Dân căng lều phản đối công ty xả thải

Công ty TNHH Pacific Crystal ở tỉnh Hải Dương.

RFA, 25-07-2017

Tháng Hai vừa rồi Đài Á Châu Tự Do chúng tôi có loan tin về việc người dân ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương phàn nàn về công ty dệt may Pacific Crystal ở địa phương xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiếng ồn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nơi đây. Tin chúng tôi mới nhận được cho biết hiện nay tình trạng này vẫn tiếp tục và người dân đã mắc lều trước cửa để phản đối công ty này hoạt động.

Dân căng lều phản đối

Bà Tân năm nay đã ngoài năm mươi tuổi. Cả cuộc đời bà gắn bó với vùng quê nghèo xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên bà nói với chúng tôi rằng quê hương nơi bà sinh ra và lớn lên ấy bây giờ không còn bình yên như trước nữa kể từ khi công ty Pacific Crystal kéo về dựng nhà xưởng ở địa phương gây ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống của bà con. Bà Tân cho biết cách đây hơn 3 tháng, hàng trăm người dân địa phương đã dựng lều trước cổng công ty này để phản đối:

Nhân dân dựng lều ở cổng công ty không cho nó làm nữa vì nó cứ xả thải ra, phạt hai lần rồi nhưng vẫn tiếp tục xả thải ra. Dân chặn ở cổng công ty không cho làm 3 tháng rưỡi rồi. Từ hôm nay (21/7), huyện nó đe dỡ lều của bọn cô. Nó về đọc trên loa là tháo gỡ lều để cho nhà máy hoạt động nhưng dân không nghe.

“Huyện nó đe dỡ lều của bọn cô. Nó về đọc trên loa là tháo gỡ lều để cho nhà máy hoạt động nhưng dân không nghe”.
– Bà Tân

Hồi tháng Hai vừa rồi chúng tôi cũng đã nói chuyện với người dân xã Lai Vu và được họ cho biết là công ty Pacific Crystal xả thải gây ô nhiễm nặng nề con sông Rạng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các đại phương quanh con sông này. Ngoài ra người dân cũng phản ánh là khí thải từ công ty này làm bầu không khí lúc nào cũng nặng mùi khét rất khó chịu.

Một người dân khác ở Lai Vu là bà Nhị nói với chúng tôi rằng tình hình hiện tại không những không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn trước:

Nước thối và các con vật như cá, cua, tôm ở đó đều chết, nổi lên. Không khí thì mùi nặng kinh lắm, cứ tầm tối tối mà ra đó thì thấy các cây cỏ ở trên mặt đê gần chỗ nhà máy cứ lăn tăn lăn tăn, nhìn như sóng! Kinh lắm!

Cả hai người dân chúng tôi được tiếp xúc đều nói rằng họ thấy chính quyền huyện và tỉnh không thực sự quan tâm giải quyết vấn đề cho người dân mà chỉ mong thuyết phục người dân cho công ty hoạt động lại. Ngoài ra, bà Nhị cho chúng tôi thêm thông tin như sau:

Ở tỉnh vẫn bảo là dân không được giữ chúng nó nữa, phải để cho chúng nó làm 50% công suất. Nhưng chúng cô bảo là người dân chúng tao ngu lắm không biết gì hết, chúng mày cứ bảo làm 50% nhưng hoạt động hết công suất thì chúng tao cũng không biết.

onhiemhaiduong
Đường ống xả thải của Công ty Pacific Crystal đang được xử lý khắc phục. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn

 

Những người địa phương này cũng bày tỏ bức xúc vì theo họ nguồn nước, không khí bị ô nhiễm khiến tỷ lệ ung thư đặc biệt là ung thư phổi của người dân ngày càng cao, một số gia đình có đến 3,4 người bị ung thư. Bà Nhị kể cho chúng tôi biết rằng trước đó công ty này từng thuê 3 người dân dọn bể hóa chất, trả công 2 triệu đồng/giờ. Sau khi vào bể để dọn, một người thấy quá chóng mặt nên bỏ về và hiện tại cơ thể còi cọc ốm yếu. Còn hai người ở lại dọn sạch bể thì hiện cả hai đều qua đời.

Trước đó báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương về kết quả phân tích mẫu nước xả thải của Công ty Pacific cho thấy có 5/10 thông số vượt quy chuẩn, trong đó có những thông số vượt đến hơn 30 lần.

