Hành động khẩn cấp: Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển bị mất tích có nguy cơ bị tra tấn

Ân xá Quốc tế, ngày 22/8/2017

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyết được nhìn thấy lần cuối vào ngày 30/7/2017 sau khi ông đưa vợ đến văn phòng làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước đã nói rằng ông đã bị chính quyền bắt giữ, hơn ba tuần sau đó vợ ông vẫn chưa nhận được văn bản xác nhận chính thức từ cơ quan công an về cáo buộc đối với ông hoặc thông tin nơi giam giữ ông. Ông có có nguy cơ bị tra tấn hoặc ngược đãi khác và không có các điều kiện y tế để điều trị bệnh.

Nơi giam giữ Nguyễn Bắc Truyển vẫn chưa được biết đến kể từ khi ông bị mất tích vào ngày 30/7/2017. Theo phương tiện truyền thông nhà nước, ông bị bắt với cáo buộc “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Hành vi phạm tội này nằm dưới phần “an ninh quốc gia” của Bộ luật Hình sự, quy định một hình phạt tối đa là án tù chung thân hoặc tử hình.

Cũng trong ngày Nguyễn Bắc Truyển bị mất tích, ba nhà hoạt động khác đã chính thức bị bắt giữ với sự có mặt của một hoặc nhiều thành viên trong gia đình. Các gia đình của những nhà hoạt động này đã được thông báo bằng miệng hoặc bằng văn bản rằng những người này đang bị giam ở Trại giam B14 ở Hà Nội. Mặc dù đã yêu cầu cảnh sát thông báo, gia đình của Nguyễn Bắc Truyển đã không nhận được sự xác nhận tương tự về nơi giam giữ ông và họ sợ về sự an toàn của ông. Nguyễn Bắc Truyển mắc chứng bệnh tim và đường ruột, và bệnh có thể xấu đi nếu không được cung cấp thuốc men mà ông cần.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, một tôn giáo truyền thống ít tín đồ tập trung chủ yếu ở miền Nam Việt Nam. Ông bị bắt vào năm 2006 và bị giam trong ba năm rưỡi sau khi bị kết tội “tuyên truyền chống Nhà nước” vì đã cung cấp tư vấn pháp lý cho nhiều nạn nhân bị mất đất. Ngày 24/2/2014, Nguyễn Bắc Truyển và vợ của ông ta bị  lôi ra khỏi xe taxi bởi những người đàn ông mặc đồng phục và bị đánh đập nặng khi họ trên đường đến Đại sứ quán Australia tại Hà Nội để thảo luận về hành động quấy rối mà họ đã phải đối mặt với công an ở tỉnh Đồng Tháp trước đám cưới của họ. Vợ ông cho biết có bốn vụ tấn công nhằm vào ông hoặc cả hai vợ chồng trong năm 2015 và 2016 bởi những người đàn ông mặc đồng phục.

Hãy viết ngay bằng tiếng Việt, Anh, hoặc ngôn ngữ của chính bạn để kêu gọi chính quyền Việt Nam:

 Công bố ngay lập tức địa điểm giam giữ Nguyễn Bắc Truyển;

 Trả tự do cho Nguyễn Bắc Truyển ngay lập tức và vô điều kiện nếu ông đang bị nhà nước giam giữ, vì dường như ông đã bị tước quyền tự do của mình chỉ vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội ôn hoà;

 Trong thời gian chờ  được phóng thích, đảm bảo rằng Nguyễn Bắc Truyên không bị tra tấn và ngược đãi khác và được phép tiếp cận gia đình, luật sư do mình lựa chọn, và chăm sóc y tế đầy đủ.

Xin gửi khiếu nại trước ngày 03/10/2017 đến:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Văn phòng Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, Việt Nam

Email: nguoiphatngonchinhphu@chinhphu.vn

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

44 Yết Kiêu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Fax: 844 3823 1872

và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Bộ Ngoại giao

1 Tôn Thất Đảm,

Quận Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Fax: 844 3823 1872

Email: ttll.mfa@mofa.gov.vn

Đồng thời gửi bản sao cho các đại diện ngoại giao được công nhận tại nước bạn.

Thông tin bổ sung:

Trước khi bị bắt, Nguyễn Bắc Truyển làm việc cho một nhà thờ Cơ đốc giáo tại thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ một chương trình từ thiện hỗ trợ các cựu chiến binh. Ông đã theo dõi và báo cáo về hành động quấy rối các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam và trong năm 2014 ông đã gặp với Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hoặc niềm tin trong chuyến thăm Việt Nam. Ông cũng cung cấp tư vấn pháp lý cho các nạn nhân của thu hồi đất và sách nhiễu của cảnh sát, và hỗ trợ gia đình các tù nhân lương tâm.

