Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền- Tuần thứ 40 từ ngày 26/9 đến ngày 02/10/2016: Chính quyền Việt Nam ngăn cản CEO của DTD đi Pháp dự hội nghị về tự do báo chí

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền | 02/10/2016

dtd

Ngày 26/9, ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền bị chặn tại sân bay quốc tế Nội Bài khi ông đang trên đường sang Paris để tham dự một hội nghị về tự do báo chí tổ chức bởi Phóng viên Không Biên Giới (RSF).

An ninh cửa khẩu đã không cho ông xuất cảnh với lý do an ninh quốc gia theo Nghị định 136 của Chính phủ.

Tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở nhà tù An Phước tỉnh Bình Dương đang đối mặt với hiểm nguy khi nhà tù đã trộn mảnh thủy tinh và lõi dây đồng vào cơm của họ, mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính nói với vợ ông trong lần thăm gặp vào thứ Sáu. Mục sư cũng cho biết là nước uống được cung cấp bởi nhà tù cũng có mùi rất lạ và ông nghi ngờ nước đã bị bỏ hóa chất độc hại.

Một ngày sau khi Tòa án cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên đối với blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, bà Bärbel Kofler đã ra tuyên bố nói rằng bà “bàng hoàng khi biết tin Tòa án phúc thẩm tại Hà Nội đã giữ nguyên án phạt tù 5 năm đối với blogger Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm đối với trợ lý của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Điều đáng tiếc ở đây là ở Việt Nam người dân vẫn phải ngồi tù nhiều năm chỉ vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt ý kiến của mình.”

Bà kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ án tù cho hai blogger, nói rằng “các hành vi bắt giữ, phạt tù và đàn áp không được phép là công cụ của nhà nước để chống lại các blogger cũng như các nhà báo có cái nhìn phê phán. Bà yêu cầu Việt Nam cần thực hiện đúng theo Hiến pháp và các cam kết quốc tế của mình về nhân quyền.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra tuyên bố rằng Washington quan ngại về án tù dành cho Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy và nhà hoạt động vì quyền đất đai Cấn Thị Thêu. Phía Hoa Kỳ phê phán Việt Nam trong việc sử dụng nhiều điều luật mơ hồ để trừng phạt những người thực thi quyền tự do ngôn luận.

Hàng loạt các vụ công an lạm quyền và đánh đập người dân ở nhiều nơi trong thời gian gần đây. Nạn nhân bao gồm cả phóng viên của báo chí nhà nước. Mặc dù có nhiều bằng chứng rõ ràng về việc công an huyện Đông Anh tấn công phóng viên báo Tuổi trẻ trong tuần trước, công an thành phố Hà Nội chỉ cảnh cáo hai sỹ quan công an nhưng lại phạt hành chính nạn nhân với một số tiền khá lớn.

Và nhiều tin quan trọng khác.

===== 26/6 =====

An ninh Việt Nam lại ngăn cản nhà hoạt động nhân quyền sang Pháp tham dự hội nghị của RSF

Người Bảo vệ Nhân quyền: Ngày 26/9, an ninh cửa khẩu Nội Bài đã dừng xuất cảnh đối với ông Vũ Quốc Ngữ, một nhà báo độc lập và người hoạt động nhân quyền khi ông đang trên đường đi Paris để dự một cuộc hội thảo của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Sans Frontières – RSF).

Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) và thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (Independent Journalists Association of Vietnam- IJAVN) đã bị sỹ quan an ninh ở sân bay quốc tế Nội Bài từ chối làm thủ tục xuất cảnh. Sau đó, họ đưa ông vào một phòng làm việc của an ninh cửa khẩu, giải thích rằng ông không được phép xuất cảnh theo đề nghị của Công an thành phố Hà Nội.

Theo biên bản sự việc, việc dừng xuất cảnh đối với ông Vũ Quốc Ngữ dựa trên lý do an ninh quốc gia theo Nghị định 136 của chính phủ. An ninh cửa khẩu trả lại passport và hành lý cho ông sau khi hai bên đã ký vào biên bản dừng xuất cảnh.

Biên bản ghi đương sự có thể khiếu lại với Phòng Quản lý Xuất-Nhập cảnh của Công an thành phố Hà Nội.

