VNTB – Đấu đá chính trị: Trâu bò đánh nhau

Phương Thảo (VNTB) Di sản của ông thủ tướng cấp tiến để lại do sự quản lý yếu kém là gần như hầu hết nợ xấu tại ngân hàng là “tài sản” của các doanh nghiệp nhà nước, chỉ có biết nhập siêu và không có khả năng thay thế hàng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và nhóm thân hữu của mình

“Người làm được việc”

Một số người từng hân hoan chào đón tân bí thư thành uỷ Đinh La Thăng khi ấy giờ lại ngậm ngùi vì ông Thăng bị vướng vào vòng lao lý với ý nghĩ rằng ông Thăng là “người làm được việc”.

Đúng là ông Đinh La Thăng đã làm được những việc mà không phải ai cũng làm được khi ông tiến về Sài gòn năm 2016. Tương lai có vẻ sáng rỡ bởi nếu không có gì thay đổi thì từ bí thư thành uỷ ông rộng đường lên ghế thủ tướng hay chủ tịch nước bởi vì là người Bắc lại có lý luận.

Ông là lãnh đạo đầu tiên mở ra đường dây điện thoại nóng để lắng nghe tiếng nói người dân tuy nhiên chỉ một vài ngày sau thì đường dây coi như nghẽn mạch và chết ỉu vì không giải quyết xuể tất cả những cuộc gọi đến từ người dân.

Ông cũng từng đi vớt rác trên sông, kèm theo một đội quân làm báo chỉ để chụp hình tâng bốc, từng truy tới tận lãnh đạo Củ Chi để làm rõ vì sao dân không bán được sữa cho Vinamilk, ông cũng từng lên tiếng ủng hộ Bob Kerry làm lãnh đạo đại học Fullbright, tuyên bố hùng hồn sẽ ” dẹp hết tội phạm trong vòng 3 tháng”, và biến Sài gòn thành Hòn ngọc Viễn Đông.”

Năm 2015, ông Thăng, khi đó là đương kim Bộ Trưởng Giao Thông, lại làm cho nhiều người mát mặt khi lớn tiếng la mắng nhà thầu Trung Quốc sau sự cố làm thiệt mạng người đi đường trong dự án đường sắt Cát Linh Hà nội đến độ ” một nhân viên phía Trung quốc từ đầu đến cuối không có thời gian để gật đầu’.

Ông Thăng cũng ” được việc” như đã làm cho 525 triệu đô la Mỹ ( tức trên 10 ngàn tỷ đồng) một đi không trở lại bằng việc ký kết khai thác dầu với Venezuela sau khi được chính phủ cho phép năm 2007, thất thoát 800 tỷ đồng của PVN, bùng nổ đầu tư và các trạm thu phí BOT trong khoảng thời gian từ 2011-2015.

Những lời nói có cánh, đôi khi có vẻ bạt mạng của một bậc thầy mỵ dân làm cho những người ngây thơ tin tưởng, báo chí đồng loạt tung hô để làm mờ đi những sai phạm mà ông ta gây ra dưới vòng tay che chở của thủ tướng lúc bấy giờ là Nguyễn Tân Dũng, người mà không ít con dân Việt nam cũng vẫn tiếc hùi hụi khi ông Dũng về ” làm người tử tế” sau đại hội 12 khi họ vẫn tin rằng ông Dũng là người cấp tiến.

Cấp với chả tiến

Tuy được cho là “ nhà cải cách” nhưng nếu nhìn lại một cách công tâm thì di sản Nguyễn Tấn Dũng để lại là núi nợ khổng lồ và hàng chục công ty ăn hại với mô hình Chaebol của Hàn quốc với mong muốn những “cú đấm thép” sẽ làm cho kinh tế Việt nam tăng trưởng thần kỳ như Hàn quốc những năm 1990.

Nhưng khác với các Chaebol của Hàn quốc có được thật lực do có một quá trình tích tụ vốn, đầu tư vào công nghệ và khoa học, phát triển bền vững; các Chaebol “made in Vietnam” tập trung đầu tư chứng khoán và bất động sản bằng tiền của nhà nước, khi có dấu hiệu cạn kiệt thì cũng được chính phủ và ngân hàng nhà nước giang tay cứu vớt.

Nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh, thuộc tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan gặp nhiều sự cố

Các doanh nghiệp nhà nước được phép ông Dũng tham gia đầu tư đa ngành không đủ lực để cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà trái lại làm lũng đoạn nền kinh tế nội địa. Tín dụng được ông Dũng ưu tiên bơm vào các tập đoàn thân tín để rồi giờ đây tất cả các công ty mẹ lẫn con của các tập đoàn này đều báo cáo kết quả thua lỗ ngàn tỷ. Ông Thanh chỉ ở hạng thứ đàn em cũng đã có cơ hội biển thủ 125 triệu đô la để giờ đây ông ta có thể sống khoẻ với vài căn hộ cho thuê ở Berlin nếu như không bị bắt cóc về Việt nam cúi đầu nhận tội.

Hàng loạt các công trình tai tiếng là di sản của ông Dũng để lại làm người dân và đất nước phải oằn mình gánh chịu, hệ thống ngân hàng yếu kém, các nhà máy lạc hậu lỗi thời không chỉ gây thua lỗ bạc tỷ mà còn là những quả bom nổ chậm đe doạ mạng sống của người dân như Bauxit ở Tây nguyên, Formosa, nhiệt điện…

Thành quả của đầu cơ bất động sản là những người dân bị mất đất, mất nhà, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Di sản của ông thủ tướng cấp tiến để lại do sự quản lý yếu kém là gần như hầu hết nợ xấu tại ngân hàng là “tài sản” của các doanh nghiệp nhà nước, chỉ có biết nhập siêu và không có khả năng thay thế hàng nhập khẩu.

Một ông thủ tướng mà được cho là ” cấp tiến, ngạo mạn” với những thuộc cấp “làm được việc” như Đinh La Thăng còn làm cho quốc gia khốn khổ như thế, thì phe được cho là không cấp tiến sẽ còn làm cho đất nước lụn bại đến thế nào?

Chiêu bài chống tham nhũng

Phe không ủng hộ phe cấp tiến của ông Trọng say sưa với cây củi Trịnh Xuân Thanh mở màn cho chiến dịch củi nào cũng cho được tất vào lò của ông Trọng, bất chấp tổn thất về đối ngoại cho quốc gia.

Tổn thất từ việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ảnh hướng lớn đến kinh tế nhiều hơn là người ta tưởng sau khi Đức chấm dứt quan hệ đối tác chiến lược với Việt nam. Chính phủ của ông Phúc đầu tiên coi như mất luôn 200 triệu Euro viện trợ của Đức đã hứa dành cho Việt nam.

Đức quốc với nền kinh tế lớn nhất trong cộng đồng châu Âu sẽ không bỏ qua vụ việc làm nước Đức mất mặt này. Nếu Đức không gật đầu, cánh cửa vào EVFTA của Việt nam sẽ bị đóng lại. Tổn thất này tới lúc đó sẽ được tính bằng hàng tỷ đô la chứ không phải chỉ vài trăm triệu đô la nữa.

Ông Nguyễn Phú Trọng và Vingroup

Ông Trọng chống tham nhũng và xử lý sai phạm có tính chọn lọc cao. Vụ biệt phủ Yên bái coi như chìm xuồng sau khi bị phạt vài trăm triệu đồng tiền Việt; vụ Formosa thiệt hại cho nền thuỷ sản và sức khoẻ của người dân cũng như môi trường cũng bị khoanh vùng cấm bằng các bản án nặng nề nhằm bịt miệng những người dám chống lại Formosa; vụ thuốc giả của lính chị Tiến cũng được ưu ái cho qua. Đơn giản chỉ là vì họ không phải phe cánh của ông Dũng nên có lẽ được … thoát nạn.

Kể từ khi phe bảo thủ của ông Trọng nắm quyền sinh sát, ông Trọng và phe cánh của ông đã liên tiếp cho các đàn em thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng lần lượt vô rọ và lên thớt mà tuy không nói ra thì ai cũng biết đó chỉ là cuộc thanh trừng nội bộ theo một quy trình “nhằm mục đích chính trị chống lại phe của Nguyễn Tấn Dũng, với ý định tiêu diệt những người cải cách (những „kẻ tư bản“) trong nội bộ Đảng Cộng sản và khôi phục và tăng cường vai trò của Đảng trên cơ sở ý thức hệ cộng sản.”

Một năm 2017 có vẻ rất được cho bản thân ông Trọng, nhưng với quốc gia thì tổn thất lại không thể đo lường.