Dự Luật Về Hội và quyền tự do chính trị của công dân

Việt Nam Thời báo, ngày 08/3/2018
Hiến pháp 2013 bảo hộ cho công dân Việt Nam quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình, quyền công dân về chính trị. Tuy nhiên, nếu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì các quyền này bị hạn chế bởi một văn bản không chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành. Văn bản đó có tên “Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, do Bộ Chính trị ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2017.
Một hội thảo về dự Luật về Hội tại Hà Nội.

Quyền công dân đang bị hạn chế bởi… Bộ Chính trị

Như vậy, nếu sắp tới đây các dự luật về quyền lập hội, quyền của các tổ chức công đoàn độc lập có trình Quốc hội, thì có lẽ vẫn không dễ thông qua bởi vướng mắc lớn nhất là Bộ Chính trị cấm tuyệt đối các đảng viên cổ xúy “xã hội dân sự”; trong khi “xã hội dân sự” chính là nguyên tắc nền tảng để xây dựng các luật về quyền lập hội, quyền công dân về chính trị. Và các cơ quan chấp bút soạn thảo dự luật, lẫn ở nghị trường xem xét dự luật…, tất cả lại đều là đảng viên.

Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết và cam kết thực hiện, ghi nhận quyền tham gia quản lý đất nước, bao gồm quyền bầu cử, ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân, có vai trò nền tảng hình thành các chế độ dân chủ.

Một chế độ dân chủ được thể hiện ở sự tôn trọng quyền tham gia của đa số thành viên vào việc ra quyết định hay lựa chọn chính sách, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể, quan tâm đến ý kiến của thiểu số. Tất cả vấn đề này, về cơ bản, đều thể hiện ở bản Hiến pháp 2013 của Việt Nam.

Quyền tham gia chính trị của công dân được ghi nhận trong Điều 25 ICCPR, theo đó: Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: a) Tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn; b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo cho cử tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình; c) Được tiếp cận với các chức vụ công ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng.

Hình thức dân chủ thoạt nhìn ở Việt Nam là dân chủ đại diện, thực hiện quyền chính trị thông qua các cơ quan đại diện do dân bầu ra. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam chỉ khi được sự đồng ý của cấp Đảng, thì ứng cử viên mới được đưa ra để người dân chọn bầu một cách miễn cưỡng. Như vậy, hiểu theo cách nào đó, từ sự giới hạn lựa chọn “người vì dân, vì nước” này, sẽ đưa đến hạn chế quyền tự do biểu đạt từ phía cử tri lẫn các ứng viên được và không được giới thiệu ra để bầu cử.

Từ những nhìn nhận ban đầu nói trên, cá nhân người viết cho rằng nếu thực sự vì chuyện áp lực từ các thỏa thuận điều ước thương mại quốc tế mà Nhà nước Việt Nam phải miễn cưỡng đưa ra các luật về quyền lập hội, về công đoàn độc lập, tự do biểu tình…, thì những luật này vẫn không nhiều cơ hội thực thi do… thiếu (một cách cố ý!) các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Đảng viên cũng cần có tiếng nói phản biện

Trở lại với các nội dung của “Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Đặt trường hợp các dự luật về quyền lập hội, quyền thành lập công đoàn độc lập ra đời, thì để thực thi theo đúng nghĩa là tiếng nói của xã hội dân sự, thì chắc chắn sẽ không có sự tham gia của hội viên là đảng viên Đảng Cộng sản. Bởi Quy định 102 cấm tuyệt đối các đảng viên có ý kiến phản biện các chính sách của Đảng, cấm đảng viên đòi hỏi có sự hiện diện của “xã hội dân sự”, của “tam quyền phân lập”, của “đa nguyên, đa đảng” (Trích Điều 7.3.b).

Như vậy, vô hình chung chuyện “nhất thể hóa” mà ông Tổng Bí thư đang chăm chăm nhắm đến nếu thành công thì sẽ là một chính phủ chuyên chế, độc tài do những đảng viên Cộng sản cầm quyền. Với ràng buộc của Quy định 102 mà Bộ Chính trị ban hành, cho thấy hễ là đảng viên thì mất một phần quyền tự do biểu đạt – bao gồm tự do ngôn luận, báo chí, thông tin.

Các cá nhân, nhóm nằm trong khuôn khổ của tổ chức Đảng Cộng sản thì không thể trình bày các vấn đề của mình, của xã hội, cũng như không thể thảo luận, tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề đó, nếu như nó có mâu thuẫn với quan điểm của Tổng Bí thư Đảng.

Trong khi đó, về nguyên tắc thì tự do hiệp hội, hội họp giúp cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận được hiệu quả hơn, phạm vi tác động sâu rộng hơn, đặc biệt là đối với các chính sách của Nhà nước. Nếu không có sự tập hợp để cùng nhau lên tiếng thì quyền biểu đạt bị giảm hiệu quả đáng kể, tiếng nói của một cá nhân rất khó được tiếp thu. Đây chính là thực tế lâu nay ở Việt Nam, khi các tiếng nói phản biện luôn bị chụp mũ bởi các điều luật hình sự như 88, 258…

“Thông tin được ví như ô-xy cho mọi nền dân chủ, tạo tiền đề cho sự tham gia của công chúng vào các công việc xã hội, giúp tăng cường khả năng thực thi các quyền khác về chính trị và kinh tế, cải thiện cách thức làm việc của các cơ quan chính phủ, giúp hòa giải xung đột, hàn gắn vết thương trong quá khứ. Thông tin tạo ra sự công khai – minh bạch, sự tin cậy lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội. Sự tin tưởng, hiểu biết chính là tiền đề thúc đẩy sự liên kết giữa các cá nhân, hình thành nên các tổ chức xã hội. Theo hướng ngược lại, các hội đoàn giúp tập hợp, phân tích thông tin và chia sẻ, phổ biến thông tin được hiệu quả hơn, có thể liên kết vận động cải thiện chính sách của nhà nước về thông tin, giám sát các cơ quan công quyền thực thi pháp luật về tiếp cận thông tin…

Tôi cho rằng trước tiên ông Tổng Bí thư cần thông suốt những điều ấy để thay đổi các quy định quá độc tài ở Quy định số 102-QĐ/TW. Bởi đảng viên cũng là con người với đầy đủ quyền công dân được Hiến pháp bảo hộ”. Một luật sư là đảng viên, ngần ngại nêu tên, kêu gọi như vậy.