QUẢN LÝ TRẠI GIAM TRÊN TINH THẦN TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI: CHƯƠNG 3- TÙ NHÂN LÀ CON NGƯỜI

Cẩm nang dành cho nhân viên trại giam

Andrew Coyle

Centre International d’Etudes Pénitentiaires

Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Trại giam

==================================================

BỐI CẢNH-

PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

 Tù nhân vẫn được hưởng sự bảo vệ nhân quyền

Bất kể mức độ phạm tội hay lý do bị bắt giam, tù nhân vẫn giữ nguyên quyền con người của họ. Toà án hay bất cứ cơ quan tư pháp nào thụ lý hồ sơ của họ có thể tuyên bố tước quyền tự do nhưng không thể phủ nhận quyền con người của họ.

Tù nhân với tư cách là một con người

Nhân viên trại giam không được quên rằng tù nhân vẫn là những con người. Họ không được phép coi tù nhân chỉ đơn giản là những con số mà phải luôn coi họ như một con người vẹn toàn. Nhân viên trại giam cũng không có quyền bắt họ chịu những hình phạt bổ xung khi đối xử với họ như những kẻ hạ đẳng đã tự làm mất đi quyền được tôn trọng chỉ vì họ đã phạm tội hoặc bị kết án phạm tội. Đối xử tàn tệ với tù nhân là hoàn toàn phạm pháp. Mặt khác, đối xử như thế cũng làm mất phẩm giá của chính nhân viên trại giam. Giới trách quản lý trại giam và nhân viên trại giam luôn phải làm việc trong khuôn khổ đạo đức, được nêu rõ trong chương 2 của tài liệu này. Chương này sẽ trình bày chi tiết những qui định cụ thể.

Cấm tuyệt đối tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân tính hoặc làm mất phẩm giá

Những người đang bị giam giữ để tra cứu hay đã bị án tù vẫn được giữ nguyên quyền con người của họ, trừ những quyền là hệ quả cụ thể của việc bị kết án phạt là bị tước mất quyền tự do. Giới trách quản lý trại giam và nhân viên trại giam phải hiểu rõ các khía cạnh của qui tắc này. Trong đó có một vài khía cạnh rất rõ ràng, chẳng hạn việc cấm tuyệt đối tra tấn và đối xử tàn bạo, phi nhân tính và làm mất phẩm giá không chỉ bao hàm sự lạm dụng thân thể hoặc tâm lý mà còn liên quan đến điều kiện giam giữ tù nhân.

 “Toà án châu Âu về quyền con người đã kết luận rằng những điều kiện giam giữ một tù nhân trong vòng 4 năm và 10 tháng tại một trại giam giữ ở Nga đã vi phạm điều 3 của Công ước châu Âu về nhân quyền. Điều 3 này cấm đối xử phi nhân tính hoặc làm mất phẩm giá. Vụ việc này đã bị Valery Kalashnikov, người bị giam tù ở Magadan từ 1995 đến 2000 kiện ra toà.

 Toà án đã phát hiện ra khi Kalashnikov bị giam ở trại Magadan, anh ta bị nhốt trong phòng giam chật trội, mỗi tù nhân chỉ có từ 0,9 đến 1,9m² diện tích cá nhân. Sự quá tải trầm trọng này buộc tù nhân phải thay nhau ngủ. Phòng giam được chiếu sáng liên tục và vì có quá nhiều tù nhân nên rất nhiều tiếng ồn. Trong điều kiện như vậy, tù nhân không thể ngủ được. Toà án cũng ghi nhận các phòng giam không thoáng khí và tù nhân còn được phép hút thuốc trong phòng giam, phòng giam bị nhiễm ký sinh trùng, phòng giam và khu vệ sinh cá nhân bẩn thỉu, thiếu kín đáo và Valery Kalashnikov đã bị mắc nhiều bệnh da liễu và nhiễm nấm. Toà án đã tuyên bố rất lo lắng về việc ông Kalashnikov đôi khi bị giam chung với những người bị bệnh giang mai và lao phổi.

 Toà án cũng ghi nhận trong một nhận xét vào năm 2002 rằng các điều kiện ở trại giam Magadan gần đây đã được cải thiện đáng kể và công nhận rằng các cấp chính quyền Nga không hề có ý định hạ nhục ông Kalashnikov.”

 “Toà án nhân quyền châu Âu đã kết luận rằng các điều kiện mà một tù nhân bị giam giữ trong gần 2 tháng trong một trại giam ở Hy Lạp đã vi phạm điều 3 của Công ước nhân quyền châu Âu, điều khoản này nghiêm cấm đối xử vô nhân đạo hoặc làm hạ nhân phẩm. Vụ việc này đã bị ông Donald Peers kiện ra toà, người này đã bị giam ở trại giam Koridallos (Hy Lạp) với tư cách là bị can sau khi bị bắt năm 1994.

 Toà án còn đặc biệt quan tâm tới việc Peers hàng ngày bị phạt nhiều giờ trên giường trong xà lim không có khí thoáng, không cửa sổ và đôi khi nóng nực khủng khiếp. Ông ta cũng phải sử dụng phòng vệ sinh trước mặt một người tù khác và cũng phải chứng kiến người khác đi vệ sinh. Toà án đã tuyên bố rằng những điều kiện sinh hoạt như vậy làm giảm nhân phẩm của Peers và khơi dậy trong ông cảm giác kinh hoàng và thấp kém có thể làm ông ta cảm thấy mất nhân phẩm và có thể còn ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của ông Peers.

 Toà án cũng tuyên bố không có bất cứ một bằng chứng về ý định chủ tâm của trại giam trong việc đối xử tàn tệ với Peers nhưng kết luận rằng việc trại giam không có những biện pháp cải thiện điệu kiện một cách khách quan là không thể chấp nhận được và những gì liên quan đến việc giam giữ Peers thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với Peers.”

Những quyền gì bị mất đi?

Chúng ta phải xem xét thật kỹ khi bị tước quyền tự do thì những quyền gì bị mất theo.

  • Quyền tự do đi lại hiển nhiên bị hạn chế do bị giam giữ (Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, Điều 13), và cả quyền hội họp (Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, Điều 20). Nhưng những quyền này không bị mất đi hoàn toàn vì tù nhân hiếm khi bị giam một cách hoàn toàn biệt lập, chỉ trừ một vài trường hợp vì những lý do cụ thể và hợp pháp.
  • Quyền gặp gỡ gia đình (Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, Điều 12) không hoàn toàn bị mất đi nhưng bị hạn chế. Ví dụ, một người bố không thể thoải mái gặp các con và ngược lại cũng vậy khi ông ta trong tù. Khả năng lập gia đình và duy trì gia đình (Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, Điều 16) là một quyền mà luật pháp mỗi nước lại có những quy định khác nhau. Tại một số quốc gia, tù nhân không được phép có quan hệ gần gũi với bạn trai hoặc bạn gái hay với vợ hoặc chồng, nhưng ở một số nước thì họ được phép quan hệ tình dục trong một số điều kiện đặc thù. Hay một số nước khác thì họ còn được phép có những quan hệ tình dục gần như bình thường trong một số thời điểm đặc thù. Chúng ta sẽ quay trở lại đề tài này ở chương 8.
  • Quyền hưởng cuộc sống gia đình của các bà mẹ và trẻ em đòi hỏi phải có một chế độ đặc biệt. Một số vấn đề quan trọng về đề tài này sẽ được đề cập trong chương 12 và 13.
  • Quyền tham gia quyết định các vấn đề chung của quốc gia một cách trực tiếp hay thông qua đại diện tùy chọn cũng bị hạn chế bởi sự cầm tù (Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, Điều 21). Điều 25 của Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị quy định rằng quyền này phải thực hiện thông qua bỏ phiếu trong bầu cử. Ở một số quốc gia,tù nhân chưa bị kết án vẫn có quyền bầu cử; trong khi đó ở một số quốc gia khác, tất cả tù nhân (đang trong quá trình điều tra hoặc đã xét xử -ND) vẫn được quyền bầu cử. Nhưng cũng có những quốc gia lại không cho phép bất kỳ một tù nhân nào được bầu cử; thậm chí những người đã hết hạn tù hay đã ra tù vẫn bị cấm tham gia bầu cử.

 Tình nhân ái giữa tù nhân và nhân viên trại giam

Đàn ông, phụ nữ, trẻ em trong tù vẫn là những con người. Điều đó còn quan trọng hơn cả việc họ là tù nhân. Nhân viên trại giam cũng vậy, họ cũng là con người. Cách thức hai nhóm người này công nhận và tôn trọng lẫn nhau là biểu hiện quan trọng nhất của một trại giam chuẩn mực và giàu nhân tính. Thiếu điều này thực sự sẽ là mối nguy hiểm cho việc tôn trọng nhân quyền.

