Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 35 từ ngày 21 đến ngày 27/8/2017: Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị cáo buộc theo Điều 79 và 88

Người Bảo vệ Nhân quyền | ngày 27/8/2017

Nhà chức trách Việt Nam cho biết luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài sẽ bị điều tra về hai cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 và “lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự (BLHS). Tội danh thứ nhất có mức án cao nhất là 20 năm tù còn tội danh thứ hai có mức án là chung thân hoặc tử hình.

Thời hạn giam giữ luật sư Đài sẽ kéo dài thêm nhiều nhất là 20 tháng và anh sẽ không được gặp luật sư, một thực hành áp dụng trong các vụ án chính trị.

Cộng sự của luật sư Đài, cô Lê Thị Thu Hà, cũng bị cáo buộc tương tự.

Chính quyền Việt Nam đã gia hạn thời gian điều tra đối với nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, người bị bắt trong tháng 10 năm 2016 với cáo buộc theo Điều 79 của BLHS. Theo đó, ông Vịnh sẽ không thể gặp luật sư và gia đình trước ngày 31/10/2017.

Ngày 20/8, Tòa án Nhân dân thị xã Hoàng Mai tuyên bố hoãn phiên tòa xử cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. Thông báo hoãn này được đưa ra một ngày trước ngày dự định xử án, và tòa nói nguyên nhân là do một nhân chứng vắng mặt.

Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, người bị bắt cóc hôm 30/7 bởi lực lượng an ninh ở thành phố Hồ Chí Minh và sau đó bị cáo buộc theo Điều 79. Theo Ân xá Quốc tế, nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển không vi phạm luật pháp Việt Nam mà chỉ thực hiện những công việc nhằm cổ súy và bảo vệ nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.

Và nhiều tin quan trọng khác

 

===== 21/8 =====

Nghệ An hoãn phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Oai
Tòa án Nhân dân thị xã Hoàng Mai đã quyết định hoãn phiên xét xử nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai, chỉ một ngày trước khi phiên tòa được ấn định vào ngày 21/8.

Lý do mà tòa án đưa ra là một trong những người làm chứng vắng mặt.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, người từng bị giam tù trong 2011-2015, đã bị bắt hôm 19/1 với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 và “Không chấp hành án tù” theo Điều 304 của Bộ luật Hình sự.

Anh đối mặt với án tù 3 năm cho mỗi cáo buộc nếu bị kết tội.

Kể từ khi anh bị bắt, nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho anh vì anh không làm điều gì vi phạm luật pháp Việt Nam mà chỉ thực hiện và cổ súy quyền con người một cách ôn hòa.

——————–

Chủ tịch nước kêu gọi đợt đàn áp mới đối với truyền thông mạng
Nhân dịp ngày truyền thống của lực lượng công an, truyền thông nhà nước vừa đăng bài của Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi chiến dịch kiểm soát truyền thông và xuất bản.

Trong bài viết tựa đề “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới.” Ông Quang nhấn mạnh trọng tâm cho rằng đợt đàn áp mới phải tập trung vào những mối đe dọa từ những “thế lực thù địch” trên mạng.

Nhắm vào giới bất đồng chính kiến, ông Quang nói: “Đối với Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập thông tin, bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin; sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia”.

Đọc thêm: Chủ tịch nước kêu gọi đợt đàn áp mới đối với truyền thông mạng
===== 22/8 =====

Ân xá Quốc tế lo ngại tù nhân Nguyễn Bắc Truyển có thể bị tra tấn
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển hiện đang mất tích, có nguy cơ bị tra tấn trong một nhà tù bí mật và mọi người cần hành động khẩn cấp về trường hợp này, theo Ân xá Quốc tế.

Trong lời kêu gọi công bố ngày 22/8, Ân xá Quốc tế kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư ngỏ gửi tới thủ tướng, bộ trưởng công an và bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho guyễn Bắc Truyển vì ông bị bắt chỉ vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội, và đảm bảo ông không bị tra tấn và ngược đãi cũng như được phép tiếp cận gia đình, luật sư do mình lựa chọn, và chăm sóc y tế đầy đủ.

Truyền thông trong nước hồi cuối tháng 7 đưa tin, bốn cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Truyển đã bị bắt với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt lần đầu vào năm 2006 và bị kết án 4 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của BLHS. Sau khi mãn án, ông tiếp tục hoạt động để đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, hỗ trợ các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo và giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.

Năm 2011, ông được tổ chức Human Rights Watch trao giải nhân quyền Hellmam Hammett.

Chi tiết: Hành động khẩn cấp: Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển bị mất tích có nguy cơ bị tra tấn

===== 23/8 =====

Gia hạn điều tra lần 2 đối với nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh
Cơ quan chức năng Việt Nam đã gia hạn điều tra lần hai đối với nhà hoạt động nhân quyền Lưu Văn Vịnh, người bị bắt vào ngày 06/11/2016 với cáo buộc theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999.

Thời hạn gia hạn lần 2 từ ngày 04/7 đến 31/10, theo công văn của Viện Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh gửi cho luật sư Hà Huy Sơn, người có hợp đồng pháp lý với ông Vịnh.

Điều này đồng nghĩa rằng ông Vịnh sẽ bị biệt giam và không được gặp luật sư cùng gia đình ít nhất tới cuối tháng 10.

Ông Lưu Văn Vịnh, 49 tuổi, là người sáng lập tổ chức có tên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết. Tuy nhiên, ông đã tuyên bố ra khỏi tổ chức này vài ngày trước khi bị bắt.

