Nhiều nhà hoạt động bị mất tài khoản Facebook

Mạng xã hội Facebook là mặt trận chiến tranh tâm lý ngày càng khốc liệt giữa các bên đứng ngược bờ chiến tuyến. Có những nhà hoạt động dân chủ và những nhà hoạt động nhân quyền viết văn khá hay và hiệu quả, chính vì vậy tài khoản Facebook cá nhân thể hiện tiếng nói của họ là mục tiêu chiếm đoạt hàng đầu của giới tin tặc.

Việt Nam Thời báo, ngày 20/01/2018

Anh Vũ Quốc Ngữ, chủ nhiệm Hội người bảo vệ nhân quyền ( Defend The Defenders) là một trong những người như vậy. Trước đây, khi chưa chú trọng đến bảo mật, anh bị cướp Facebook đến tận…2 lần. Nhiều người liên lạc với anh nhưng bị từ chối, lý do không phải anh từ chối mà là do tài khoản Facebook đó đã bị chiếm đoạt bởi những người không đàng hoàng. Không riêng gì anh Ngữ, rất nhiều nhà hoạt động tên tuổi ở Việt Nam đang ngày đêm bị tin tặc cố cướp nick Facebook cho bằng được. Thị trường cho một thương vụ cướp nick Facebook cũng tăng giá sôi động như cướp nick Gmail.

Bảo mật Facebook bằng 2 lớp mật khẩu giờ đây đã phổ biến trong giới hoạt động. Người ta rủ nhau đặt thêm lớp mật khẩu thứ hai( gọi là lớp xác thực)lưu động bên cạnh lớp mật khẩu thứ nhất cố định. Bằng cách này, tỉ lệ mất kiểm soát Facebook vào tay người lạ giảm xuống dưới 1%. Tất nhiên, trừ một số trường hợp mà lớp mật khẩu thứ hai cũng bị rơi vào tay tin tặc nốt ( như trường hợp có nhà mạng viễn thông nọ lén lút gửi mã số trong sms của khách hàng mình cho tin tặc).

Nhiều nhà hoạt động bị tin tặc xâm nhập vào tài khoản Facebook của mình lúc nào cũng không biết. Thông thường, một tên tin tặc hạng trung bình trở xuống chỉ cướp được Facebook của nhà hoạt động rồi đổi mật khẩu đi, cố gắng chiếm tài khoản đó luôn, không cho nhà hoạt động đăng bài trên tài khoản Facebook quen thuộc đó nữa, bắt anh ta phải lập tài khoản mới. Nhưng có một loại tin tặc cao cấp hơn một chút, chúng lặng lẽ xâm nhập vào tải khoản Facebook của nhà bất đồng chính kiến mà không đổi mật khẩu, không cướp đoạt, chỉ nằm im lặng lẽ đợi ai nhắn tin đến thì đọc lén. Bằng cách đột nhập vào rồi nằm im, tên tin tặc này biết được ai nhắn tin cho nhà hoạt động, nói những chuyện gì và biết được một số đồng đội và bí mật riêng tư của nhà hoạt động, từ đó lần theo vết hành trình di chuyển và hoạt động thực tế của nhà hoạt động này. Thủ đoạn tinh vi này được giới tin tặc chức năng áp dụng cho những nhà hoạt động lớn tuổi là chủ yếu (vì những người này thao tác chậm chạp trên laptop), và những người chưa biết sử dụng các phương tiện nhắn tin mã hóa đầu cuối (1) thay thế cho Messenger vốn hay bị lộ và nhiều rủi ro.

Một cách chơi không đẹp khác của tin tặc quốc doanh, đó là tạo một Facebook rồi làm cho giống với Facebook của nhà hoạt động, tức là làm giả, gây nhầm lẫn cho những người tranh đấu xung quanh. Có người thân không biết nên nhắn tin cho nhà hoạt động, cũng được hồi âm như thật, nào ngờ đang nhắn tin với người khác. Trong trường hợp này, nếu gọi kẻ không đàng hoàng kia là tin tặc hay an ninh mạng thì không xứng đáng, gọi họ là dư luận viên thì đúng hơn.

Bởi vậy, trong những chuyện quan trọng, người ta thường gọi âm thanh (voice call) với nhau thì an toàn hơn là nhắn tin văn bản (text chat).

(1) Các phần mềm (ứng dụng) mã hóa đầu cuối phổ biến hiện nay trong giới đấu tranh ở Việt Nam là Whatsapp và Signal. Kể cả chế độ chat bí mật (secret chat) của Facebook Messenger cũng được coi là ứng dụng liên lạc mã hóa đầu cuối, độ bảo mật vượt trội so với chế độ chat thông thường.