Đây là lần thứ hai ông Vũ Quốc Ngữ, người cũng là đồng chủ tịch của Mạng lưới Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập Việt Nam (Vietnam Independent Civil Society Organizations Network – VICSON), bị an ninh Hà Nội dừng xuất cảnh. Tháng 7 năm ngoái, ông bị giữ lại tại sân bay Nội Bài khi đang định đi Bangkok để dự một khóa học về an ninh mạng được tổ chức bởi RSF.

Trong thời gian gần đây, ông Vũ Quốc Ngữ cũng bị chính quyền Hà Nội ngăn cản không cho gặp nhiều nhà ngoại giao. Vào giữa tháng 5, cu��ng với nhiều thành viên của IJAVN, ông bị an ninh giữ tại nhà không cho đi tham dự cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tom Malinowski khi ông này viếng thăm Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama sau đó một tuần.

Ông Vũ Quốc Ngữ, một người tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Biển Đông từ năm 2011, thường xuyên bị ngăn không cho ra khỏi nhà trong những ngày cuối tuần khi những người hoạt động ở thủ đô tuần hành chống Formosa.

DTD là một tổ chức nhân quyền độc lập hàng đầu ở Việt Nam, chuyên đưa tin về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong khi VICSON là một tổ chức non trẻ gồm 12 tổ chức dân sự đấu tranh đòi quyền được lập hội và quyền được hoạt động dân sự ở Việt Nam.

Cùng với việc bắt giam, kết án tù và sách nhiễu những người hoạt động, Việt Nam ngăn chặn không cho họ xuất cảnh. Hàng trăm người bất đồng chính kiến, người hoạt động xã hội và người bảo vệ nhân quyền bị an ninh cửa khẩu giữ lại khi họ đi ra nước ngoài để học tập, gặp gỡ đồng nghiệp quốc tế hay chỉ là đi du lịch.

Ngày 24, cô Phan Thị Cẩm Hường, một người hay tham gia công tác từ thiện và các phong trào bảo vệ môi trường, đã bị an ninh cửa khẩu Nội Bài giữ lại khi cô đưa con đi du lịch ở Singapore. An ninh thành phố Hà Nội đã đàn áp cô và tịch thu điện thoại của cô khi cô tìm cách liên lạc với người thân và bạn bè để báo cho tình trạng của cô trong đồn công an.

Nhiều nhà hoạt động không được cấp passport hoặc bị tịch thu passport khi họ chuẩn bị xuất cảnh.

Người Bảo vệ Nhân quyền cực lực phản đối việc ngăn chặn ông Vũ Quốc Ngữ xuất cảnh, một hành vi trái pháp luật Việt Nam, vi phạm quyền tự do đi lại của công dân đã được quy định tại Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên Hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị.

———————

Quyết định của tòa án Việt Nam đối với người hoạt động rất đáng lo ngại: Hoa Kỳ

Reuters: Chính phủ Hoa Kỳ quan ngại đối với hai quyết định của Toà án Việt Nam kết án tù một nhà hoạt động về quyền sử dụng đất và y án đối với hai blogger chính trị, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói hôm thứ Hai.

“Việc sử dụng các điều luật hình sự bởi chính quyền Việt Nam để trừng phạt các cá nhân thực hiện quyền của họ đối với tự do ngôn luận … là … gây phiền hà,” phát ngôn viên Mark Toner Said tại một cuộc họp báo hàng ngày.

Blogger chính trị nổi tiếng ở Việt Nam Nguyễn Hữu Vinh, 60 tuổi, và trợ lý của ông, Nguyễn Thị Minh Thủy, 36 tuổi, bị từ chối kháng cáo hôm thứ Năm khi Tòa án Cấp cao giữ nguyên án tù của họ, qua đó khẳng định lại rằng chính phủ Việt Nam đang vi phạm sự tự do của họ và làm tổn thương lợi ích của nhà nước.

Phiên tòa sơ thẩm vào tháng 3 đã đưa ra án tù 5 năm đối với ông Vĩnh và 3 năm đối với cô Thúy và rất nhiều tổ chức và người đấu tranh cho quyền con người và quyền tự do báo chí đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho hai người.

Hôm thứ Ba, một tòa án quận ở Hà Nội kết án Cấn Thị Thêu với mức án 20 tháng tù vì cáo buộc gây rối trật tự công cộng, luật sư của cô nói, việc bỏ tù nhà hoạt động về quyền sử dụng đất lần thứ hai trong một cáo buộc tương tự nên được hủy bỏ, các nhà hoạt động nhân quyền nói.

