Blogger người Việt ở Berlin sợ cánh tay nối dài của Hà Nội

DW, ngày 17/01/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

Năm 2017, một nhà doanh nghiệp Việt Nam Trịnh Xuân Thành bị bắt cóc ở Berlin. Người này hiện đang bị xét xử ở Hà Nội. Vụ bắt cóc ông ta gây nhiều âu lo cho nhiều blogger và nhà báo Việt Nam ở Berlin, những người trốn chạy khỏi tổ quốc.

Doanh nhân Việt Nam bị bắt cóc và bị đưa ra tòa

“Tôi có thể kiểm tra túi của ông/bà không?” nhân viên an ninh tại một quán cà phê tại Berlin hỏi trước khi kiểm tra một chiếc ba lô với một đèn pin nhỏ.

Các biện pháp phòng ngừa là để bảo vệ một nhà báo Việt Nam đang ngồi bên trong. Trong vài phút, Lê Trung Khoa sẽ nói về tình hình hiện tại của ông ở Đức. Sự kiện này được tổ chức bởi một số tờ báo cánh tả và Phóng viên Không Biên giới (RSF).

“Sau khi gửi lời mời tham dự sự kiện tới một số nơi, chúng tôi ngay lập tức nhận được những lời đe dọa,” Lê nói. “Một số người nói trên mạng rằng họ sẽ xuất hiện và ném bom bẩn. Một người khác thậm chí còn viết rằng họ sẽ bắn vào tôi.”

Chán nản với tuyên truyền

Lê Trung Khoa đến học tại thành phố Weimar của Đức năm 1993 và ở lại nước Đức sau khi tốt nghiệp. Trong mười năm qua, ông đã điều hành trang tin tức trực tuyến Thoibao.de từ Berlin.

Trang web này hướng về đồng bào của ông – ở Đức cũng như ở Việt Nam. Mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu lần nhấp chuột. Hầu hết các câu chuyện được viết bằng tiếng Việt, nhưng một số khác bằng tiếng Đức.

Ban đầu, Khoa đưa nhiều tin tức có lợi cho chính phủ Hà Nội. Ông thậm chí còn đăng nhiều bài báo của các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam trên Thoibao.de. Nhưng rồi những bản tin một chiều mang tính tuyên truyền của nhà nước Việt Nam đã làm ông khó chịu. Vào tháng tám năm ngoái, một sự kiện trong thành phố đã cưu mang ông đã gây sốc cho ông một cách sâu sắc; và ông không thể im lặng nữa.

Đưa ra ánh sáng ban ngày

Ngày 23/7/2017, doanh nhân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin. Nhiều nhân chứng chứng kiến ​​người đàn ông 51 tuổi này bị tống vào xe hơi vào ban ngày.

Khoảng hai tuần sau đó, Thanh được đưa lên trên đài truyền hình quốc gia Việt Nam. Ông nói trên truyền hình rằng ông đã trở về quê nhà của mình và ra tự thú.

Khoa tin rằng Thanh đã bị buộc phải đưa ra tuyên bố không đúng như ý nguyện của mình.

“Tôi đã liên lạc ngay lập tức với luật sư người Đức của Thanh,” ông Khoa nói. “Cô ấy đã cho tôi biết chi tiết về vụ bắt cóc và tôi đã đưa tin đó trên báo của tôi vào cùng một ngày.”

Thanh lần đầu tiên xuất hiện trước tòa vào đầu tháng Một, bị cáo buộc là biển thủ tiền trong khi giám đốc một doanh nghiệp nhà nước và nhận hối lộ. Thanh phải đối mặt với bản án tử hình.

Trang web bị chặn, quảng cáo bị mất

Bằng cách xuất bản những câu chuyện bằng tiếng Việt, Khoa đã thách thức sự độc quyền về thông tin của Đảng Cộng sản cầm quyền. Hậu quả nhanh chóng đến. Trang web của ông đã bị chặn ở Việt Nam và Vietnam Airlines đã rút hợp đồng quảng cáo nhiều năm trên Thoibao.de.

Kể từ đó, Khoa bị gọi là “con chó” và “kẻ phản bội” và bị đe dọa bắn chết.

“Tôi tin rằng có thể là những người bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn ở Berlin,” ông Lê nói. “Đó là lý do tại sao tôi vẫn cảm thấy rất nguy hiểm.”

Không có tự do báo chí, không có tự do ngôn luận

Các kênh truyền thông ở Việt Nam bị kiểm duyệt chặt chẽ. Những người công khai viết về đình công của công nhân, cướp đất hoặc tham nhũng bởi quan chức chính phủ phải đối mặt với khủng bố và tù.

Theo RSF, 15 blogger hiện đang bị giam ở Việt Nam. Trong bảng xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới của RSF, Việt Nam đứng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia.

Việc bắt cóc nhà kinh doanh Trinh Xuân Thanh cho thấy người Việt Nam không chỉ là nạn nhân của sự đàn áp ở đất nước của họ. Một blogger khác Bùi Thanh Hiếu cũng cảm thấy cuộc sống ở Berlin giờ đã khác. Người đàn ông 46 tuổi này là một trong số những blogger nổi tiếng nhất ở Việt Nam và thường viết về các tệ nạn xã hội ở quê nhà.

Blogger Bùi Thanh Hiếu đã bị giam nhiều lần ở quê nhà.

Blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn gió)

“Khi con trai tôi chào đời ở Việt Nam năm 2005, vợ tôi đã có một số biến chứng”, ông nói ở Berlin. “Nhưng nhân viên bệnh viện chỉ muốn chăm sóc cô ấy nếu tôi hối lộ họ. Đó là lúc tôi bắt đầu viết về cách những người bình thường bị đối xử bất công như thế nào.”

Hiếu đã nhiều lần bị tù vì các bài viết của mình. Năm 2013, cuối cùng ông được đến Đức nhờ học bổng của Hiệp hội Các Nhà văn PEN.

Berlin ít an toàn hơn

Bùi Thanh Hiếu đã được tị nạn chính trị và sống ở Berlin với gia đình, nơi ông tiếp tục viết blog của mình với sự giúp đỡ của những người cung cấp thông tin ở Việt Nam. Ông xuất bản dưới bút danh với khoảng 160.000 người đọc.

Trong vài năm gần đây, thủ đô của Đức luôn luôn như một nơi ẩn náu an toàn cho anh ta. Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi Thanh bị bắt cóc.

“Tôi đã không sợ trước vụ bắt cóc năm ngoái,” Bùi Thanh Hiếu nói. “Nhưng bây giờ tôi cảm thấy tôi cần phải cảnh giác hơn.”

Nguồn: Berlin bloggers fear the long arm of Hanoi