Bình Định: dân và Chính quyền không đồng thuận về một dự án

Việt Nam Thời báo, ngày 23/4/2018
Mặc dù chính quyền tỉnh cố gắng giải thích đây là dự án xây dựng điện gió nhưng hàng trăm người dân ở các xã Mỹ Thọ, Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định không tin vì cho đây là dự án khai thác đất đen (titan) sẽ dẫn đến việc hủy hoại môi trường sống nên liên tiếp ba ngày từ ngày 18-20/04/2018, đã tập trung phản đối gay gắt, sẵn sàng đụng độ với các lực lượng chức năng của chính quyền…
Hàng trăm người dân xã Mỹ An, Mỹ Thọ phản đối dự án được cho là khai thác đất đen (trái) và cảnh sát cơ động cùng lực lượng chính quyền Bình Định tiến hành trấn áp. Ảnh: Facebook Trần Đình Giang

Theo báo đài nhà nước Việt Nam cũng như qua sự tìm hiểu của Việt Nam Thời Báo thì được biết, sự việc bắt đầu vào năm 2017, chính quyền tỉnh Bình Định đã có văn bản chấp thuận cho Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió tại các xã Mỹ An, Mỹ Thắng và Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Ngày 18/04/2018 vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Vietracimex thuê Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo và Môi trường Việt Nam tập kết phương tiện để lắp đặt cột quan trắc, khảo sát về độ gió thì ngay lập tức hàng trăm người dân ở các xã Mỹ Thọ, Mỹ An tập trung phản đối. Theo chia sẻ của người dân, người dân lo lắng việc thi công này chủ yếu là nhằm mục đích phá rừng phòng hộ để khai thác đất đen, điều này sẽ dẫn đến việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Một người dân tên T biết vụ việc phản đối của bà con nên chia sẻ với Việt Nam Thời Báo:

“Đúng chính xác là khai thác đất đen. Ở khu vực này việc khai thác có từ lâu rồi nhưng bây giờ do khai thác đi sâu vào trong nên người dân mới không chịu.”

Theo ông T, việc chính quyền tỉnh Bình Định để cho các doanh nghiệp khai thác đất đen trên địa bàn tỉnh đã có từ lâu, thậm chí có nơi sau khi khai thác hết đất đen thì doanh nghiệp di chuyển đi khai thác nơi khác. Thông qua các phương tiện truyền thông, thấy được tác hại của việc khai thác đất đen đã ảnh hưởng xấu nghiêm trọng đến cuộc sống người dân ở những vùng lân cận nên người dân ở các xã Mỹ Thọ, Mỹ An phải chủ động tự bảo vệ cho cuộc sống của mình. Ông T nói:

“Vụ khai thác đất đen này theo tôi biết là có từ lâu rồi, họ khai thác ở các vùng khác đã hết đất đen rồi giờ chuyển sang khai thác cận người dân. Cho nên khi người dân phát hiện thì môi trường sống bị ô nhiễm, bị xâm nhập…”.

Người dân cho biết, trước đây họ cũng từng phản đối những doanh nghiệp bằng hình thức công khai hoặc lén lút đã đến địa phương khai thác đất đen và người dân đã chủ động phản đối ngay từ đầu nên thành công.

“Thông tin nói xây dựng điện gió là thông tin trái ngược, khu vực này không thể làm điện gió được bởi vì làm điện gió phải dựa vào địa hình phủ hợp mới làm điện gió…không đúng. Nó khai thác đất đen là đúng nhất, việc khai thác này ở Bình Định bị ảnh hưởng rất nặng.”- Lời của ông T.

