Hành động khẩn cấp: Sức khoẻ của tù nhân lương tâm Trần Anh Kim suy sụp trầm trọng

3

Ông Trần Anh Kim (phải) và người đồng chí hướng Lê Thanh Tùng trong phiên toà tháng 12/2016

Ân xá Quốc tế, ngày 16/5/2018

(Bản dịch của Người Bảo vệ Nhân quyền)

 

ÔngTrần Anh Kim bị kết tội và bị kết án 13 năm tù vì “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào năm 2016. Ở độ tuổi 69, sức khỏe của ông đang xấu đi và theo vợ ông, “ông có thể không sống sót được sau án tù giam lâu năm của mình” vì cơ quan chức năng không cung cấp điều trị y tế thích hợp. Tù nhân lương tâm Trần Anh Kim phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.

Trần Anh Kim bắt đầu ủng hộ cho nền dân chủ ở Việt Nam vào đầu những năm 2000 khi ông gia nhập một đảng chính trị không đăng ký và một nhóm chính trị khác. Vào tháng 12 năm 2009, nhà chức tráchViệt Nam bắt giam và kết án ông năm năm tù vì các hoạt động chính trị ôn hòa của ông. Ông được trả tự do vào tháng 1 năm 2015. Vào tháng 9 năm 2015, chính quyền một lần nữa bắt giữ ông, chỉ chín tháng sau khi ông mãn hạn tù. Trong thời gian 14 tháng bị giam giữ trước khi xét xử, ông bị giam giữ mà không được liên lạc với gia đình. Tháng 12 năm 2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết tội ông với mức án 13 năm tù giam và bốn năm quản chế tại gia với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

Sau khi gặp chồng vào ngày 01/05/2018, bà Nguyễn Thị Thơm nói với tổ chức Ân xá Quốc tế rằng ôngTrần Anh Kim đang gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ như huyết áp cao và viêm tuyến tiền liệt mà ông đã được phẫu thuật vào năm 2017 nhưng không được cải thiện.

Vợ ông cũng nói rằng hiện ông hay bị những cơn đau đầu hành hạ trong khi ông đã mất hầu như tất cả thị lực và mất hầu hết hàm răng khiến ông khó khăn khi ăn. Nhà chức trách trại giam đã không cho phép ông đến bệnh viện để cấy ghép răng và từ chối không cho ông tiếp cận điều trị y tế đầy đủ mặc dù ôngvà gia đình yêu cầu nhiều lần.

Vui lòng viết ngay bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay ngôn ngữ của bạn, kêu gọi chính quyền Việt Nam:

  1. Trả tự do cho ông Trần Anh Kim ngay lập tức và vô điều kiện vì ông là tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì đã thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt chính kiên, hội họp và lập hội của mình;
  2. Đảm bảo rằng trong thời gian chờ được trả tự do, ông Trần Anh Kim được bảo vệ khỏi bị tra tấn và đối xử tệ bạc, bao gồm cả việc từ chối điều trị y tế có chủ ý;
  3. Cung cấp ngay điều trị y tế đầy đủ cho ôngTrần Anh Kim theo các Quytắc Tiêu chuẩn tối thiểu trong đối xử với tù nhân (Quy tắc Mandela).

Xin vui lòng gửi kiến nghị của quý vị trước ngày 27/6/2018 tới:

Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Số 2 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Fax: +844 437 335 256

Email: webmaster@president.gov.vn

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

44 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam

Fax: +844 38231872

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Số 1, Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Email: nguoiphatngonchinhphu@chinhphu.vn

Quý vị có thể gửi bản sao cho các đại diện ngoại giao được công nhận tại quốc gia của bạn.

Vui lòng kiểm tra với văn phòng của quý vị nếu kháng nghị đượcgửi sau ngày trên.