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Điều 10:

Những người bị tước quyền tự do phải được đối xử nhân đạo và nhân phẩm tự thân của con người phải được tôn trọng.

Những qui tắc cơ bản về đối xử với tù nhân, Qui tắc 1:

Mọi tù nhân đều được đối xử tôn trọng phẩm giá và các giá trị tự thân của con người.

Bộ qui tắc bảo vệ những người bị giam giữ hay bị cầm tù dưới mọi hình thức, Qui tắc 1:

 Bất kỳ ai bị áp đặt dưới mọi hình thức giam giữ hay cầm tù đều được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm.

Hiến chương châu Phi về Nhân quyền và quyền các Dân tộc, Điều 5:

Bất kỳ cá nhân nào cũng đều có quyền được tôn trọng nhân phẩm và được thừa nhận tư cách pháp nhân.

 Công ước Châu Mỹ về Nhân quyền, Điều 5 (2):

Bất kỳ ai bị tước quyền tự do đều phải được đối xử một cách tôn trọng giá trị tự thân của nhân phẩm.

ÁP DỤNG THỰC TẾ

Bảo vệ quyền con người giúp cải thiện hiệu quả công việc 

Sự cư xử đúng mực của nhân viên trại giam đối với tù nhân chính là điều mà cuốn cẩm nang này muốn đề cập. Nếu nhân viên trại giam không đối xử với tù nhân như những con người và không thừa nhận các giá trị tự thân trong nhân phẩm của họ, thì quyền cá nhân mỗi con người cũng không thể được tôn trọng. Cách ứng xử tử tế và cư xử nhân đạo đúng mức của nhân viên trại giam đối với tù nhân phải được thể hiện qua mọi hoạt động của trại giam. Đó không chỉ là vấn đề nguyên tắc nhân quyền. Trên thực tế công việc, đó còn là cách hợp lý và hữu hiệu nhất để quản lý trại giam. Hơn nữa, lạm dụng quyền con người và không tuân thủ nghĩa vụ này đôi khi còn kéo theo những hệ lụy pháp lý cho giới quản lý trại giam.

 “Ngày 27 tháng 11 năm 1994, Christopher Edwards, từng bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân lập, đã bị bắt giữ khi đang bắt chuyện các phụ nữ trên phố. Anh này bị chuyển đến tạm giam tại trại giam Chelmsford ở Anh. Ngày hôm sau, người ta đã giam anh ta cùng với một người đàn ông trẻ khác có tiền sự hành hung và tấn công người khác. Gần 1 giờ sáng ngày 29 tháng 11, nhân viên trại giam phát hiện Christopher Edwards đã chết trong xà lim. Anh ta đã bị đánh chết bởi một người tù khác, người này sau đó đã bị kết tội ngộ sát. Bố mẹ của Christopher Edwards đã kiện vụ này ra toà án Châu Âu về quyền con người. Trong bản án năm 2002, toà đã kết luận rằng liên quan đến cái chết của Christopher Edwards, Điều 2 (quyền được sống) đã không được tôn trọng. Một chi tiết khác cũng vi phạm Điều 2 là trại giam đã không mở cuộc điều tra tích cực về tình huống gây ra cái chết và Điều 13 cũng bị vi phạm (quyền được cứu giúp kịp thời) khi không tiếp xúc với bố mẹ của Christophers để có giải pháp thích hợp, cho nên trại giam đã không làm hết trách nhiệm để bảo vệ quyền được sống của con trai họ.”

Bộ những nguyên tắc tối thiểu

Qui định cụ thể của phương pháp này đã được mô tả chi tiết trong Bộ nguyên tắc tối thiểu của Liên hiệp quốc về đối xử với tù nhân (viết tắt trong tiếng Pháp là ERM – Ensemble des règles minima des Nations Unis pour le traitement des détenus), được Đại hội đồng của Liên hiệp quốc thông qua năm 1957, mà cuốn cẩm nang này thường trích dẫn. ERM đề cập đến những đặc thù cơ bản của cuộc sống hàng ngày trong trại giam và nêu rõ rằng một số qui định đối xử với tù nhân là bắt buộc và thể hiện nghĩa vụ pháp lý, đồng thời ERM cũng công nhận sự tồn tại những điều kiện khác biệt về luật pháp, xã hội, kinh tế và địa lý của mỗi quốc gia. Tài liệu này còn khẳng định rằng ERM được xây dựng nhằm “thúc đẩy cố gắng thường xuyên cho việc áp dụng các nguyên tắc tối thiểu” và khuyến khích triển khai ngay khi chúng phù hợp với những nguyên tắc trong ERM (ERM, Nhận xét ban đầu 2 và 3).

-KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC PHÉP TRA TẤN-

Không một hoàn cảnh nào biện minh cho sự tra tấn

Các văn bản quốc tế về nhân quyền không thể hiện bất cứ sự do dự, không chắc chắn nào khi đề cập đến việc tra tấn và đối xử tệ bạc. Các văn bản này luôn chỉ rõ rằng tuyệt đối không tồn tại bất kỳ tình huống nào cho phép tra tấn hay đối xử tệ bạc, cực hình thô bạo, phi nhân tính hoặc hạ thấp nhân phẩm. Tra tấn là việc chủ tâm bắt người khác phải chịu đựng đau đớn ghê gớm cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng ngoại trừ những đau đớn do riêng việc bị giam cầm gây ra.

Cấm lấy cung bằng tra tấn

Đặc biệt cấm tra tấn ở nơi giam giữ những người bị hỏi cung hoặc đang bị điều tra vì các nhân viên điều tra có thể có ý định trấn áp để thu được thông tin cốt yếu cho lời giải của một vụ án. Ví dụ rõ nhất là có những sự thừa nhận tội ác chỉ là kết quả trực tiếp của việc đối xử tàn tệ với người tình nghi bị. Đây chính là lý do quan trọng để tách biệt các cơ quan điều tra tội phạm với cơ quan giam giữ.

Đối xử tàn tệ không bao giờ được coi là bình thường

Bản chất khép kín và tách biệt của các trại giam có thể tạo cơ hội cho các hành vi bạo lực mà không bị trừng phạt, có thể có tính tổ chức và có thể chỉ do hành động của một số nhân viên cụ thể. Có thể vẫn tồn tại, ở một số quốc gia hoặc một số trại giam, quan niệm cho rằng chức năng trừng phạt tù nhân được ưu tiên nên việc tra tấn hay đối xử tàn bạo hàng ngày như đấm, đá của các nhân viên vẫn được coi là chuyện “bình thường”.

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, Điều 5:

“Không một ai phải chịu đựng tra tấn, hành hạ hay đối xử tàn bạo, phi nhân tính hay sỉ nhục.”

Công ước chống sự tra tấn và hành hạ hoặc đối xử tàn bạo, phi nhân tính hay sỉ nhục, Điều 1.1:

 “… thuật ngữ “tra tấn” chỉ hành động chủ ý bắt một người phải chịu đựng đau đớn tột cùng cả về thể chất và tinh thần để có được thông tin hay những lời khai từ người đó hoặc một người thứ ba ; để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay một người thứ ba đã phạm phải hay bị nghi ngờ đã phạm phải; để hăm doạ hay gây áp lực lên người đó hay một người thứ ba, hay với bất cứ mục đích nào khác dưới mọi hình thức phân biệt, khi sự đau đớn đó gây ra bởi một nhân viên công quyền hay bất cứ một ai khác trong khuôn khổ công việc hay bị xúi giục, hay có sự đồng ý rõ ràng hoặc ngầm hiểu. Thuật ngữ này không dùng cho trường hợp những đau đớn hay khó chịu là kết quả chỉ từ những trừng phạt hợp pháp, bản thân sự đau đớn đó đã có hoặc có thể xảy ra trong những sự trừng phạt đó.”

Công ước chống tra tấn và hành hạ hay đối xử tàn bạo, phi nhân tính hay sỉ nhục, Điều 2:

 Mọi quốc gia thành viên phải áp dụng những biện pháp luật pháp, hành chính, tư pháp và mọi biện pháp hữu hiệu khác để ngăn chặn, kiểm soát các hành động tra tấn diễn ra trên lãnh thổ của mình;

 Dù là chiến tranh hay đe doạ chiến tranh, mất ổn định chính trị nội bộ hay bất kỳ tình trạng đặc biệt khác, không một bối cảnh đặc biệt nào được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn.