Cô Thêu, 54 tuổi, đã bị cho là có tội trong một phiên tòa kéo dài nửa ngày ba tháng sau khi cô bị bắt giữ vì đã dẫn đầu cuộc tuần hành trước các cơ quan của chính phủ để chống lại việc thu đất bất hợp pháp.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ba cá nhân trên và tất cả các tù nhân lương tâm khác và cho phép tất cả công dân tại Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ và được tụ họp ôn hoà mà không sợ bị trả thù,” Toner nói.

Vietnamese court decisions against bloggers, activist troubling: U.S.

Quyết định của tòa án Việt Nam đối với người hoạt động rất đáng lo ngại: Hoa Kỳ

——————–

Tuyên bố của Đặc ủy Nhân quyền về án tù đối với blogger Nguyễn Hữu Vinh

Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội, ngày 25/9/2016: Ngày hôm qua, Tòa phúc thẩm tại Hà Nội đã tuyên y án tù đối với blogger nổi tiếng người Việt Nam Nguyễn Hữu Vinh và trợ lý của ông. Về bản án này, hôm nay (23/9) Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà Bärbel Kofler, đã tuyên bố như sau:

„Tôi bàng hoàng khi biết tin Tòa án phúc thẩm tại Hà Nội đã giữ nguyên án phạt tù 5 năm đối với blogger Nguyễn Hữu Vinh và 3 năm đối với trợ lý của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Điều đáng tiếc ở đây là ở Việt Nam người dân vẫn phải ngồi tù nhiều năm chỉ vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt ý kiến của mình. Tại Việt Nam, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các quyền cơ bản được Hiến pháp đảm bảo.

Tôi kêu gọi Việt Nam xóa bỏ án phạt tù đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và trợ lý của ông. Các hành vi bắt giữ, phạt tù và đàn áp không được phép là công cụ của nhà nước để chống lại các blogger cũng như các nhà báo có cái nhìn phê phán. Tương tự như đối với vấn đề nhân quyền, Việt Nam cần thực hiện đúng theo Hiến pháp và các cam kết quốc tế của mình“.

Thông tin chi tiết

Ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt giam vào tháng 5 năm 2014, sau đó vào tháng 3 năm 2016 ông bị kết án 5 năm tù giam với tội danh „Lợi dụng các quyền tự do dân chủ“. Trợ lý của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị khởi tố và kết án 3 năm tù giam. Thời gian từ khi bị bắt đến khi có bản án sơ thẩm là gần 2 năm. Theo thông tin từ phía gia đình và các Tổ chức phi Chính phủ thì từ tháng 10 năm 2015 ông Vinh không được phép gặp vợ và gửi thư về nhà.

Ông Vinh là người sáng lập và là tác giả của nhiều trang web cung cấp cái nhìn tổng quát về các tin tức thời sự tại Việt Nam. Tại phiên tòa sơ thẩm ông bị cáo buộc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước do công bố nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc sự thật và bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, những bài viết còn đưa ra các phân tích về vai trò của Đảng Cộng sản, nạn tham nhũng và những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

===== 27/9 =====

Linh Mục Đặng Hữu Nam cùng hàng trăm ngư dân Nghệ An đi nộp đơn kiện Formosa

VNTB: Linh mục Đặng Hữu Nam, cha quản xứ của giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An vào sáng sớm ngày 26 tháng 9 đã cùng hàng trăm ngư dân lên đường đến thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn khởi kiện công ty Formosa nhằm yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại cho ngư dân sau thảm họa môi trường mà họ đã gây ra.

Tin từ giáo xứ Phú Yên cho biết, mọi người tập trung lúc 4 giờ sáng, và đến 4 giờ 30 sẽ lên đường. Được biết rất nhiều người muốn đi, nhưng cha Nam cho biết số người lên đường chỉ giới hạn trong khoảng 600 người, với số lượng hồ sơ là khoảng hơn 540 bộ hồ sơ.

Đến trưa và chiều Chủ Nhật 25/09, công an hai huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu đã mở chiến dịch hù dọa các công ty xe khách, ngăn cản họ không được chuyên chở các giáo dân và ngư dân đi cùng với Linh mục Đặng Hữu Nam vào Hà Tĩnh.

