Trump bỏ chương trình nghị sự về nhân quyền

Michael Posner, The New Yorker, ngày 26/5/2017

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Trong bốn tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã làm rung chuyển nền tảng dân chủ Mỹ  trong nước và từ bỏ cam kết mạnh mẽ về nhân quyền. Dường như quên lãng di sản của Ronald Reagan, người trong bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của ông cam kết rằng Mỹ sẽ “là gương mẫu của tự do và là một ngọn hải đăng hy vọng” cho các nhóm người bị áp bức trên toàn thế giới.

Trump có vẻ thờ ơ và đôi lúc khinh thường với những cam kết toàn cầu có từ lâu đời đó. Ông tránh đề cập công khai đến nhân quyền, như ông đã làm vào Chủ nhật, tại Riyadh, nơi ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Ảrập và Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới. “Chúng tôi không ở đây để giảng bài,” ông ta nói. “Chúng tôi không có mặt ở đây để nói người khác phải làm thế nào để sống, phải làm gì, trở thành ai, hoặc làm thế nào để thờ phượng. Thay vào đó, chúng tôi ở đây để tìm kiếm sự hợp tác dựa trên những lợi ích và giá trị chung – để theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.”

Nhưng Trump đã hình thành một thói quen ôm lấy những người chống lại các giá trị của chúng ta. Ông đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Tôi tôn trọng ông ấy”, Trump nói với Bill O’Reilly, vào tháng Hai. “Nhưng ông ta là kẻ giết người,” O’Reilly nói. “Có rất nhiều kẻ giết người,” Trump trả lời. “Chúng ta có rất nhiều kẻ giết người. Ông nghĩ đất nước chúng ta vô tội sao?

Vào đầu tháng 4, tại Nhà Trắng, Trump nồng nhiệt chào đón Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, một nhà lãnh đạo đã giam cầm hàng chục ngàn đối thủ chính trị của mình, đã tàn phá cộng đồng nhân quyền và phá hoại nghiêm trọng các thể chế dân chủ của Ai Cập. Trong cuộc gặp mặt tại phòng bầu dục, Trump hăng hái đón nhận Sisi, gọi ông này là “người nào đó đã rất gần tôi từ lần đầu tiên gặp nhau.”

Vào cuối tháng 4, Trump đã gặp gỡ Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo của Philippines, người đã viện đến việc tiêu diệt người Do Thái của Hitler như là một mô hình làm thế nào ông ta muốn chống lại những người buôn bán ma túy và những người nghiện ma túy. Trong cuộc gặp mà những nhân viên Nhà Trắng gọi là “cuộc trò chuyện rất thân thiện”, Trump chúc mừng Duterte đã làm “công việc không thể tin được về vấn đề ma túy” và mời ông này đến thăm Hoa Kỳ.

Và tháng trước, Trump đã gọi điện cho Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ, chúc mừng ông này đã giành được một cuộc trưng cầu dân ý nhiều tranh cãi, một chiến thắng sẽ củng cố chế độ độc tài của ông và làm xói mòn thêm các định chế dân chủ của đất nước. Kể từ một nỗ lực đảo chánh thất bại vào tháng 7 năm ngoái, Erdoğan đã sa thải các nhà nghiên cứu và hàng ngàn thẩm phán và các viên chức chính phủ khác. Đầu tháng này, Trump chào đón Erdoğan tới Nhà Trắng – một cuộc viếng thăm đã bị đánh dấu bởi một cuộc tấn công vào những người biểu tình hòa bình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ bởi các nhân viên an ninh của ông này.

Theo đà này, Trump đã đưa ra thông điệp về chính sách ngoại giao đầu tiên của mình tới các nhà lãnh đạo chính phủ từ thế giới Ả Rập và Hồi giáo, kêu gọi “chủ nghĩa hiện thực nguyên tắc, bắt nguồn từ các giá trị chung, chia sẻ lợi ích và ý thức chung”. Điều đó có nghĩa là Tổng thống nói về các mối quan tâm chung trong an ninh khu vực, chống khủng bố và thách thức những cuộc viễn chinh của Iran ở Syria và Iraq và sự ủng hộ của họ đối với Hezbollah. Nhưng giá trị chia sẻ? Theo Freedom House, Ả-rập Xê-út là quốc gia xếp thứ 11 trên thế giới về hạn chế: nơi mà tự do ngôn luận, tự do hội họp và hiệp hội là một giấc mơ xa vời; Sự khoan dung tôn giáo là không tồn tại; Và phân biệt đối xử về giới là phổ biến.

