Ưu ái Vietnam, phê phán Campuchia: Tiêu chuẩn kép của Trump ở Đông Nam Á

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp dụng tiêu chuẩn kép về nhân quyền ở Việt Nam. Và nó mang ý nghĩa chiến lược.

Du Nhật Đăng, The Diplomat, ngày 09/3/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

 

Khi tàu sân bay Carl Vinson của Hoa Kỳ USS đến Đà Nẵng trong một “chuyến thăm lịch sử,” báo chí Việt Nam đã có vô vàn bài viết với sự phấn khích. Họ giải thích gần như toàn bộ lịch sử và vai trò của tàu sân bay khổng lồ này. Theo đó, chuyến viếng thăm của Carl Vinson có thể được coi là bằng chứng thuyết phục nhất về cam kết của Mỹ đối với Việt Nam.

Nhưng Campuchia, người hàng xóm của Việt Nam, không có được niềm vui như thế. Trong khi Việt Nam nghênh tiếp các thuỷ thủ Mỹ, Phnom Penh đã phải chịu sự chỉ trích từ xa của Washington. Ngày 27 tháng 2, để trả lời câu hỏi về quyết định của Hoa Kỳ cắt giảm khoảng 8 triệu đô la viện trợ cho Campuchia, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã đề cập tới cuộc bầu cử gần đây của Campuchia như là “không đại diện cho ý chí chính đáng của người dân Campuchia.”

Hai sự kiện này – việc cắt viện trợ cho Campuchia vì có sự thụt lùi dân chủ, và chuyến viếng thăm của Carl Vinson ở Đà Nẵng phản ánh thực tế rằng chính quyền Trump có một tiêu chuẩn kép ở Đông Nam Á khi nói đến truyền thống của Mỹ trong việc thúc đẩy dân chủ. Chính quyền Trump, trong khi đang trừng phạt Campuchia, lại bỏ qua hồ sơ dân chủ và nhân quyền của Việt Nam.

Trong chuyến viếng thăm hồi tháng 11 năm ngoái tới Đà Nẵng trong Tuần lễ Lãnh đạo APEC, Trump không đề cập đến vụ án Trịnh Xuân Thanh. Vào thời điểm đó, Đức – một đồng minh thân cận của Mỹ – đã trục xuất một số nhà ngoại giao Việt Nam vì liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước bị truy nã vì quản lý tài chính yếu kém.

Khi Trump được chào đón ở Việt Nam, vợ ông, Melania Trump, lại sang Trung Quốc để vãn cảnh. Có phải vì vườn thú ở Bắc Kinh hấp dẫn đối với bà ta? Tuyệt đối không. Tháng 3, Đệ nhất phu nhân đã trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho một nhóm phụ nữ, bao gồm cả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm)- một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi bật nhất của Việt Nam. Vào thời điểm đó, Quỳnh bị kết án 10 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Con gái 10 tuổi của Quỳnh đã viết thư cho Melania trước khi Trump đến Việt Nam để kêu gọi đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ can thiệp trường hợp của mẹ mình. Đó là lý do Melania đi Trung Quốc thay vì Việt Nam.

Vậy tại sao lại là tiêu chuẩn kép?

Ở Biển Đông, Philippines đã từng được coi là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Nhưng với hành vi không lường trước được của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và những hành động chống Mỹ bộc phát thường thấy của ông, Manila không phải là sự lựa chọn tốt nhất cho vai trò một đồng minh của Mỹ để thúc đẩy chính sách của Mỹ trong khu vực. Thay vào đó, xét cả thực tế chính trị hiện tại và quan điểm lịch sử ở Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác lý tưởng (và nói một cách thẳng thắn, là duy nhất) sẵn sàng đối mặt với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà Việt Nam hấp dẫn đối với Hoa Kỳ. Vào tháng 1, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tới Việt Nam đã được tiếp nối bởi người đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu. Cân bằng cẩn thận vẫn là chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là chính quyền Trump phải liên tục cạnh tranh với Nga khi muốn có ảnh hưởng lên Việt Nam để duy trì sự hiện diện của siêu cường này ở Biển Đông và chống lại Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, Nga có thể là một đối tác hấp dẫn hơn nhiều so với Hoa Kỳ vì một số lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất là việc Việc Nga cung cấp các mặt hàng quân sự không gắn với yêu sách về chính trị trong nước. “Một đặc điểm quan trọng của Nga như là một nhà cung cấp vũ khí là quốc gia này không đòi hỏi về chính trị hay thay đổi hệ thống chính trị của Việt Nam,” theo Anton Tsvetov, nhà báo kỳ cựu, một chuyên gia về Đông Nam Á và cũng là chuyên gia về quan hệ giữa các chính phủ trong một think tank có tên Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có cách tiếp cận tương tự với Việt Nam. Theo chuyên gia khu vực Carl Thayer, với sự linh hoạt của các vấn đề đối ngoại ở Hà Nội, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Việt Nam được các tàu hải quân Trung Quốc viếng thăm. Ông Thayer, người đã nghiên cứu chặt chẽ về chính trị của Việt Nam và Biển Đông, cho rằng tàu USS Carl Vinson đại diện cho sự tiến triển trong hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhưng không có nghĩa là Hà Nội đang gắn mình với Washington để phản đối Bắc Kinh.

Có thể nói rằng, cạnh tranh địa chính trị vẫn là một cuộc chơi kiên trì. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải tạm thời gác bỏ một số quan ngại về quyền con người ở Việt Nam để giành được sự vượt trội đối với Nga và Trung Quốc.

Du Nhật Đăng là một phóng viên người Việt Nam làm việc cho báo Tuổi Trẻ. Ông tốt nghiệp khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Ông là một thành viên của Chương trình Báo cáo ASEAN, một chương trình hỗ trợ các bài viết về ASEAN.

 

Nguồn: Loving Vietnam, Criticizing Cambodia: Trump’s Double Standard in Southeast Asia