Tuần tin Người Bảo vệ Nhân quyền, tuần thứ 46, từ ngày 06 đến 12/11/2017: Nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu trong tuần lễ APEC

Người Bảo vệ Nhân quyền | Ngày 12 tháng 11 năm 2017

Chính quyền ở nhiều địa phương đã sách nhiễu, đàn áp những người hoạt động trong tuần lễ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng trong thời gian 06-10/11 và hai cuộc viếng thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump and Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh tới Hà Nội trong các ngày 11-13/11.

Hàng chục nhà hoạt động ở khắp nơi trên cả nước bị quản thúc tại gia khi công an địa phương đưa lực lượng an ninh, dân phòng và thành viên Mặt trận Tổ quốc đến gần nhà để canh không cho họ ra khỏi nhà.

Trước chuyến thăm của Tập, lực lượng an ninh Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để đàn áp cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, một người tích cực trong phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội và Sài Gòn những năm 2011-2013. Sau khi bắt cóc, trấn lột tài sản và truy vấn bà Hằng vào tuần trước, ngày 09/11, công an Hà Nội đã đưa nhiều mật vụ truy sát bà cùng con cháu trên đường phố ở Gia Lâm. Bà đã phải đổi xe tắc xi và chạy lòng vòng trong khu vực ngoại thành Hà Nội mới có thể thoát được sự truy đuổi của mật vụ.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An đã trả lại hồ sơ về Hoàng Đức Bình cho công an tỉnh, yêu cầu điều tra bổ sung. Trước đó, công an tỉnh cho biết đã kết thúc điều tra và đề nghị bên Kiểm sát truy tố nhà hoạt động công đoàn với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Công an Việt Nam tiếp tục chiến dịch đàn áp nhằm vào Hội Anh em Dan chủ, gửi giấy triệu tập tới nhiều thành viên của tổ chức này, bao gồm Vũ Văn Hùng, Lê Anh Hùng và Trương Văn Dũng.

Cô Nguyễn Thị Lành, vợ mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn, đã gửi một lá thư mở lên Cao uỷ Liên Hợp quốc về Quyền Con người Zeid Ra’ad Al Hussein, đề nghị ông can thiệp buộc chính quyền Việt Nam dừng việc sách nhiễu gia đình cô sau khi chồng cô bị bắt với cáo buộc “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của BLHS.

Và một số tin khác

===== 07/11 =====

Người Bảo vệ Nhân quyền cùng 16 tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt đàn áp

 

Người Bảo vệ Nhân quyền cùng 16 tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước vừa ký tên chung trong thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam để đề nghị họ lưu tâm đến tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của quốc gia chủ nhà.

Trong thư ngỏ mang tựa đề “Ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam” viết ngày 07/11, các tổ chức ký tên cho biết “Trong năm qua Việt Nam đã gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ, có ít nhất 25 nhà hoạt và blogger ôn hòa bị bắt giữ hoặc bị lưu đày. Ngoài ra nhà nước Việt Nam cũng tuyên án tù dài hạn những nhà hoạt động nhân quyền ôn hoà như Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Oai và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Thư ngỏ cũng nhắc đến trường hợp luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị giam giữ gần hai năm mà không được xét xử.

“Đợt đàn áp này đi ngược lại với mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” như chủ đề của Dễn đàn APEC năm nay. Giam giữ tùy tiện, kiểm duyệt, dùng bạo lực nhà nước đối với giới hoạt động và bảo vệ nhân quyền chẳng những là một sự sỉ nhục đối với tính nhân bản chung mà còn là một vi phạm nghiêm trọng pháp luật và chuẩn mực nhân quyền quốc tế.”

“Nếu chính quyền Việt Nam không tuân thủ theo các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, thì làm sao có thề tin tưởng Việt Nam sẽ tôn trọng các thỏa thuận sẽ được ký kết tại APEC 2017,” các tổ chức nêu câu hỏi trong thư.

Các tổ chức kêu gọi 21 quốc gia thành viên APEC thúc ép buộc Việt Nam ngưng ngay đàn áp và hợp tác với APEC để xây dựng một tương lai chung với đặc điển tôn trọng các quyền tự do và nhân quyền quốc tế.

Cũng liên quan đến nhân quyền Việt Nam, Thượng Nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải, vừa cho phổ biến bản tuyên bố, kêu gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau thúc ép Việt Nam về nhân quyền khi ông Trudeau có mặt tại Việt Nam để tham dự APEC và viếng thăm chính thức Hà Nội.