Để đáp lại chính sách hù dọa lén lút của nhà cầm quyền địa phương, Cha Nam đã thông báo công khai kế hoạch đi đường, và yêu cầu các công ty xe khách cứ yên tâm thực hiện hợp đồng.

Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay chưa công nhận hình thức khiếu kiện tập thể, cho nên mỗi nạn nhân muốn kiện Formosa đều phải ký đơn, tự đi đến tòa án để đệ đơn và ký xác nhận. Linh mục Đặng Hữu Nam cho đây là một trở ngại đối với hàng trăm ngàn ngư dân miền Trung đang muốn kiện công ty Formosa.

Được biết, ăn phòng Luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội hiện là nhà tham vấn về điều kiện pháp lý, và giúp xét duyệt các hồ sơ kiện Formosa.

——————–

Chính quyền bắn tin “công nhận Xã hội dân sự”

VNTB: Báo Vietnamnet vừa đăng một bài viết đáng chú ý của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, với tựa đề “Kiểm soát quyền lực: Nhiều việc bị lấy cớ là ‘nhạy cảm’ để không minh bạch thông tin”.

Ngoài chủ đề kiểm soát quyền lực mà ông Hoàng đã đặc biệt trăn trở từ trước đại hội 12, ông Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm:

“Cần phát huy tốt vai trò của xã hội dân sự lành mạnh. Ở đây, cần hiểu cho đúng xã hội dân sự với tư cách là các tổ chức và phong trào lành mạnh, hợp pháp, do nhân dân tự giác và tự nguyện lập ra. Nó không phải là một hình thái kinh tế – xã hội nào mà là một bộ phận hợp thành của xã hội hiện tại; không phải là tổ chức của nhà nước mà ngân sách phải cấp kinh phí và cũng không phải là đơn vị kinh tế hoạt động vì mục đích lợi nhuận.

Các tổ chức này ra đời và tồn tại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội; nó là phương thức rất quan trọng để thực thi quyền dân chủ của nhân dân. Nó đã từng tồn tại và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam truyền thống trước đây và trong xã hội Việt Nam hiện tại, tất nhiên là chưa hoàn chỉnh, chưa hiện đại”.

Có thể ghi nhận, đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp (dù vừa về hưu), nhưng đặc biệt làm việc trong khối tuyên giáo, công khai dùng cụm từ “xã hội dân sự” trên mặt công luận. Vào tháng 8 năm 2012, báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam – còn đăng một bài viết hằn học mang tựa đề “Xã hội dân sự’ – một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình”.

Vào gần cuối năm 2015, Chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bất ngờ cho báo chí biết về việc “Quốc hội đang chuẩn bị một số luật liên quan đến xã hội dân sự”. Tuy nhiên sau đó đã chẳng thấy tăm hơi luật nào về xã hội dân sự, và cụm từ “xã hội dân sự” cũng bặt tăm trên mặt báo chí nhà nước.

Hiện vẫn chưa rõ nội hàm của cụm từ “xã hội dân sự lành mạnh” mà ông Vũ Ngọc Hoàng đề cập là gì. Tuy nhiên, cùng với tin tức về “Dự thảo Luật về Hội đã đủ điều kiện để trình ra quốc hội thảo luận” mà bà Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch quốc hội đã phát ra vào ngày 22/9/2016 – cùng thời điểm với bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng về “kiểm soát quyền lực”, có những dấu hiệu cho thấy có vẻ lần này đảng cầm quyền muốn “thông qua thật” đối với vài định chế về xã hội dân sự và quyền tự do lập hội của người dân.

Tuy nhiên, một thực tế rất trần trụi, là với những quan chức “còn đảng còn mình” thì đối sách về xã hội dân sự là tạm chấp nhận được. Nói chung là có thể chấp nhận cho đến lúc Nhà nước Việt Nam vào được TPP, thì sẽ tiến hành “hồi tố” những tổ chức xã hội dân sự bị chính quyền căm ghét nhất. Còn trước mắt, phải làm thế nào để đưa ra một số tổ chức hội đoàn có nguồn gốc nhà nước sang khu vực “xã hội dân sự” -xã hội dân sự của nhà nước. Để chứng minh với quốc tế rằng, Việt Nam tôn trọng nhân quyền và đòi hỏi về xã hội dân sự của nhiều nước trên thế giới, nhưng sẽ cố gắng lấn át khối “xã hội dân sự độc lập”.

