Quần chúng tự phát đe dọa linh mục

Hội Cờ đỏ bao vây hai linh mục đi ra từ văn phòng Ủy ban Nhân dân xã Diễn Mỹ hôm 30/10/2017

RFA, 31-10-2017

Hai linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp và Giuse Nguyễn Ngọc Ngự, quản xứ Đông Kiều, vào ngày 30 tháng 10 bị một nhóm được giải thích là ‘quần chúng tự phát’ đe dọa. Vụ việc xảy ra ngay sau khi hai linh mục vừa ra khỏi có cuộc làm việc với cơ quan chức năng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Chân Như có cuộc nói chuyện với linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế về tình hình liên quan. Trước hết ông cho biết phản ứng của các linh mục thuộc Hạt Đông Tháp về tình trạng những nhóm cờ đỏ gây hấn:

Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Các cha trong Hạt nói cần họp lại để có biện pháp gì đó chứ không thể để họ lấn lướt như thế được. Tôi nói rằng giáo dân Đông Triều ít. Xã Diễn Mỹ có 7 ngàn dân mà giáo dân chỉ có 700 mà lại không phải ở theo nhóm mà ở cách nhau. Mấy gia đình ở cách giáo xứ chỉ có 1 cây số thì hơn hai tháng rồi bị họ phá tan nát tài sản. Thậm chí Tượng Chúa bị đập bể, tượng Đức Mẹ bị bắn thủng mặt. Rồi sau đó một gia đình bị phá phách, đập tượng Thánh Giuse, một gia đình bán quán cà phê bị đập phá.

Theo tôi nghĩ nếu cả hạt đến ‘làm thế này, thế khác’ thì chỉ được một lần đó thôi; khi mình về họ sẽ trả thù. Ngay cả chuyện sau khi các cha trong hạt làm đơn tố cáo, họ lại kéo ‘xã hội đen’ đến phá phách các gia đình ở đó. Nên tôi bảo các cha cứ xem họ làm như thế nào đã, trước mắt chờ lặng lại chứ kéo xuống thì sợ hậu quả để lại khiến Xứ Đồng Kiều vất vả.

Bây giờ làm việc với chính quyền huyện, xã tôi không còn tin nữa.

Chân Như: Linh mục có thể cho biết ông đã về phục vụ tại giáo phận Vinh bao lâu rồi? Và trong thực tế từng xảy ra những vụ việc tương tự bao giờ chưa?

Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Tôi về đây được gần 6 năm rồi, từ đó đến nay cũng bình thường tôi. Vừa qua mới thành lập giáo xứ Đông Kiều và cha Ngự về quản xứ ở đó. Và từ việc xây một cái nhà trên đất nông nghiệp. Họ biết và tức tối lắm nhưng không làm gì. Sau này mới xảy ra chuyện cắm cờ và cái cổng chào giữa lương- giáo. Phía giáo xứ chưa kịp hạ xuống thì phía bên lương họ hạ xuống để căng băn-rôn ngày 2 tháng 9. Và chuyện cái cổng chào chỉ qua là ‘giọt nước tràn ly’ đối với chuyện cái nhà (xây trên đất nông nghiệp) thôi.

Chân NhưTheo linh mục có phải sau khi xảy ra những vụ biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường thì tình trạng những người tự xưng ‘cờ đỏ’ xuất hiện mạnh mẽ hơn?

Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Theo tôi nghĩ, vụ việc Formosa đã đành, nhưng họ thấy tình hình chính trị và muốn bảo vệ chế độ độc đảng nên họ lên mặt đàn áp một số nơi như vậy. Tuy nhiên chỉ có thể đàn áp một số nơi ít thôi, chứ những nơi đông thì họ không dám.

Thì cũng có chuyện Formosa nên họ ‘tức’ sang những chuyện khác. Theo tôi nghị họ muốn bảo vệ chế độ mà họ muốn làm bằng được. Ngay cả ngày hôm kia, cả một đội cờ đỏ cả từ ở Hà Nội vào về tập trung dưới Văn Thai, Diễn Hải làm những ‘trò’ rất mất lịch sự, ‘vô học’.

Chân Như: Linh mục nhận định về tác động của tình trạng các nhóm cờ đỏ đối với tình hình an ninh- trật tự tại những nơi mà số này xuất hiện ra sao?

Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Nói thật sống trong chế độ này đến bây giờ tôi không thể tin được vì tôi về đây mấy năm sống rất đoàn kết lương giáo và với tinh thần đối thoại. Gần đây ngay tại xã Diễn Hồng này có miếng đất của Nhà Thờ mà giáo dân hiến cách đây hơn 60 năm rồi. Miếng đất rộng hơn 1 ngàn mét vuông thôi; mà mới đây xã họ mới giải quyết chỉ vì nể thôi.

Cách đây mấy hôm tôi lên huyện và nói với chính quyền là các ông hãy làm thế nào để chúng tôi tin. Chứ hình như chính quyền đến với chúng tôi là xã giao để làm việc thôi chứ không chân tình. Hôm trước các vị nói với chúng tôi khác; nhưng sau đó các vị làm khác.

Chân Như: Vậy theo linh mục cần tạo điều kiện gì để không xảy ra tình trạng chia rẽ ‘lương- giáo’ tại địa phương như hiện nay?

Linh mục Phạm Xuân Kế: Bây giờ để hai bên hòa hợp nhau hai bên phải chân tình, chính quyền phải tạo điều kiện cho những sinh hoạt, nhu cầu của bên giáo hội.

Đối với Công giáo họ tìm cách chèn ép, đàn áp. Bây giờ tôi không tin được nữa bởi vì qua bao lần gặp gỡ, bề ngoài họ rất thân thiện; nhưng sau gặp gỡ thì không phải như vậy. Như sau khi xảy ra vụ Đông Kiều, họ nói phải điều 30-40 công an đến để giữ trật tự; nhưng rồi tài sản của công dân vẫn bị phá phách. Mà công an giỏi lắm mà, một ‘con kiến’ vào trong huyện này công an vẫn biết, mà sao những người đến đập phá mà được để ‘tung hoành’ như thế buộc lòng chúng tôi phải suy nghĩ, đặt câu hỏi ‘có sự dàn dựng, chống lưng’ của chính quyền.

Chân Như: Chân thành cám ơn linh mục.