Ba nhà hoạt động khác bị bắt cùng ngày với Nguyễn Bắc Truyên là Phạm Văn Trội, 45 tuổi, từ Hà Nội; Trương Minh Đức, 57 tuổi, từ thành phố Hồ Chí Minh; và Nguyễn Trung Tôn, 45 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hoá. Cả ba đã từng bị giam giữ vì các hoạt động ôn hoà của họ (xem https://www.amnesty.org/en/documents/asa41/6855/2017/en/). Một cá nhân thứ năm, Nguyễn Trung Trực, bị bắt vào ngày 4/8/2017. Theo các phương tiện truyền thông của nhà nước, cả năm người đàn ông đều có liên quan đến luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người bị bắt tại Hà Nội vào ngày 16 tháng 12 năm 2015 và cùng với đồng nghiệp Lê Thu Hà, cũng bị cáo buộc vi phạm theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự (xem ASA 41/3098/2015).

Mặc dù Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo chính thức được công nhận ở Việt Nam, về lịch sử đã có sự mâu thuẫn giữa những người theo đạo này và Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cá nhân và gia đình chọn thực hành tôn giáo độc lập với các tôn giáo được nhà nước cấp phép thường bị quấy rối từ chính quyền.

Nguyễn Bắc Truyên là cựu tù nhân lương tâm. Ông bị bắt vào tháng 11 năm 2006 và bị cầm tù trong ba năm rưỡi sau khi bị kết tội ” tuyên truyền chống Nhà nước.” Theo vợ ông, bà Bùi Thị Kim Phương, ông bị buộc tội cung cấp thông tin không chính xác cho các nạn nhân của thu hồi đất, và do đó đã làm cho họ phản đối lại việc thu hồi đất của chính phủ. Nguyễn Bắc Truyển đã được trả tự do vào tháng 5 năm 2010 nhưng bị giam lại vào ngày 9/2/2014 khi cảnh sát đã đột kích nhà của Bùi Thị Kim Phương, vị hôn thê của ông lúc đó, ở tỉnh Đồng Tháp trước ngày đám cưới dự kiến. Ông bị buộc tội trộm tiền và tài sản nhưng đã được trả tự do sau 24 giờ. Các cáo buộc và điều tra sau đó đã bị hủy bỏ vì thiếu bằng chứng, tuy nhiên cảnh sát mặc đồng phục và mặc thường phục vẫn tiếp tục đe dọa và quấy rối cặp vợ chồng và gia đình họ trong nhiều tháng, bao gồm theo dõi họ, ném rác vào nhà và cắt nguồn nước.

Việt Nam đang tiến hành chiến dịch trấn áp người bảo vệ nhân quyền, dẫn đến việc bắt giữ độc đoán ít nhất 15 nhà hoạt động và người chỉ trích chính phủ kể từ tháng 1 năm 2017. Tù nhân lương tâm thường bị giam giữ trong thời gian dài, biệt giam trong phòng kín. Việc biệt giam có thể tạo điều kiện cho việc tra tấn và các hành động tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và khi kéo dài, chính bản thân nó có thể bị coi như thế. Ngoài ra, quyền liên lạc kịp thời với luật sư và chuẩn bị biện hộ, một phần thiết yếu của quyền được xét xử công bằng, bị từ chối. Cả hai việc cấm tra tấn và ngược đãi khác và quyền được xét xử công bằng được quy định trong các công ước mà Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, có nghĩa vụ tuân theo pháp luật, bao gồm Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước Quốc tế về chống tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục khác.

Điều kiện nhà tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, thiếu lương thực và chăm sóc sức khoẻ, thiếu các yêu cầu tối thiểu quy định trong các tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về Đối xử với Tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela) và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Nhiều tù nhân lương tâm đã bị biệt giam như là một hình phạt trong thời gian kéo dài. Để biết thêm thông tin, xem báo cáo của Ân xá Quốc tế, ban hành vào tháng 7 năm 2016: “Nhà tù trong nhà tù: tra tấn và ngược đãi tù nhân lương tâm ở Việt Nam”, https://www.amnesty.org/en/documents/asa41/4187 / 2016 / en /.

nguồn: Viet Nam: Missing human rights defender at risk of torture: Nguyễn Bắc Truyển