Chưa xử lý được!

Hãng Reuters ngày 21/7 vừa qua cũng trích thông tin trên website của chính quyền địa phương Hải Dương hồi tháng Hai năm nay rằng Pacific Crystal đã nộp phạt 672 triệu đồng, tương đương 30.000 đô la, từ tháng Mười Hai năm ngoái vì gây ô nhiễm nguồn nước với những hóa chất độc hại khiến nước có mùi rất gắt. Công ty này còn phải cam kết khắc phục hậu quả ô nhiễm môi sinh đã gây ra.

Tuy nhiên người dân nói với chúng tôi là họ muốn công ty phải đóng cửa chứ không chỉ bồi thường là xong.

RFA đã liên hệ với ông Bùi Đỗ Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Vu và được ông xác nhận tình trạng người dân căng lều chặn công nhân tới nhà máy làm việc và nói rằng hiện cơ quan chức năng đang cố gắng giải quyết vấn đề:

Để nhân dân giảm bớt bức xúc và có những biểu hiện thế này thế khác, hiện nay từ tỉnh, huyện đang họp bàn giải quyết chỗ nhân dân bức xúc như hiện nay.

Ông Đạt cũng nói với chúng tôi rằng tình trạng ô nhiễm tại địa phương do công ty Pacific Crystal xả thải là có thật:

Nói cho cùng thì cũng có những biểu hiện sự cố của nhà máy gây ra ô nhiễm thì đương nhiên phải là chủ thể của công ty. Bà con cũng phát hiện được và đã thông báo cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng đến bây giờ vẫn chưa xử lý được.

Về vấn đề bồi thường, Phó Chủ tịch xã Lai Vu chia sẻ những khó khăn như sau:

Thực ra mà nói thì đền bù phải có cụ thể về ông A, ông B, tài sản nọ kia. Nhưng đây nó lại là môi trường nước chung ở khu vực đó hoặc nó thải ra ngoài sông thôi chứ bây giờ không có chủ thể bị thiệt hại do ô nhiễm nên người ta không thể căn cứ vào đâu để bồi thường được. Người ta chỉ xử lý tội gây ô nhiễm môi trường với các cơ quan chức năng thôi chứ địa phương không có thẩm quyền xử lý đó.

“Bà con cũng phát hiện được và đã thông báo cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng đến bây giờ vẫn chưa xử lý được”
– Phó Chủ tịch xã Lai Vu

Cũng trong bài báo loan đi hôm 21/7, Reuters cho biết đã liên hệ với giám đốc Eugene Cheng của công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Crystal. Ông này cho biết công ty đã nộp phạt và đã nhận lãnh trách nhiệm khắc phục hậu quả nhưng vẫn không hiểu tại sao dân làng vẫn muốn công ty phải đóng cửa khi mà bà con họ hàng của họ vẫn đang làm việc cho công ty.

Đáp lại email của RFA hỏi về các giải pháp để thắt chặt nạn xả thải bừa bãi của các doanh nghiệp, Tiến sĩ Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi cho biết:

Việc cần làm quan trong nhất là làm thế nào để có được những con người thực sự làm việc trong một thể chế lành mạnh hơn. Còn nói theo chủ trương chung thì là “cần phải xử phạt nghiêm minh và phạt nặng để ai muốn xả thải sẽ phải biết sợ để không dám xả thải nữa và phải nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế trong khuôn khổ bảo vệ môi trường”

Có thông tin Bộ Tài nguyên & Môi trường đã/đang phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm 100% việc giám sát tuân thủ về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và cán bộ địa phương đang than trời. Vậy thì chắc chỉ có trời mới biết làm thế nào!

Số liệu từ Bộ Y Tế và Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, Việt Nam công bố hồi tháng 6 cho thấy có 9.000 người chết vì nguồn nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém, và 100,000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Pacific Crystal là công ty vốn nước ngoài có tổng đầu tư 180 triệu đô la, liên doanh giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Pacific Holdings với tập đoàn may mặc Crystal của Hong Kong, khởi sự hoạt động từ 2015 ở Hải Dương, chuyên sản xuất và cung cấp hàng cho một số công ty hàng hiệu trên thế giới, trong đó có tập đoàn bán lẻ UNIQLO của Nhật.