Bộ Nội Vụ Anh quốc bị chỉ trích vì buộc nô lệ trồng cần sa trở về Việt Nam

The Guardian, ngày 14/01/2018

(Bản dịch của Phương Thảo- VNTB)

Bộ Nội vụ đã bị chỉ trích về quyết định đưa một thiếu niên nạn nhân của nạn buôn người, người đã trải qua nhiều năm cưỡng bức làm nô lệ trồng cây cần sa ở Anh, trở về Việt Nam, khi không còn có người thân.

Người thiếu niên tên S, là một đứa trẻ bụi đời mồ côi 10 tuổi ở Hà Nội, khi bị côn đồ bắt và mang từ Việt Nam qua Anh. Trong năm năm, S. bị giam giữ trong những các căn nhà được biến thành trang trại cần sa và bắt buộc phải trồng cây cần sa.

Cậu đã làm việc không lương trong điều kiện nguy hiểm, tưới cây, trộn phân hoá học tăng trưởng độc hại, bật và tắt đèn công nghiệp trong tám tiếng thúc cây, cắt tỉa và sấy cần sa. Các hóa chất khiến cậu bị bệnh; tóc và da bị đốt cháy do chiếc đèn nóng, và thỉnh thoảng bị điện giật vì vướng dây điện.

Trong nhiều năm cậu sống một mình, bị cách ly với thế giới bên ngoài, phải tránh xa cửa sổ, để người qua đường không biết có người ở bên trong. Những kẻ buôn người đến kiểm tra định kỳ để cung cấp thức ăn và kiểm tra cần sa. Nếu cây cần sa không tươi tốt thì cậu lại bị đánh đập.

“Tôi giống như một con vật bị nhốt trong chuồng”, cậu kể lại ở tại căn nhà đang sống với gia đình nuôi dưỡng cậu. Cậu yêu cầu không lộ diện, để tránh bị những kẻ buôn người săn đuổi.

“Tôi không có làm gì khác ngoài ngủ và chăm cần sa. Tôi không biết gì về nước Anh. Họ nói với tôi rằng những người hàng xóm là người xấu sẽ giết tôi nếu họ nhìn thấy tôi. Họ nói rằng cảnh sát sẽ giết tôi bị cảnh sát phát hiện. Họ đe dọa tôi bằng dao, và cắt cánh tay và chân của tôi khi tôi làm gì sai. Họ nói rằng họ sẽ giết tôi nếu tôi cố trốn thoát. ”

Năm 16 tuổi cậu bị bắt trong một cuộc càn chống ma túy và cảnh sát xác định cậu là nạn nhân của nạn buôn người. Cậu chỉ nói được một vài từ tiếng Anh khi được đưa vào nơi nuôi dưỡng trẻ em nhưng đã bắt đầu đi học, và bây giờ nói thành thạo tiếng Anh. Khi được 17 tuổi rưỡi quyền tự động tỵ nạn cho trẻ em hết hạn và phải nộp đơn xin tị nạn. Đơn xin tỵ nạn của cậu đã bị từ chối.

Trong một văb bản 20 trang giải thích về quyết định, gởi cho “Master S”, một quan chức Bộ Nội vụ Anh viết rằng S đã thể hiện “tự ý đến định cư Vương quốc Anh và cố gắng tạo lập cuộc sống ở đây”, thêm rằng không có lý do tại sao cậu “không thể chứng tỏ được với cùng một quyết định như vậy để tái lập cuộc sống ở Việt Nam”. Cách dùng từ ngữ đã gây ra sự tức giận cho những người ủng hộ S., khi chỉ ra rằng cậu không có tự ý đi định cư ở Anh nhưng bị buộc vào một khoản nợ nần mà anh ta không thể trốn thoát.