Có khoảng 10 người bị bắt cùng với ông, trong đó có anh Nguyễn Văn Đức Độ.

===== 24/8 =====

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị cáo buộc với hai tội danh theo Điều 79, 88
Nhà tranh đấu Nguyễn Văn Đài bị chính quyền Việt Nam khởi tố thêm tội danh theo Điều 79 sau hơn 600 ngày giam giữ để điều tra theo cáo buộc theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Ông Đài và trợ lý Lê Thị Thu Hà cùng bị bắt ngày 16/12/2015 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, và cả hai sẽ bị điều tra với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, theo một thông báo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao gửi cho luật sư của ông là Hà Huy Sơn.

Với cáo buộc này, luật sư Đài và trợ lý của ông sẽ không được gặp luật sư cho đến khi thời hạn điều tra kết thúc. Trong các vụ án chính trị, thời gian điều tra có thể kéo dài 20 tháng hoặc dài hơn.

Kể từ khi bị bắt, ông Đài chỉ được gặp vợ 3 lần trong thời gian rất ngắn. Ông không được về nhà chịu tang cha, người mới mất vào cuối tháng 7 vừa qua.

Vào cuối tháng 7, Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội, gọi là “các bị can” trong vụ án “Nguyễn Văn Đài và đồng bọn.” Cả bốn người là thành viên hoặc cựu thành viên của Hội Anh em Dân chủ, và đều bị cáo buộc theo Điều 79.

Theo luật Việt Nam hiện hành, người bị khép tội theo Điều 79 có thể đối mặt với án chung thân hoặc tử hình, và mức án có thể lên tới 20 năm cho cáo buộc theo Điều 88.

Đọc thêm: Khởi tố LS Đài theo hai điều là ‘chưa có tiền lệ’

——————–

Blogger Phan Văn Bách bị cưỡng bức lên làm việc với công an Hà Nội
Ngày 24/8, blogger Phan Văn Bách đã bị khoảng 10 công an đến nhà riêng áp giải anh lên Cơ quan an ninh điều tra để buộc anh làm việc với tư cách nhân chứng trong vụ án Vũ Quang Thuận-Nguyễn Văn Điển, hai nhà hoạt động đã bị bắt giữ đầu tháng 3 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Trước đó, cơ quan này đã nhiều lần gửi giấy triệu tập tới nhà riêng của blogger Bách, thành viên của phong trào Chấn hưng Nước Việt.

Anh Bách cho biết tại cơ quan công an, anh đã bị tra khảo liên tục trong nhiều giờ, tuy nhiên, a từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi có tính chất bẫy người được hỏi.

Anh Bách cho biết, trong quá trình làm việc, có một người mặc thường phục vào phòng khi viên sỹ quan công an bỏ ra ngoài. Người này chửi bới và đánh anh, và ngang nhiên bỏ đi khi anh kêu cứu.

Anh Bách và gia đình là đối tượng của khủng bố mà chính quyền địa phương không can thiệp. Kể từ cuối tháng 7, nhà anh nhiều lần bị ném chất bẩn như mắm tôm và mảnh thủy tinh. Một số kẻ, kể cả thành viên của Mặt trận Tổ quốc và cựu chiến binh, đã đến nhà anh để đe dọa và xúc phạm anh.

===== 25/8 =====

Công an Hà Nội chặn cuộc gặp của dân oan Đồng Tâm với Đại Sứ quán Mỹ
Công an Hà Nội đã ngăn chặn thành công cuộc gặp dự kiến vào ngày 25 giữa đại diện nhân dân xã Đồng Tâm, Hoài Đức và đại diện Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, theo nhà hoạt động Trịnh Bá Phương từ Dương Nội.

Anh Phương, người thu xếp cuộc gặp, cho biết công an đã theo sát anh và nhiều người thuộc xã Đồng Tâm từ tối 24/5 và cả ngày hôm sau, buộc anh phải thông báo với phía Mỹ để hủy cuộc gặp.

Đồng Tâm và Dương Nội là hai trong nhiều địa phương ở Việt Nam nơi dân bị chính quyền thu hồi đất đai mà không được bồi thường thỏa đáng.

Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 40 cán bộ và công an và giam giữ họ trong hơn một tuần trước khi trả tự do sau khi chính quyền hứa không truy cứu trách nhiệm, và giải quyết tranh chấp đất đai.

Tuy nhiên, gần đây, công an Hà Nội đã triệu tập 70 người dân địa phương để điều tra trách nhiệm của họ trong vụ bắt giữ.

===== 26/8 =====

Luật sư của nhà hoạt động Lê Văn Lượng bị từ chối được cấp Giấy chứng nhận bào chữa
Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư Hà Huy Sơn trong vụ án của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, người bị bắt ngày 26/7 với cáo buộc theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Trong công văn trả lời luật sư, cơ quan công an nói rằng đây là vụ án thuộc phần an ninh quốc gia và do vậy bị can không được tiếp xúc với luật sư trong thời gian điều tra, theo như quy định tại Khoản 1, Điều 58 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Tuần trước, nhiều người thân và bạn bè của ông Lượng đã bị công an Nghệ An đánh đập dã man khi họ đến Sở Công an để đòi được thăm gặp ông.

Thông tin thêm về ông Lê Đình Lượng tại đây: /category/le-dinh-luong/

=================================

Bản tin được tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc Bản tin Anh ngữ tại đây