Bản tuyên bố của Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải viết rằng, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện đang ngày một tồi tệ hơn, đặc biệt những vụ đàn áp đã gia tăng sau thảm họa môi trường Formosa. Ông nhấn mạnh đây là cơ hội đầy thuận lợi để Thủ tướng Trudeau đòi hỏi Việt Nam phải ngưng ngay những vụ đàn áp những tổ chức hoạt động độc lập, ngưng những cấm đoán nhắm vào các tổ chức tôn giáo và phải thể hiện những bước cải tiến để chấm dứt tình trạng tham nhũng và tra tấn.

Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải cũng kêu gọi Thủ tướng Trudeau trực tiếp đề nghị lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị trong có ông Nguyễn Văn Đài, ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

———————

Viện KSND Nghệ An yêu cầu tiếp tục điều tra vụ án Hoàng Văn Bình

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An đã trả lại hồ sơ và yêu cầu công an tỉnh tiếp tục điều tra bổ sung trong vụ án “Hoàng Đức Bình phạm tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự.

Hành động trên của cơ quan kiểm sát diễn ra một tuần sau khi Công an tỉnh cho biết họ kết thúc điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố nhà hoạt động công đoàn Hoàng Đức Bình với cáo buộc theo Điều 258.

Cơ quan kiểm sát cũng cho biết Hoàng Đức Bình tiếp tục bị giam tại trại giam B14 tại Hà Nội của Bộ Công an trong thời gian điều tra bổ sung đến hết ngày 06/01/2018.

Hoàng Đức Bình bị bắt cóc ngày 15/5 và sau đó bị công an Nghệ An tuyên bố bắt giữ để điều tra về cáo buộc theo Điều 145, 304 và 258 của BLHS.

===== 08/11 =====

Có ghi âm, ghi hình công an mới được hỏi cung

Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng đã ban hành dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can; lấy lời khai người liên quan.

Dự thảo có 3 chương gồm 12 điều, được áp dụng trong các trường hợp lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; diễn biến phiên tòa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Theo dự thảo, người có thẩm quyền của các cơ quan phụ trách hoạt động điều tra, truy tố sẽ quyết định hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Nếu không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình thì không được hỏi cung, lấy lời khai. Khi đang hỏi cung, lấy lời khai mà thiết bị xảy ra sự cố thì phải dừng ngay buổi làm việc.

Dự thảo cũng nêu rõ, cán bộ hỏi cung phải đăng ký với cán bộ quản lý hệ thống thiết bị ghi âm, ghi hình tại nơi giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan có liên quan. Cán bộ hỏi cung không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở nơi giam giữ (trừ trường hợp đối chất với bị can tạm giam). Trước khi hỏi cung phải thông báo cho bị can, người liên quan biết về việc ghi âm, ghi hình.

Điều 7 của dự thảo quy định, trong giai đoạn điều tra thì người có thẩm quyền nghiên cứu bản ghi âm, ghi hình để đấu tranh nếu bị can hoặc người bị hỏi cung thay đổi lời khai.

Quá trình truy tố, bản ghi âm, ghi hình được sử dụng để đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm. Kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan sai, bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình.

Khi vụ án đưa ra xét xử, trường hợp cần thiết, thẩm phán hay chủ tọa phiên tòa có thể xem xét, đề nghị việc nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình tại phiên tòa.

Điều 4 của dự thảo quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với việc ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung bị can, lấy lời khai người liên quan.

Cụ thể, nghiêm cấm việc tự ý chỉnh sửa, cắt ghép, giả mạo, hủy, làm sai lệch hay hư hỏng dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; cấm sao chép, phát tán, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình trái pháp luật.

Dự thảo cũng quy định việc cấm phá hủy hoặc cố ý làm hư hỏng thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc sử dụng không đúng mục đích các loại thiết bị này.

===== 09/11 =====

Nhiều thành viên Hội Anh em Dân chủ bị mời làm việc

Công an Hà Nội đã gửi giấy triệu tập một số thành viên của Hội Anh em Dân chủ để “làm việc” về vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Những người bị triệu tập gồm có cựu tù nhân chính trị Vũ Văn Hùng, nhà báo độc lập Lê Anh Hùng và nhà hoạt động Trương Văn Dũng.

Giấy mời ngày mùng 8 và 9/11 và yêu cầu người bị triệu tập đến cơ quan điều tra của Công an Thành phố để làm việc trong hai ngày 09-10/11.

Tuy nhiên, những người bị mời cho biết họ sẽ từ chối lệnh triệu tập.