 Mệnh lệnh của cấp trên hay một cơ quan công quyền không thể được viện dẫn để biện minh cho hành động tra tấn.”

Công ước chống tra tấn và hành hạ hay đối xử tàn bạo, phi nhân tính hay sỉ nhục, Điều 10:

“Mọi quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng việc giảng dạy, thông tin về việc cấm tra tấn là một phần không thể thiếu trong việc đào tạo các nhân viên dân sự, quân sự có trách nhiệm thực thi pháp luật, các nhân viên y tế, nhân viên công quyền và những người có liên quan tới việc giam giữ, hỏi cung và đối xử với mọi cá nhân bị bắt, giam giữ hay bị bỏ tù dưới mọi phương thức.”

Luật ứng xử dành cho những người thi hành pháp luật, Điều 3:

“Những người chịu trách nhiệm thi hành pháp luật chỉ có thể sử dụng vũ lực khi thật sự cần thiết, và trong bối cảnh bắt buộc để hoàn thành phận sự của mình.”

Bộ qui tắc bảo vệ những người bị giam giữ hay bị cầm tù dưới mọi hình thức, Qui tắc 34:

 “Nếu một người bị giam giữ hay bị tù bị chết hay mất tích trong thời gian bị giam hay bị bỏ tù, một cơ quan tư pháp hay một cơ quan có trách nhiệm khác sẽ tự mình hoặc theo yêu cầu của gia đình người đó hay do bất kỳ một người nào biết vụ việc yêu cầu, tiến hành một cuộc điều tra nguyên nhân cái chết hay việc mất tích. “

 ÁP DỤNG THỰC TẾ

 Nhân viên trại giam phải biết rằng việc tra tấn bị cấm

Những người có trách nhiệm trong trại giam có nghĩa vụ làm cho nhân viên trại giam hay những người khác có tiếp xúc với tù nhân nhận thức được rằng tra tấn và đối xử tàn bạo, phi nhân tính hay hạ nhục bị cấm tuyệt đối.

Những thời điểm nguy hiểm cho những đối xử tàn tệ

Những người có trách nhiệm phải làm sao để không một qui định nào của trại giam có thể bị suy diễn bởi nhân viên của mình là có sự cho phép tra tấn tù nhân. Điều này đặc biệt liên quan tới những quy định việc đối xử đối với những tù nhân khó tính, hay nổi loạn, hoặc những người bị biệt giam. Có những thời điểm quan trọng có tác dụng định hình cách đối xử của nhân viên trại giam với tù nhân. Một trong những thời điểm đó là lúc bắt đầu đến trại giam. Cách đối xử lúc này là một chỉ dấu quan trọng đối với người tù và với những người khác về những gì sẽ tiếp theo. Khi đến trại giam, có người tỏ ra sợ sệt và ít nói, có người thì dữ tợn hoặc bị ảnh hưởng của chất ma túy hoặc rượu. Quan trọng là nhân viên trại giam phải đối xử với mỗi tù nhân khi họ nhập trại một cách tôn trọng. Có nhiều nguyên tắc liên quan đến việc đối xử với những người tù hung hãn, không chấp hành nội quy hay khó quản lý. Có thể xử sự nghiêm khắc và quyết đoán nhưng tránh không được độc ác và vô nhân đạo.

Lạm dụng tình dục

Tù nhân rất dễ bị lạm dụng tình dục. Sự lạm dụng có thể do bị cưỡng bức, hay vì một bắt buộc hay do một thỏa thuận để đổi lấy một số đặc quyền. Trong một số trường hợp, thủ phạm là nhân viên trại giam, nhưng thường là một tù nhân khác. Nhiều khi, lạm dụng tình dục giữa tù nhân được nhân viên trại giam chấp nhận, xem như sự trừng phạt hay một hình thức kiểm soát. Tại một số nước, vấn đề lạm dụng tình dục trong trại giam trở nên phổ biến và trầm trọng. Ngoài hậu quả là những tổn hại về thể chất và tinh thần, xâm hại tình dục còn làm lây nhiễm tràn lan bệnh AIDS và các bệnh khác. Nhiệm vụ của các nhà chức trách là bảo vệ tù nhân, đặc biệt là phụ nữ khỏi lạm dụng tình dục.

“Toà án tối cao Mỹ đã ra sắc lệnh: “Việc phải chịu đựng sự tấn công bạo lực trong tù tuyệt đối không nằm trong mức phạt mà tội phạm phải chịu vì những vi phạm chống lại xã hội”. Do vậy, một dự luật đã được trình lên Thượng viện (dự Luật chống xâm hại tình dục trong tù năm 2002 ), luật này tìm cách không những ngăn ngừa và trừng phạt việc hãm hiếp trong trại giam mà còn xác định những trại giam có tỷ lệ xâm hại cao.”[1]

Quy định việc áp dụng vũ lực

Chúng ta phải giải thích rõ cho các nhân viên trại giam rằng hành vi của một người bị giam giữ không thể được viện dẫn là nguyên cớ của hành vi tra tấn hay đối xử tệ bạc. Chỉ được dùng đến vũ lực khi phù hợp với những qui định của việc sử dụng vũ lực, và chỉ làm điều đó trong khuôn khổ chủ yếu để chế ngự người bị giam giữ. Phải có những quy định đặc biệt về việc sử dụng các biện pháp vũ lực thể xác, kể cả các dụng cụ cưỡng bức như còng tay, dây trói và xích, gậy và dùi cui. Các nhân viên trại giam không được tự do tiếp cận các dụng cụ như còng tay, dây trói hay áo trói. Những dụng cụ này phải được cất giữ ở nơi tập trung trong trại giam, khi sử dụng phải được giám thị trại giam đồng ý trước. Phải có một hồ sơ ghi chi tiết những trường hợp và bối cảnh sử dụng những dụng cụ đó.

Việc sử dụng gậy và dùi cui

Ở một số nước, nhân viên trại giam được trang bị gậy hay dùi cui. Chúng ta phải có những quy định cụ thể về những tình huống mà họ được phép sử dụng. Đó là những tình huống tự vệ chứ không phải để áp dụng một hình phạt. Gậy hay dùi cui không được cầm ở tay một cách lộ liễu khi nhân viên trại giam thực hiện công vụ hàng ngày. Những vấn đề này và một số vấn đề liên quan khác được đề cập chi tiết ở chương 5 của tài liệu này liên quan đến an toàn và trật tự.

Các phương thức sử dụng vũ lực tối thiểu

 Có rất nhiều kỹ thuật để kiểm soát một tù nhân hung hãn bằng các phương thức sử dụng vũ lực tối thiểu. Các phương thức này làm giảm nguy cơ bị thương nặng cho cả nhân viên và tù nhân. Nhân viên phải được đào tạo về những kỹ thuật này và phải được cập nhật thường xuyên. Khi có một sự cố nghiêm trọng xảy ra hay có một tù nhân cần chế ngự, một nhân viên lãnh đạo phải lập tức có mặt tại hiện trường và không được rời nơi đó cho đến khi tình hình được kiểm soát.

Khiếu nại khi bị tra tấn và bị đối xử tệ bạc

Phải có những quy định về các thủ tục để tù nhân có thể sử dụng để khiếu nại lên một cơ quan độc lập khi bị tra tấn hay bị đối xử tàn bạo, phi nhân tính hay làm mất nhân phẩm, mà không sợ bị trả thù. Chương 9 sẽ đề cập đến quyền khiếu nại.

Thị sát của các các quan sát viên độc lập

Phải có một hệ thống thị sát thường xuyên các trại giam do một thẩm phán hay một người nào khác độc lập tiến hành, để đảm bảo trại giam không có tra tấn hay việc đối xử tàn bạo, phi nhân tính. Sự cần thiết phải có thanh tra độc lập sẽ được đề cập ở chương 10.

 -CÁC THỦ TỤC NHẬP TRẠI GIAM-

 Lúc nhập trại là thời điểm dễ bị tổn thương 

Những người bị giam và tù nhân đặc biệt dễ bị tổn thương lúc bắt đầu đến nơi giam giữ. Quy định quốc tế về quyền được sống và không bị tra tấn và đối xử tệ bạc đòi hỏi phải có qui định đặc thù để bảo vệ họ lúc mới đến. Có một số quy định quốc tế về quyền của tù nhân và nghĩa vụ của nhân viên trại giam vào lúc nhập trại giam để bảo vệ tù nhân khỏi bị tra tấn, đối xử tệ bạc, thủ tiêu, hành hạ và tự tử.

