Luật về Hội: Thà chậm còn hơn?

Nhiều đại biểu đã lên tiếng phản đối Dự thảo Luật về Hội của Bộ Nội vụ đưa ra trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 14

Nhiều đại biểu đã lên tiếng phản đối Dự thảo Luật về Hội của Bộ Nội vụ đưa ra trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 14

BBC | 07.11.2016

Một số chuyên gia và nhà hoạt động nói trong Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt rằng, tuy Việt Nam nhất thiết cần có Luật về Hội, nhưng với dự thảo luật lần này được đưa ra thì thà chậm còn hơn có một bộ luật chưa thỏa đáng, thậm chí mang tính hạn chế” hội.

“Thà rằng không có luật còn hơn là ra một cái luật mà lại hạn chế hội như thế thì còn tệ hơn,” Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao nói hôm 03/11.

“Nhưng nếu không có Luật Hội, không có hành lang pháp lý minh bạch để các tổ chức xã hội yên tâm hoạt động theo đúng pháp luật, và dường như bất cứ tình trạng nào cũng có thể bị coi là không đúng luật và bị hạn chế quyền lập hội.

“Và nhà nước cũng thiệt thòi nếu không ban hành được luật về hội vì rõ ràng là không có căn cứ pháp lý để quản lý các hoạt động của các tổ chức xã hội. Như vậy trên thực tế, người dân vẫn có thể tuyên bố có quyền lập hội dựa trên điều khoản duy nhất là điều 25 của Hiến pháp.

“Nhà nước cần nhìn nhận thấy lợi ích quản lý của nhà nước càng sớm càng tốt.”

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Vusta

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Vusta

Chia sẻ quan điểm trên, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn nhận xét, “đứng trước sự hội nhập và nhu cầu hiện nay, nhà nước thấy cần có bộ Luật về Hội, nhưng nếu có Luật về Hội mà lại để cho Bộ Nội vụ soạn thảo như vừa rồi, thì đúng là thà chưa có còn hơn.”

Một nhà hoạt động từ thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc chậm đưa ra luật khiến nhiều hội đang chuẩn bị ra đời “phải trì hoãn kế hoạch và trong đó có những hội độc lập với nhà nước”.

“…Tuy nhiên, một vấn đề khác, là dù có ra đời sớm mà luật không có những quy định thỏa đáng thì các tổ chức xã hội dân sự sẽ không được hoạt động thực sự do như quyền mà họ được hưởng, và không thể phát huy hết tiềm năng,” chị Nguyễn Trang Nhung nói trong cuộc thảo luận.

Đã có mong đợi Dự thảo Luật về Hội được thông qua trong kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 14, tuy nhiên hôm 25/10, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói “xin lùi” do còn nhiều tranh cãi xung quanh bản dự thảo này.

Bấm để xem lại toàn bộ thảo luận ‘Tranh cãi xung quanh Dự thảo Luật về Hội’.

Trừng phạt

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc tại Việt Nam, khi nhắc tới từ ‘nhà hoạt động hay xã hội dân sự’ dường như phần nào có ý tiêu cực, nhà phê bình văn học, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên cho rằng, “nói một ai đó là thành viên của hội đồng dân sự hoặc một người đang hoạt động này khác, thì đúng là có ý phân biệt, cô lập, vì như vậy là nó đứng ra ngoài thể chế và hệ thống”.

Cụ thể hơn, ông cho biết, có sự “phân biệt đối xử với những người tham gia Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập”, mà ông cũng là một thành viên từ tháng 3/2013.

“Trong thời gian đó tới giờ, tôi chưa thấy có văn bản nào có đóng dấu ký tên hẳn hoi của một cấp nào đó, cả về bên đảng, bên nhà nước, nhưng chỉ thị, lệnh ngầm về phân biệt đối xử với những người tham gia ban vận động thành lập văn đoàn độc lập này là có.”

Là lãnh đạo của Hội nhà văn Hà Nội, ông cho biết đã bị chất vấn về việc tham gia một hội đoàn độc lập.

“Họ coi đây là một hành động bất hợp pháp, một tổ chức bất hợp pháp, một tổ chức phản động đi trái lại đường lối của đảng. Ông Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ Thuật Hà Nội cũng giải thích như vậy.

“Trong Hiến pháp đã có đề là công dân có quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, nhưng chính phủ, nhà nước lại không luật định cái đó, thì mọi động thái yêu cầu nhà nước thực thi đúng hiến pháp đều vấp phải sự ngăn trở và có thể nói cao hơn đó, là sự trừng phạt.”