===== 29/9 =====

Công ty dược chiếm đất, sai côn đồ khủng bố tinh thần nữ tu dòng Hàng Bột

SBTN.TV: Sơ Nguyễn Thị Vi, Bề trên của Dòng Phao Lô Hàng Bột Hà Nội, báo động nhà dòng đang bị khủng bố bởi một nhóm người tự xưng là đại diện công ty dược phẩm và an ninh tôn giáo, nhằm chiếm phần đất của tu viện vốn đã bị trưng thu trái phép trước đó, yêu cầu các sơ đang tu trong nhà dòng phải dọn đi nơi khác.

Trang mạng Nhà Thờ Thái Hà cho biết suốt đêm 29/09, các sơ đã phải thức canh chừng, trong khi nhiều giáo dân đến cùng các sơ cầu nguyện để yểm trợ tinh thần. Một người đàn ông tên là Phương, tự nhận giám đốc Công ty Dược Hà Nội, cảnh cáo các sơ “đừng cho giáo dân đến, nếu không sẽ có đổ máu”.

Các hoạt động khủng bố nhằm chiếm đất của nhà dòng bắt đầu vào tối 27/9, khi Công ty Dược cho người mang dây thép gai đến giăng kín cửa sổ và cửa tu viện đi ra khu đất phía sau tu viện. Các sơ và bà con giáo dân đã phản đối hành động phi pháp và man rợ này. Sáng 28/9, các sơ đưa đơn khiếu nại khẩn cấp đến các chính quyền thành phố Hà Nội, quận Đống Đa và phường Hàng Bột cũng như công an phường Hàng Bột và công an quận Đống Đa. Trong khi nhà chức trách chưa có hồi đáp thì chiều 29/9, nhiều nhóm người lần lượt đến quay phim khu đất phía sau tu viện. Ban đầu là một nhóm khoảng 10 người mặc thường phục. Kế đến là một công an quận Đống Đa tên Khương, tự nhận là “an ninh tôn giáo”. Rồi đến một nhóm côn đồ gồm 40-50 thanh niên. Đi cùng với nhóm này có người đàn ông tự giới thiệu tên Phương và là giám đốc Công ty Dược.

Được biết Công ty Dược thuê khu đất trước kia dùng làm trại tế bần của nhà dòng. Các sơ vẫn còn giữ hợp đồng thuê mảnh đất này từ năm 1955. Từ năm 1993, Công ty Dược không trả tiền thuê nữa, nhưng cũng không trả lại nhà đất cho các sơ. Các sơ cho biết, công ty quốc doanh này đang dọn đi và cho tư nhân thuê lại mảnh đất mà giờ đây họ cho là của họ.

———————

Công an đánh nhà báo chỉ bị khiển trách, nhà báo bị phạt hơn 14 triệu đồng

Vụ công an huyện Đông Anh, Hà Nội, hành hung phóng viên của báo Tuổi Trẻ tiếp tục gây bất mãn trong dư luận vì cách giải quyết của giới hữu trách.

Hôm 29/09, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc công an thành phố Hà Nội, thông báo biện pháp kỷ luật “khiển trách”, dành cho công an viên bị quay phim quả tang đấm đá phóng viên. Theo Đại tá Ngọc, công an viên huyện Đông Anh chỉ “gạt tay trúng má” phóng viên, chứ không có chuyện hành hung, bất kể toàn cảnh đã được quay phim đưa lên mạng. Trong khi đó, phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ, người bị đấm đá dã man, bị phạt 14 triệu 405 ngàn đồng vì hàng loạt vi phạm, trong đó có cả tội đi vào khu vực có hoạt động thuộc phạm vi “bí mật nhà nước”.

Được biết phóng viên Quang Thế bị phạt nhưng không hề nhận được biên bản phạt. Lên tiếng trên báo Tuổi Trẻ, phóng viên Quang Thế cho biết anh không đồng ý với hầu hết nội dung quyết định xử phạt của công an quận Tây Hồ, ngoại trừ lỗi đậu xe trên cầu.