Những quy trình nhập trại tôn trọng nhân phẩm 

Các kinh nghiệm tốt ở nhiều nước đã cho thấy nhân viên trại giam có những cách tiến hành những thủ tục nhập trại không những hợp pháp mà còn tôn trọng sự thoải mái và nhân phẩm của tù nhân. Những biện pháp này cho phép chuẩn bị một loạt các kiến nghị có thể áp dụng trên toàn cầu và có thể sửa đổi cho phù hợp với thông lệ địa phương, truyền thống văn hoá và các phạm trù kinh tế-xã hội ở mỗi nước.

Tất cả tù nhân đều được hưởng những quyền này

Những quyền này liên quan đến tất cả các tù nhân, cho dù họ đang bị tạm giam, đang đợi xét xử, đang chờ bản án có hiệu lực hay đã bị xét xử. Phải lưu ý thêm tới những nhóm tù nhân đặc biệt, như những người chưa bị kết án, trẻ vị thành niên, thanh niên và phụ nữ. Chương từ 11 đến 16 đề cập đặc biệt đến vấn đề này.

CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

Công ước Viên về các mối quan hệ lãnh sự, Điều 36:

  1. “ Để các hoạt động lãnh sự liên quan đến các công dân xa xứ được thuận lợi:

 Các nhân viên lãnh sự phải được tự do thông tin với công dân xa xứ của mình và đến thăm những người này. Các công dân xa xứ cũng được tự do thông tin với các nhân viên lãnh sự và đến gặp họ.

  • Nếu đương sự yêu cầu, nhà chức trách có thẩm quyền của nước đặt lãnh sự, trong giới hạn lãnh sự, phải thông báo ngay lập tức cho cơ quan lãnh sự nước cử đi khi có công dân xa xứ bị bắt, bị giam cứu, hay bất cứ một hình thức giam cầm nào khác. Mọi liên lạc giữa người bị bắt, bị giam hay bị giam cứu, hay bất cứ một hình thức giam cầm nào khác với cơ quan lãnh sự cũng phải được cơ quan chức năng nước đặt trụ sở lãnh sự chuyển đi không chậm trễ. Cơ quan lãnh sự nước cử đi cũng phải ngay lập tức thông báo cho đương sự biết về quyền của anh ta ở điểm này.
  1. c) Các viên chức lãnh sự có quyền gặp gỡ, nói chuyện và trao đổi thư từ và thúc đẩy đại diện tư pháp cho công dân nước mình đang bị giam cầm hay bị giam cứu, hay bất cứ một hình thức giam cầm nào khác, nếu người này bị xét xử. Trong khuôn khổ lãnh sự, họ còn có quyền đến thăm công dân nước mình đang thụ án tù ở nước đặt trụ sở lãnh sự. Tuy nhiên, họ không được can thiệp cho một công dân bị giam, hay bị giam cứu hay bất kỳ một hình thức giam cầm nào khác nếu người này tuyên bố không đồng ý.

 Những quyền được đề cập trong mục 1 của điều này phải được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp và quy định của nước sở tại nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo rằng những luật pháp và quy định này phải được thực thi đầy đủ vì những quyền như đã đề cập ở điều này.”

Các nguyên tắc phòng chống đối xử hành hạ, độc đoán, cắt xén và các cách điều tra hiệu quả việc thực thi, Điều 6:

“Các chính quyền phải đảm bảo rằng những người bị tước quyền tự do phải được giam ở những nơi giam được chính thức công nhận và rằng những thông tin cụ thể về việc bắt giữ, địa điểm giam giữ và cả việc chuyển trại phải ngay lập tức được thông báo tới gia đình, luật sư hay những người tin cậy khác.”

Tuyên ngôn bảo vệ mọi người khỏi bị thủ tiêu, Điều 10:

Cần phải có một Hồ sơ chính thức lưu giữ các thông tin về những người bị đã bị tước mất tự do và phải được cập nhật thường xuyên ở mọi trại giam. Ngoài ra, mọi quốc gia phải có những biện pháp để lưu giữ tập trung các Hồ sơ loại này.

Bộ qui tắc tối thiểu về việc đối xử với tù nhân, Qui tắc 7:

  1. Ở mọi trại giam, phải cập nhật hồ sơ với những thông tin sau về tù nhân :
    1. Căn cước;
    2. Nguyên nhân bị bắt và cơ quan ký lệnh bắt ;
    3. Ngày, giờ nhập trại và ra trại.
  2. Không trại giam nào được quyền chấp nhận giam một người nếu không kèm theo một lệnh bị bắt hợp pháp mà mọi chi tiết phải được ghi lại trước trong hồ sơ theo dõi.

 Bộ qui tắc tối thiểu về việc đối xử với tù nhân, Qui tắc 35:

 “Khi nhập trại, mỗi tù nhân phải được thông báo bằng văn bản về chế độ tù nhân, về những nguyên tắc kỷ luật của trại giam, về những cách hợp lệ để nắm bắt thông tin, để tiến hành khiếu nại và những điểm khác cần thiết để cho phép họ biết những quyền và nghĩa vụ và biết cách thích nghi với cuộc sống trong trại giam.

  1. Đối với tù nhân không biết đọc, những thông tin này phải được thông báo đến họ bằng miệng.”

Bộ qui tắc bảo vệ những người bị giam giữ hoặc bị cầm tù, Qui tắc 13:

“Bất kỳ ai, vào lúc bị bắt, bắt đầu bị giam hoặc bị tù hoặc ngay sau đó, phải được cơ quan chịu trách nhiệm về lệnh bắt, giam giữ hoặc bỏ tù cung cấp( tuỳ từng trường hợp) những thông tin, giải thích về quyền cũng như cách thức mà người đó có thể phát huy quyền của mình.”

Bộ qui tắc bảo vệ những người bị giam hoặc tù đày, Qui tắc 16:

 “Trong thời gian ngắn nhất sau khi bị bắt và sau khi bị chuyển từ một trại giam hay trại giam đến một nơi khác, người bị giam giữ hay bị bỏ tù có thể thông báo hoặc yêu cầu cơ quan chức năng thông báo cho gia đình mình hoặc một người khác do mình lựa chọn, nếu có, về lệnh bắt, lệnh giam hoặc lệnh bỏ tù hoặc việc chuyển trại cũng như nơi mình đang bị giam giữ.

  • Nếu đó là một người nước ngoài, họ sẽ được thông bao không chậm trễ về quyền được thông tin bằng cách thức phù hợp với đại diện lãnh sự hoặc ngoại giao của nước mình, hoặc quyền được thông tin phù hợp với luật pháp quốc tế hoặc với đại diện một tổ chức quốc tế liên quan nếu người này là dân di cư, hoặc trong trường hợp khác được đặt dưới sự bảo hộ của một tổ chức liên chính phủ.”
  • Nếu là vị thành niên hoặc người không có khả năng hiểu quyền của mình, cơ quan chức năng phải tiến hành thông báo như nêu trên, đặc biệt với cha mẹ hoặc người đỡ đầu.”

Bộ qui tắc bảo vệ những người bị bắt giam hoặc tù đày, Qui tắc 18:

“Bất kỳ ai bị giam giữ hay bị bắt tù đều được phép thông tin và tham khảo luật sư của mình. “

Bộ qui tắc bảo vệ những người bị bắt giam hoặc tù đày, Qui tắc 24:

“Bất kỳ ai bị giam hay bị bắt tù đều được khám sức khoẻ trong thời hạn ngắn nhất có thể sau khi nhập trại giam, và sau đó được chăm sóc và điều trị y tế khi cảm thấy cần thiết. Chăm sóc và điều trị y tế được miễn phí.”

Bộ qui tắc tối thiều về đối xử với tù nhân, Qui tắc 24:

“Bác sĩ phải khám cho mỗi tù nhân ngay khi có thể sau lúc nhập trại giam và sau đó khám thường xuyên theo nhu cầu, đặc biệt để phát hiện bệnh về thể xác và tinh thần đang có, và có những biện pháp cần thiết ; để đảm bảo cách ly tù nhân bị nghi nhiễm bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm ; để xác định những tù nhân bị ốm có thể gây cản trở cho việc xếp loại, đồng thời xác định khả năng lao động của mỗi tù nhân.”

Bộ qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân, Qui tắc 38:

  • “Đối với những tù nhân nước ngoài cần tạo điều kiện để họ liên lạc với đại diện ngoại giao và lãnh sự nước họ.
  • Đối với những tù nhân không có đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự nước họ tại nước bị bắt giam, hoặc là người tỵ nạn hoặc không rõ quốc tịch, cần phải tạo điều kiện để họ được liên hệ với đại diện ngoại giao của một Quốc gia chịu trách nhiệm về quyền lợi của họ, hoặc bất cứ một cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hay quốc tế nào chịu trách nhiêm bảo vệ họ.”

