QUẢN LÝ TRẠI GIAM TRÊN TINH THẦN TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI

Cẩm nang dành cho nhân viên trại giam

Andrew Coyle

Centre International d’Etudes Pénitentiaires

Trung tâm Quốc tế nghiên cứu Trại giam

Lời giới thiệu của bản dịch tiếng Việt

Việt Nam đang ngày càng quan hệ gắn bó hơn với thế giới văn minh, trong đó bảo vệ quyền con người là một trong những vấn đề nền tảng để có được sự tôn trọng quốc gia và giúp tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế. Là một thành viên của Liên hợp quốc, nhà nước Việt Nam đã tham gia vào nhiều văn kiện quốc tế để đảm bảo các quyền con người được thừa nhận và bảo vệ, như Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (Việt Nam gia nhập ngày 24/09/1982), Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Việt Nam gia nhập ngày 24/09/1982). Là những người đã trải qua tù đày, chúng tôi nhận thấy tình trạng coi thường và xâm hại quyền lợi, nhân phẩm của các tù nhân trong nhiều trại giam của Việt Nam là một vấn đề rất đáng quan tâm. Tại sao có tình trạng này? Chúng tôi nghĩ rằng nguyên nhân có thể đến từ cả hai phía: sai sót từ phía giới chức quản lý trại giam và nhận thức chưa đầy đủ của tù nhân về các quyền và việc bảo vệ quyền lợi bản thân. Vì vậy, tăng cường nhận thức đúng đắn cho cả hai phía là bước đầu tiên có tính nền tảng để có thể giảm thiểu tình trạng xâm phạm quyền lợi, nhân phẩm của tù nhân – những con người sẽ hòa nhập với xã hội.

Chúng tôi thấy cuốn cẩm nang “Quản lý trại giam trên tinh thần tôn trọng quyền con người” (Gérer les prisons dans le souci du respect des droits de l’homme)  ấn bản năm 2002 của Trung tâm quốc tế nghiên cứu trại giam (International Centre for Prison Studies, Le Centre International d’Études Pénitentiaires) có trụ sở tại 7th Floor, Melbourne House, 46 Aldwych,London WC2B 4LL, là một nguồn giá trị cho việc tăng cường hiểu biết và nhận thức đúng đắn cho cả hai đối tượng trong trại giam: nhân viên trại giam và tù nhân. Nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày ra đời Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam (27/10/2006-27/10/2008), chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí vị bản dịch tiếng Việt một số chương trong cuốn cẩm nang đó (chương 1, một phần của chương 2, chương 3, chương 4, chương 8, chương 13 và chương 16 [1]).

Trân trọng giới thiệu

Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam

E-mail : hahtncttg@gmail.com

Website : www.hahtncttg.org, www.vprpfa.org

Việt Nam, tháng 10 năm 2008

=======================

Lời cảm ơn của bản tiếng Việt:

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm quốc tế nghiên cứu trại giam (International Centre for Prison Studies, Le Centre International d’Études Pénitentiaires) đã cho phép chúng tôi dịch sang tiếng Việt, xin cảm ơn ông Rob Allen Giám đốc Trung tâm đã gợi nhiều ý kiến quí giá và chúng tôi xin ghi ơn nơi đây những tấm lòng thiện tâm đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành bản dịch này. Cuối cùng, chúng tôi mong được đón nhận và cảm ơn sự chỉ bảo của độc giả cho những sai sót có thể trong bản dịch và những góp ý cho sự hoàn thiện hơn trong tương lai.

————————————

 Chương 1- LỜI GIỚI THIỆU 

Đối tượng độc giả

Cuốn cẩm nang này mang lại sự trợ giúp cho tất cả những người liên quan tới trại giam. Các độc giả sẽ là những vị công chức cao cấp nhà nước có trách nhiệm trước quốc hội về vấn đề trại giam, các công chức trong bộ tư pháp và các bộ liên quan tới trại giam, cũng như các tổ chức liên chính phủ như Liên Hợp Quốc, Hội đồng châu Âu, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Liên hợp châu Phi, Ủy ban quốc tế chữ thập đỏ và Tổ chức y tế thế giới. Cuốn cẩm nang này hữu ích cho các tổ chức phi chính phủ, các hội đoàn xã hội dân sự quan tâm tới trại giam. Cuốn cẩm nang này cũng cần được được giới thiệu cho các tù nhân, những người đang bị giam giữ. Tuy nhiên, công chúng mục tiêu mà cuốn cẩm nang này muốn nhắm đến là những người đang làm việc trực tiếp với những người đang bị giam giữ trong trại giam, đó là những giới chức quản lý trại giam quốc gia, địa phương và đặc biệt là những người đang làm việc thực tế trong trại giam, những người tiếp xúc hàng ngày với tù nhân.