Trong thư phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, ông Lê Anh Hùng cho biết ông không tham gia vào bất cứ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nào cả, do đó ông không có trách nhiệm phải gặp công an.

Ông Trương Văn Dũng cho biết ông không đi gặp công an vì “…họ là một chính thể tà quyền trong khi chúng tôi đấu tranh cho tổ quốc vì thế chúng tôi không hợp tác với tà quyền, quan điểm tôi rất rõ ràng. Chúng tôi khẳng định chúng tôi cũng không làm điều gì sai trái với pháp luật cả.”

Hội Anh em Dân chủ là một trong những tổ chức bị đàn áp mạnh nhất. Nhiều thành viên của hội đã bị bắt giữ, bị truy tố với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân, chiếu theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, hoặc bị ghép vào tội danh tuyên truyền chống nhà nước, dựa theo Điều 88 của luật này

Hội Anh em Dân chủ được luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và một số người cùng chí hướng thành lập vào tháng Tư năm 2013, với mục đích cổ võ dân chủ, đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do dân sự và chính trị như đã được quy định trong hiến pháp cũng như trong các bản công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết.

Luật Sư Đài và người cộng sự là Lê Thu Hà bị bắt hồi cuối tháng 12 năm 2015, đến giờ vẫn chưa xét xử. Sau đó, Việt Nam bắt giữ nhiều thành viên chủ chốt của hội như mục sư Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Văn Túc.

===== 10/11 =====

Thư khẩn cầu sự can thiệp của LHQ

Kính thưa Ngài Ủy viên Cao cấp Al Hussein*

Tên tôi là Nguyễn Thị Lành, tôi năm nay bốn mươi sáu tuổi và là một công dân nước Việt Nam. Tôi là vợ của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, một tù nhân lương tâm có tiếng ở Việt Nam. Vào ngày 30, tháng 7, năm 2017, chồng tôi đã bị công an Việt Nam bắt một cách oan uổng với cáo buộc theo điều 79 bộ luật Hình Sự Việt Nam; “hoạt động lật đổ chính quyền”. Từ ngày chồng tôi bị bắt giữ, gia đình tôi chưa hề được gặp hay nghe tin gì từ anh ấy. Khi hỏi, thì chúng tôi chỉ được bảo rằng anh ấy đang bị giam giữ tại trai giam B14, Hà Nội.

Chồng tôi, anh Nguyễn Trung Tôn, là một người đàn ông chính trực và yêu mến người dân và tổ quốc hơn mạng sống mình. Anh ấy đặt sứ mệnh cuộc đời là để phục vụ và bảo vệ người yếu đuối và thống khổ trong xã hội trước bất kỳ sự áp bức nào. Việc làm của chồng tôi bao gồm bảo vệ quyền của những dân oan mất đất, huy động sự ủng hộ của công chúng cho những nạn nhân do ô nhiễm môi trường biển Miền Trung, và đào tạo những công dân Việt Nam khác về chuyện thúc đẩy dân chủ. Điều đáng tiếc là chính quyền là một trong những hung thủ vi phạm quyền con người nhiều nhất ở Việt Nam và tất nhiên họ không đồng tình với những việc làm của chồng tôi. Cũng là vì lý do này nên chồng tôi đã bị công an khủng bố, bắt cóc, đánh đập, và hiện tại bị bắt giữ.

Từ khi chồng tôi bị bắt giữ, gia đình đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Mẹ chồng tôi bị mù và gần đây mới phải nhập viện để phẩu thuật chân. Con gái tôi thì trong tình trạng sức khỏe giảm trầm trọng. Con bé không thể tự chăm sóc bản thân mình được vì bị chậm tăng trưởng cả về thể chất và tinh thần. Nó đã mười chín tuổi đầu rồi mà cân nặng chỉ có 20 kilogram và chiều cao chỉ được 1 mét 2.

Với sự vắng mặt của chồng tôi, con gái tôi càng lúc càng lâm vào hội trưng trầm cảm vì thiểu tinh yêu từ người bố. Hệ lụy là nó đã phải nhập viện để chuyền máu mà tôi thì không có đủ tiền để trả viện phí. Thế nên có vài anh em đã chụp ảnh, viết bài đăng lên Facebook để gây quỹ cho bé. Thật lấy làm may vì có một vài nhà hảo tâm đã quyên góp 2 triệu 3 trăm ngàn đồng. Tôi những tưởng mọi chuyện đã êm đẹp khi nhận được tiền gửi qua ngân hàng. Nào ngờ, ngay khi bước ra khỏi cửa ngân hàng tôi đã bị một nữ công an chặn lại và cướp đi giấy tồ hành chính và tài khoản ngân hàng. Nhân viên cảnh sát đòi hỏi tôi phải đến trụ trở cảnh sát gần đó để làm việc.

