bị nghi là tự tử ở cầu Nhật Tân. Một sỹ quan cảnh sát mặc thường phục đã giật máy ảnh của anh rồi đánh anh chảy máu mồm.

Theo một số nguồn tin, có dấu hiệu cho thấy lái xe taxi có thể đã bị giết và việc công an Đông Anh cản trở phóng viên tác nghiệp dẫn đến nghi ngờ là có điều gì đó mà công an địa phương không muốn cho báo chí đưa tin.

Gần đây, có rất nhiều phóng viên báo lề đảng đã bị công an và côn đồ tấn công khi đang tác nghiệp, theo báo chí nhà nước. Tuy nhiên, chỉ vài kẻ tấn công bị kỷ luật hay bị điều tra để chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Công an huyện Đông Anh xin lỗi vụ hành hung phóng viên

Phóng viên bị công an xã bao vây, giật máy ảnh khi đang tác nghiệp

===== 24/9 =====

Nhà hoạt động nhân quyền Phan Cẩm Hường bị cấm xuất cảnh, câu lưu

Defend the Defenders: Ngày 24/9, nhà hoạt động nhân quyền Phan Cẩm Hường định đưa con trai sang nhập học ở Singapore, tuy nhiên, cô đã bị an ninh cửa khẩu Nội Bài dừng xuất cảnh và giữ tại đồn công an trong nhiều giờ đồng hồ.

Lý do mà phía công an đưa ra là cô thuộc diện bị cấm đi nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia theo Nghị định 136 của Chính phủ.

Nghe tin cô bị câu lưu, hàng chục anh chị em hoạt động ở Hà Nội đã kéo lên sân bay để phản đối việc cấm xuất cảnh và giữ người trái phép.

Khoảng 2h chiều, an ninh đã đưa mẹ con cô về nơi cư trú.

Cô Phan Cẩm Hường là một doanh nhân ở Hà Nội. Cô tham gia nhiều chương trình từ thiện và nhiều sự kiện đấu tranh đòi tự do dân chủ và bảo vệ môi trường.

Cùng với việc bắt giam và bỏ tù, đánh đập và nhiều hành vi sách nhiễu đối với người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền, chính quyền Việt Nam cấm hơn 100 người xuất cảnh. Nhiều người khác bị từ chối cấp hộ chiếu và một số khác bị tịch thu hộ chiếu.

===== end =====