Mục sư Nguyễn Trung Tôn có thể bị tra tấn và ngược đãi trong thời gian tạm giam

ACAT France, ngày 14/3/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

Ông Nguyễn Trung Tôn đã bị bắt giam vào cuối tháng 7 năm 2017 mà không được xét xử sau khi bị bắt vào tháng 7 năm 2017. Tình trạng sức khoẻ của ông đang suy giảm, do bị đối xử thô bạo mà ông phải chịu trong thời gian thực hiện án tù trước đó và những thương tích trong một cuộc tấn công tàn bạo vào đầu năm 2017.

Ông là một mục sư 47 tuổi và là một người bảo vệ nhân quyền.

Vào ngày 30/7/ 2017, ông bị bắt tại trong một chiến dịch đàn áp khốc liệt của chính quyền Việt Nam đối với Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự cổ suý nhân quyền. Ông Nguyễn Trung Tôn bị tống giam và bị buộc tội theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự, liên quan đến “các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và phải đối mặt với án tử hình.

Kể từ đó, Nguyễn Trung Tôn bị giam tại Trại giam B14 ở Hà Nội, cách gia đình ông 220 km -tương đương với thời gian đi 6 giờ bằng xe bus. Mặc dù điều tra đã kết thúc vào tháng 12 năm 2017, chính quyền vẫn chưa công bố ngày xử.

Vào đầu tháng Hai, vợ và một trong những người con trai của ông được phép thăm ông lần đầu tiên kể từ khi ông bị bắt. Dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên an ninh, Nguyễn Trung Tôn không thể chia sẻ những điều kiện mà ông đang bị giam giữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là trong thời gian bị phạt tù từ năm 2011 đến năm 2013, ông Nguyễn Trung Tôn đã bị ngược đãi với hậu quả là sức khoẻ của ông bị giảm sút nghiêm trọng. Các điều kiện trong nhà tù nơi ông bị giam giữ – như thiếu ánh sáng dẫn đến nhiều vấn đề về da, thiếu thức ăn, phẩm cấp nước kém, đã có tác động xấu đến sức khoẻ của ông. Trong lần giam cầm đầu tiên, Nguyễn Trung Tôn đã có các vấn đề về mắt và sỏi thận, những bệnh cần được điều trị đúng cách. Nhưng trong chuyến thăm, gia đình ông không được phép chuyển cho ông những loại thuốc mà ông cần. Theo vợ ông, mục sư cũng bị chấn thương chân trong một cuộc tấn công tàn bạo vào tháng Hai năm 2017.

ACAT-Pháp vô cùng quan ngại vì tình trạng sức khoẻ của mục sư Tôn đang suy giảm một cách nghiêm trọng và lo ngại rằng ông có nguy cơ bị ngược đãi và tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Tổ chức này kêu gọi Việt Nam phóng thích ông ngay lập tức vì tin rằng việc chính quyền bắt giữ ông chỉ vì ông đã hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền một cách ôn hoà.

Chiến dịch đàn áp chưa từng có đối với xã hội dân sự

Việc bắt giữ Nguyễn Trung Tôn là một phần của cuộc đàn áp khốc liệt mà chính phủ Việt Nam đang tiến hành nhằm chống lại tiếng nói độc lập và quan trọng. Năm 2017, khoảng ba mươi nhà hoạt động nhân quyền và blogger đã bị bắt, giam giữ hoặc buộc phải rời khỏi đất nước, như Đặng Xuân Diệu và giáo sư Phạm Minh Hoàng. Nhiều nhà hoạt động khác đã bị kết án với những bản án nặng nề trong năm 2017 như trường hợp của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳ, hay còn gọi là Mẹ Nấm.

Nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng các Điều 79 và 88 của Bộ luật Hình sự để buộc tội các nhà hoạt động và blogger, những người thực hiện các quyền dân sự và chính trị của họ một cách ôn hòa. Nhiều tổ chức nhân quyền đã chỉ trích việc chính phủ Việt Nam sử dụng những điều luật mơ hồ làm công cụ để đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền bất đồng chính kiến.

Điều kiện trong nhà tù

Điều kiện trong nhà tù và trại tạm giam ở Việt Nam cực kỳ nghèo nàn và người tù/người bị tạm giam có thể bị đối xử một cách vô nhân đạo và thậm chí bị tra tấn.

Trong thời gian giam giữ trước khi xét xử (một thời gian có thể kéo dài vài tháng và được gia hạn nhiều lần, như trường hợp của luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài), tra tấn và ngược đãi thường được sử dụng để buộc người bị giam giữ nhận tội.

Người bị tạm giam và người thụ án tù thường thiếu lương thực và dinh dưỡng và gia đình của họ phải tiếp tế đồ ăn hoặc gửi tiền cho họ để họ có thể mua thêm thức ăn trong canteen của nhà tù. Tuy nhiên, các tù nhân không được phép nhận thuốc men trong khi nhà tù từ chối cung cấp điều trị y tế cho các tù nhân chính trị.

Nguồn: Human rights defender could face torture and ill-treament in pre-trial detention