Thật chẳng may cho tôi, sự khủng bố tinh thần không chỉ dừng lại ở đó. Vài ngày kế sau, ngày 3 tháng 11 năm 2017, họ lại tiếp tục mời tôi lên trụ sở công an xã để làm việc với an ninh tỉnh Thanh Hóa. Trong buổi làm việc đó, công an đã đòi hỏi tôi phải cho họ biết thông tin tài khoản ngân hàng của tôi bởi vì họ nói rằng tôi nhận tiền từ khủng bố. Tôi cương nghị trả lời rằng tôi có nhân quyền của tôi và tôi không có trách nhiệm phải cho họ biết thông tin tải khoản ngân hàng của tôi.

Sau đó, tôi nói thêm rằng hộ đã đẩy gia đình tôi vào chân tường. Họ bắt giữ chồng tôi một người đáng lẽ phải gánh vác trách nhiệm gia đình, và bây giờ họ muốn tôi không nhận tiền tại trợ cho sự sống còn của chúng tôi. Chúng tôi là một gia đình làm nông không có đủ khả năng chi trả các khoản viện phí chỉ nhờ vào chút thu hoạch mùa vụ bé nhỏ. Tôi đã phải nan nỉ họ làm ơn có chút lương tâm rủ lòng thương đến chúng tôi.

Vậy nên, hôm nay tôi viết thư này để khẩn cầu Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thay mặt gia đình tôi can thiệp lên chính quyền Việt Nam. Hãy làm ơn viết thư bay tỏ sự quan tâm của văn phòng Cao Ủy đến với cơ quan an ninh tỉnh Thanh Hóa để họ dừng ngay những hành động đe dọa và khủng bố một người con, người mẹ, và người vợ của một gia đình khó khăn khốn cùng.

Để dừng thư này, tôi kính chúc ngài Ủy Viên Cao Cấp một sức khỏe dồi dào và tinh thần thoải mái.

Với tất cả sự cảm kích, tôi xin chân thành cảm ơn.

Kính thư: Nguyễn Thị Lành

* Ông Al Hussein là Cao uỷ LHQ về Nhân quyền.

——————–

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng bị an ninh truy sát ở Hà Nội

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, người từng tham gia rất tích cực vào nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược trong giai đoạn 2011-2013 tại Hà Nội và Sài Gòn, đã bị lực lượng mật vụ truy đuổi trên đường phố Hà Nội vào ngày 10/11.

Bà Hằng cho biết khi bà cùng con gái, con rể và cháu ngoại ăn tối ở một quán ăn trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Gia Lâm thì có một tên côn đồ đến khiêu khích và chụp ảnh.

Biết an ninh Hà Nội có thể dùng chiêu bài khiêu khích nên bà và các con kiềm chế. Khi ăn xong, bà phát hiện một nhóm rất đông an ninh mặc thường phục ở gần quán ăn.

Bà đã gọi taxi để đi khỏi nơi đó, nhưng khi leo lên taxi thì những tên mật vụ kia cũng bám theo. Bà buộc phải nói taxi chạy lòng vòng, và thay đổi taxi 3 lần mới thoát được những kẻ truy đuổi.

Vụ việc xảy ra 9 ngày sau khi bà bị bắt cóc, trấn lột và tra khảo bởi công an Hà Nội và Sóc Sơn, và ngay trước thềm chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

===== 12/11 =====

Nhiều nhà hoạt động bị giam lỏng

An ninh Việt Nam đã giam lỏng nhiều nhà hoạt động trước, trong và sau Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Nhiều chức sắc tôn giáo thuộc Hội đồng Liên tôn, bao gồm Thượng toạ Thích Không Tánh ở Sài Gòn và linh mục Phan Văn Lợi ở Huế bị quản thúc từ đầu tháng 11.

Công an thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều nơi khác đã đưa lực lượng mặc thường phục, dân phòng và thành viên của Mặt trận Tổ Quốc đến canh gác gần nhà người hoạt động ở địa phương. Nhiều người không thể ra khỏi nhà để đi công việc cần thiết.

Việc canh giữ tiếp tục từ đầu tháng 11 và có lẽ chỉ chấm dứt trong ngày 13/11, khi Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

======================

Bản tin Người Bảo vệ Nhân quyền tổng hợp từ nhiều nguồn tin

Quý vị có thể đọc bản Anh ngữ tại đây