Báo Dân Việt hôm 30/09 dẫn lời một chuyên gia luật, nêu nghi vấn về việc công an huyện Đông Anh tự tiện xác định cầu Nhật Tân là khu vực cấm có hoạt động thuộc hàng “bí mật nhà nước”. Thật ra, đây chỉ là nơi vừa xảy vụ một người đàn ông nhảy cầu tự tử. Báo Dân Việt cũng dẫn lời võ sĩ taekwondo Nguyễn Văn Hùng, năm lần vô địch SEA Games, bình luận rằng viên cảnh sát mặc thường phục rõ ràng ra đòn theo những thế võ nhằm gây thương tích cho phóng viên.

===== 30/9 =====

Công an TPHCM tạm ngừng việc viên công an nắm tóc kéo lê phụ nữ

Giám đốc công an TPHCM hôm Thứ Sáu 30/09 ra lệnh kiểm tra vụ một công an viên mang quân hàm thiếu úy, bị quay phim quả tang đang nắm tóc kéo lê một người phụ nữ bán hàng ở khu vực hồ Con Rùa.

Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc công an Sài Gòn, được báo chí dẫn lời nói rằng đã ra chỉ thị cho công an quận 3 cấp tốc điều tra toàn bộ sự việc. Một đoạn phim xuất hiện trên mạng xã hội Facebook hôm 29/9 cho thấy một người mặc đồng phục công an xô xát với một người phụ nữ bán nước và bánh tráng trộn ở hồ Con Rùa, thuộc quận 3, Sài Gòn. Công an này đã đánh rồi nắm tóc kéo người phụ nữ, được xác định danh tính là Nguyễn Thị Thu Thảo, 39 tuổi, về phía chiếc xe hơi chuyên dụng. Sĩ quan công an này sau đó được nhận diện là Thiếu úy Bùi Xuân Hải.

Hành động dã man của viên thiếu úy đã khiến cho nhiều người đi đường xúm lại phản đối và can ngăn. Theo trang mạng của công an Sài Gòn, sự việc xảy ra gần 8 giờ tối 29/09, khi công an Hải thấy nhiều người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, trong đó có bà Thảo. Trang mạng của công an Sài Gòn nói rằng do bà Thảo có lời lẽ “xúc phạm” công an và ông Hải, nên mới xảy ra vụ “giằng co”. Công an quận 3 báo cáo là bà Thảo đã bị té đập đầu vào một chiếc xe máy đậu trước m���t quán cà phê, khiến cho bà bị chảy máu đầu.

Tình trạng công an lộng quyền, đánh dân, hành hung nhà báo, đàn áp dân oan diễn ra ngày càng nhiều trên khắp đất nước Việt Nam

===== 30/9 =====

Sắp diễn ra phiên phúc thẩm blogger Nguyễn Ngọc Già

RFA: Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, dự kiến sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 5 tháng mười tới đây. Luật sư Hà Huy Sơn sẽ là người bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Già tại phiên phúc thẩm vào  tuần tới.

Tin nói vừa qua có kế hoạch tiến hành phiên phúc thẩm đối với blogger Nguyễn Ngọc Già hôm 7 tháng 9 nhưng hoãn lại mà không rõ lý do.

Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm hồi cuối tháng ba 2016, ông Nguyễn Ngọc Già bị kêu án 4 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Blogger Nguyễn Ngọc Già, bị bắt vào tháng 12 năm 2014. Ông từng làm việc tại Đài Truyền hình Thành phố HCM sau đó chuyển sang kinh doanh.

Những bài viết của ông trên mạng được đánh giá có tính lý luận và phê bình thẳng thắn chế độ cộng sản đang nắm quyền trong nước.

===== 02/10 =====

Nhà tù An Phước trộn mảnh thủy tinh vào cơm cho tù nhân lương tâm?

Người Bảo vệ Nhân Quyền: Nhà tù An Phước ở tỉnh Bình Dương đã trộn mảnh thủy tinh và sợi dây đồng vào cơm cho tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại đây, mục sư Nguyễn Công Chính, người hiện đang thụ án tù 11 năm tại đây, đã nói với vợ ông trong buổi gặp gỡ cuối tuần vừa qua.

Mục sư Chính nói nước uống mà nhà tù cung cấp cho anh em tù nhân lương tâm ở đây có mùi rất lạ và ông cho rằng nước đã bị bỏ hóa chất độc hại nhằm trả thù tù nhân lương tâm, vợ ông là cô Trần Thị Hồng kể lại với Người Bảo vệ Nhân quyền sau khi thăm chồng.

