Tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng tồi tệ

d525bcce-1225-419a-9d10-bb8b1c8141b4

Một người dân đang đọc báo đưa thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội vào ngày 05 Tháng 10 năm 2013.

RFA, 24-04-2018

Trong nhiều năm, Việt Nam liên tục đứng trong hàng ngũ cuối cùng trên thế giới về tự do báo chí.

Vượt tường lửa, đọc báo lề trái

Năm ngoái, tổ chức Freedom House công bố phúc trình thường niên cho thấy Việt Nam đứng thứ 177 trong tổng số 198 quốc gia trên toàn cầu về tự do báo chí. Như thông lệ, sơ đồ tự do báo chí thế giới của Freedom House sử dụng màu xanh lục cho nhóm những nước có tự do, màu vàng cho những nước phần nào được tự do và màu tím là những quốc gia không có tự do. Và Việt Nam thuộc nhóm màu tím, tức nhóm các nước không có tự do báo chí so với thế giới cũng như trong khu vực.

Riêng trong khu vực 40 nước Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam chỉ hơn 3 quốc gia là Lào, Trung Quốc và Bắc Hàn.

Suốt một năm qua, tình trạng tự do báo chí ở VN vẫn được các nhà báo độc lập nói là không tiến bộ, và thậm chí là ngày càng tồi tệ. Trong khi đó, Nhà nước luôn tuyên truyền rằng họ tôn trọng và đảm bảo quyền tự do báo chí của người dân.

Anh Viễn, một người dân ở Hà Nội, cho RFA biết anh luôn phải tìm đọc, nghe các trang báo chí tiếng Việt ở nước ngoài:

“Một bên là tuyên truyền một chiều mà. Ví dụ như trong cuộc chiến Mỹ công kích Syria, mình đọc mình thấy nghi ngờ ngay cách nói của đài truyền hình Syria và VN trích nguyên văn lại. Rồi những anh chị phóng viên đài truyền hình VN tại Mỹ, châu Âu, Nga,… nói thì mình thấy ngay có vấn đề nên phải xem lại các thông tin khác để đối chiếu từ VOA, RFA, BBC, CNN không có tiếng Việt nhưng đôi khi cũng hiểu một chút.”

Sống trong lòng chế độ mình biết rõ mà, chỉ tuyên truyền một chiều có lợi cho Đảng thôi, và thậm chí có lợi cho phe đồng minh, phía độc tài và nắm giữ quyền lực độc đảng.

Người dân này cũng cho biết truyền thông trong nước cũng đưa tin khá khách quan về những vụ việc hình sự như cướp bóc, các vụ giết người, tai nạn giao thông, hay lên án các hành vi đạo đức. Tuy nhiên, những chủ đề liên quan đến quản lý Nhà nước, Đảng, hay Chính phủ thường bị né tránh và bị coi là những vấn đề “nhạy cảm”. Anh nói thêm:

“Tôi thấy việc đưa tin của chế độ rất một chiều và như người ta nói, có tay chỉ điểm chuyên lèo lái dư luận, là ban tuyên giáo đó! Và quả thật họ cũng rất hiệu quả trong việc định hướng dư luận.”


Hội Nhà báo Độc lập không được tự do sinh hoạt ở Việt Nam mà gần như tất cả mọi sinh hoạt của hội đều bị công an ngăn cản, bao vây, phong tỏa.
– Nhà báo Phạm Chí Dũng

Kiểm duyệt, định hướng

Báo chí ở Việt Nam được nói là phải chịu sự kiểm duyệt rất khắt khe từ Ban Tuyên giáo. Cũng chính vì sự kiểm duyệt và định hướng này, nhiều nhà báo đã từ bỏ hệ thống báo chí quốc gia, trở thành những cây bút độc lập để tự do lên tiếng mọi vấn đề trong xã hội.

Một trong số những nhà báo này là blogger Trương Duy Nhất. Ông từng làm cho báo Công an Đà Nẵng trước khi trở thành một blogger độc lập. Từ những kinh nghiệm làm việc cho báo chí trong nước, ông Trương Duy Nhất chia sẻ:

“Nếu có sự tự do, thoải mái thì tôi đã không từ bỏ vai trò báo chí Nhà nước để trở thành một nhà báo tự do, làm một trang web cá nhân và bị đi tù 2 năm. Về mặt nguyên tắc thì vẫn nói là báo chí không bị kiểm soát. Nhưng thực tế họ bị kiểm soát rất nhiều tầng lớp. Thứ nhất là ông Tổng Biên tập, trên đó còn có cơ quan chủ quản. Về mặt quản lý Nhà nước lại còn có Bộ Thông tin Truyền thông. Ngoài Bộ này ra lại còn Ban Tuyên giáo Trung ương. Rồi ví dụ bên Công an lại có quản lý của ngành công an nữa, gọi là an ninh tư tưởng.”

