Những Phủ khai phong trên… facebook

Việt Nam Thời báo, ngày 03/3/2918
Facebook đã và đang chứng minh tính hiệu quả của mình trong việc giúp người dân có một phương tiện để giám sát giới công quyền (vốn lâu nay thoải mái lạm dụng quyền lực), cũng như tạo một cơ sở để đảm bảo sự phòng vệ chính đáng trước quốc nạn này.

Bước tiến của việc sử dụng mạng xã hội Facebook không dừng ở mức phản ánh thông tin, mà ngược lại trở thành một cơ sở để thảo luận – giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ với chính quyền. Thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực giao thông đường bộ, địa vực tham nhũng nhất của nhà nước, cũng là nơi người dân bị nhũng nhiễu nhiều nhất.

Ngoài Luật sư X, nhóm An toàn giao thông – Văn hóa giao thông,… với những bài viết hoặc video chia sẻ cách ứng xử đúng luật với CSGT; phản ánh nạn mãi lộ, tình hình giao thông trên đường thì trên Facebook có những nhóm thực thi giúp đỡ người đi đường như ‘Trần Đình Sang và Những Người Bạn; Phủ Khai Phong; Địch Nhân Kiệt,’…

Nếu ‘Trần Đình Sang và Những Người Bạn’ là nhóm do một công dân tên Trần Đình Sang, cũng là một tài xế tham gia địa vực giao thông đường bộ lập ra, xuất phát từ việc, ông chán ghét cảnh mãi lộ trên các trục đường. Bằng cách sử dụng camera điện thoại với mạng xã hội facebook, trên cơ sở quyền giám sát của công dân, ông Trần Đình Sang nhiều lần tiến hành đối chấp với công an các tỉnh thành, thu hút rất lớn người xem.

Ngoài ‘Trần Đình Sang và Những Người Bạn’ ra, thì có những nhóm chuyên nghiệp về luật và tư vấn luật, hướng dẫn giải quyết đơn thư khiếu nại – tố cáo hơn như nhóm: Địch Nhân Kiệt, Phủ Khai Phong.

Trong lời giới thiệu của mình, Phủ Khai Phong, nơi có 46.431 người gia nhập, đã mô tả nhóm như sau: Ai có oan ức cứ tìm đến Phủ khai phong. Hãy trình bày rõ sự việc của mình, update hình biên bản, tình hình sự việc cụ thể. Để các quản trị viên trong phủ nắm bắt vụ việc nhanh nhất, đưa ra tư vấn chính xác cho các vị. Yêu cầu lời nói phải rõ ràng, tôn trọng mọi người trong phủ.

Những bài viết trong Phủ Khai Phong thường thu hút một lượt rất lớn phản hồi và thích (với sự ủng hộ). Cụ thể, gần đây nhất, vụ lái xe Taxi Kiên Giang bị đánh và bị công an Kiên giang ra quyết định xử phạt thì ngay sau đó Phủ Khai Phong vào cuộc, tìm ra sự sai trái (luật) này, hướng dẫn người bị hại làm đơn tố cáo hành vi bắt người trái phép – đánh công dân của CSTT- CS 113 tỉnh Kiên Giang. Sự phản ánh thông tin trên mạng xã hội, sự vào cuộc của báo chí chính thống đã dẫn đến việc công an Kiên Giang nhận sai, ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định xử phạt đưa ra.

Những nhóm/ hội/ trang chuyên đăng tải bất công và hỗ trợ nạn nhân tìm lại công lý ngày càng phát sinh nhiều trên mạng xã hội Facebook. Mạng xã hội Facebook không còn dừng ở việc giải thiêng một chính thể, mà nó còn thúc đẩy tính minh bạch và thượng tôn pháp luật trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Chính nhờ mạng xã hội Facebook, đã khiến người dân có thể ‘đối chấp luật’ với phía cơ quan công quyền, đặc biệt là đối với lực lượng công an khi họ có thái độ thiếu chuẩn mực và làm sai, bằng chứng là những năm gần đây, những hành vi – thái độ và sự nhũng nhiễu của lực lượng này, làm cơ sở xử phạt hoặc chấn chính từ cấp quản lý.

Ở một góc độ nào đó có thể khẳng định rằng, thượng tôn pháp luật ở Việt Nam trong thời đại Facebook đã không nảy sinh từ các văn bản có tính hình thức do các cơ quan quyền lực nhà nước ban hành, hay sự thực thi của nhóm công lực. Ngược lại, nó được nảy sinh và thực thi một cách hiệu quả từ tầng lớp nhân dân lao động, những người va chạm trực tiếp với sự bất công và phi lý trong áp dụng, triển khai luật của phía công quyền, và họ tìm mọi cách để lên tiếng, đòi hỏi thực thi tính bình đẳng và hợp lý về luật nhằm đảm bảo lợi quyền của chính mình.

Tất nhiên, trong quá trình đó, không thể thiếu mạng xã hội Facebook, một công cụ – phương tiện đang ngự trị trong hơn 40 triệu dân Việt Nam. Và những nhóm hỗ trợ công lý nêu trên, có thể là một đặc tính cần lưu ý trong quá trình phát triển của xã hội dân sự Việt Nam.