Cựu tù nhân tôn giáo vận động đưa Việt Nam trở lại CPC

VOA, 27-10-2017

Một cựu tù nhân tôn giáo Việt Nam cáo buộc quốc gia này “áp dụng chính sách hai mặt” về tôn giáo và kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ vận động để đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).

Mục sư Nguyễn Công Chính hoạt động truyền giáo trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên. Hồi năm 2011, ông bị chính quyền Việt Nam kết án 11 năm tù về tội “phá hoại đoàn kết dân tộc.” Đến tháng 7 năm 2017, ông được phóng thích dưới sức ép của Hoa Kỳ với điều kiện bị trục xuất sang Mỹ lưu vong.

Ngày 24/10, Mục sư Chính cùng vợ, bà Trần Thị Hồng, đã có buổi trình bày về hiện trạng tự do tôn giáo Việt Nam tại văn phòng Hạ viện Mỹ.

Mục đích của sự kiện này là để các vị dân biểu liên bang thuộc nhóm làm việc về Việt Nam trong Hạ viện Mỹ lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng để tiến đến xem xét có đề xuất với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC hay không.

Phát biểu tại buổi này, dân biểu Ed Royce thuộc tiểu bang California nói rằng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Mỹ-Việt cần phải dựa trên điều kiện là “hai nước có tiếp xúc hiệu quả hơn ở vấn đề Việt Nam đối xử với người dân của họ như thế nào về phương diện tín ngưỡng tôn giáo”.

“Sự tiếp tục hợp tác và cải thiện quan hệ (Mỹ-Việt) cần phải tùy thuộc vào sự tôn trọng nhân quyền,” vị dân biểu này nói.

Trình bày trước các dân biểu Mỹ, ông Chính nói rằng “ông đã chịu sự đàn áp của cộng sản suốt 37 năm, trong đó có 20 năm không được cấp giấy tờ tùy thân và 17 năm đi truyền giáo bị đàn áp.”

“Ở trong tù tôi đã bị ngược đãi, tra tấn, đàn áp,” ông kể.

Ông cũng cho biết nhà thờ của ông bị phá sập, hàng trăm bản Kinh Thánh bị tịch thu và cả trăm nhà thờ ở Tây Nguyên bị đóng cửa trong khi “nhiều mục sư và tín đồ Tin Lành bị bắt vào tù”.

“Chính quyền Cộng sản luôn dùng chính sách hai mặt (về tôn giáo). Một mặt họ thành lập các tổ chức tôn giáo quốc doanh còn những tôn giáo họ không công nhận thì bị đàn áp. Khi dư luận quốc tế lên tiếng thì họ đưa các tôn giáo trong Mặt trận ra để nói là có tự do tôn giáo,” ông nói.

Ông kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ “đừng tin vào lời nói” mà “hãy tin vào hành động” của chính quyền Việt Nam về tự do tôn giáo.

“Hãy đưa Việt Nam vào CPC và chỉ khi nào nhà cầm quyền cộng sản phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm, tôn giáo và chính trị và các tổ chức tôn giáo được tự do hoạt động thì mới coi là có thay đổi.”

Bà Trần Thị Hồng thuật lại việc bà bị canh giữ, theo dõi, bị từ chối chăm sóc y tế sau khi sinh và bị xét hỏi, đánh đập sau khi gặp phái đoàn tự do tôn giáo Hoa Kỳ như thế nào.

Trao đổi với VOA bên lề buổi làm việc, Mục sư Chính cho biết lý do ông bị chính quyền đàn áp là “họ nói tôi thường xuyên lên tiếng đấu tranh về các vấn đề tôn giáo, nhân quyền và tố cáo họ.”

“Hoạt động tôn giáo của tôi phát triển về mặt giáo lý không vi phạm pháp luật,” ông khẳng định và cho biết các Hội Thánh mà ông tham gia hoạt động ở Tây Nguyên “đang gặp khó khăn, bị bố ráp, theo dõi, đe dọa”.

“Sinh hoạt tôn giáo thì chia ra thành những nhóm nhỏ chứ không tập trung lại một điểm được. Những điểm sinh hoạt thường xuyên bị công an bố ráp, hỏi cung, ngăn cảm và bị buộc phải đi theo các nhóm được Nhà nước công nhận,” ông cho biết.

Dân biểu Lou Correa cho VOA biết bước tiếp theo sau buổi tường trình này, ông sẽ làm việc với các đồng nghiệp trong Hạ viện để đưa vấn đề vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo của Việt Nam thành vấn đề quan tâm của Hạ viện.

“Chúng tôi sẽ xem liệu chúng tôi có hội đủ sự ủng hộ của Quốc Hội để yêu cầu Tổng thống Donald Trump nêu vấn đề này với các lãnh đạo Việt Nam khi ông đến thăm nước này (vào tháng 11) và đưa Việt Nam trở lại CPC hay không,” ông Correa nói.

Khi được hỏi liệu động thái này có làm tổn hại đến quan hệ Mỹ-Việt hay không, ông cho rằng nếu có tổn hại thì nó chỉ khiến Việt Nam thay đổi và khi Việt Nam thay đổi thì quan hệ hai nước sẽ thay đổi.

“Nó sẽ không làm tổn hại quan hệ song phương. Tất cả những gì Việt Nam cần làm là tôn trọng nhân quyền. Làm được như vậy thì sẽ không có vấn đề gì cả,” dân biểu Correa nói.