ÁP DỤNG THỰC TẾ

 Cần phải có một chứng nhận tư pháp hợp lệ 

Tất cả tù nhân đều có quyền được giam giữ ở những trại giam được chính thức công nhận. Nhiệm vụ đầu tiên của trại giam là kiểm tra xem tù nhân có giấy chứng nhận giam giữ hợp lệ không. Chứng nhận này phải được làm và được ký bởi một cơ quan tư pháp hoặc một cơ quan khác có thẩm quyền.

Tù nhân phải được ghi danh

 Các trại giam phải có một hồ sơ ghi danh, nơi giam giữ các tù nhân. Trong hồ sơ này phải ghi rõ ngày, giờ nhập trại giam cũng như cơ quan ra lệnh giam giữ. Các toà án và các cơ quan có thẩm quyền khác cũng như bất kỳ ai có quan tâm hợp pháp đều được tiếp cận thông tin ghi trong hồ sơ này.

Hồ sơ phải được đóng bìa, mọi đề mục phải được đánh số

 Những chi tiết liên quan đến mỗi tù nhân phải đủ để nhận dạng ra họ. Điều này nhằm mục đích để đảm bảo tù nhân chỉ bị ở tù khi có lệnh giam hợp lệ, không bị giam lâu hơn qui định, tránh vi phạm nhân quyền như bị thủ tiêu, tra tấn hoặc đối xử tệ bạc và tránh bị hành hạ. Hồ sơ phải được đóng bìa và mọi đề mục phải được đánh số để không thể bị tẩy, xoá, thay đổi.

Ghi danh những bị can, bị cáo

Trong trường hợp một tù nhân chưa có án phạt, lệnh giam giữ phải ghi rõ ngày mà người này sẽ phải ra trước toà.

Thông báo cho gia đình và luật sư

 Tất cả những người bị đưa vào trại giam đều có thể trong thời hạn ngắn nhất, liên lạc với đại diện tư pháp của họ và gia đình họ để thông báo cho những người này nơi bị giam giữ. Tù nhân phải được làm điều này mỗi khi chuyển đến trại giam mới. Quyền của bị cáo sẽ được nêu ở chương 11. Đặc biệt phải chú ý để những tù nhân vị thành niên được liên lạc với gia đình ; xem thêm chương 12 của tài liệu này. Cũng cần phải lưu ý đến những tù nhân đang là người có trách nhiệm với những người thân lớn tuổi, còn nhỏ hay ốm đau trong gia đình; tình huống này thường được đặt ra đối với nữ tù nhân.

 Tù nhân là người nước ngoài

 Những tù nhân là người nước ngoài nhất là bị can phải được hưởng những điều kiện thuận lợi để thông tin và gặp mặt đại diện ngoại giao của họ. Nếu những người này là tỵ nạn đang được sự bảo trợ của một tổ chức phi chính phủ, họ phải có quyền thông tin và gặp gỡ đại diện của tổ chức có thẩm quyền. Cũng cần phải ghi nhớ rằng mọi liện hệ và gặp mặt này chỉ diễn ra khi tù nhân chấp thuận. Trong một vài trường hợp, tù nhân là công dân nước ngoài sẽ được bảo vệ khỏi bị trục xuất hoặc hồi hương trong tình trạng mà người ta tin rằng sẽ phải chịu những rủi ro bị tra tấn hoặc bị ngược đãi.

Khám bệnh là rất quan trọng

 Trong thời hạn ngắn nhất sau khi nhập trại giam, người tù phải được một bác sĩ có tay nghề khám bệnh. Người tù phải được hưởng mọi điều trị y tế cần thiết và miễn phí.

 « Uỷ ban châu Âu phòng chống tra tấn (CPT)  quy định rằng việc khám bệnh phải tiến hành vào ngày nhập trại giam »

[Báo cáo CPT về chuyến thăm Phần Lan năm 1992]

« Mọi dấu hiệu về bạo hành phải đựợc ghi lại một cách trung thực, cũng như những lời khai xác đáng của tù nhân và những kết lụận của bác sỹ » và nếu tù nhân yêu cầu, « bác sỹ phải cấp cho họ giấy chứng thương »

[Báo cáo của CPT về chuyến thăm Bungari năm 1995]

« CPT coi việc khám bệnh cho các tù nhân mới đến là không thể thiếu « nhất là để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn những ý định tự vẫn và nhận biết kịp thời vết thương ».

[Báo cáo của CPT về chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 1997]

Vai trò của một y tá giỏi

 Ở một vài trại giam, một bác sỹ khó có thể khám cho tất cả các tù nhân ngay khi họ nhập trại. Trong một vài trường hợp, không có bác sỹ ngay tại chỗ hoặc vì số lượng đông tù nhân nhập trại nên bác sỹ không thể khám đầy đủ cho từng người ngay lập tức, nhất là khi họ lại tới vào buổi tối. Trong những tình huống này, cần phải có một y tá giỏi trao đổi với từng tù nhân một. Bác sỹ chỉ khám cho những người đang ốm hoặc do y tá chuyển tới. Sau đó, bác sỹ sẽ khám lần luợt tất cả những tù nhân mới đến vào ngày hôm sau.

Quyền của tù nhân được chăm sóc y tế, chuẩn mực chất lượng chăm sóc cũng như những vấn đề khác liên quan sẽ được đề cập ở chương 4 của quyển sách này.

Chăm sóc đặc biệt đối với phụ nữ

 Do tỷ lệ lớn phụ nữ khi vào tù đã bị lạm dụng tình dục, nhân viên tiếp đón trong trại giam phải được tập huấn để có thể xử trí những tình huống khó khăn liên quan đến vấn đề này.

Khám xét người

Khi đến nhập trại, tù nhân thường bị khám xét toàn thân. Việc khám xét được nêu chi tiết ở mục 5 của cuốn cẩm nang này.

Quyền được tôn trọng sự kín đáo, gia đình, nơi ở, thư tín và bảo vệ danh dự, cũng như thanh danh (điều 17) – Chú thích 16, đoạn 8.

« Đối với việc khám xét cá nhân và thân thể, cần phải có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo nhân phẩm của người bị khám xét được tôn trọng. Những người bị khám xét thân thể do nhân viên trại giam hay bác sỹ thực hiện, phải được khám xét bởi người cùng giới. »[2]

« Năm 1993, Toà án Tối cao Canada kết luận rằng những thành viên tổ khám xét nam không được khám xét các tù nhân nữ, ngay cả khi khám xét họ mặc quần áo, nhưng lại không đưa ra kết luận rằng những thành viên tổ khám xét nữ không được khám xét các tù nhân nam vì toà án kết luận rằng kết quả của việc khám xét bởi một một người khác giới sẽ bị thay đổ và gây sợ hãi đối với phụ nữ hơn là đối với nam giới »

Thông tin về tù nhân 

Cuộc sống trong tù phải được bắt đầu và duy trì trong khuôn khổ của sự công bằng để có thể giảm tối thiểu cảm giác bất lực của các tù nhân và để họ nhận thức rằng họ vẫn là những công dân với những quyền và nghĩa vụ được qui định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người vào tù lần đầu. Trong khoảng thời gian ngắn ngay sau khi họ vào tù, trại giam phải có biện pháp để những người bị giam nắm được nội quy của trại giam, hiểu được họ cần phải làm gì và điều gì họ có thể trông đợi ở các nhân viên trại giam. Trong chừng mực có thể, cần cung cấp cho từng tù nhân một bản nội quy trại giam.

Quy định đối với những người bị giam mù chữ

 Cần phải có những quy định để các tù nhân không nói tiếng địa phương, không biết đọc, hoặc bị tàn tật vẫn nhận được và hiểu được những thông tin quan trọng. Những giải pháp có thể như : một người có thể đọc và giải thích quy định chung hoặc tìm ra một người nói ngôn ngữ của tù nhân đó ; ở một vài nước còn dùng hình thức băng hình. Đặc biệt quan trọng là những người bị giam phải được biết họ có quyền viết đơn yêu cầu hoặc đơn khiếu nại. Xem chương 9 của quyển sách này.

