Linh mục Phan Văn Lợi: ‘Những cuộc biểu tình lớn của quần chúng là nỗi sợ cho nhà cầm quyền’

Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh.

RFA, 25-01-2018

Sau hơn 1 tuần soạn thảo và chấp bút, Linh mục Phan Văn Lợi gửi ra bản Nhận định và Tuyên bố về nhân quyền đầu năm 2018, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng ký tên phản đối tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng bị đàn áp khốc liệt bởi Đảng Cộng sản.

Tối ngày 25/1, Linh mục Phan Văn Lợi giành cho RFA cuộc phỏng vấn.

RFA: Xin kính chào Linh mục Phan Văn Lợi. Xin linh mục cho biết mục đích, ý nghĩa sự ra đời của bản Nhận định và Tuyên bố về nhân quyền đầu năm 2018?

Linh mục Phan Văn Lợi: Trong thời gian vừa rồi, tình hình ở Việt Nam tồi tệ về mọi mặt, và song song đó là việc đàn áp của nhà cầm quyền đối với người dân, các nhà đấu tranh hay các blogger đã rất mạnh mẽ, vì có lẽ họ muốn dẹp yên tiếng nói phản kháng ngày càng cất cao của người dân Việt Nam trước những tệ nạn mà họ đang gây ra cho đất nước.

RFA: Khi nào bản tuyên bố này sẽ hoàn thành và dự tính sẽ gửi đến cơ quan tổ chức nào?

Linh mục Phan Văn Lợi: Chúng tôi đang cố gắng lấy thật nhiều chữ ký của các tổ chức và cá nhân. Cho đến hôm qua cũng trên 40 tổ chức, cá nhân. Như vậy là vẫn còn ít cho nên chúng tôi chưa định là sẽ chấm dứt lúc nào. Chúng tôi cũng định nhờ các trang mạng giới thiệu giùm.

RFA: Vì sao Linh mục nghĩ rằng bản tuyên bố này cần thiết trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam và tác động thế nào đến chính quyền Việt Nam?

Linh mục Phan Văn Lợi: Trước hết chúng tôi nhắm tới người dân Việt Nam. Chúng tôi muốn cho mọi người ý thức, nhất là bày tỏ chính kiến, thái độ của mình đối với những gì nhà cầm quyền gây ra cho đất nước. Còn cái chuyện có hy vọng tác động lên nhà cầm quyền thì chúng tôi nghĩ cũng khó và cũng ít. Vì thật sự là nhà cầm quyền này họ chỉ sợ những tác động từ những cuộc biểu tình của quần chúng mà thôi. Còn các bản văn này nọ cho dù có ký nhiều mà không có sự tác động của các cuộc biểu tình như đã xảy ra như ở các nước cộng sản trước đây và bên Trung Đông thì khó mà nhà cầm quyền nghe lắm.

RFA: Bên cạnh các hình thức phổ biến từ trước đến nay như lên tiếng, đưa ra các tuyên bố thì theo linh mục còn có những cách nào khác để tác động đến thứ 1 là chính quyền Việt Nam, thứ 2 là ý thức của người dân Việt Nam nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo không ạ?

Linh mục Phan Văn Lợi: Có lẽ ý thức của người dân thì càng ngày càng nhiều rồi, bởi vì chính cái cuộc sống với những cái bế tắc, bất ổn, suy sụp làm cho họ thấy rằng chế độ này rõ ràng không là gì cả. Nhưng vấn đề là họ có can đảm đứng lên hay không? Theo như tôi nghĩ, bắt chước kinh nghiệm của các nước Cộng sản Đông Âu vào thập niên 90, 80 thế kỷ trước cũng như là thập niên gần đây bên Trung Đông thì chỉ có những cuộc biểu tình của quần chúng đông đảo, rộng khắp thì mới có thể làm cho chính quyền chuộng tay và có thể dồn nhà cầm quyền vào góc tường để bắt buộc họ chấp nhận những đòi hỏi chính đáng của người dân.

Nhưng vấn đề ở Việt Nam lúc này, điều đó là khó thực hiện và chúng tôi  luôn luôn cố gắng thúc đẩy những người có khả năng triệu tập quần chúng, chúng tôi đã có nhiều lời nhắc nhở hoặc là nói nặng nói nhẹ, đặc biệt là với các lãnh đạo tinh thần, tức là nói tôn giáo đó, họ có những người dưới quyền của mình, những tín đồ đó, những tín đồ đó có thể là dễ vâng lời, nhất là trong đạo Công giáo, phải tổ chức chặt chẽ, những hàng lãnh đạo có huấn luyện đầy đủ, và tín đồ có tinh thần kỷ luật và vâng phục.

Trong năm qua, cuộc biểu tình thành công nhất, đông đảo nhất là tại giáp phận Vinh và các giáo xứ. Khi đó họ đã biểu tình 10, 15 ngàn người cho nên khó bị đàn áp lắm. Thậm chí họ đến công quyền để nói ý kiến của họ. Nếu tấm gương này được nhân ra cả nước, tất cả mọi tôn giáo đều bắt chước cái đó, hàng trí thức, dân sự, giáo sư cũng làm những cuộc biểu tình như thế như bên Đông Âu và bên Trung Đông thì lúc đó chúng tôi nghĩ rằng mới xoay chuyển được tình thế.

RFA: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được áp dụng ngày 1/1/2018. Luật này sẽ tác động như thế nào đến tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam?

Linh mục Phan Văn Lợi: Cái luật đó là 1 hình thức cũng cố cơ chế xin cho đối với các tôn giáo, nghĩa là tất cả hoạt động của các tôn giáo dù lớn dù nhỏ đều phải xin phép, chờ sự cho phép hay không của nhà cầm quyền. Đây là 1 hình thức ràng buộc tôn giáo càng chặt chẽ, ghê gớm hơn các văn bản trước đây pháp lệnh tôn giáo 2004, pháp lệnh 297. Cho nên Hội đồng giám mục Việt Nam đã có những nhận định xác đáng về văn kiện này và cho rằng nó không cổ vũ cho nhân quyền, không tôn trọng tự do tín ngưỡng. Hội đồng liên tôn Việt Nam hoàn toàn bác bỏ vì chúng tôi thấy đây chỉ là 1 công cụ ràng buộc giáo hội hoặc bắt giáo hội phải im lặng.

RFA: Xin cảm ơn Linh mục Phan Văn Lợi.