Một vành đai, một con đường: nhiều rủi ro cho các quốc gia láng giềng?

One-Belt-One-Road
Shin Kawashima, The Diplomat, ngày 24/4/2018
(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)
Vào tháng 3 năm 2018, Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức nghiên cứu Hoa Kỳ có trụ sở ở Washington, đã công bố một báo cáo rất đáng quan tâm. Báo cáo cho rằng Trung Quốc đang tạo ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với nền tài chính của một số quốc gia do các hoạt động viện trợ và cho vay quá mức từ Bắc Kinh. Báo cáo liệt kê bảy quốc gia cụ thể có tình hình tài chính đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng: Mông Cổ, Lào, Kyrgyzstan, Tajikistan, Maldives, Djibouti và Montenegro.

Khi các nước tiên tiến đưa ra các khoản vay hoặc các hình thức viện trợ khác, họ thường áp đặt một giới hạn. Điều này ngăn cản họ cho vay quá nhiều tiền. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cũng không phải là thành viên của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển, một tổ chức thuộc OECD quy định chính sách viện trợ. Điều này có thể mang lại nhiều vấn đề cho khách hàng vay. Nếu một quốc gia vay mượn đến mức sức khỏe tài chính của nó có nguy cơ, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Nó sẽ trả nợ như thế nào? Quốc gia ngập trong nợ nần có thể bị buộc phải thế chấp hải cảng, hầm mỏ hoặc cơ sở hạ tầng khác như một cách trả nợ.

Chính sách Một vành đai-Một con đường (One Belt, One Road – OBOR) của Trung Quốc nhằm mục đích đầu tư một khoản tiền lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực giữa hai con đường tơ lụa, trong một nỗ lực để kết hợp chúng lại với nhau và tạo ra một khu vực tiêu thụ hàng hoá của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này vượt ra ngoài hoạt động kinh tế đơn thuần, và có cả việc thiết lập một loạt các quy tắc, từ trao đổi văn hóa đến di dân.

Sáng kiến Một vành đai, một con đường. Ảnh: The Dialogue

Nhìn từ quan điểm của các quốc gia tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, hỗ trợ từ Bắc Kinh hấp dẫn hơn hỗ trợ từ các nước tiên tiến khác. Trong lịch sử, sự hỗ trợ từ các nước tiên tiến đi kèm với yêu cầu cải cách trong nhiều lĩnh vực như dân chủ hóa và nhân quyền. Hỗ trợ từ các nước tiên tiến được thực hiện với nhiều thủ tục phức tạp và tốn thời gian, và điều quan trọng nhất là mức hỗ trợ không được nhiều. Khuôn khổ hợp tác Nam-Nam được khởi xướng bởi Trung Quốc cũng rất hấp dẫn. Tuy nhiên, OBOR của Trung Quốc không nên được xem xét hoàn toàn từ quan điểm của Trung Quốc. Các nước đối tác của kế hoạch này đã chọn Trung Quốc, điều này sẽ thúc đẩy sự thống trị của Bắc Kinh. Điều này mang lại lợi nhuận cho cả hai bên. Tuy nhiên, sự hợp tác này cần phải có lòng tin, và đó là thách thức đầu tiên của Trung Quốc.

Trong bối cảnh mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia này, bạn có thể lập luận rằng nếu nước kia đã đồng ý, thì vấn đề là gì? Tuy nhiên, để tìm một ví dụ trong lịch sử gần đây của một quốc gia đã bị khốn đốn vì nợ nước ngoài nhiều, và phải lấy lợi ích quốc gia làm tài sản thế chấp, chính là Trung Quốc. Hành động hiện tại của Bắc Kinh có hiệu quả giống như những hành động mà các cường quốc phương Tây đã làm đối với Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ XX. Các quốc gia tiếp nhận mức vay quá mức từ Trung Quốc cần phải cẩn thận để tránh đi theo con đường tương tự trong nỗ lực hiện đại hóa. Đó là thách thức thứ hai.

Thách thức thứ ba là liệu Trung Quốc có sử dụng các hình thức hợp tác kinh tế, văn hóa và các hình thức hợp tác khác theo OBOR để đảm bảo an ninh quân sự của mình hay không. Cơ sở hạ tầng đang được xây dựng bởi Trung Quốc, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và cảng, sẽ không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong khu vực, nó cũng sẽ giúp cải thiện khả năng kết nối khu vực Á – Âu (Eurasia). Đồng thời, các cơ sở hạ tầng đó sẽ mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc, giúp Bắc Kinh đảm bảo sự liên lạc và chuyển quân của quân đội tốt hơn.

Chắc chắn, Trung Quốc hiện không trực tiếp sử dụng các cơ sở hạ tầng này với mục đích quân sự, và căn cứ của Bắc Kinh tại Djibouti và các cơ sở khác đang được sử dụng cho việc chống cướp biển ngoài khơi Somalia và các hoạt động gìn giữ hòa bình tại nhiều khu vực như Nam Sudan . Tuy nhiên, xét về khả năng, căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti có khả năng hoàn thành vai trò vượt xa việc gìn giữ hoà bình và trấn áp cướp biển, và các cơ sở hạ tầng như hải cảng, đường sắt và truyền thông có thể được sử dụng không chỉ cho mục đích kinh tế mà còn cho mục đích quân sự. Trong các trường hợp liên quan đến việc tăng cường khả năng này, các nghi ngờ sẽ được đặt ra bởi các nước đó nếu Trung Quốc không duy trì một mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình nào đó và giải thích ý định của nó. Và nếu Bắc Kinh cung cấp các khoản vay vượt quá khả năng trả nợ của nước được vay, Trung Quốc sẽ mua lại quyền kiểm soát tại các cảng và các nước láng giềng hiểu rằng Bắc Kinh đang tận dụng khả năng này và quyền lực kinh tế của mình để có được những quyền kiểm soát đó. Những quốc gia ở phía Trung Quốc không có nghi ngờ gì về âm mưu của Bắc Kinh, nhưng họ nên xem xét các quan điểm của các nước láng giềng.

Đây chỉ là ba trong số nhiều thách thức. Hiện tại, những người hàng xóm của Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát xem quốc gia khổng lồ này đang làm gì. Để tiếp tục con đường của mối quan hệ hai bên cùng thắng, quan hệ đối tác, “vòng kết nối bạn bè” và chia sẻ chung số phận, Trung Quốc sẽ cần phải xây dựng niềm tin với các nước khác, củng cố bởi kết quả mang lại lợi ích thực sự cho cả hai bên.

 

Tác giả Shin Kawashima là một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo.

Nguồn: The Diplomat