Asia Times: Việt Nam nên cải tiến nhân quyền để có thương ước với Liên Âu

SBTN, 23-09-2017

Một nhà nghiên cứu ở Anh viết trên tạp chí Asia Times hôm Thứ Bảy 23/09 rằng, Việt Nam nên cải tiến nhân quyền để đạt được hiệp định thương mại tự do với Liên Âu  (EVFTA).

Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc cho rằng EVFTA có những lợi ích to lớn đối với Việt Nam hơn là đối với Liên Âu, vì tương quan về kích thước giữa hai nền kinh tế. Theo ước tính của Hội Đồng Châu Âu, thương ước sẽ giúp nền kinh tế đặt nặng trên xuất cảng của Việt Nam tăng tới 15%, với xuất cảng của Việt Nam sang Liên Âu tăng hơn 1 phần 3. Tác giả cũng nhận định quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên Âu có tính bổ sung lẫn nhau nhiều hơn so với các mối quan hệ thương mại khác. Việt Nam xuất cảng sang Liên Âu điện thoại, đồ điện tử, giày dép, quần áo, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất, trong khi nhập cảng những sản phẩm công nghệ cao từ Liên Âu.

Thương ước với Liên Âu cũng trở nên then chốt đối với Việt Nam kể từ sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Thương ước giúp Việt Nam bớt lệ thuộc một cách không lành mạnh vào các cường quốc khu vực là Trung Cộng, đặc biệt khi Việt Nam bị nhập siêu khoảng 28 tỉ Mỹ kim với Trung Cộng. Với Liên Âu, Việt Nam đang hưởng mức xuất siêu gần 23 tỉ Mỹ kim.

Tác giả chỉ ra rằng, khi Liên Âu đòi hỏi Việt Nam phải cải tiến nhân quyền, Việt Nam không thể làm ngơ. Bởi vì phía có thể làm ngơ là Liên Âu, với quy mô của nền kinh tế toàn khối lên tới 16.4 ngàn tỉ Mỹ kim, do với nền kinh tế 202 tỉ Mỹ kim của Việt Nam. Đối tác hàng đầu của Việt Nam trong Liên Âu là Đức, đang có kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam vào khoảng 9 tỉ Mỹ kim trong năm 2016. Con số này đáng kể với Hà Nội, nhưng lại không là gì với Berlin, nhà xuất cảng của 1.27 ngàn tỉ Mỹ kim hàng hóa cho toàn thế giới. Berlin mới đây đã đơn phương ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Huy Lam / SBTN