Vì lý do này mà ông Trương Duy Nhất cho biết ông không được phép nói lên những vấn đề gai góc của cuộc sống vì bị cho là “nhạy cảm”.

Ông cũng cho rằng Việt Nam hiện tại có đến hơn 800 đầu báo nhưng nội dung đều giống nhau vì cùng một khuôn chỉ đạo từ cấp trên.

Vấn đề mất tự do ngay trong nội bộ báo Đảng cũng được ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập nhắc đến:

“Không thích vấn đề gì là ngay lập tức ban hành văn bản và cấm không cho nói. Đặc biệt là không cho tìm hiểu, bàn tán về vấn đề Trịnh Xuân Thanh. Hay quy định 102, không cho nói là vấn đề xã hội dân sự, tam quyền phân lập hay đa nguyên đa đảng.”

Ông Trịnh Xuân Thanh từng là một quan chức ngành dầu khí, có dính líu đến một số đại án tham nhũng. Ông Thanh đã chạy trốn sang Đức xin tị nạn nhưng sau đó VN nói rằng ông này tự về nước đầu thú. Trong khi đó, phía Đức tố cáo họ có đủ bằng chứng cho thấy Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh trên lãnh thổ quốc gia họ vào tháng 7 năm ngoái. Kể từ đó đến nay không thấy báo chí Việt Nam đưa bất cứ tin tức gì về vụ bắt cóc này, mặc dù vừa qua Đức đã đưa một nghi can trong vụ án này ra xét xử.

Những vấn đề như nhân quyền, xã hội dân sự hay tam quyền phân lập gần như không bao giờ được nhắc đến trên mặt báo lề phải. Có chăng là những bài báo về các nhà hoạt động bị bắt vì muốn xây dựng những điều này.

Nhận xét về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam trong năm vừa qua, ông Phạm Chí Dũng cho biết tình hình ngày càng tồi tệ, được minh họa bằng số nhà báo, blogger, nhà hoạt động nhân quyền bị bắt. Một báo cáo của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo CPJ năm 2017 cho thấy Việt Nam đang giam giữ ít nhất 10 nhà báo, nằm trong danh sách sáu nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch năm 2018 cho biết có hơn 100 nhà hoạt động, blogger đang bị cầm tù ở VN.

Ngăn cấm hội Nhà báo Độc lập

Trong số những tiếng nói bất đồng bị chính quyền bỏ tù năm 2017, có nhiều người là những blogger, cũng cây bút độc lập có tiếng vang trong xã hội. Điển hình như mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Cô là một blogger chuyên lên tiếng về thảm họa biển Formosa ở miền Trung nhưng đã bị kết án 10 năm tù giam. Ngoài ra phóng viên, blogger Nguyễn Văn Hóa cũng chịu án 7 năm tù.

Sống trong lòng chế độ mình biết rõ mà, chỉ tuyên truyền một chiều có lợi cho Đảng thôi
– Người dân

Riêng trường hợp Hội Nhà báo Độc lập do ông Phạm Chí Dũng đứng đầu bị gây khó dễ cũng là một ví dụ điển hình về tình trạng thiếu tự do báo chí ở Việt Nam:

“Trang web Việt Nam Thời báo có lẽ là trang bị Bộ Công an dùng tường lửa để ngăn chặn nhiều nhất nên ảnh hưởng khá nhiều đến việc độc giả truy cập. Hội Nhà báo Độc lập không được tự do sinh hoạt ở Việt Nam mà gần như tất cả mọi sinh hoạt của hội đều bị công an ngăn cản, bao vây, phong tỏa.”

Bản thân ông Dũng bị thương nặng trong một vụ tai nạn giao thông vào cuối năm ngoái mà nhiều ý kiến cho rằng có sự dàn xếp trả thù.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã lên tiếng về tình trạng hành hung các nhà hoạt động, nhà báo độc lập ở VN. Theo đó thì chỉ riêng năm 2016 xảy ra hơn 20 vụ hành hung với hơn 50 nạn nhân. Tổ chức này nêu rõ dường như có sự cho phép và chỉ đạo của chính quyền trong những vụ này.

Ngoài ra, các nhà nhà báo độc lập, các bloggers còn nói rằng gần đây chính quyền tăng cường phối hợp với Facebook để gỡ bỏ những bài viết của họ, thậm chí là khóa cả trang Facebook cá nhân – một phương tiện chính giúp lan tỏa tiếng nói của họ. Chính phủ VN cũng thông báo đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết, video họ cho là “độc hại” trong thời gian qua.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 25 rằng công dân có tự do báo chí, tiếp cận thông tin, nhưng lại nói thêm là các quyền này phải do pháp luật Việt Nam quy định.