Bộ nguyên tắc rõ ràng

Các đối tượng đề cập trong cuốn cẩm nang này cho thấy tính phức tạp của công việc quản lý trại giam cũng như các năng lực rất đa dạng cần có ở người quản lý. Các vấn đề nêu lên trong cuốn cẩm nang này cho thấy có những nguyên tắc phổ quát để có thể quản lý tốt một trại giam. Tuy nhiên, sẽ không đủ nếu chỉ xem xét những vấn đề này một cách trừu tượng. Do vậy cần phải khái quát thành một bộ các nguyên tắc rõ ràng. Vì cuốn cẩm nang có mục đích có thể áp dụng vào hệ thống giam giữ của mọi quốc gia trên thế giới, do đó bộ nguyên tắc đó, với tính tham chiếu, cần phải có khả năng để có thể thực hiện ở mọi quốc gia. Các nguyên tắc đó không được xây dựng trên một cơ sở văn hóa cụ thể nào hoặc theo những tiêu chuẩn đặc thù của một vùng hay một quốc gia nào. Cuốn cẩm nang này tôn trọng những yêu cầu trên đây bằng cách lấy căn cứ từ tất cả các tiêu chuẩn phù hợp với quyền con người (nhân quyền).

Chuẩn mực quốc tế

Các chuẩn mực này đã được chấp nhận bởi cộng đồng quốc tế, thường được thông qua cơ quan trung gian là Liên Hợp Quốc. Các văn bản (công cụ) nền tảng cho quyền con người như Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị và Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa là những văn kiện có tính hiệp ước chi phối các quốc gia đã ký hoặc gia nhập. Phần lớn các văn kiện đó đều đề cập đến việc đối xử với những người bị tước mất tự do.

Ngoài ra, một số văn bản quốc tế khác còn đề cập cụ thể tới vấn đề tù nhân và điều kiện giam giữ. Các chuẩn mực chi tiết hơn được trình bày trong các nguyên tắc, qui tắc tối thiểu hoặc các chỉ thị tạo nên một bộ qui tắc bổ sung giá trị cho các nguyên tắc tổng quát trong các hiệp ước quốc tế. Sau đây là những văn kiện chính: Bộ qui tắc tối thiểu về đối xử với tù nhân (1957); Bộ nguyên tắc để bảo vệ tất cả những người bị giam giữ dưới mọi hình thức (1988); Các nguyên tắc cơ bản về đối xử với tù nhân (1990) và Bộ qui tắc tối thiểu của Liên Hợp Quốc về việc đảm bảo công lý cho những người chưa thành niên (1985). Và cũng có những văn kiện đề cập cụ thể tới các nhân viên trại giam. Sau đây là một số văn kiện chính: Luật ứng xử dành cho nhân viên thực thi pháp luật (1979); Các nguyên tắc đạo đức cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sỹ, trong việc bảo vệ sức khỏe tù nhân và những người bị giam giữ để chống lại sự tra tấn, các hành xử độc ác, phi nhân hay sỉ nhục (1982); Các nguyên tắc cơ bản cho phép sử dụng vũ lực và vũ khí nóng đối với nhân viên thực thi pháp luật (1990).

 Các chuẩn mực khu vực

 Các chuẩn mực quốc tế cũng được tăng cường thêm bởi các văn bản công cụ có tính khu vực trên cơ sở quyền con người. Sau đây là một số văn kiện của châu Âu: Công ước về bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản (1953); Công ước châu Âu về phòng tránh việc tra tấn, hình phạt hay đối xử phi nhân hay sỉ nhục (1989); Các qui tắc giam giữ châu Âu ( 1987). Ngoài ra còn có: Công ước Mỹ về quyền con người đã có hiệu lực từ năm 1978 và Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc đã có hiệu lực từ năm 1986.

Các cơ quan tư pháp của quốc gia hay khu vực cũng có tác dụng đánh giá việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Tại Mỹ có Tòa án liên Mỹ về quyền con người, ở châu Âu là Tòa án châu Âu về quyền con người.