Phần lớn bài phát biểu của Trump là một lời kêu gọi để cô lập và làm suy yếu IS và các nhóm cực đoan bạo động khác bằng cách từ chối hỗ trợ tài chính cho chúng. “Chúng ta phải không cho chúng tiếp cận các quỹ,” ông kêu gọi, không thừa nhận, ngay cả một cách ngầm định, rằng Saudis đã gom hàng chục tỷ đô la trong những năm gần đây để hỗ trợ cho sự truyền bá của Wahhabism, một dòng nghiêm ngặt của đạo Hồi, bảo lãnh việc mở hàng ngàn trường học tôn giáo và nhà thờ Hồi giáo trên khắp thế giới Hồi giáo Ả rập. Một số tổ chức này đã phục vụ như là nơi tuyển dụng những kẻ khủng bố cực đoan.

Điều có thể gây phiền toái nhất là sự thiếu hiểu biết của Tổng thống về những nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan bạo lực gây ra bạo lực ở Trung Đông và Nam Á trong nhiều thập kỷ qua, ít hơn là sự sẵn sàng đối đầu với chúng. Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ vào thời điểm đó, viết năm ngoái rằng “Chủ nghĩa cực đoan bạo lực có khuynh hướng phát triển trong một môi trường có đặc điểm là quản trị kém, thiếu hụt dân chủ, tham nhũng và văn hoá không trừng phạt những hành vi bất hợp pháp của Nhà nước hoặc các nhân viên của nó.” Elliott Abrams, một quan chức cao cấp trong Chính quyền George W. Bush đã nêu ra vấn đề này trong một phản ứng trước bài phát biểu của ông Trump ở Ả-rập Xê-út, nói rằng” Cách tiếp cận của Tổng thống sẽ có hiệu quả nếu những kẻ khủng bố đến từ vũ trụ và nhiệm vụ của chúng ta chỉ là để tổ chức chống lại chúng về mặt quân sự. Đó chắc chắn là một phần của nhiệm vụ – nhưng đó không phải là tất cả, bởi vì chúng đến từ trong các xã hội mà các nhà lãnh đạo ông đang nói với. Ông không đưa ra lời giải thích gì về hiện tượng này. ”

Trump giả định rằng chính sách đối ngoại giảm xuống thành an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế và mọi thứ khác, đặc biệt là vấn đề nhân quyền và dân chủ, là một sự phân tán. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với nhân viên Bộ Ngoại giao rằng theo đuổi các vấn đề như vậy “thực sự tạo ra những trở ngại” trong việc đạt được điều tốt nhất cho nước Mỹ. Quan điểm thế giới hai chiều này được thể hiện rõ ràng ở Riyadh, khi Trump từ chối, cho dù bằng cách suy luận, thách thức các nhà lãnh đạo Hồi giáo về các hồ sơ nhân quyền ảm đạm của họ, hoặc chỉ ra mối liên hệ giữa những thất bại của họ và chủ nghĩa cực đoan bạo lực lan rộng trong khu vực. Trump đúng ở điểm rằng các lợi ích chiến lược và kinh tế của Hoa Kỳ rất quan trọng, và đôi khi chính yếu, và chính phủ thường cần liên kết với các quốc gia độc tài để bảo vệ các lợi ích này, tuy nhiên, bỏ qua quyền con người, chính quyền của ông bỏ lỡ cơ hội quý giá để đạt được những lợi ích đó.

Điều mà cả Trump và Tillerson đều không nhìn thấy là sự ủng hộ lưỡng đảng đối với nhân quyền trong bốn thập kỷ vừa qua đã không phải từ một sự ngây thơ mà là từ sự thừa nhận thực tế của các nhà lãnh đạo chính trị của tất cả các chính đảng rằng các chính phủ dân chủ, tôn trọng quyền đã và là đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Khi quân đội Mỹ tìm cách xây dựng các liên minh quân sự ở Afghanistan, các quốc gia đồng hành là Anh, Đức, Canada và Úc. Khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ thu thập và chia sẻ những thông tin nhạy cảm nhất ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thì chia sẻ với Anh, Canada, Úc và New Zealand, gọi là “năm mắt”. Nhiều nước trong số này cũng là những đồng minh chính trị đáng tin cậy nhất của chúng ta và là các đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta. Khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng do Ebola gây ra ở Tây Phi, các đối tác thân thiết của chúng ta trong việc cung cấp tài chính và chuyên môn, là Pháp và Anh. Và khi Mỹ muốn thúc đẩy các lợi ích chính trị của mình tại Liên hợp quốc, hoặc để lập kế hoạch cho tương lai kinh tế của mình và xây dựng kế hoạch cho nền kinh tế toàn cầu vào thế kỷ 21, thì nhóm nước này cũng là là những nước đầu tiên được tham vấn. Thay vì từ bỏ chính sách nhân quyền đã mang lại những lợi ích quốc gia của chúng ta trong bốn mươi năm qua, đây là thời điểm để tăng gấp đôi.

Trump Abandons the Human-Rights Agenda