 

Thông tin bổ sung

Ông Trần Anh Kim là một cựu chiến binh; ông đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Ông phục vụ trong quân đội khoảng 30 năm, và đã từng bị thương. Năm 1991,trong khi phục vụ trong quân đội với hàm trung tá, ông đã bị bắt với cáo buộc “lợi dụng chức vụ nhằm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” mà ông phủ nhận. Ông bị kết án bởi một tòa án quân sự với mức án 24 tháng tù và được trả tự do vào đầu tháng 9 năm 1995. Trần Anh Kim bị bắt lần thứ hai vào năm 2009 vì đã tham gia một đảng chính trị không được đăng ký với tên gọi Đảng Dân chủ Việt Nam và một nhóm chính trị mang tên Khối 8406, cả hai đều có mục đích thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam.

Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình kết án ông năm năm sáu tháng

tù với ba năm quản thúc tại gia. Tổ chức Ân xá Quốc tế coi ông là tù nhân lương tâm. Vào tháng 1 năm 2015, ông Trần Anh Kim đã mãn hạn tù và được trả tự do. Ông tiếp tục hoạt động của mình bằng cách dự định thành lập tổ chức Quân nhân dựng cờ dân chủ, với các thành viên là cựu quân nhân từ miền Bắc và miền Nam để đấu tranh cổ suý dân chủ và chống tham nhũng. Do hoạt động này, chính quyền đã bắt giữ ông vào tháng 9 năm 2015.

Tháng 12/2016, ông đã bị xét xử, bị kết án theo tộidanh “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của BLHS 1999 và bị kết án 13 năm tù giam và bốn năm quản chế.

Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ của Trần Anh Kim, nói với Ân xá Quốc tế rằng bà gặp nhiều khó khăn trong việc thăm nuôi chồng vì Bộ Công an đã chuyển ông vào Trại giam số 5 cách nhà hơn 200 km.

Theo bà Nguyễn Thị Thơm, trong các chuyến thăm của bà, quản giáo liên tục theo dõi bà và chồng bà, “có khoảng 5 đến 6 cảnh sát trong phòng theo dõi cuộc trò chuyện.” Nguyễn Thị Thơm nói chồng mình bị giam giữ trong “khối tù nhân chính trị,” được phép rời khỏi phòng giam ra ngoài trời với ánh sáng tự nhiên trong vài giờ một ngày nhưng lính canh vẫn theo dõi chặt chẽ mọi cử động của ông, và ông không được giao tiếp với các tù nhân bên ngoài khối của mình.

“Thức ăn không đủ và ông ấy không thể ăn vì có rất ít răng còn lại trong miệng,” bà Nguyễn Thị Thơm cho biết.

Trần Anh Kim là một trong 97 tù nhân lương tâm ở Việt Nam trong danh sách được Ân xá Quốc tế công bố vào tháng 4 năm 2018.

Việt Nam là một trong những trại tù lớn nhất đối với những người hoạt động ôn hoà Đông Nam Á, nơi điều kiện nhà tù khắc nghiệt, đặc biệt đối với tù nhân chính trị.

Tra tấn và đối xử tồi tệ, bao gồm biệt giam trong thời gian dài, giam trong phòng riêng, đánh đập và từ chối điều trị y tế, bị cấm hoàn toàn theo luật pháp quốc tế nhưng vẫn được thực hành phổ biến bởi chính quyền Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia thành viên của Công ước ChốngTra tấn và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).Tuy nhiên, điều kiện trong nhà tù ở Việt Nam rất khắc nghiệt, thiếu thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và các điều kiện tối thiểu khác quy định trong Quy tắc Tiêu chuẩn tối thiểu trong đối xử với tù nhân (Quy tắc Mandela) của Liên Hợp quốc và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Các tù nhân lương tâm thường bị giam cầm đơn độc như một hình phạt trong một thời gian dài. Một số cựu tù nhân nói rằng điều này giống như “nhà tù trong tù.” Một số tù nhân lương tâm thường xuyên bị chuyển từ trại giam này sang cơ sở giam giữ khác mà thường không báo cho gia đình của họ.