Cô Hồng được chồng kể lại là mục sư Chính cùng bốn tù nhân lương tâm khác cùng tuyệt thực từ ngày 08/8 để phản đối việc đối xử hà khắc của nhà tù đối với tù nhân nhân chính trị và người hoạt động về tự do tôn giáo ở vùng Tây Nguyên. Họ chỉ dừng tuyệt thực vào ngày 28/8 khi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án  hình sự và Hỗ trợ tư pháp đến nhà tù và hứa sẽ giải quyết những yêu sách, bao gồm tôn trọng nhân quyền và cho phép tù nhân được nhận quà thăm nuôi của gia đình cũng như được gọi điện thoại về nhà 1 lần/tháng.

Tuy nhiên, giám thị nhà tù An Phước vẫn không thực hiện lời hứa sau khi Tổng cục trưởng đi và tiếp tục đàn áp anh em tù nhân lương tâm bằng cách trộn mảnh thủy tinh và dây đồng vào cơm, bỏ hóa chất vào nước uống.

Mục sư Chính kể giám thị trại giam còn khuyến khích và ra lệnh cho tù thường phạm đánh đập và chửi bới tù nhân lương tâm.

Mục sư Chính nói ông rất lo sợ cho sức khỏe của tù nhân lương tâm ở nhà tù An Phước vì đã có nhiều người chết do bị đối xử nghiệt ngã và bị đầu độc. Thầy giáo hóa học Đinh Đăng Định, người bị kết án sáu năm tù giam vì đăng nhiều bài báo chỉ trích chính quyền Việt Nam, đã bị ung thư dạ dày do bị đầu độc bởi giám thị nhà tù này. Thầy Định, người đã bị giam từ năm 2011 đến năm 2014 và được ân xá vào tháng 3/2014 nhưng ông mất chỉ vài tuần sau đó do bệnh ung thư. Trước khi mất, thầy giáo Định khẳng định rằng ông đã bị đầu độc bằng hóa chất bởi giám thị trại giam An Phước.

Cô Hồng, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, cho biết sức khỏe của chồng cô suy giảm nghiêm trọng do bị đối xử một cách hà khắc của nhà tù.

Xin nhắc lại mục sư Chính bị bắt năm 2011 và bị kết án 11 năm tù vì cáo buộc phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự. Ông liên tục kêu oan và gửi nhiều văn bản phản đối bản án lên Bộ Công an nhưng không được giải quyết. Từ năm 2012, ông bị giam giữ tại An Phước, cách nơi gia đình ông sinh sống ở Gia Lai là 600 km.

Ông là một trong số 82 tù nhân lương tâm mà gần đây Ân xá Quốc tế kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do.

Trong khi ông bị giam giữ, vợ ông cùng bốn con nhỏ liên tục bị sách nhiễu bởi chính quyền thành phố Pleiku. Trong tháng 4-5, cô Hồng bị triệu tập lên đồn công an nhiều lần và tại đây cô bị sỹ quan công an đánh đập và tra khảo về việc cô đã gặp phái đoàn ngoại giao Mỹ dẫn đầu bởi Đại sứ về tự do tôn giáo quốc tế David Saperstein cuối tháng 3.

Trong báo cáo gần đây mang tên “Nhà tù trong nhà tù-Tra tấn và đối xử hà khắc đối với tù nhân lương tâm ở Việt Nam” Ân xá Quốc tế nói rằng điều kiện sống trong nhà tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, không có đủ thức ăn và chăm sóc y tế theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định bởi Liên Hợp quốc (Quy tắc Nelson Mandela) và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Nhiều tù nhân lương tâm bị biệt giam trong thời gian dài và là đối tượng của đối xử vô nhân đạo, kể cả bị đánh đập bởi quản giáo và tù thường phạm mà quản giáo không can thiệp, Ân xá Quốc tế nói.

Nhiều tù nhân lương tâm thường xuyên bị di chuyển giữa các nhà tù mà gia đình của họ không được báo về việc di chuyển này, Ân xá Quốc tế cho biết.

Việt Nam đã thông qua Công ước chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo năm 2015 nhưng chính quyền nước này không áp dụng các biệt pháp cần thiết để thực thi công ước, Ân xá Quốc tế kết luận.