 Khi đón tiếp một số lượng lớn  tù nhân

Phương pháp mà những nhân viên phụ trách đón tiếp trong trại giam sử dụng có thể phụ thuộc vào số lượng tù nhân nhập trại hoặc ra trại hàng ngày. Ở những trại giam dành cho những tù nhân có án dài, mỗi tháng chỉ có một số ít người nhập trại và ra trại. Trong trường hợp này, nhân viên trại giam không phải làm việc dưới sức ép và có thể dành thời gian thích hợp cho từng người tù. Ngược lại, trong những trại giam lớn ở đô thị, nơi chủ yếu tiếp nhận những bị can hoặc những người bị giam giữ đang chờ án tù hoặc những hình phạt ngắn ngày, bộ phận tiếp nhận có thể phải đón tiếp hàng chục thậm chí hàng trăm tù nhân mỗi ngày trong vài giờ. Trong hoàn cảnh này, ban giám thị phải giúp đỡ và giám sát tích cực nhân viên.

Đào tạo nhân viên bộ phận tiếp nhận

Bộ phận tiếp nhận có thể sẽ là nơi mà những người mới tới trại giam rất ngại ngùng e sợ. Các nhân viên của bộ phận tiếp nhận phải được tập huấn đặc biệt sao cho họ có thể cân bằng giữa việc kiểm soát nghiêm ngặt, để người bị giam thấy được trại giam là nơi tổ chức tốt, và sự nhạy cảm đối với ức chế của tù nhân khi họ tới một nơi xa lạ. Một số nhân viên không thích nghi được với loại công việc này. Nhân viên làm việc tại nơi tiếp nhận phải được tuyển lựa cẩn thận ; họ phải được qua những khoá đào tạo đặc biệt để giúp họ hoàn thành công việc với sự  tinh tế và sự tự tin.

-ĐIỀU KIỆN SỐNG-

Bị tước bỏ tự do đã là sự trừng phạt

Một số yêu cầu căn bản phải được tôn trọng nếu chính quyền mong muốn hoàn thành nghĩa vụ tôn trọng nhân phẩm của các tù nhân và nghĩa vụ làm việc không chậm trễ của họ. Trong số những yêu cầu này, phải kể tới không gian sống, điều kiện vệ sinh, quần áo, chăn chiếu, thực phẩm, nước uống và những bài tập thể chất phù hợp. Khi một nhân viên tư pháp đưa một người vào tù, những quy định quốc tế chỉ rõ : Hình phạt áp đặt cho người tù phải hạn chế tối đa về sự mất tự do. Việc bỏ tù một người không phải để họ chịu thêm sự lạm dụng về thân thể và tinh thần do nhân viên hay một tù nhân khác gây ra. Không được tạo thêm nguy cơ về bệnh tật hoặc cái chết do điều kiện vật chất hoặc do thiếu sự chăm sóc thích hợp.

Nghĩa vụ làm việc không chậm trễ

Ở những nước mà mức sống của nhân dân còn thấp, một vài người cho rằng những người bị giam không xứng đáng được sống trong những điều kịện tốt và đảm bảo quyền con người. Nhiều người không ở tù còn đang phải vật lộn để đủ sống và chu cấp cho gia đình, thì tại sao lại phải lo lắng đến điều kiện sống của những người không tôn trọng pháp luật ?

Thật khó để trả lời câu hỏi này, nhưng vẫn có câu trả lời như sau : nếu nhà nước tự cho phép mình quyền tước đi quyền tự do của một con người vì bất kỳ một lý do nào, thì Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo sao cho người bị tước đoạt tự do đó phải được chăm sóc tốt và nhân ái. Chính quyền không bao giờ được viện lý do rằng những công dân bình thường còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống để biện minh cho sự đối xử không đúng đối với những người do họ chịu trách nhiệm. Nguyên tắc này thuộc về nguyên tắc gốc của một xã hội dân chủ, trong đó các cơ quan công quyền phải được coi là các tấm gương cho cung cách đối xử với công dân.

Sử dụng nguồn lực hạn chế

 Về mặt thực tiễn, việc thiếu thốn về ngân sách nên là một lý do thêm để Nhà nước sử dụng trại giam chỉ để giam giữ những tội phạm nguy hiểm nhất chứ không nên sử dụng để cách ly cả những con người đã bị xã hội gạt bỏ.

Rủi ro đối với sức khoẻ

Một số lượng lớn tù nhân phải ở trong một phạm vi rất chật hẹp, không hoặc ít được cử động thoải mái. Điều này gây ra những vấn đề đặc biệt. Trước tiên, hoàn cảnh này có thể gây ra nguy hiểm cho sức khỏe. Ví dụ, những người đang mắc bệnh lây nhiễm như bệnh lao sẽ truyền bệnh cho những người khác khi cả hai phải sống cận kề. Những người không được tắm rửa hoặc giặt rũ quần áo, và do thiếu chăn chiếu hoặc giường nằm, có thể truyền những bệnh ngoài da hoặc ký sinh trùng cho những người khác. Một người bị giam trong thời tiết lạnh lại thiếu quần áo ấm có thể mắc bệnh viêm phổi. Những người không được tập thể dục, không được ra ánh sáng, không được hưởng khí trời có thể mắc bệnh về cơ bắp hoặc thiếu vitamin. Sức khỏe của những người tù bị thiếu thức ăn và/hoặc nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ 

Những quy định tối thiểu trong việc đối xử với tù nhân. Các quy định 9 đến 21:

« 9 (1) Những phòng hoặc buồng giam dùng để cách ly đêm chỉ được sử dụng cho một người.

9 (2) Khi cần tới các phòng ngủ tập thể, những người bị giam giữ trong những phòng này phải được chọn lựa và biết chắc là họ đáp ứng các điều kiện ở đây. Ban đêm, phải đặt họ dưới sự  giám sát thường xuyên, phù hợp với loại phòng này.

  1. Những nơi giam giữ, đặc biệt là những nơi dành làm nơi ở cho các tù nhân vào ban đêm, cần phải đáp ứng được những yêu cầu về vệ sinh, tuỳ theo thời tiết, nhất là thể tích không khí, diện tích tối thiểu, ánh sáng, sưởi ấm và quạt máy.
  1. Trong bất kỳ phòng ốc nào dùng làm nơi sống và làm việc của các tù nhân :
  2. Các cửa sổ phải đủ rộng để tù nhân có thể đọc sách và làm việc dưới ánh sáng tự nhiên. Phải đặt những cửa sổ này sao cho không khí lưu thông, dù trong phòng có quạt hay không.
  3. Ánh sáng nhân tạo phải đủ để tù nhân đọc sách và làm việc không bị hỏng mắt.

 12. Các phòng vệ sinh phải cho phép tù nhân thoả mãn những nhu cầu tự nhiên bất cứ lúc nào họ muốn, một cách sạch sẽ và thoải mái.

 13. Việc lắp đặt các bồn rửa và bồn tắm phải đủ để mỗi tù nhân có thể sử dụng được, nhiệt độ phải phù hợp với khí hậu, cũng như thường xuyên được vệ sinh, tuỳ theo mùa và vùng địa lý, nhưng ít nhất phải một lần một tuần trong vùng khí hậu ôn đới.

  1. Nơi ở thường xuyên của các tù nhân phải được bảo dưỡng và giữ gìn sạch sẽ.
  1. Các tù nhân cũng phải giữ vệ sinh cá nhân, do vậy, phải trang bị cho họ nước và những đồ dùng tắm rửa cần thiết cho sức khỏe và vệ sinh của họ.
  1. Để các tù nhân có hình thức chỉnh tề và tự tôn trọng mình, phải tạo điều kiện cho họ dễ dàng trong việc chăm sóc đầu tóc và râu. Đàn ông phải được cạo râu đều đặn.
  1. (1) Tù nhân không đựợc phép mặc quần áo cá nhân thì phải được nhận quần áo phù hợp với khí hậu, sạch sẽ để bảo vệ sức khoẻ. Những quần áo này không được làm mất thể diện và phẩm giá của họ.
  2. (2) Tất cả các loại quần áo phải sạch sẽ và trong tình trạng tốt. Quần áo lót phải được thay và giặt thường xuyên phù hợp với nhu cầu vệ sinh.
  3. (3) Trong những trường hợp đặc biệt, khi tù nhân ở xa nơi giam giữ vì những lý do được phép, phải cho phép họ mặc quần áo cá nhân hoặc những quần áo ít gây sự chú ý.

 Khi tù nhân được phép mặc quần áo cá nhân, phải có những biện pháp ngay từ khi họ nhập trại giam để những quần áo này sạch sẽ và còn sử dụng được.