Quan sát viên quốc tế

 Trong các quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu, việc kiểm soát sự tôn trọng các chuẩn mực về nhân quyền được thực hiện bởi Ủy ban phòng chống tra tấn và các hình phạt hoặc đối xử phi nhân hoặc sỉ nhục. Năm 1997, Ủy ban châu Phi về quyền con người và các dân tộc đã bổ nhiệm một chức danh Thanh tra đặc trách về điều kiện trại giam. Liên Hợp Quốc cũng đang tiến hành thông qua một Nghị định (tự nguyện) đối với Công ước phòng chống tra tấn. Nghị định thư này sẽ thiết lập một hệ thống thị sát thường xuyên tới những nơi giam giữ, bởi một nhóm chuyên gia quốc tế. Các cuộc thị sát sẽ được tăng cường cùng với các nhóm thanh sát nội địa và độc lập.

Tính chính đáng

Tính chính đáng của cuốn cẩm nang này có cơ sở vững chắc từ những chuẩn mực quốc tế về nhân quyền đã được thừa nhận khắp thế giới.

Kinh nghiệm thực tế

Sẽ chưa đủ, nếu như các nhân viên trại giam chỉ biết và tham chiếu tới các chuẩn mực quốc tế. Do vậy, để nhân viên trại giam áp dụng các chuẩn mực vào công việc hàng ngày, họ cần phải hiểu đúng và áp dụng các chuẩn mực đó vào thực tế. Đây chính là mục đích của cuốn cẩm nang này. Tính thiết thực của cuốn cẩm nang này cũng nằm ở kinh nghiệm thực tế của những người đã soạn ra nó. Tác giả chính của cuốn cẩm nang này đã đảm nhiệm vị trí Giám thị một trại giam trong 24 năm. Bên cạnh đó là một nhóm tư vấn quốc tế có các thành viên có nhiều kinh nghiệm trong công việc tại các trại giam khác nhau trên thế giới. Sau đây là một số thành viên tham gia vào cuốn cẩm nang này :

  • Ngài Riazuddin Ahmed, phó Tổng thanh tra các trại giam, Hyderabad, Ấn độ.
  • Ngài Richard Kuuire, cựu Tổng cục trưởng, Cục trại giam Gha-na.
  • Bà Julita Lemgruber, cựu Tổng quản lý các trại giam, bang Rio de Janeiro, Bra-xin.
  • Ngài Patrick McManus, cựu Tổng cục trưởng, Cục trại giam Kansas, Hoa Kỳ
  • Ngài Dmitry Pankratov, phó Giám đôc Học viện luật và quản lý, Bộ tư pháp, Cộng hòa liên bang Nga.

Ngoài ra, các thành viên của Trung tâm quốc tế nghiên cứu trại giam đã huy động hết những kinh nghiệm đã thu thập được trong quá trình làm việc với các đồng nghiệp tại các trại giam trên khắp thế giới thông qua các dự án liên quan đến nhân quyền và quản lý trại giam.

Quyền con người là phần không thể thiếu trong việc quản lý tốt trại giam

Trung tâm quốc tế nghiên cứu trại giam (International Centre for Prison Studies, Le Centre International d’Études Pesnitentiaires) hiện nay đang thực hiện tất cả các dự án liên quan đến quản lý trại giam trong ý thức tôn trọng quyền con người. Có hai lý do cho mục đích này của Trung tâm. Thứ nhất, đó là điều đúng đắn (về lương tâm) để thực hiện. Thứ hai, cuốn cẩm nang này chứng minh tầm quan trọng của công việc quản lý trại giam trong khuôn khổ đạo đức, khuôn khổ này đòi hỏi phải tôn trọng giá trị con người của tất cả những người liên đới tới trại giam: người tù, nhân viên trại giam và các khách viếng thăm. Ý thức đạo đức này cần phải được áp dụng phổ quát trên khắp thế giới; các văn bản công cụ quốc tế về quyền con người qui định tính phổ quát đó.