Căng thẳng kéo dài từ ngày 18-20/04/2018, hàng trăm người dân ở xã Mỹ Thọ, Mỹ An có lúc đụng độ trực diện với lực lượng các cấp chính quyền Bình Định chiếm số đông là lực lượng Cảnh sát Cơ động. Đại diện chính quyền Bình Định cho rằng người dân đã manh động, chống người thi hành công vụ khi tập trung đông người tại trụ sở Ủy ban Mỹ Thọ, giam lỏng 5 cán bộ thị hành công vụ gồm Bí thư, Chủ tịch xã Mỹ Thọ và 3 cảnh sát cơ động đặng đưa yêu cầu thả 18 người dân bị bắt, không được khai thác đất đen. Đại diện chính quyền Bình Định cho đây là dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực sử dụng nguồn năng lượng sạch để sản xuất điện tại tỉnh Bình Định, người dân chưa hiểu rõ giá trị và lợi ích từ dự án này. Trong khi đó, người dân cho rằng phản đối dự án là cách bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng phòng hộ, đồng thời tố cáo lực lượng chính quyền đã ra tay bắt người và đánh người kể cả học sinh. Trước áp lực của hàng trăm người dân xã Mỹ Thọ và Mỹ An, cho đến 23h ngày 20/04/2018 chính quyền tỉnh Bình Định buộc phải thả 18 người dân bị bắt giữ để giảm nhiệt căng thẳng. 

Việt Nam Thời Báo được số người dân chia sẻ, nhiều người dân bị bắt trước mắt đã bị phía chính quyền lập biên bản hành chính, còn về sau có trường hợp nào bị xử lý hình sự hay chưa thì chưa rõ. 

“Ước chừng khoảng mấy trăm người, số người bị bắt là khoảng hơn 10 người và học sinh bị đánh, có một học sinh bị đánh thương tích nơi tay điều này là rõ ràng rồi mà…”- Lời của ông T.

Căng thẳng bước sang ngày 21/04 thì kết thúc, một số nhà quan sát liên tưởng vụ việc có khi bị đẩy lên cao trào tương tự như khủng hoảng Đồng Tâm ở Mỹ Đức, Hà Nội vào tháng 04/2017.

Việt Nam Thời Báo cũng nhận một số ít chia sẻ rằng, vào thời điểm căng thẳng diễn ra một số báo phóng viên, nhà báo đã đến phỏng vấn người dân Mỹ An và Mỹ Thọ, người dân nghiêm túc trả lời phỏng vấn đầy đủ ý nguyện nhưng sau đó theo dõi qua một số báo đài người dân thấy ý nguyện của mình không được đăng tải trọn vẹn. Vì vậy, khi chia sẻ với Việt Nam Thời Báo một số người dân cho biết là tạm thời hạn chế trả lời phỏng vấn báo đài.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban huyện Phù Mỹ nói với báo đài nhà nước Việt Nam rằng:

“Chúng tôi đã có nhiều văn bản, tổ chức họp dân tuyên truyền trước khi làm và công khai hết. Chúng tôi cũng trực tiếp đến gặp dân và thông báo xây dựng trụ đo gió này không liên quan gì đến vấn đề khai thác titan (đất đen). Nếu xảy ra việc lợi dụng việc này để khai thác titan thì tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và bà con nhân dân”.

Bình Định là một trong bốn tỉnh có trữ lượng đất đen cao nhất nước, ước chừng khoảng 2,5 triệu tấn, tập trung hầu hết ở các xã ven biển của hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Bình Định đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp khai thác, có phần yếu kém trong khâu quản lý dẫn đến việc khai thác ồ ạt, rừng bị tàn phá, nguồn nước khô cạn và ô nhiễm, bệnh tật, nhiều vùng quê trù phú trở nên xơ xác, tiêu điều và bệnh tật.

“Nó có từ lâu rồi, nghĩa là nó gây ô nhiễm nguồn nước sinh sống của người dân. Người dân phát hiện những vùng khai thác trước đây bị ô nhiễm hết nên bây giờ người dân họ không cho…”. Ông T nói.

Xin được nói thêm, vào ngày 26/2 và ngày 16/3/2018, hàng trăm người dân xã Mỹ An đã kéo ra chặn quốc lộ 1A để phản đối việc chính quyền huyện Phù Mỹ cấp phép cho một doanh nghiệp chế biến hải sản thuê đất vì lo lắng khi doanh nghiệp đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường./.