 Tuỳ theo phong tục từng địa phương hay từng quốc gia, một tù nhân phải có một giường cá nhân và bộ chăn chiếu đi kèm, được gìn giữ đúng cách và thay mới để đảm bảo sạch sẽ.

 20 (1) Tất cả tù nhân, vào một giờ quy định, phải được nhận phần ăn chất lượng tốt, được chuẩn bị tốt, phục vụ tốt, có giá trị dinh dưỡng đủ để duy trì sức khỏe và sức lực của họ.

      (2) Mỗi tù nhân phải có nước uống khi họ có nhu cầu

 21 (1) Những tù nhân nếu không được làm việc cả ngày ngoài trời thì phải được tập thể dục ngoài trời ít nhất 1 giờ một ngày, nếu điều kiện thời tiết cho phép.

  1. (2) Những tù nhân trẻ tuổi hay những người mà tuổi tác và điều kiện cơ thể cho phép phải được luyện tập thể chất và giải trí. Để thực hiện điều này, phải có sân bãi và các dụng cụ để cho họ sử dụng. »

 ÁP DỤNG THỰC TẾ

 Không gian sống

 Phải tôn trọng những quy định căn bản về không gian sống của tù nhân. Những quy chuẩn quốc tế tuyên bố rõ rằng tù nhân phải có đủ không gian sống, đủ không khí và ánh sáng để đảm bảo sức khỏe của họ.

Tình trạng quá tải

Nhiều hệ thống tư pháp gặp phải vấn đề lớn là tình trạng quá tải người. Tình trạng này thường tồi tệ hơn đối với những người bị tạm giam hoặc đang đợi tuyên án. Tình trạng quá tải có nhiều dạng khác nhau. Trong một số trường hợp, buồng giam xây dựng cho một người lại dùng giam nhiều người. Trong các trường hợp tồi tệ hơn, những buồng giam diện tích 8m2 lại giam tới 12 hoặc 15 người. Trong một vài trường hợp khác, cả trăm người bị giam chật ních trong một buồng lớn. Nhìn chung, văn bản quốc tế không nêu cụ thể diện tích phòng hay thể tích không khí tối thiểu là bao nhiêu cho một tù nhân. Từ vài năm nay, Uỷ ban của Cộng đồng châu Âu về phòng chống tra tấn, hành hạ, đối xử vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá con người, đang bắt đầu tiến hành việc này.

Thời gian bị giam trong phòng hay ở không gian sống khác

 Thời gian ở là một yếu tố quan trọng cần được xem xét khi quyết định diện tích cần dành cho một tù nhân là bao nhiêu. Một nơi ở nhỏ sẽ ít gây thiệt hại khi nó chỉ dùng để ngủ, trong khi cả ngày tù nhân tham gia các họat động khác trong các phòng khác. Do vậy, tình quá tải tù nhân là vấn đề cần cấp thiết cần xem xét khi tù nhân phải ở hầu hết thời gian của họ trong những buồng giam này, và họ chỉ được ra ngoài theo từng nhóm để tập thể dục trong khoảng thời gian ngắn, hay để đi hỏi cung, hoặc có người tới thăm. Đó là điều xảy ra nhiều hệ thống tư pháp, nhất là trong những trại giam chủ yếu giam bị can hoặc hoặc những án ngắn hạn.

Sử dụng tất cả những phòng chưa được sử dụng

 Ngay cả trong những trại giam bị quá tải, vẫn có những phòng ít được sử dụng. Dù có quá tải tù nhân trong một phòng giam thì vẫn có những phòng bên cạnh ít dùng đến. Trong một vài trại giam, có những hành lang rộng có thể được dùng để tù nhân ra khỏi phòng giam để tham gia vào các họat động khác. Trong trại giam, có những bàn thờ hoặc nơi cầu nguyện có thể dành cho tù nhân sử dụng. Trong hoàn cảnh này, vẫn có thể tổ chức những họat động giáo dục, thủ công hoặc những công việc khác.

Sử dụng những nguồn sẵn có

Có một lý lẽ để biện minh cho việc để tù nhân ở quá lâu trong phòng là do không có đủ nhân viên để giám sát nếu để họ ra ngoài. Cần phải xem xét lý lẽ này một cách kỹ lưỡng trên phương diện thực hành. Thường là nhân viên sẽ không thiếu nếu cho phép các nhóm tù thay phiên nhau ra ngoài. Và có thể dùng một số tù nhân để trợ giúp những tù nhân khác trong các họat động giáo dục, như dạy họ đọc hay các công việc thủ công.

Phòng giam riêng hay chung

Cảm nhận về sự kín đáo hoặc cô đơn thay đổi tùy theo từng nền văn hoá. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, tù nhân thường thích ngủ trong những buồng riêng biệt. Điều này được phản ánh trong quy tắc trại giam châu Âu. Đối với những nền văn hóa khác, việc phải sống trong một phòng riêng đôi khi được coi là bị biệt giam hoặc bị trừng phạt và người ta muốn tù nhân sống trong những phòng giam chung với diện tích phù hợp. Nếu vậy, cần xác định những tiêu chuẩn thích hợp để xếp chỗ cho tù nhân trong từng phòng, không được phó mặc những người yếu cho những kẻ mạnh.

Quần áo của tù nhân

 Những quy định quốc tế bắt buộc chính quyền phải cung cấp quần áo đủ ấm và đủ mát cho tù nhân, tuỳ theo nhu cầu về sức khỏe của họ. Nghiêm cấm không được để tù nhân phải mặc quần áo một cách mất phẩm giá và nhân phẩm. Các quy định này cũng bắt buộc chính quyền phải đảm bảo quần áo của người tù luôn sạch sẽ, vệ sinh hoặc phải cung cấp phương tiện để tù nhân tự làm được việc đó.

Đồng phục tù nhân

Ở nhiều nước, tù nhân phải mặc quần áo đồng phục do trại giam cung cấp. Điều này là vì lý do an ninh và bình đẳng. Có thể trong trường hợp một vài người bị giam thể hiện sự nguy hiểm cho an ninh trại giam hoặc có thể chạy trốn, còn không có lý do nào cho rằng đồng phục phải là quy định. Một vài nơi không đủ nguồn cần thiết để cung cấp quần áo chính thức cho tù nhân và đã phải yêu cầu họ mặc quần áo riêng của mình. Trong một vài trại giam khác, những tù nhân nếu không có biểu hiện chạy trốn thì được phép mặc quần áo riêng của họ. Ở nhiều nước phụ nữ còn được cho phép mặc quần áo dân sự. Khả năng được mặc quần áo thông thường, mang từ bên ngoài vào và củng cố bản sắc cá nhân, được tù nhân đánh giá cao.

Bộ đồng phục trại giam không được coi là một phần của hình phạt và không để làm tổn hại danh dự người mặc. Vì vậy, các giới chức quản lý trại giam đã từ bỏ việc bắt tù nhân phải mặc đồng phục có mũi tên hoặc kẻ sọc.

Người bị giam giữ phải được tiếp cận các cơ sở giặt để tất cả các loại quần áo, đặc biệt là quần áo lót được giặt thường xuyên. Việc giặt quần áo có thể thực hiện tập thể hoặc do chính từng người làm. Những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ đối với việc giặt quần áo phải được công nhận, như đã mô tả ở chương 13 của quyển sách này.

Chăn chiếu

 Chất liệu của giường và chăn chiếu thay đổi tùy thuộc vào truyền thống của từng nơi. Ở nhiều nước, thường là ngủ trên giường cao. Ở một số nước khác, nhất là những nước có khí hậu nóng, thường đặt chăn chiếu hoặc thảm trực tiếp lên trên mặt đất. Những biện pháp đối với tù nhân phải phù hợp với chuẩn mực địa phương. Điều chủ yếu là tất cả tù nhân phải có một giường hoặc một thảm riêng, một bộ chăn chiếu sạch sẽ và một khoảng không gian riêng để ngủ. Ở một số nước, vịệc quá tải tù nhân khiến chotù nhân phải thay nhau ngủ hoặc chia nhau giường nằm và chỗ ngủ.

Những tình huống vừa kể là không thể chấp nhận được. Nếu tình trạng quá tải đã đạt tới mức như vậy, cơ quan quản lý trại giam phải thông báo về tình trạng này cho những cơ quan chuyển tù nhân của chính phủ được biết, cũng như hậu quả khi chuyển tù nhân tới những trại giam quá tải này.