Cũng có tồn tại một sự biện hộ thực dụng hơn về một cách thức quản lý các trại giam là: Tính hiệu quả. Nhưng cách thức này không có ý nói lên sự dễ dãi hay tự ý trong việc quản lý trại giam. Các thành viên trong nhóm tư vấn và các thành viên tham gia khác khi biên soạn cuốn cẩm nang này đã làm việc trong nhiều trại giam khó khăn nhất trên thế giới. Họ đều đồng ý rằng cách thức quản lý trại giam trên ý thức tôn trọng quyền con người là phương thức hiệu quả nhất và đảm bảo nhất. Chúng tôi xin được nhắc lại rằng các thành viên của Trung tâm quốc tế nghiên cứu trại giam đã cùng đưa ra kết luận rằng các nhân viên trại giam ở nhiều nước khác nhau, từ nhiều vùng văn hóa khác nhau đều ủng hộ phương thức quản lý này. Phương thức này có khả năng dễ dàng thuyết phục nhân viên trại giam áp dụng ngay những chuẩn mực quốc tế vào công việc hàng ngày.

Phương thức này cũng nhấn mạnh việc nhận thức về quyền con người không chỉ đơn giản là việc được đưa vào chương trình đào tạo các nhân viên trại giam mà còn phải trở thành là một phần không thể thiếu trong công việc quản lý trại giam, trở thành một nguyên tắc thường trực.

Một công cụ trợ giúp

Sau đây là một số ấn phẩm khác có đề cập đến một vài vấn đề trong cuốn cẩm nang này:

  • Quyền con người và trại giam: Hướng dẫn đào tạo về quyền con người cho các nhân viên trại giam, do Văn phòng cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền xuất bản, Geneve, năm 2000.
  • Thực hành trong trại giam, hướng dẫn sử dụng tốt các qui tắc quốc tế, xuất bản (lần 2) bởi Tổ chức quốc tế về cải cách hình sự ( Penal Reform International), Londre, 2001.
  • Cẩm nang theo dõi tra tấn, University of Exxex, Anh quốc, 200.

Chúng tôi hy vọng cuốn cẩm nang này sẽ mang lại hữu ích cùng với các cuốn sách vừa kể và các ấn phẩm tương tự trong việc xây dựng một phương thức quản lý tốt các trại giam.

Mặc dù chúng tôi đã hết sức cố gắng trong khi biên soạn, nhưng sẽ không thể hoàn hảo khi đề cập đến một lĩnh vực phức tạp như trại giam. Chúng tôi buộc phải chọn cách để có thể xác định được các nguyên tắc đặc trưng cho việc quản lý trại giam. Chúng tôi cũng nhận thấy còn nhiều vấn đề liên quan đến trại giam chưa được đề cập trong cuốn cẩm nang này. Trung tâm quốc tế nghiên cứu trại giam (International Centre for Prison Studies, Le Centre International d’Études Pesnitentiaires mong muốn nhận được những ý kiến phê phán và gợi ý từ độc giả cho những lần xuất bản tới đây.

Ghi chú về thuật ngữ

Trại giam, nhà tù

Trong một số hệ thống tư pháp, có nhiều từ khác nhau để phân biệt rõ nơi giam giữ những người đang chịu biện pháp ngăn chặn, nơi giam giữ những người đã bị kết án và nơi giam những người đang phải chịu những biện pháp an ninh. Ví dụ ở Mỹ, nơi giam những người đang chờ các thủ tục ra tòa án ở mức độ thấp hoặc là những người đã bị kết án với hình phạt tù ngắn hạn thì được gọi là “Jail” (prison, trại giam, trại giam), còn nơi giam giữ những người bị kết án tù khác thì thường được gọi là “Correctional institution” (cơ sở cải tạo, chỉnh sửa). Ở Cộng hòa liên bang Nga lại chỉ có 15 cơ sở gọi là trại giam (trại giam) do thuật ngữ này chỉ nói đến các cơ sở giam giữ có mức độ an ninh cao nhất, còn các cơ sở giam giữ khác thì được gọi là “colonies pénales” (đặc khu hình sự).

Người bị giam giữ, tù nhân

Có rất nhiều thuật ngữ để chỉ những người bị giam giữ. Những người đang chờ thủ tục ra tòa án có thể được gọi là “người bị ngăn chặn” (Prévenus) hoặc “người bị tạm giam” (en détention provisoire).

Trong cuốn cẩm nang này thuật ngữ “prison” được sử dụng để chỉ tất cả những nơi giam giữ người và từ “ detenu” để chỉ tất cả những người bị giam ở những cơ sở như thế.

Phần trình bày trong cuốn cẩm nang sẽ làm rõ những ngữ cảnh cho các thuật ngữ được sử dụng.[1]

[1] Tương tự, chúng tôi thống nhất sử dụng từ “ tù nhân” và từ  “trại giam” cho bản dịch tiếng Việt (ND).