Nhà hoạt động Trang Nhung giải thích thêm, khái niệm về nhà hoạt động hay nhà hoạt động xã hội còn “xa lạ với người dân, còn phía nhà nước họ coi đó là khái niệm tiêu cực thì không nói làm gì rồi vì họ luôn coi đây là những phần tử có hoạt động, hoặc có ý gây bất lợi cho các hoạt động của chính quyền.”

‘Quyền tự lo cho nhau’

Luật sư Trần Quốc Thuận, một trong những vị khách mời của Bàn tròn thứ Năm khẳng định, lập hội là phổ quát nhất thuộc nhóm nhân quyền, và ông nhắc tới những cam kết của Việt Nam về quyền con người trước quốc tế:

“Nếu Việt Nam tham gia các công ước quốc tế mà đều làm ngược lại, hoặc làm ngược lại tinh thần hiến pháp thì là chúng ta tự làm xấu mình đi trước người dân.

“Một đất nước đã giành được độc lập, thống nhất, mà dân không có tự do, không ấm no, hạnh phúc, thì độc lập đó nó cũng không có nghĩa lý gì,” Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói.

Lý giải nguyên do của mối “e ngại” về lập hội, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao cho đó là nhận thức chính trị do lịch sử để lại, cần được thay đổi, theo đó, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng “để những người làm chính sách nhận thấy không có gì đáng phải e ngại sự ra đời các tổ chức do nhân dân thành lập nếu có khuôn khổ pháp luật tốt”.

“Những nhà làm chính sách không hiểu rằng, lập hội không phải là chỉ là hình thức tổ chức mà là nhu cầu một cách tự nhiên giữa người dân, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích chung của các nhóm để tự lo cho nhau. Đây chính là cốt lõi và bản chất hoạt động của các tổ chức xã hội.

“Danh từ ‘xã hội dân sự’ nghe có vẻ cao xa, nhưng xin thưa, một nhóm nông dân liên kết lại với nhau, để lo cho nhau, để chia sẻ kiến thức, ví dụ như nuôi vịt siêu nạc, thì đấy là hoạt động xã hội.

“Phải hiểu sâu sắc hơn nhiều, rằng quyền lập hội là quyền người dân tự lo cho người dân và trong trường hợp quyền, lợi ích của người dân bị ảnh hưởng, thì người ta có quyền chống lại sự xâm phạm đó từ phía cơ quan công quyền hay doanh nghiệp.”

Ông Hoàng Ngọc Giao nói thêm, sức dân, ở nhiều lĩnh vực, vượt xa ra tầm với của nhà nước, và “không thể vì một vài hiện tượng mà nhà nước nghi ngờ là khủng bố, phá hoại… để đưa ra luật hạn chế tất cả xu thế phát triển của xã hội”.

Gốc rễ

_92306733_10582848_10204362512037906_6654156179219488059_o

Nhà phản biện xã hội, tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn

Khách mời Trần Tuấn, nhà phản biện xã hội, lại cho rằng, để có được bộ Luật về Hội, Việt Nam cần có sự cải tổ của rất nhiều các điều luật khác.

“Mà tất cả các điều luật liên quan khác, như biểu tình, công đoàn, khiếu kiện, vv đều có chung cái gốc là sự thừa nhận đến đâu quyền của con người.

“Nhìn từ cái gốc đó thì sẽ nhìn lại toàn bộ hệ thống luật của Việt Nam hiện nay, phải được xây dựng lại trên cơ sở của quyền.”

Ông cũng nhận xét, trong thời gian qua, quyền lợi của người dân thường bị vi phạm chủ yếu “bởi hai nhóm phi nhân bản, là công chức, quan chức đặt lợi ích cá nhân, bè phái lên trên lợi ích cộng đồng; và nhóm doanh nghiệp phi nhân bản mà hoạt động mâu thuẫn với lợi ích công cộng, lợi ích dân chúng.

“Khi không có luật, tình trạng phi nhân bản trong xã hội sẽ ngày càng phát triển – nhà nước không thể kiểm soát được tình trạng tham nhũng và bên doanh nghiệp thì môi trường tiếp tục bị tàn phá, sức khỏe cộng đồng tiếp tục bị tàn phá.

“Đó phải là động lực để thấy rằng cần có luật,” Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn kết luận.

Bấm vào đây để xem toàn bộ thảo luận.

Mời Quý vị tham khảo bài viết trước về chủ đề này: ‘Chậm đưa Luật về Hội, ai có lợi’