Xây dựng phòng vệ sinh

 Do việc di chuyển tù nhân trong tù là rất hạn chế, nên điều quan trọng là tù nhân phải được tiếp cận thường xuyên các phòng vệ sinh. Họ phải được tự do sử dụng nhà vệ sinh và nước sạch. Phải có các phòng tắm phù hợp để họ được tắm rửa thường xuyên. Vấn đề này đặc biệt quan trọng nhất là khi tù nhân bị nhốt trong những khoảng không gian quá tải trong một thời gian dài. Cách bố trí nhà tắm phải không được làm tổn thương danh dự của tù nhân, ví dụ như việc bắt họ phải tắm chung.

Được sử dụng những phòng vệ sinh là điều quan trọng trong trại giam, không những để tôn trọng quyền được vệ sinh sạch sẽ và tự trọng của mỗi người mà còn giảm bớt việc lây lan những bệnh tật có thể giữa tù nhân và những nhân viên trại giam. Các phòng vệ sinh phải dễ dàng tiếp cận, sạch sẽ, đủ kín đáo để đảm bảo nhân phẩm và lòng tự trọng của tù nhân.

Nhu cầu đặc biệt về sản phẩm vệ sinh đối với phụ nữ phải đựợc xem xét và tôn trọng phẩm giá của họ.

Thức ăn và nước uống

 Một trong những nghĩa vụ chủ yếu nhất của cơ quan quản lý trại giam là cung cấp cho tất cả tù nhân thức ăn và nước uống với số lượng đủ sao cho họ không bị đói và bị bệnh do thiếu dinh dưỡng.

Chúng ta đã nói đến hai mặt của một vấn đề mà những người quản lý trại giam đôi khi phải đối mặt ở những nước mà dân chúng phải chịu đói do thiếu lương thực. Trong trường hợp này, một vài người cho rằng phải chấp nhận việc tù nhân không có được khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng vì ngay cả những người dân tôn trọng pháp luật còn đang phải chịu thiếu thốn. Có thể hiểu được lý lẽ này. Nhưng một khi tước đi tự do của một người thì có nghĩa Nhà nước phải chịu trách nhiệm về họ và đối xử với họ một cách phù hợp. Đó là nghĩa vụ tuyệt đối và không phải tranh luận.

Trong trường hợp thiếu thực phẩm, quản lý trại giam phải huy động mọi khả năng sử dụng đất có trong trại giam hoặc thuộc về trại giam để trồng trọt và cho tù nhân làm công việc này.

« Ở Malawi, cơ quan quản lý trại giam phối hợp chặt chẽ với tổ chức phi chính phủ Penal Reform International để phát triển dự án cải thiện canh tác nông nghiệp trong tù và nâng cao sản lượng. Dự án này giúp các trại giam trong nước tự chủ về lương thực, chu cấp được lương thực cho tù nhân, nhân viên trại giam cũng như gia đình họ, và đồng thời đào tạo được những người đang bị giam giữ có hiểu biết về các phương pháp canh tác nông nghiệp.”

Các bữa ăn phải được phân bổ khoảng cách đều đặn trong ngày. Ở nhiều nước, việc bữa ăn cuối cùng được phân phát vào giữa buổi chiều và cho đến sáng hôm sau không được ăn bữa nào là điều không thể chấp nhận được.

Phải có biện pháp để tù nhân đựợc ăn uống trong những điều kiện thích hợp. Cần phải cung cấp cho họ dụng cụ ăn uống cá nhân và giữ sạch sẽ. Họ không phải thường xuyên ăn trong nơi ngủ. Nếu cần thiết thì phải dự trù một nơi riêng cho các bữa ăn.

Điều cốt yếu là tù nhân thường xuyên có nước sạch. Nước uống phải được cung cấp riêng biệt với nước dùng vệ sinh.

Tập thể dục ngoài trời

 Phần đông tù nhân và nhất là bị can, bị giam hãm trong phòng gần như suốt ngày, ít được tiếp xúc với ánh sáng và khí thoáng. Như vậy, để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho họ, phải cho phép họ ra bên ngoài một khoảng thời gian thích hợp trong ngày để họ có thể đi lại hay tập thể dục.

Khoảng thời gian tối thiếu ở bên ngoài là một giờ trong một ngày. Trong khoảng thời gian này, tù nhân phải được đi lại trong khu vực đủ rộng và nếu điều kiện cho phép thì nên có cây xanh. Ở một vài nước, việc cho phép tù nhân vào một khoảng sân nhỏ có xây tường bao, thực chất là phòng không mái, trong một giờ mỗi ngày, cũng chưa đảm bảo được quyền tập thể dục ngoài trời của tù nhân.

Tất cả tù nhân có quyền tập thể lực ngoài trời, bao gồm cả những người bị cách ly hay đang chịu hình phạt.

-TÔN GIÁO-

 Quyền tự do tôn giáo và thực hiện những nghi lễ tôn giáo là một quyền phổ quát đối với cả tù nhân lẫn những người tự do. Nội quy của trại giam phải đảm bảo đưa đại diện tôn giáo vào trại giam thường xuyên để gặp gỡ tù nhân. Phải cung cấp cho tù nhân nơi chốn để họ thực hiện tôn giáo của mình. Có thể cho phép tù nhân cầu nguyện trong khoảng thời gian đặc biệt vào ban ngày hay ban đêm, làm vệ sinh hoặc mặc những trang phục theo nghi lễ đó.

 CÁC VĂN BẢN QUỐC TẾ

 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, điều 18:

 “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo và niềm tin, cũng như quyền tự do biểu hiện tôn giáo hay niềm tin của mình, một mình hoặc cùng với người khác, ở nơi công cộng hoặc ở nơi riêng, bằng thuyết giảng, thực hành, thờ cúng và làm các nghi lễ.”

Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 18 (1):

“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo ; quyền này bao gồm quyền tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo.”

Bộ qui tắc tối thiểu về việc đối xử với tù nhân:

 (1). Nếu trong trại giam, số tù nhân có cùng một tôn giáo đủ đông thì phải có một đại diện tôn giáo do bổ nhiệm hoặc qua tuyển chọn. Khi số lượng tù nhân đủ đông và khi hoàn cảnh cho phép, đại diện tôn giáo cần được dự kiến được giành toàn bộ thời gian cho công việc tôn giáo.

    (2). Sau khi đựợc bầu ra theo điều (1) người đại diện tôn giáo phải được phép tổ chức thường kỳ các lễ tôn giáo, hoặc đến thăm tù nhân cùng tôn giáo khi thấy cần thiết.

    (3). Không bao giờ được ngăn cấm bất kỳ một tù nhân nào quyền được tiếp xúc với người đại diện tôn giáo của mình. Ngược lại, nếu tù nhân từ chối gặp người đại diện tôn giáo thì phải tôn trọng thái độ này của họ.

  1. Mỗi tù nhân phải được phép, trong khuôn khổ cho phép, thoả mãn những yêu cầu về tôn giáo, tinh thần và đạo đức, bằng cách tham gia vào những hoạt động tổ chức trong trại giam hoặc được phép giữ những sách thuộc về tôn giáo của họ.

 ÁP DỤNG THỰC TẾ

 Sự tuân thủ về tôn giáo

 Việc bị mất tự do không đồng nghĩa với việc bị tước quyền làm lễ tôn giáo. Nhân viên trại giam phải làm sao để:

  • Tù nhân có thể cầu nguyện, đọc sách về tôn giáo, hoặc tôn trọng những nhu cầu khác trong tôn giáo của họ như trang phục nghi lễ hay nghi thức rửa tay, thường xuyên như tôn giáo của họ quy định.
  • Tù nhân có cùng tôn giáo phải được cùng nhau cầu nguyện vào những ngày lễ thánh.
  • Tù nhân phải được gặp người đại diện tôn giáo để cầu nguyện riêng hay theo từng nhóm.

Tất cả những tôn giáo đã được thừa nhận đều phải được tôn trọng

 Những quy định này phải được áp dụng cho tất cả những nhóm tôn giáo đã được thừa nhận và không giới hạn bởi những qui định tôn giáo của một nước, dù bất kỳ nước nào. Cần phải đặc biệt lưu tâm tới những nhu cầu tôn giáo của tù nhân thuộc dân tộc thiểu số.

Tù nhân không thuộc một nhóm tôn giáo nào, hoặc không muốn theo một tôn giáo nào, không bị bắt buộc phải theo. Tù nhân không được hưởng thêm đặc quyền hay được sống trong điều kiện tốt hơn chỉ vì gia nhập hay hành đạo theo một tôn giáo.

[1] Tổng thống Mỹ đã ký luật ngày 4/9/2003

[2] Các văn bản quốc tế về quyền con người của Liên hiệp quốc, HCR/Gen I/Rev.5,26/4/2001