Thư quyết định cũng cho thấy S. sẽ có thể “hội nhập lại với xã hội ở Việt Nam mà không có vấn đề gì”. S. hiện 19 tuổi, nói rằng không ở đó ( Việt nam ) từ khi anh lên 10, thì sẽ cực kỳ khó khăn để tái hoà nhập. Cậu đã nộp đơn kháng cáo, để được cứu xét vào đầu tháng Hai, nhưng nếu bị từ chối thì buộc phải rời Anh.

Helen Goodman, quan chức cao cấp đối lập của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng quyết định này là “lố bịch”

“Điều đáng kinh ngạc là Bộ Nội vụ đang đề nghị đưa S. về Việt Nam. Thủ tướng đã giải quyết rất nhiều vấn đề về nô lệ hiện đại nhưng thực tế làm thế nào một nạn nhân của nạn buôn người được đối xử lại khác xa so với những lời hùng biện “. Bà đã viết thư yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội Vụ – Amber Rudd – can thiệp, rằng “Bộ Nội vụ hoàn toàn không thực hiện được trách nhiệm căn bản của con người đối với S. Trường hợp này không phải là nhập cư, mà là nạn buôn bán trẻ em.” Bà đã không nhận được câu trả lời.

S. nói cậu chưa bao giờ được đối xử như một đứa trẻ hoặc với bất kỳ thiện cảm của những kẻ buôn người, những người buốn cần sa cho băng nhóm ma tuý Anh. Câụ gặp nhiều thiếu niên Việt Nam, có người còn nhỏ hơn, cũng bị buộc làm nô lệ khi bị di chuyển giữa các trại trồng nhà cần sa (thường sau một cuộc đột kích của cảnh sát, hoặc bị băng đảng khác đánh cuớp). “Thanh thiếu niên Việt Nam không biết gì về đất nước này, vì vậy thật dễ dàng hăm dọa và buộc họ phải làm việc mà không lương. Mọi người nên biết đây là cách trồng cần sa ở đây. Cảnh sát nên ltích cực nhiều hơn để ngăn chặn điều này,” cậu nói.

Không có con số chính xác tiết lộ số lượng thanh thiếu niên Việt Nam bị bán sang Anh, nhưng các tổ chức từ thiện chống buôn người tin rằng hàng ngàn trẻ em đã bị buôn lậu để sang trồng cần sa trong thập kỷ qua. Nhiều người bị cảnh sát bắt và đưa vào hệ thống chăm sóc đã bị những kẻ buôn người dụ dỗ và sợ gia đình bị đe dọa đã bỏ trốn và quay trở về với những kẻ khai thác trẻ em.

Chloe Setter, người đứng đầu tổ chức từ thiện chống buôn người ECPAT UK (Mọi Trẻ Em Cần được Bảo Vệ Chống Nạn Buôn Người), nói: “Trẻ em là nạn nhân của nô lệ hiện đại cần được hỗ trợ lâu dài và bảo vệ để được an toàn và phục hồi sau những hành vi lạm dụng – tương lai của chúng không nên bị ảnh hưởng bởi mục tiêu nhập cư. Điều quan tâm lớn nhất là nguy cơ tiềm ẩn bị bắt cóc lại, điều này thật đáng buồn đối với những trường hợp như vậy. ”

S. rất đau buồn về quyết địn naày. “Tôi có một cuộc sống tuyệt vời ở đây, một gia đình tốt. Làm sao tôi có thể sống ở nơi tôi không có ai thân thích? Tôi lo bọn buôn người sẽ tìm lại ra tôi. ”

Bộ Nội vụ cho biết: “Vương quốc Anh có một lịch sử tự hào về việc cấp phép tỵ nạn cho những ai cần sự bảo vệ và mọi trường hợp đều được đánh giá dựa trên lý lẽ phải trái”. Một phát ngôn viên nói thêm rằng chính phủ đã công bố năm ngoái sẽ chi ít nhất 3 triệu bảng cho Việt Nam “để bắt những kẻ phạm tội, hỗ trợ các nạn nhân và trước hết phòng chống nạn nô lệ.”