Cảnh sát Anh bị chỉ trích vì thất bại trong việc giúp đỡ những người bị ép trồng cần sa

Ủy viên độc lập chống nô lệ kêu gọi lực lượng cảnh sát nhắm vào các băng nhóm tội phạm buôn thiếu niên Việt Nam sang Anh

Amelia Gentleman, The Guardian, ngày 26 tháng 3 năm 2017

(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Ông Kevin Hyland, một ủy viên độc lập chống lao động cưỡng ép của Anh, đã chỉ trích lực lượng cảnh sát vì đã không giải quyết vấn đề thiếu niên Việt Nam băng nhóm tội phạm buôn người bắt làm nô lệ trong các trang trại cần sa bất hợp pháp ở Anh quốc.

Cảnh sát Anh thiếu quyết tâm và sự khẩn thiết trong việc đối phó với tội ác này, ông nói. Ông mô tả hệ thống thu thập thông tin được thiết kế để giải quyết vấn đề nô lệ hiện đại này và các phương thức cưỡng bức lao động khác như là “mớ hỗn độn”.

Các trang trại cần sa được phát hiện hàng tuần, nhưng khi xác định được chúng, cảnh sát không “điều tra đúng mức,” ông nói. Các lực lượng cảnh sát đã “thúc đẩy điều tra với sự cấp bách mà tôi mong đợi”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. Mặc dù thực tế Việt Nam luôn là một trong những quốc gia cung cấp lao động nô lệ bất hợp pháp tại Vương quốc Anh, nhưng chưa bao giờ truy tố một tên buôn người từ Việt Nam, ông Hyland nói.

Trong thập kỷ qua, cảnh sát đã trở nên ngày càng nhận thức được con đường buôn người từ Việt Nam, đưa hàng trăm người đàn ông và phụ nữ trẻ Việt Nam dễ bị tổn thương đến Anh mỗi năm. Trong khi phụ nữ và trẻ em gái bị đưa đến làm việc trong các quán bar hoặc trong ngành công nghiệp tình dục, nam thanh niên và nam giới buộc phải trở thành những người làm vườn trong các trang trại nhỏ và bí mật trồng cây cần sa, thường được xây dựng ở những ngôi nhà ngoại ô.

Tờ báo The Guardian đã phỏng vấn một số cậu bé thiếu niên từ Việt Nam bị ép trồng cần sa. Họ đã mô tả việc bị nhốt hàng tuần trong những căn nhà và bị buộc trồng cần sa, và được cung cấp thức ăn không thường xuyên. Họ tiết lộ bạo lực của bọn buôn người và các băng nhóm tham gia vào việc sản xuất ma túy, và sự thất bại của các quan chức Anh trong việc nhận ra rằng họ là nạn nhân của nạn buôn người. Nhiều người vẫn còn ở trong tù.

David Cameron đưa ra vấn đề này khi ông viếng thăm Việt Nam vào năm 2015, nhưng các nhà điều tra Anh vẫn thất bại trong việc trấn áp các mạng lưới buôn người. “Thật đáng thất vọng. Chúng tôi muốn thấy nhiều nạn nhân được hỗ trợ và xác định, nhưng tôi cũng muốn thấy nhiều người bị truy tố và tống giam”, Hyland nói.

Thông thường khi các trang trại cần sa bị lục soát, những người sống ở đó để chăm sóc cây cối, bị bắt. Khi cảnh sát nhận ra rằng họ là nạn nhân của nạn buôn người, các vụ truy tố bị hủy bỏ, nhưng thường thì họ được đưa đến các trung tâm giam giữ vì nhập cư bất hợp pháp. Những người làm vườn dưới tuổi vị thành niên được đưa vào hệ thống chăm sóc nhưng thường bị mất tích và quay trở lại với những kẻ buôn người.

Hyland nói rằng cảnh sát không có đủ thông tin tình báo khi thực hiện việc khám xét các trang trại cần sa. Ông nói thêm: “Thật dễ dàng để tuy tố người trồng cần sa”, ông cho biết thêm rằng cảnh sát không gắng sức để điều tra tìm kiếm những kẻ đứng đầu trong chuỗi sản xuất cần sa. Khi một nạn nhân của nạn buôn người được xác định bởi cảnh sát, họ được đăng ký với Cơ quan Quốc gia về Tội phạm nhằm đảm bảo họ nhận được sự hỗ trợ thích hợp. Nhưng Hyland nói cảnh sát đã không sử dụng nó như một công cụ điều tra. Ông nói: “Kho dữ liệu tình báo giàu có đó từ những nạn nhân không được sử dụng và thường bị coi là không liên quan. “Nói một cách đơn giản, đó là một mớ hỗn độn.”

Người Pháp đã không thành công trong việc đóng cửa một trại do những kẻ buôn người làm chủ trong một mỏ than không sử dụng ở miền bắc nước Pháp, nơi mà trẻ em và người lớn Việt Nam đang chờ đợi để nhập lậu vào Anh, theo Mini Vũ thuộc tổ chức chống nạn buôn người Pacific Links. Cô đã đến thăm trại vào tháng 12 và nhìn thấy khoảng 100 người đang ngủ gật, phần lớn trong số họ ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn.

“Trại này ở vị trí bí mật. Những người ở đây đứng lộn xộn quanh các thùng dầu và sử dụng lửa để giữ ấm. Có một số người trẻ hơn, khoảng 15 tuổi, những người mà tôi cảm thấy rất lo lắng”, cô nói. Cô nói cô hy vọng sẽ khởi động một chương trình giáo dục tại Việt Nam để nói về những rủi ro khi đến Vương quốc Anh.

Cần sa trồng bởi lao động nô lệ Việt Nam chiếm một tỷ lệ đáng kể trong ngành công nghiệp bất hợp pháp này ở Anh, mặc dù đa số những người bị bắt là những người đàn ông da trắng Anh. Báo cáo của Hội đồng Cảnh sát trưởng mới nhất về cây cần sa ghi nhận: “Các báo cáo cho thấy xu hướng mới của các nhóm tội phạm có tổ chức của người da trắng ở Anh là sử dụng công dân Việt Nam, những người bị buộc phải làm việc này”.

Hyland cho biết cần phải có nhận thức cao hơn về các điều kiện trong việc trồng cần sa ở Anh. “Hầu hết những người đang sử dụng cần sa có thể biết rằng họ đang tài trợ một số tội ác, nhưng họ có biết những người gánh chịu đau khổ trong vụ việc này? Người ta cần suy nghĩ cẩn thận rằng mặc dù nó có thể được xem như là một loại thuốc giải trí, nhưng đằng sau đó có thể là buôn bán người và ép buộc trẻ em lao động trong các trang trại cần sa,” ông nói.

Chloe Setter, người đứng đầu chính sách của tổ chức từ thiện chống buôn bán trẻ em ECPAT UK cho biết: “Thật khó để miêu tả được cuộc sống bị tổn thương như thế nào đối với trẻ em bị bóc lột vì trồng cần sa. Về cơ bản, nó đánh cắp thời thơ ấu của các em và có thể có một tác động tàn phá đối với tương lai của chúng. Trẻ em bị đưa đi khắp thế giới và giấu trong những khu nhà không an toàn trên khắp nước Anh bởi các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Tình hình càng ngày càng trầm trọng hơn bởi chính quyền Anh thường xuyên không coi họ là nạn nhân”.

 

UK police criticized for failure to help enslaved cannabis farmers